Nhìn chó đẻ dưới ánh sáng huyền thoại

shared from fb Huỳnh Vũ Huy,
-----
Tỷ lệ người già chửi người khác là chó đẻ ở công viên văn hóa Lê Thị Riêng có vẻ cao hơn công viên văn hóa Lê Văn Tám. Những lần đi dạo của tôi ở cả hai công viên này cho thấy ngành xã hội học của chúng ta vẫn còn dư kệ cho vài trăm nghìn luận án tiến sĩ. Nhưng đấy là chuyện của các tiến sĩ, ta hãy quay lại với chó đẻ. Hiển nhiên, trong một thế giới tốt đẹp, chẳng ai phải chửi ai là chó đẻ.


Khác với bọn trẻ con mới lớn tập tành chửi thề, suốt ngày muốn ngủ với má người này rồi lên giường với mẹ người kia để chứng tỏ mình là người lớn. Người già qua độ thăng trầm của thời gian, có vẻ chuộng chó đẻ hơn cả. Ngay như bác Tổng thống Hoa kỳ Joe Biden, trong lúc bực đã phải thốt lên chửi thằng chó đẻ ở Fox News. Ta thử dựa vào công nghệ thông tin, đi tìm chó đẻ trên thanh tìm kiếm Google, sẽ thấy xã hội đã thay đổi thế nào.

Cách đây chục năm, các cửa hàng thú cưng chưa mọc lên hàng loạt như bây giờ, thú cưng xuất hiện đánh dấu một chút tiến triển về kinh tế, người ta bắt đầu dư dả tiền bạc để chăm sóc tốt hơn cho những người bạn bốn chân. Chính vì sự quan trọng của thú cưng ngày càng tăng, việc gõ hai chữ chó đẻ vào Google sẽ ra những kết quả nhân văn như “Bạn cần lưu ý điều gì khi chó đẻ?” hay “Chăm sóc chó đẻ như thế nào để mẹ tròn con vuông?” Đi xa hơn, ta sẽ thấy chó đẻ đã ở trong dân gian từ rất lâu, cái đấy quá rõ ràng, nhưng nếu chúng ta nương vào ý này, thì cuộc truy tìm chó đẻ sẽ trở thành một bài viết báo xuân về năm Tuất, là tìm chó đẻ ở văn tự, tìm chó đẻ trong làng quê.

Không, đừng như thế, chúng ta hơn thế. Như tôi đã nói, trong một thế giới tốt đẹp, chẳng ai phải chửi ai là chó đẻ, nhưng thế giới này sẽ luôn không tốt đẹp, vậy nên ta yên tâm chó đẻ sẽ ở cùng dân tộc từ khi người đầu tiên biết dùng tiếng nói cho đến khi toàn dân tận diệt. Giờ ta thử đưa chó đẻ vào các nhánh thời gian.

Hãy tưởng tượng chó đẻ như cảm thán cho một ngày mệt mỏi, hàng nghìn chàng trai đến hỏi cưới Mỵ nương, hàng nghìn chàng trai ra về, vệt mồ hôi trên mặt lính canh, nét bồn chồn trên tráng Hùng Vương. Rồi cuối ngày còn lại hai người tướng mạo phi phàm chờ ngoài cửa, Hùng Vương đã muốn nghỉ ngơi nhưng lính chạy vào báo vẫn còn hai người nữa thưa Ngài. Hùng Vương, chán chẳng thèm nói, nhưng do lính đợi nên vẫn phải thều thào: “Cho hai thằng chó đẻ đó vào đi."

Hãy nghĩ đến chó đẻ như tiếng mắng yêu thương, khi cả làng đem hàng chục đấu cơm đến cho Thánh Gióng, Gióng ăn sạch gạo cả làng, ăn núi lở mòn non, ăn tới nhiều bà cô nghèo khổ lo nó ăn hết mai mình chẳng còn gì ăn, nhưng giặc ngoại xâm đã ở quá gần, vẫn phải nén cái nhỏ vào lo cái lớn mà mỉm cười trách yêu Gióng: “Ăn cho nhiều vào còn đánh giặc nghe chó đẻ.”

Hãy hình dung Rùa Hồ Gươm ở đầu thế kỷ 15 vẫn chưa già như bây giờ, ngày nào cũng tiệc tùng cùng bọn cá tôm. Thú cưng của Long Quân với những đặc quyền trác táng. Rồi một hôm, Long Quân ra lệnh phải lấy lại được gươm báu không thì đừng mơ tới thói xa hoa. Khi thuyền của vua Lê Lợi đang dạo chơi trên hồ, Rùa ngoi lên trợn mắt: “Trả gươm đây, chó đẻ!” Quan văn võ thất kinh khi thấy Rùa dám khi quân phạm thượng, nhưng nể quá nên ngầm gọi Rùa là Cụ. Khi ấy Lê Lợi hoảng hồn vì tự nhiên bị xúc phạm nên ném ngay gươm xuống rồi về. Sau mỗi khi nhắc tới Rùa, Lê Lợi vẫn còn tức run người vì chưa kịp chửi lại nó đã lặn tăm.

Thế đấy, chỉ khi nhìn chó đẻ dưới ánh sáng huyền thoại như thế, chúng ta mới thấy công viên văn hóa cũng có thể là công viên chó đẻ, và chỉ có như thế, bước đi ta mới nhẹ nhàng hơn.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc