Đừng thành bùn lầy

shared from fb Lý Xuân Hải,
-----
Photo by Martin Sanchez on Unsplash.

TP Hồ Chí Minh quyết định nâng cấp giãn cách xã hội lên mức mới mà dân gian gọi là 16+. Tình hình vẫn còn căng, đỉnh dịch chưa thấy rõ.

Những biện pháp giãn cách khá gắt gao và chưa biết kết quả thế nào. Lo lắng và hy vọng. Có mấy suy nghĩ luẩn quẩn trong đầu.

1. Đừng thành bùn lầy!

Bùn không là đất, chả là nước. Là đất có thể chạy trên đó, là nước có thể bơi trong đó… và sống sót. Rơi vào hố bùn lầy không chỗ bấu víu, không bơi không chạy được, cứ thế dần tuyệt vọng chết chìm trong thứ nửa đất nửa nước ấy!

Trong chuyện thực thi chiến lược tạo miễn dịch cộng đồng với Covid tôi cũng hình dung tương tự như vậy.

Trên thế giới có 2 và chỉ 2 chiến lược: một là để diễn ra miễn dịch thụ động như Thụy Điển, Ấn Độ… nguồn lực tập trung bảo vệ người nguy cơ cao và để kinh tế duy trì phát triển, hai là hy sinh một phần kinh tế ngắn hạn tập trung nguồn lực cách ly tuyệt đối chờ vaccine tạo miễn dịch chủ động như Trung Quốc, Israel, Mỹ (về sau) và một số nước làm. Chọn cách nào, cách nào hay… là vấn đề chuyên môn tôi không đủ kiến thức dịch tễ để tranh luận. Dù cá nhân tôi thích cách 2.

Tôi cũng cảm nhận được: sự lựa chọn đã khó, triển khai là vô cùng khó khăn và thay đổi cách làm còn khó khăn hơn nữa trong bối cảnh mới. Cách nào cũng đầy hy sinh và cam go. Nhưng tôi cũng biết chắc: đã chọn hay thay chiến lược, muốn thành công, thì phải triển khai nhất quán và đồng bộ, chỉ đạo phải quyết liệt, thực hiện phải triệt để và tính tuân thủ phải cao. Chỉ khi ấy mới đánh giá được thực chất tác dụng chính sách, chứ nửa vời vừa tốn kém vừa không hiệu quả.

Nếu sự nhất quán và quyết liệt trong chỉ đạo, tính đồng bộ và triệt để trong thực thi… là điều kiện cần thì ý thức tuân thủ là điều kiện đủ để thành công trong chống khủng hoảng. Thiếu 1 trong 2 thì mọi chiến lược đều thành “bùn lầy”.

Với chiến lược hôm nay của Việt Nam trong bối cảnh dịch ngày càng lan, F0 ngày một nhiều, mỗi ngày mỗi giờ có thể trở thành bắt đầu của thảm họa, cần quyết nhanh và không có quá nhiều thời gian để suy nghĩ (kiểu Zeitnot trong đấu cờ)… cần sớm xác định đường lây lan để chặn. Nếu vì tuân thủ 5K kém, cần thiết có khi phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đưa quân đội vào cùng lực lượng công an siết chặt kỷ luật những người kém tuân thủ. Làm gì mà nửa vời như bùn lầy - chết chắc!

2. Câu chữ và tinh thần của văn bản

Nói đến kỷ luật không phải tôi chỉ nói đến dân thiếu ý thức hay người quản lý thiếu trách nhiệm, dù những người như vậy có. Không! Mọi người phần lớn ai cũng nhận thức được nguy hiểm và cố gắng làm tốt nhất theo nhận thức của mình. Căn nguyên thiếu kỷ luật đôi khi ở chỗ khác: nhận thức, cách hiểu mỗi người khác nhau với một chính sách.

Mọi văn bản đều có 2 phần: câu chữ và tinh thần. Tinh thần của văn bản là thông điệp muốn truyền đạt và câu chữ là sự thể hiện thông điệp đó. Nếu giữa câu chữ và tinh thần mà có khoảng cách sẽ tạo cách hiểu không thống nhất, dẫn đến hành động khác nhau và xảy ra mâu thuẫn không đáng có. Nhiều người vi phạm một cách bất đắc dĩ, hoặc buộc phải vi phạm vì cách hiểu theo kiểu của mình. Nhiều quan chức nhà nước căn cứ câu chữ hành xử theo cách mà người ban hành, vốn hiểu tinh thần văn bản, lắc đầu ngao ngán.

Do vậy cần thu hẹp nhất có thể sự khác biệt giữa câu chữ và tinh thần các văn bản chỉ đạo. Làm sao các khái niệm cần được định nghĩa rõ và ai đọc cũng hiểu như nhau. Tất nhiên mọi câu chữ hay thế nào cũng không thể hiện hết tinh thần. 99% là lý tưởng rồi.

Theo tôi một văn bản trước khi ban hành cứ phát cho 100 người đủ vị trí xã hội, đủ trình độ, đủ lứa tuổi đọc thử. Nếu 99 người hiểu giống nhau và đúng tinh thần thông điệp người ban hành là đạt. Không cầu toàn được.

Trong 100 ông dân thể nào chả vớ phải 1 ông hay bới lông tìm vết lách luật, phá đám. Hội này lách nhiều lúc khéo lắm, chả sao mà bịt kín được. Kiểu: nếu phục vụ ăn uống là lương thực, thực phẩm thì bánh kem có là thực phẩm và bia có là thức uống không? Thuốc lào có là thuốc không nếu tôi mua chữa ghẻ?

Mà trong những quan chức cũng có ông lợi dụng câu chữ lạm dụng quyền hạn quá phạm vi cho phép. Kiểu tự mình giải thích luật: Bánh mỳ không là thực phẩm.

Ấy là nhân vụ bánh mì và mấy bình luận trên mạng mới xem mà nói thế.

Chỉ 1% láu cá cả dân lẫn quan phá đám cũng chả sao vì quá ít, không cần chấp. Chả có gì trên đời này lý tưởng cả.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc