Hoan Châu ký

“Hoan Châu ký” của dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An, Nguyễn Thị Thảo

dịch, Trần Nghĩa khảo đính và giới thiệu, Omega+ xuất bản, 2018.

Cuốn sách này được một người không tiết lộ danh tính trong gia tộc Nguyễn Cảnh viết vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Nguyễn Cảnh Bình tặng tôi cuốn sách này trong một chuyến đi Trại Muỗi.

Cuốn sách này xác nhận lại trong tôi một số nhận thức (Tạ Chí Đại Trường) và mang tới một số gợi ý về cách tiếp nhận như sau:

+ “Hoan Châu ký” tập trung vào những diễn biến của cuộc nội chiến Lê-Mạc tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, do đó nó đặc biệt có giá trị trong các suy tư về địa chính trị của vùng đất này. Chính trong cuộc nội chiến này, một xu hướng rõ ràng đã được hình thành, đó là trọng tâm quyền lực của Việt Nam ngày càng chuyển dịch dần vào Nam. Đó là một cuộc nội chiến mà theo thời gian, Bắc Triều (nhà Mạc) ở Thăng Long ngày càng thất thế so với Nam Triều (Lê-Trịnh) ở Thanh Hoá. Các kỹ thuật chiến tranh trên bộ ở các địa bàn rừng núi hiểm trở, thuỷ chiến, hải chiến mà quân đội Việt Nam (ở cả hai phe) đúc kết được qua cuộc nội chiến này chắc chắn đã làm nên ưu thế vượt trội của Việt Nam trong cuộc Nam tiến kéo dài sau đó. Điểm đặc biệt quan trọng nữa là năng lực đối phó chiến tranh hai mặt: Khởi nghĩa từ Lào, quân Lê-Trịnh thoạt tiên chiếm Thanh Hoá, Nghệ An làm địa bàn, rồi từ đó tiến hành cuộc chiến theo hai hướng, một mặt tiêu diệt quân Mạc ở trong Nam (các vùng từ Quảng Bình trở xuống), một mặt cầm cự và đánh dần lên phía Bắc. Tuy “Hoan Châu ký” (do tính tiểu thuyết của nó) không cung cấp được những kiến thức xác thực về cách các bên tổ chức chính quyền hay quân đội, nhưng căn cứ trên ngày tháng và quy mô của các trận đánh, có thể phần nào hình dung ra cách thức tổ chức và di chuyển quân, cũng như chiến lược phòng thủ hay tấn công của các bên.

+ Tín ngưỡng thờ thần biển. Rất đáng chú ý, dù chỉ được nhắc tới một lần trong trận chiến giữa mãnh tướng Nguyễn Quyện (nhà Mạc, Bắc Triều) với đại tướng Nguyễn Cảnh Hoan (nhà Lê, Nam Triều). Nguyễn Cảnh Hoan bị một thuộc hạ họ Lâm làm phản, người này tới đầu quân cho Nguyễn Quyện, dâng kế hại chủ, nhưng bụng dạ còn hoài nghi liệu Quyện có thực bụng thu nạp mình không. Quyện thề rằng: “Nhà ngươi nếu ra sức chung lo cho công việc được thành tựu, ta sẽ hết lòng tiến cử. Có thần biển ở đây làm chứng, ta đâu dám nuốt lời.” (tr.120)

+ Nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử chương hồi. Tuy chưa đạt đến trình độ điêu luyện như “Hoàng Lê nhất thống chí” nhưng “Hoan Châu ký” cũng không thiếu những đoạn xuất sắc, đặc biệt là những trường đoạn liên quan tới Nguyễn Quyện và Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Kiên (con của Hoan).

+ Concept thành công bền vững của một dòng họ. Dòng họ Nguyễn Cảnh chắc chắn là một trong những dòng họ thành công nhất ở Việt Nam từ 600 năm nay, ngay cả, và đặc biệt là, ở thời hiện tại. “Hoan Châu ký” lồng câu chuyện của một gia tộc qua 8 thế hệ đầu tiên vào câu chuyện lớn của thời đại. Người viết, bất kể là ai, hẳn phải là một người vô cùng sâu sắc và đã gửi gắm vào đấy những điều khôn ngoan nhất cho con cháu mình. Ý tứ răn dạy vừa hiển ngôn, vừa kín đáo. Tôi vì không phải người họ Nguyễn Cảnh, tự thấy chưa thẩm thấu được những thâm ý, nên không dám múa rìu qua mắt thợ mà diễn giải ra ở đây. Những ai muốn theo đuổi công danh sự nghiệp, muốn lập nghiệp lớn (ví dụ: start-up, khởi nghiệp, làm lãnh đạo, etc.) để cứu đời, giúp người, qua đó xây dựng sự nghiệp cho bản thân và cho con cháu, thiết tưởng không chỉ nên đọc mấy cuốn cẩm nang thành công của Tây-Tàu, mà còn có thể tìm thấy trong “Hoan Châu ký” những concept sâu sắc kiểu Việt Nam. (Dĩ nhiên, những ai không có nhu cầu đó thì cũng chẳng cần đọc; hoặc chỉ đọc nó như một cuốn tiểu thuyết chương hồi rồi huyên thuyên về nghệ thuật cao thấp này kia.)

from fb Đinh Bá Anh,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc