Vì sao Trung Quốc không sợ AUKUS?

shared from fb Tiên Long Đỗ,
-----
Chuyện thời sự quốc tế vốn như đã chìm lắng dần sau nhưng xung đột va chạm trong mấy

cuộc bầu cử nước Mỹ gần đây, hình ảnh thế giới trong bảo trợ của American Captain bị tan vỡ, sự lớn mạnh của Trung Quốc, làm các câu chuyện thời sự quốc tế mất dần sức ảnh hưởng với công chúng, nhất là giới bình dân. Người ta để ý nhiều đến những vấn đề kinh tế, vấn đề an sinh xã hội, công nghệ hay môi trường. Sức nóng thời sự chạy theo các sự kiện kiểu chiến tranh thương mại do ông Trump khởi xướng, chiến lược vành đai Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hay gần đây nhất là sáng kiến của chính quyền ông Bidden, dựng dậy liên minh truyền thống từng trong hào quang của Nữ Hoàng Anh, Úc - Anh -Mỹ, mà đối tượng nhắm đến cụ thể là Trung Quốc.

Lại nói về Trung Quốc. Với sự chủ động về qui mô cũng như lớn mạnh về kinh tế, Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong sân chơi toàn cầu, chủ động đề ra các chiến lược và mô hình để khẳng định vị thế như Vành đai con đường, Con đường tơ lụa, bên cạnh các chiêu thức quy phục các quốc gia nhỏ, thao túng các tổ chức quốc tế, lập ra các luật chơi kinh doanh thương mại, rồi khẳng định vị thế đại dương. Các tham vọng của họ như vẫn tiếp tụcngày càng lớn lên.

Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có sợ các chiêu kiểu Trade war của ông Trump hay AUKUS của ông Bidden không? Nói luôn là Trung Quốc cười nhạt, chả ai sợ ai cả. Chỉ như hai anh giang hồ hù nhau để giữ thế. Sau hơn một trăm năm va chạm, cả hai bên đã thuộc cờ nhau như lòng bàn tay. Họ hiểu rõ các ràng buộc chiến lược của hai bên.

1. Về quân sự: kho vũ khí hai bên đủ để bảo đảm không bên nào giành chiến thắng tuyệt đối. Không ai dại gì dùng đến nó để mất tất cả.

2. Về sự phụ thuộc kinh tế: hai bên như hai gã to béo đứng trên tấm gỗ, đặt trên thành lan can. Họ cần nhau, rất cần nhau để đứng vững trước khi định làm gì. Một bên ngã thì bên kia cũng rơi.

3. Về an ninh toàn cầu: sụp đổ kinh tế hay va chạm quân sự dẫn đến chiến tranh sẽ là một thảm họa lớn trong bối cảnh thế giới hôm nay.

4. Cuối cùng, cả hai đều hiểu rõ, khát vọng vươn lên của bên kia là điều không thể bác bỏ hay ngăn chặn. Vị thế của hai bên không thể dừng được. Trung Quốc cần khẳng định để duy trì vai trò chí tôn của lãnh đạo như quyền uy của con rồng trong suốt mấy ngàn năm không thay đổi. Mỹ và phương Tây cần duy trì vị thế và luật chơi, vươn ra để thỏa mãn lòng tham tư bản thông qua cạnh tranh. Họ chấp nhận các bên sẽ ra chiêu, trong thế cờ vờn, nên không có gì mà ngại.

Vậy cả hai bên sợ gì? Xin thưa cả Trung Quốc và Mỹ đều sợ suy thoái xã hội. Phương Tây là sự già nua của các thiết chế chính trị và xã hội, gây chia rẽ, tàn lụi từ trong lòng xã hội. Trung Quốc thì cũng sợ sự suy thoái, do vật chất tăng trưởng nhanh, thối rữa ý chí của con rồng, rồi tăng nhanh khoảng cách giàu nghèo xã hội. Đó có lẽ là nguyên nhân phong sát giới nghệ sĩ và giới giàu có Trung Quốc trong thời gian qua.

Trong thế cờ này hai bên sẽ tiếp tục vươn lên khoe cơ bắp, xây dựng lôi kéo liên minh, nhưng vẫn luôn cần nhau, tôn trọng duy trì trạng thái cân bằng, chờ bên kia có biến. Trong thế cờ này, nếu chơi lâu thì bên nào có khả năng tự tái tạo tốt hơn thì sẽ ưu hơn, nên về lý thuyết là phía tư bản. Tuy nhiên vấn đề là các đột biến chiến lược. Về phía Mỹ, họ sợ Trung Quốc phá vỡ các nguyên tắc chơi trước, đẩy hai bên vào cuộc đua chiến tranh hay thậm chí ra đòn bất ngờ, do sợ hãi hay suy thoái quá nhanh, nên sẽ tăng cường các vòng dây cuốn quanh để kìm hãm con rồng. Về phía Trung Quốc, họ sợ nhất bị bao vây như cuối thế kỷ19, bị mất vai trò, hay bị chặn các nguồn công nghệ tiên tiến.

Tất nhiên, trong thế giới tốc độ hôm nay đột biến chiến lược sẽ là điều khó lường nhất. Thế cân bằng cờ vờn của hai bên chỉ là ngắn hạn. Trung hạn là khó lường các đột biến. Trong dài hạn sẽ có một bên sụp đổ, do sự cạnh tranh bên ngoài và sự suy thoái từ trong lòng xã hội.

Trong thế cờ vờn ngọa hổ tàng long của các nước lớn, các nước nhỏ có nhiều cơ hội để vươn lên, càng nhỏ càng dễ tốc độ, giống như Israel, Singapore, Thụy Sĩ, và trước kia là Nhật Bản. Tuy nhỏ nhưng họ luôn định vị ở vị thế hàng đầu thế giới về tri thức, tư duy đổi mới, công nghệ, hay tự do kinh doanh. Nhỏ có ưu thế vượt trội về tính năng động xoay chuyển được rất linh hoạt và nhanh chóng. Trong cuộc chiến của trâu bò húc nhau, ngập ngụa bùn và phân, vị trí an toàn nhất là chim hay bướm đậu trên lưng bò, bằng tốc độ đổi mới vượt trội. Chứ còn cứ tự an toàn, núp sau đít bò hay đít voi thì trước sau cũng bị vùi trong bùn lẫn phân bò. Nhất là khi sẽ có một con bò phải ngã xuống, trong cuộc đấu mà sân chơi ngày càng bị thu hẹp này.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc