Nên ngừng đọc báo

Khi tôi gõ dòng này thì tai văng vẳng tiếng còi hú của xe chở F0; Mắt nhìn xa xa thấy trạm kiểm soát ở đường Phổ quang, trình duyệt Chrome thông báo (notify) tin tức mới nhất từ trang đăng ký nhận tin; Đầu nghĩ hôm nay có bao nhiêu ca nhiễm COVID-19? Thủ tướng phát biểu gì? Chủ tịch nước đánh giá thế nào? Tp. HCM có kế hoạch gì sau 1/8,…


Chúng ta hiện đang tiêu thụ một lượng lớn tin tức nhiều gấp 4 lần cách đây 20 năm. Đói tin tức không chết nhưng quá tải tin tức gây ra hậu quả khôn lường. Thomas Jefferson, một trong những Tổ phụ lập quốc Hoa Kỳ, từ năm 1800 đã nhận định:

“Tôi xin nói thêm rằng kẻ nào không bao giờ ngó đến tờ báo thì hiểu biết hơn những kẻ đọc nó.” 
(“I will add, that the man who never looks into a newspaper is better informed than he who reads them.”)

Lúc Thomas Jefferson phát biểu, chưa có mạng xã hội. Nếu còn sống đến ngày nay, hẳn ông phải liệt kê thêm Facebook, Youtube, blog, forum, trang tin điện tử,...

Não bộ của bạn bị chìm ngập trong thông tin. Khi tiêu thụ tin tức thụ động, bạn có ảo tưởng mình hiểu rõ thế giới và ảo giác này dẫn đến sự quá tự tin và chứng FOMO (Fear Of Missing Out). Dobelli trong cuốn sách “Nghệ thuật kiêng khem tin tức” (@Nhã Nam) có dẫn một nghiên cứu nổi tiếng của giáo sư tâm lý Paul Slovic kiểm tra ảnh hưởng của thông tin cá cược đua ngựa. Lượng thông tin nhiều, rành mạch về từng con ngựa không ảnh hưởng đến độ chính xác trong dự đoán nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sự tự tin của người chơi. Sự e ngại, dè đặt, khiêm tốn của người chơi bị cuốn trôi bởi dòng thác thông tin. Thông tin tràn ngập kiến anh ta có niềm tin thái quá về nhận định của mình.

Công nghệ AI tăng cường những nhận định thiên kiến của chúng ta bằng cách đẩy những thông tin mà chúng ta muốn, thích xem. Facebook là một “echo chamber” vĩ đại. Trong một thế giới biến động nhanh chóng, niềm tim cố hữu vào một quan điểm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng phán đoán của bạn. Đức tính mà bạn xem là “kiên định” gây ra những trở ngại trong việc thích nghi với thế giới.

Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng đơ. Thảo mộc sinh ra thì mềm dịu mà khi chết đi thì lại khô cứng. Cho nên cứng mạnh là cùng loài với chết, mềm yếu là cùng loài với sống. Vì vậy binh mạnh thì không thắng, cây cứng thì bị chặt. Cứng mạnh thì phải ở dưới, mềm yếu lại được ở trên.” 
~ Đạo Đức Kinh

Linh hoạt là kỹ năng sống còn trong tình hình này. Bạn không thể luôn mềm oặt, đôi khi cần cứng. Nhưng cứng trong hầu hết thời gian thì rất mệt và không thể. Bạn nghĩ xem có đúng không?

from fb Đào Trung Thành,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc