Sống chung với virus corona như thế nào?

shared from fb Dương Quốc Chính,
-----
Photo by Matt Seymour on Unsplash.

Kịch bản mà chúng ta cần chuẩn bị tinh thần là virus sars cov 2 sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, nó sẽ trở thành như cúm mùa, cho dù có vaccine, vì nó sẽ biến thể liên tục. Vì thế, cần chuẩn bị tinh thần để sống chung với nó, ngay từ bây giờ.

Từ đầu dịch mình đã ví ta chống dịch kiểu đắp đê ngăn lũ, giống miền Bắc, nhưng không tránh được rủi ro vỡ đê, nước rò rỉ thì cố bưng bít nhưng khi đê vỡ thì dân dễ hoảng loạn do không có sự chuẩn bị tình huống xấu nhất. Còn Tây thì chống dịch kiểu sống chung với lũ, kiểu miền Tây chống lũ, lũ to thì vẫn chết nhiều nhưng dân không hoảng loạn. Đây cũng là quan điểm chung cơ bản của cánh tả và cánh hữu. Cánh hữu muốn thuận tự nhiên, muốn chống lại tự nhiên thì cũng phải lựa theo tự nhiên. Cánh tả có xu hướng áp đặt, cưỡng bức, không e ngại việc chống lại tự nhiên.

Trước tiên cần hiểu rằng sống chung với virus không có nghĩa là thả nổi cho virus hoành hành tự do mà vẫn phải duy trì các biện pháp cách ly, hạn chế lây nhiễm nhưng không chống dịch cực đoan, cưỡng bức, vì cưỡng bức làm thay đổi lối sống của toàn xã hội là điều không tưởng, chỉ tồn tại ở chế độ toàn trị thuần nhất kiểu Triều Tiên. Mấy ngày qua ở HCM, chúng ta đã thấy việc áp dụng chỉ thị 16 ở 1 đô thị năng động bậc nhất Việt Nam nó khó khăn thế nào. Bao cảnh trớ trêu, éo le, thậm chí mất cả tính người khi chống dịch máy móc, đã xảy ra.

Muốn sống chung với virus corona thì phải mềm dẻo với nó, chống lại nó 1 cách cực đoan sẽ làm loạn xã hội, như việc phát sinh các điểm tập trung đông người như ở các chốt, người dân cố tình tìm cách lách luật để thoát thân, để được đi lại, để tự do kinh doanh, vì họ đều có những lý do để BẮT BUỘC phải làm thế.

Cần hiểu bản chất việc chống dịch mà chưa thể tiêm vaccine chỉ là giãn cách xã hội, cốt làm sao để hạn chế 2 người lạ giao tiếp với nhau là được. Nếu buộc phải giao tiếp thì phải có đồ bảo hộ. Kể cả áp dụng CT 16 hay thậm chí là ban bố lệnh giới nghiêm thì cũng chỉ là nhằm mục đích đó mà thôi. Có nhốt mỗi gia đình vào tù thì cũng chẳng hơn gì để họ tự do cách nhau trên 3m. Vì thế đừng ảo tưởng là giãn cách xã hội càng chặt chẽ, cực đoan, thì dịch càng chóng kết thúc. Mình đang thấy đa số người dân Việt Nam nghĩ như vậy. Thế nên họ mới lên đồng đấu tố người khác ra đường và coi như thế là vô ý thức chống dịch, cố tình làm lây lan dịch bệnh. Ra đường mà đảm bảo giãn cách thì thậm chí không cần đeo khẩu trang.

Chính quyền cần phải bổ sung liên tục các văn bản điều hành việc chống dịch theo hướng mềm dẻo, chi tiết, cụ thể hơn dựa trên tiêu chí vẫn chống được dịch mà vẫn duy trì được kinh tế, xã hội không loạn. Cần nhắc lại là CT16 rất sơ sài và lủng củng về nội dung, các địa phương cần mạnh dạn điều chỉnh nó, vì bản thân nó cũng không phải là 1 văn bản pháp quy có tính cứng nhắc.

Chẳng hạn, cần nêu rõ những công việc nào được coi là cần thiết để phải ra ngoài. Danh mục công việc này nên cụ thể. Việc duy trì các chợ và hộ kinh doanh cá thể vẫn rất cần thiết, chỉ cần nêu thật cụ thể các biện pháp giãn cách khi bán hàng. Thực tế người dân cũng đã sáng tạo ra rất nhiều giải pháp bán hàng không giao tiếp như dùng sào để đưa hàng. Không giao nhận hàng trực tiếp… Làm được như vậy thì người dân mới không hoảng loạn vì lo thiếu nhu yếu phẩm khi buộc phải ở nhà. Họ yên tâm thì mới không chen nhau đi siêu thị, làm tăng nguy cơ mắc dịch. Cấm chợ còn làm ảnh hưởng đến người nông dân ở ngoại thành không bán được hàng, họ bị chết lây dù không sống trong vùng dịch.

Khi chúng ta chống dịch 1 cách mềm dẻo và dựa trên bản chất dịch tễ thì ý thức của người dân cũng sẽ tăng lên. Dần dần người ta sẽ coi việc đeo khẩu trang ra đường giống như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hay dùng BCS khi chịch dạo.

Hẳn mọi người còn nhớ khi bệnh AIDS mới được phát hiện thì người ta rất hoảng sợ nó. Bây giờ dù chưa có thuốc hay vaccine nhưng loài người đã chấp nhận sống chung với HIV, chủ yếu bằng BCS và bơm kim tiêm dùng 1 lần (trước đó mình nhớ là người ta vẫn tái sử dụng bơm kim tiêm bằng thuỷ tinh). Chả nhẽ vì sợ HIV mà giai gái mới quen nhau không dám chịch?! Với virus corona cũng sẽ như vậy thôi. Người ta sẽ hạn chế tiếp xúc gần với người lạ và tạo thói quen đeo khẩu trang và rửa tay bằng cồn y như dùng BCS vậy. Các doanh nghiệp hay trường học sẽ tăng cường sử dụng cách làm việc hay học online. Đó cũng là giải pháp sống chung với virus.

Khi hiểu bản chất của quá trình lây lan thì người dân cũng sẽ không e ngại phải sống gần 1 ca F1 hay thậm chí cả F0. Từ đó thì việc cách ly tại nhà nó trở nên bình thường mà nhà nào có 1 phòng ngủ độc lập cũng có thể dùng để cách ly. Bộ Y tế nên khẩn trương đơn giản hoá quy định để người dân tự cách ly tại nhà. Nếu không làm nhanh thì lúc vỡ trận người ta cũng buộc phải tự cách ly với mọi hoàn cảnh mà thôi. Như thế có khi làm dịch toang nhanh hơn.

Việc tuyên truyền chống dịch cũng nên thiên về giáo dục, hướng dẫn người dân nhận thức đúng về dịch và các biện pháp phòng chống, đừng có xoáy sâu vào cảnh chết chóc để doạ dẫm những người yếu bóng vía. Từ khi 1 tuổi chúng ta đã bị bố mẹ doạ dẫm: “Mày không ăn nhanh là mẹ mách chú công an. Mày mà hư tao mách cô giáo…” Thế nên bây giờ người ta giáo dục người lớn bằng cách đe doạ về cái chết trong khi không dễ gì chết được bởi dịch này.

Tóm lại, chính quyền không nên coi dân là lũ ngu vô pháp vô thiên. Hãy coi họ là những con người, có thể kiểm soát và có ý thức. Còn khi họ cố tình vô ý thức, không có xã hội nào không có những người như vậy, thì chính họ và thân nhân họ sẽ phải trả giá. Cũng như việc uống rượu say rồi lái xe, làm sao cấm tuyệt đối được. Xã hội luôn tồn tại người vô ý thức nhưng không vì chuyện đó mà cấm luôn uống rượu bia. Cũng không thể vì có 1 số người vô ý thức phòng chống dịch mà cấm luôn toàn xã hội giao tiếp hoặc cách ly tập trung (bản chất cũng là 1 dạng bỏ tù) người nghi nhiễm.

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc