Đi tìm thời gian đã mất

shared from fb Lê Công Định,
-----
À la recherche du temps perdu...


Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Thuở nhỏ tôi học trường dòng Lasan Taberd và trưởng thành nhờ tự đọc sách báo ấn hành trước 1975 tại miền Nam và thường lắng nghe những câu chuyện kể về xã hội, con người và sinh hoạt văn hóa thời VNCH.

Vì vậy, một cách mặc nhiên, tôi yêu và kính nền giáo dục, phong cách văn minh cùng sự tinh tế nhẹ nhàng đầy văn hóa của người miền Nam trước 1975. Từ thuở niên thiếu đến nay, đối với tôi, VNCH mãi là một vùng trời văn minh quá khứ vừa yêu kiều, vừa sang trọng đã mất, mà tôi mong tìm lại.

Vì lẽ đó, tôi vẫn đọc văn chương và sách vở học thuật, vẫn nghe nhạc của thời ấy để tìm lại và để được đối thoại với những con người nhân bản của quá khứ văn minh đó.

Tôi cũng tìm đến cộng đồng hải ngoại để đọc, nghe và trò chuyện với những con người khả kính từng rời xứ sở miền Nam sang bến bờ tự do, bởi điều đó khiến tôi an lòng thấy được phần nào nền văn minh quá khứ mà tôi luyến tiếc vẫn còn đấy, tiếp tục sinh sôi nẩy nở trong môi trường mới.

Tôi vẫn tranh cãi đến cùng để bảo vệ những giá trị vượt trội của nền văn minh và văn hóa miền Nam thời VNCH khi so với Việt Nam ngày nay. Song hôm nay tôi thực sự thất vọng vì thấy giá trị đó có lẽ không mảy may còn nữa như kỳ vọng bấy lâu.

Sự hằn học, căm hận, đổ thừa, chụp mũ và chửi rủa một cách thiếu quân tử và vô giáo dục sau khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch của nhiều người miền Nam, đặc biệt ở cộng đồng hải ngoại, khiến tôi kinh hoàng nhận ra sự thật!

Hơn một năm trước đây, người ta cũng từng thóa mạ nhau bằng những ngôn từ thậm tệ trong cuộc tranh cử của Trump và Biden, nhưng tôi lại tự biện minh rằng đó có lẽ là vì họ quá yêu và tôn sùng ứng viên của mình thôi (?), chứ họ vẫn còn là những con người văn minh vì vốn không chịu ảnh hưởng của văn hóa và giáo dục VC (!).

Nay thì tôi thất vọng hoàn toàn và không còn gì để biện minh. Khung trời văn minh quá khứ VNCH ấy không thể mong tìm kiếm lại nữa, bởi nó thực sự đã chết và được chôn sâu từ sau 30/4/1975. Thay vào đó là lòng căm hận và sự hằn học như cỏ dại mọc trên nấm mồ của nền văn minh cũ.

Tạ ơn Thiền sư Thích Nhất Hạnh vì ngài đã giúp tôi thấy rõ sự mơ mộng hão huyền của chính mình.
Tags: columnist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc