Nói lần cuối về Việt Nam trong cuộc chiến Pháp Thanh ở thế kỷ 19

shared from fb Nhã Hoàng,
-----
Nguyễn Lương Hải Khôi, 21.12.2019, 23:39

(Kèm phản biện của các tác giả: Lê Nguyễn, Trương Nhân Tuấn và D.Q.Chính)

Mọi sử gia đều có một “framework” khi viết sử, tức là mọi tác phẩm sử đều là một sự tái cấu trúc câu chuyện theo cách nào đấy.

Nếu những người yêu mến sử học mà chỉ đọc các sử gia ở thập niên 1950, 1960, 1970... rồi tổng hợp lại, tự vẽ thành bức tranh lịch sử thì cũng được, nhưng như vậy thì họ không làm công việc của bác sỹ mà làm công việc của... quan chức y tế, tức là không khảo sát hiện trường, mà đọc các báo cáo về hiện trường.

Có nhiều người phản biện bài viết trong đó nói Mãn Thanh xâm lược VN thế kỷ 19 bằng cách đọc các sử gia mấy thập niên trước rồi kèm theo ngôn ngữ mỉa mai, nhất là mang cơ quan làm việc của người mình phản biện ra châm chọc, trong khi mình không hẳn đã làm việc đúng cách. Đó là điều không nên. Riêng bác Lê Nguyễn viết điềm đạm.

Sau đây là một số dữ kiện từ các sử liệu gốc để chúng ta xem xét xem Mãn Thanh có xâm lược Việt Nam thế kỷ 19 không:

I. Mãn Thanh

1. Pháp và Mãn Thanh đàm phán với nhau về số phận VN từ 1862 đến tận 1885 (kéo dài hơn 20 năm). Giai đoạn đầu, hai bên chỉ tranh chấp quyền tôn chủ (Mãn Thanh bảo họ là thiên triều, Pháp bảo Nam Kỳ từ nay là của tôi và tôi muốn bảo hộ Đại Nam).

Ngay từ đầu, Pháp đã hiểu đánh VN thì phải đám phán với... Mãn Thanh.

2. Mãn Thanh vạch kế hoạch đánh chiếm Bắc Kỳ.

3. Lý Hồng Chương từ Bắc Kinh sai Trương Thụ Thanh mật đàm với tướng cướp Lưu Vĩnh Phúc tập kích... giết tướng nhà Nguyễn là Hoàng Tá [Kế] Viêm để chiếm Bắc Kỳ. Kế này không thành, Trương Thụ Thanh không động thủ được và Lưu Vĩnh Phúc cũng không làm theo. (Ngược lại, bất kể Lưu Vĩnh Phúc giết được tướng Pháp trong trận Cầu Giấy 1873, nhà Nguyễn vẫn mật lệnh Hoàng Tá Viêm... khử Lưu Vĩnh Phúc vì những hành vi cướp bóc của y đã đến giới hạn. Tất nhiên Hoàng Tá Viêm không thi hành).

4. Sau đó thấy việc chiếm cả Bắc Kỳ là bất khả thi, Mãn Thanh bèn thay đổi mục tiêu đàm phán, vạch kế hoạch chia đôi Bắc Kỳ: nó chiếm phần thượng du, từ Lạng Sơn đổ lên bắc, nhường cho Pháp phần còn lại.

5. Đến giai đoạn cao điểm của Thanh Pháp chiến, 1883 - 1885, hai bên tiếp tục vừa đánh vừa đàm. Nội dung đàm phán cũng là: Mãn Thanh sở hữu nửa trên của Bắc Kỳ, Pháp sở hữu nửa dưới.

6. Đường biên giới mà Mãn Thanh đề nghị với Pháp là một đường kẻ thẳng, chạy từ bờ biển Quảng Ninh một mạch qua Lào, tới biên giới Miến Điện. Cuộc hòa đàm này diễn ra tại Paris. Chính phủ Pháp có lúc đã đồng ý nhưng các tướng Pháp ở VN phát hiện ra đường kẻ thẳng này lấy mất mỏ than Hòn Gai nên phản đối.

Nếu Mãn Thanh uyển chuyển hơn ở chi tiết này, vẫn vẽ đường biên giới kẻ thẳng, nhưng chừa cái mỏ than lại cho Pháp, đường biên giới phía bắc của VN hiện nay sẽ thẳng tắp giống như đường biên giới các nước Châu Phi.

7. Mãn Thanh thắng Pháp trên đất liền, Pháp thắng trên biển. Khi kết thúc hòa đàm, Mãn Thanh chịu mất Bắc Kỳ cho Pháp.

8. Mãn Thanh không chịu rút quân khỏi Bắc Kỳ dễ dàng và vẫn tiếp tục đánh sau khi ký hòa ước. Chiến dịch cuối cùng, sau khi đã ký hòa ước, Phùng Tử Tài tổng chỉ huy, đánh Pháp tan nát. Mãn Thanh chịu mất VN một cách hả dạ.

Hơn 10 năm sau, trong bầu không khí của chủ nghĩa dân tộc hiện đại ở China sau khi Mãn Thanh mất chư hầu Triều Tiên (tiếp nối việc mất chư hầu Việt Nam), Phùng Tử Tài [và cả tướng cướp Lưu Vĩnh Phúc] đã được tôn lên làm anh hùng dân tộc.

II. Thế nên...

1. Nếu quân Mãn Thanh ở VN giết được Hoàng Tá Viêm để lấy Bắc Kỳ như kế hoạch của Bắc Kinh (kéo dài đến hai năm) và nếu Pháp thua Mãn Thanh hoàn toàn, Việt Nam ngày nay chỉ là nửa trung kỳ và nam kỳ.

2. Nếu Pháp thua một phần, những ai quê ở Lạng Sơn, Thái Nguyên đổ lên bắc, ngày nay mang quốc tịch China.

Chuyện đại khái là vậy. Đi vào chi tiết thì cần viết công phu.

Pháp đánh để chiếm lãnh thổ. Mãn Thanh cũng muốn chiếm lãnh thổ, nhưng bất thành. Mãn Thanh có mục tiêu đánh chiếm và chia cắt lãnh thổ, đẩy xa đường biên giới của nó xuống phía Nam, để tạo vùng đệm an toàn hơn.

Bây giờ bạn coi Mãn Thanh xâm lược hay không xâm lược VN là tùy ở cách bạn định nghĩa hai chữ “xâm lược”.

III. Không hiểu thế hệ trước: do thay đổi chữ viết hay thay đổi về tư duy?

Đúng 20 năm sau hòa ước Pháp Thanh, Phan Bội Châu chỉ trích dân tộc mình: suốt ngàn năm cứ đều đặn triều cống China mà không có ý thức về lòng tự trọng. Tôi mong dân ta từ nay biết thế nào là tự trọng.

Nói điều ấy vào năm 1905, Phan cảm hóa cả một thế hệ. Cảm hóa người Việt đến tận bây giờ. Nhưng nếu Phan nói như vậy sớm hơn, đó sẽ là tư duy gây sốc.

Triều cống China là việc hiển nhiên cho đến tận hiệp ước Pháp Thanh. Chỉ đến thời của Phan mới trở thành điều nhục nhã. Phan không còn hiểu và cảm thông được thế hệ trước.

Phan suốt đời chỉ đọc và viết được chữ Hán và chữ Nôm. Trần Huy Liệu gặp Phan năm 1925, kinh ngạc vì Phan mù chữ quốc ngữ. Sự thay đổi của Phan là do tư duy thay đổi, chứ không phải chữ viết thay đổi. Tư duy thay đổi, nên từ thời Phan trở đi, ngay cả khi đọc được chữ Hán, chúng ta không thể hiểu triều đình Huế nghĩ gì.

Không có hiệp ước Pháp Thanh đánh tan ý thức hệ thiên triều - chư hầu ngàn năm, còn lâu mới có [tư duy của] Phan Bội Châu.

(Hơn 5 năm sau, Phan lại sử dụng ý thức hệ thiên triều - chư hầu để dụ quan chức Quảng Đông giúp "Việt Nam Quang phục hội", ca ngợi Lưu Vĩnh Phúc tận mây xanh. Tức, Phan làm ngược lại nhận thức của mình trước đó 5 năm. Đây là tư tưởng của Phan hay chiến thuật của Phan? Tôi cho chỉ là chiến thuật. Từ thế hệ của Phan trở đi, thoát Hán là lẽ tất nhiên, nó đương nhiên giống như thế hệ trước triều cống China vậy.)

Hầu hết các sử gia đều căn cứ vào 2 cuộc "cầu viện"/triều cống ngay sau khi 2 lần Pháp đánh thành Hà Nội (nhưng rồi Pháp trả lại thành), để cho rằng Nhà Nguyễn cầu viện Mãn Thanh đánh Pháp giành độc lập. Đó là những ý niệm hiện đại áp lên tư duy thế hệ trước.

Nếu bạn xem lịch sử các cuộc triều cống, thì cuộc triều cống nói trên là theo đúng lệ những năm trước đã làm, đều đặn 4 năm 1 lần. Còn nội dung cầu viện, cả hai lần 1873 và 1882, chỉ là nhờ Mãn Thanh tăng thêm quân đội để gây áp lực cho Pháp rút khỏi Bắc Kỳ. Tại sao xin nó tăng quân gây áp lực? Mãn Thanh đã đóng quân ở Việt Nam rồi, nhưng hai bên Pháp Thanh vẫn đang đàm phán nên chẳng động tĩnh gì. Khi các cuộc đàm phán này thất bại, hai bên giải quyết bằng cuộc chiến 1883 - 1885.

Chẳng có cuộc cầu viện đánh Pháp giành độc lập nào cả. Đó là những ý niệm hiện đại. Vì sao? Vì Nhà Nguyễn coi việc Pháp xâm chiếm cũng là một vấn đề của... Mãn Thanh.

IV. Cách Pháp ứng xử với Đại Nam và Nhật Bản

Trong khi xâm chiếm Việt Nam, Pháp lại gửi chuyên gia giúp Nhật Bản hiện đại hóa.

Năm 1862 Pháp lấy 3 tỉnh miền Đông. Lấy dễ, thì lấy, thế thôi. Chả có kế hoạch gì. Đến 5 năm sau, tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế ở Paris, Pháp mời Nhật qua dự. Shibusawa Ei-ichi tham dự, vỡ òa trước Tây phương và thay đổi tư duy hoàn toàn. (Bạn hãy xem tự truyện "Vũ dạ đàm").

Sau đó Pháp đáp ứng tất cả các yêu cầu viện trợ về nhân sự và tài chính của Nhật: họ gửi giáo sư tới làm hiệu trưởng các trường đại học mới thành lập, cử kỹ sư tới giúp Nhật đóng tàu, sản xuất vũ khí, chế tạo máy...

Dưới đây là danh sách những quan chức và chuyên gia nổi bật người Pháp đã đến Nhật giúp đỡ Nhật hiểu về văn minh dân chủ và khoa học của Phương Tây, hiện còn được tôn vinh ở Nhật.

1. Gustave Émile Boissonade de Fontarabie (1825 - 1910): Giáo sư luật, được Thiên hoàng Minh Trị bổ nhiệm vào Hội đồng Hoàng gia Thái Chính quan [tương đương với… Bộ Chính trị ở VN hiện nay], cố vấn về quan hệ quốc tế và luật quốc tế. Ông “ủy viên bộ chính trị” người Pháp này đã chấp bút hầu hết các văn bản luật của Nhật Bản thời Minh Trị, kể cả hiến pháp đầu tiên. Khi về hưu được thưởng Huân chương Mặt trời mọc đệ nhất. Ông là nhà sáng lập ĐH Hosei.

(Năm 2010, Nhật đăng cai hội nghị APEC, lấy ĐH Hosei làm 1 trong những nơi tổ chức hội thảo để tiếp đoàn VN. Nội dung hội thảo là thể chế và giáo dục. Sau hội thảo, họ mời đoàn VN tham quan trường và tòa nhà cao 26 tầng mang tên ông “ủy viên bộ chính trị” người Pháp này. Khi dẫn đoàn VN vào trong hội trường lớn của tòa nhà, nơi đặt tượng của Boissonade, vị lãnh đạo ĐH Hosei đã rất kiên nhẫn kể tiểu sử của… tên thực dân khai hóa văn minh này. Nhưng tôi thấy đoàn VN không hiểu thâm ý của người Nhật. Toàn là quan chức, nhưng ai nấy mặt mày phởn phơ như đang được mát xa trong spa).

2. Charles Sulpice Jules Chanoine (1835 - 1915): cố vấn hiện đại hoá kỹ thuật pháo binh, kỵ binh, bộ binh trước thời Minh Trị. Về sau là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Pháp.

3. Jules Brunet (1838 - 1911): cố vấn hiện đại hoá lục quân, thầy trực tiếp của Bộ trưởng Hải quân Enomoto Takeaki.

4. Charles Descantons de Montblanc (1833 - 1894): Cố vấn ngoại giao, đại sứ cho Nhật ở Pháp (Nhật bổ nhiệm một người Pháp làm đại sứ cho mình)

5. Charles Edouard Gabriel Leroux (1851 - 1926): cố vấn đề quân nhạc, thông qua nhạc quân đội, phổ cập âm nhạc hiện đại ở Nhật Bản, mở công ty sản xuất đàn piano.

6. François Léonce Verny (1837 - 1865, dạy kỹ thuật đóng tàu hiện đại)

Pháp có làm như vậy với Việt Nam không? Chắc 99% chúng ta ngày nay sẽ trả lời là không.

Câu trả lời là có.

Ngay sau khi chiếm 3 tỉnh miền Đông, nó tặng triều Nguyễn 5 chiếc tàu chiến hiện đại, 200 khẩu súng và 5000 viên đạn. Nó lặp lại điều tương tự 10 năm sau.

Nó cử một chuyên gia tinh thông Hán học Phillarstre đến trú ở Huế. Mục đích đương nhiên là tình báo, nhưng bao gồm cả việc tư vấn cho vài vị quan có óc cải cách của nhà Nguyễn làm “khởi nghiệp” để kiếm tiền cho triều đình. Mọi ý tưởng cải cách đều thất bại. (Để một dự án khởi nghiệp thành công, cái cần nhất là con người, và khoảng 10 yếu tố khác nữa, chứ không phải ý tưởng tư vấn.)

Năm 1878, Phillarstre gửi báo cáo về Sài Gòn thế này. Chúng ta xem ông ấy đang nói về triều đình Huế hay triều đình... Hà Nội?

- Đất nước này (...) triều đình còn bị kìm hãm bởi những điều mê tín của một xã hội đã được cấu tạo rất chặt chẽ;

- đối với kẻ cầm đầu, mê tín đó là những cái cớ viện dẫn để bảo vệ những quyền lợi đã có,

- đối với tất cả mọi người thì đó là khí giới phòng thủ chống lại mọi thay đổi.

- Mỗi người đều biết mình có lợi gì khi thay đổi, nhưng lại chú ý nhiều nhất tới những gì sẽ mất và đều không muốn bắt đầu từ đấy.

Trong các cuộc đàm phán với Huế, thông điệp của Pháp rất rõ ràng và lặp đi lặp cho đến tận sau hiệp ước Pháp Thanh: đừng thờ thằng chồng Mãn Thanh nữa, ly dị nó đi, theo anh!

Nhưng câu trả lời của Nàng Kiều là em không biết phải làm gì khi đối diện với cả hai anh. Lúc thì... em ứ chịu đâu, gái chính chuyên không lấy hai chồng, lúc thì... à à mà các anh Tây cũng hay hay, em thích cảm giác mới…

Khi hai anh đánh nhau, nàng ngồi chờ kết quả. Kết quả ấy là:

Ngàn năm Trung Quốc lùng nhùng

May nhờ anh Pháp ghé mùng một đêm.

Thế rồi ông bác nổi lên…

Trung Quốc trở lại, đêm đêm ghé mùng

(Tóm lược lịch sử VN trong 4 câu)


==
Trương Nhân Tuấn's comment, 22.12

theo tôi, nghiên cứu về chiến tranh Pháp-Thanh 1883-1885 mà không tham khảo các văn bản ngoại giao (Pháp, Thanh, Anh, Đức...) - gọi chung là "sách vàng - livre jaune", quan hệ đến cuộc chiến này , thì e rằng kết luận sẽ có phần "phiếm diện". Hình dưới đây là cuốn "nhật ký của một quan lại", ghi chép một số các văn kiện ngoại giao, báo chí liên quan đến cuộc chiến. Tham khảo cuốn này ở Viễn đông bác cỗ cũng đủ. Theo tôi biết, khi Pháp chiếm Nam kỳ cho đến khi triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước 1874, nhà Thanh không có phản ứng nào cả, mặc dầu nội dung hiệp ước có ghi rõ "không còn thần phục nước Trung hoa nữa". Chỉ đến khi vua Tự Đức gởi sứ sang triều cống thì Tăng Kỹ Trạch mới vịn vào đó bắt chẹt Pháp đòi chia đất Bắc Kỳ. Chiến tranh Pháp-Thanh lần thứ nhứt (1883) bắt nguồn từ sự thịnh nộ của Từ hi thái hậu vì Pháp cho thổi chảy ấn lạc đà mà nhà Thanh tặng cho An Nam. từ hi cho rằng pháp đã sỉ nhục nhà Thanh. Nguyên nhân chiến tranh lần thứ hai (1884-1885) là do Pháp phản công, mục đích đòi bồi thường (100 triệu đô la) chớ không nhằm chiếm đất. Sau khi hiệp ước Pháp-Thanh 1885 ký kết, quốc hội pháp đặt vấn đề "nên giữ hay bỏ Bắc Kỳ". Quốc hội Pháp cho thành lập Ủy ban 33 để nghiên cứu vấn đề. Đa số dân biểu thuộc ủy ban chủ trương "bỏ". Nhưng phe "thương nhân", chủ chiến, thì muốn chiếm. Nhóm này lập kế loại những dân biếu chống đối. Chinhs ách "thuộc địa" từ đó mới thành hình. Trong bài viết có vài sai lầm nhò: nói rằng Pháp-Thanh thương lượng về An nam từ năm 1862 theo tôi cần kiểm chứng lại. Theo tôi là từ 1882. Phillarstre phải viết là Philastre. Hiệp ước 1883 gọi là hiệp ước Philastre (không hiệu lực vì quốc hội Pháp không thông qua). Thân mến.

==

Dương Quốc Chính's comment, 22.12

Vấn đề trong bài viết của Khôi là thiếu dẫn nguồn, nên tranh cãi chả đi đến đâu. Chẳng hạn, việc nhà Nguyễn yêu cầu Hoàng Tá Viêm giết Lưu Vĩnh Phúc ngay cả sau khi Phúc lập công đánh Pháp thì là phi logic, thực tế lịch sử (gốc) viết ngược lại, còn khen thưởng.

Trước khi Lưu về theo Viêm thì là chuyện khác, đúng là Viêm phải đánh dẹp. Việc này chả có tư liệu Tây, Tàu nào hơn được sử nhà Nguyễn, vì nó trực tiếp mà sự việc không có mấy liên hệ với Tây.

Việc Khôi bảo Thanh thắng Pháp trên đất liền (ở Bắc Kỳ?) cũng rất phi logic. Thực tế tất cả sách mình đọc, cỡ 10 cuốn khác nhau nguồn Tây ta đủ cả, thì đều cho thấy Tàu thua, chỉ thắng duy nhất ở Lạng Sơn, khi Pháp chủ quan vì đã ký hiệp ước Thiên Tân lần 1. Pháp lúc đó mạnh hơn Tàu nhiều, khó thua lắm.

Từ đó suy ra việc Tàu đề nghị đường biên giới với BK theo đường thẳng cũng phi lý, vì chỉ thằng thắng mới có quyền đè. Chia kiểu đó BK mất rất nhiều đất.

Việc Thanh nganh nhiên sang chiếm đất BK công khai cũng phi logic. Vì Thanh đang là thiên triều của Đại Nam. Nếu ĐN không có lộn xộn, cầu viện thì theo truyền thống không bao giờ thiên triều sang cướp đất.

Thực tế Thanh sang đều do quan quân Nguyễn sang Quảng Đông nhờ Thanh tiễu phỉ, tức là nó có lý do chính đáng. Thực tế nó đóng quân ở khá lâu nhưng không đặt quan cai trị hay tự nắm chủ quyền, ở 1 số tỉnh miền núi và trung du. Nên gọi là xâm lược là khó.

Kết hợp triều cống với cầu viện không có gì lạ? Chả hiểu sao Khôi vẫn cố cãi là không cầu viện? Tất nhiên không có bằng chứng gì. Lưu ý là cầu viện thì phải là sứ thần của triều đình, đó là đoàn Phạm Thận Duật và Nguyễn Thuật sang Thiên Tân. Còn những lần trước chỉ là quan lại cấp tỉnh đi yêu cầu quan cấp tỉnh (Lưỡng Quảng) tiễu phỉ.

Tất nhiên sử thì có nhiều nguồn viết khác nhau, nhưng mình cảm giác Khôi đang dùng những nguồn thiên về âm mưu chứ không chính thức.

==

Lê Nguyễn's comment, 12.2019

Cảm ơn bạn Nguyen Luong Hai Khoi và các bạn đang tham gia diễn đàn đã có sự trao đổi các vấn đề lịch sử trong tinh thần tôn trọng mọi sự khác biệt với mình. Đó là điều rất đáng được các trang Facebook khác học hỏi.

- Trong bài viết, tất cả luận cứ của tôi đều dựa vào sử liệu chính thức, ở đây là sách Đại Nam Thực Lục. Tất nhiên không có tài liệu nào là chính xác hoàn toàn, song dù sao chính sử cũng cần được lưu ý trước tiên, trước khi chúng ta trao đổi về những nguồn sử liệu khác.

- Khi đánh giá về quân Cờ Đen, cần thận trọng khi đọc tài liệu do các tác giả Pháp viết về thời kỳ này, nhất là việc họ không có sự phân biệt nào đối với các đạo quân Cờ Đen, Cờ Vàng và Cờ Trắng, trong khi chính triều đình Việt Nam sử dụng quân Cờ Đen để tiêu diệt hai nhóm quân kia. Tác phẩm rất có giá trị của Pháp là Histoire militaire de L’Indochine française (Hanoi-Haiphong 1931) mà còn dùng từ pirates để nói đến các cuộc khởi nghĩa của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám … thì với Lưu Vĩnh Phúc, từng là thủ lãnh một đạo quân thổ phỉ, những việc làm tệ hại, có thật cũng như không có thật, của quân Cờ Đen, được họ quảng bá là chuyện dễ hiểu.

- Tôi đồng tình với cách tìm hiểu của bạn Dương Quốc Chính về những sự thật liên quan đến đạo quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, dựa trên 3 giai đoạn:

* Trước khi đầu phục triều đình Huế, tức còn trong giai đoạn cướp bóc để nuôi quân. Sau khi thủ lĩnh Thái Bình Thiên Quốc là Hồng Tú Toàn tự tử năm 1864, dư đảng chạy qua Việt Nam khoảng những năm 1867-1868, thì vào những tháng cuối năm 1868 đã thấy Lưu Vĩnh Phúc được triều đình thưởng hàm cửu phẩm bá hộ vì có công tấn công đạo quân Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh. Như vậy, thời gian cướp bóc ban đầu của quân Cờ Đen là không lâu.

* Sau khi đầu phục triều đình – Thời gian này kéo dài từ năm 1868 đến năm 1883, với việc vua Tự Đức thăng chức dần cho Lưu Vĩnh Phúc từ nhỏ tới lớn, từ cửu phẩm bá hộ lên Phó lãnh binh (tòng tam phẩm), rồi Lãnh binh (chánh tam phẩm), Phó Đề đốc (tòng nhị phẩm), và cuối cùng là Đề đốc (chánh nhị phẩm, ngang Tổng đốc, Thượng thư). Điều này chứng tỏ một hoạt động liên tục của quân Cờ Đen trong đạo quân nhà Nguyễn và sự tuân phục của Lưu Vĩnh Phúc đối với sự lãnh đạo của các tướng Việt Nam, mà người đứng đầu là Hoàng Tá Viêm.

* Sau khi quân Cờ đen bị chính triều đình Việt Nam “từ bỏ” bởi hòa ước Quý Mùi ngày 25.8.1883 – Chỉ khoảng 2 tháng sau khi hai bên Việt-Pháp ký xong hòa ước, trong đó nói rõ “Pháp sẽ tự đánh đuổi quân Cờ Đen ra khỏi Bắc Kỳ” (khoản 23), Pháp mở cuộc tấn công qui mô vào đạo quân này tại Sơn Tây, trong điều kiện mọi quan hệ giữa quân Việt Nam và lực lượng của Lưu Vĩnh Phúc đã bị vô hiệu hóa.

Đây là thời khoảng kéo dài gần 2 năm (1883-1885) mà quân Cờ Đen không còn được triều đình Huế chu cấp, phải tự lực cánh sinh nên nếu có tài liệu nào đề cập đến những việc làm tệ hại của họ như cướp bóc, buôn thuốc phiện … thì có nhiều khả năng những việc làm đó diễn ra trong thời kỳ này.

- Về chuyện phối hợp giữa quân đội 2 địa phương (các tỉnh phía Bắc của Bắc Kỳ và Quảng Tây, Trung Quốc), chính sử có nêu rõ theo yêu cầu của phía Việt Nam, theo ý “người từ nước ông chạy sang nước tôi cướp phá (ám chỉ nhóm Cờ Vàng và Cờ Trắng), ông có trách nhiệm sang phối hợp cùng chúng tôi để tiêu diệt chúng”. Nếu sự thật đúng như chính sử miêu tả thì liệu gọi sự kiện này là xâm lược hay cầu viện, liệu có ép uổng lắm không?

Sách Đại Nam Thực Lục còn nhắc lại chuyện vào tháng 10 âm lịch 1869, Đề đốc nhà Thanh Phùng Tử Tài định ngày rút quân về, triều đình đưa thư lưu lại, Tử Tài nghe theo (ĐNTL Tập VII – NXB Giáo dục 2006, trang 1213). Từ đó cho đến năm 1883, quân Thanh thường xuyên ra vào biên giới hai nước, như một nhu cầu phối hợp tùy tình hình giặc cướp vào mỗi thời điểm.

- Trong suốt 15 năm, từ 1868 đến 1883, không có cuộc xung đột nào giữa quân nhà Thanh với quân Pháp, chỉ là những trận đánh giữa quân Việt và quân Cờ Đen với quân Pháp. Mục đích chủ yếu của hòa ước Giáp Tuất 1874 chỉ nhằm hợp thức hóa việc Pháp thuộc địa hóa toàn bộ lục tỉnh Nam Kỳ, chỉ nhắc đến việc đối ngoại của nhà Nguyễn bằng những ý tứ mơ hồ. Phải chờ đến hòa ước Quý Mùi ngày 25.8.1883, Pháp mới dứt khoát buộc triều đình nhà Nguyễn tách hẳn mối quan hệ với nhà Thanh. Chính từ thời điểm này bắt đầu nảy sinh những xung đột giữa Pháp và quân nhà Mãn Thanh, vì một mặt Pháp muốn quân Thanh phải rút khỏi biên giới, mặt khác quân Thanh muốn gây áp lực đế Pháp xét lại hòa ước Quý Mùi (hất cẳng Tàu khỏi VN). Ngay vào lúc này, lực lượng quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc cũng chỉ chiến đấu đơn độc, không có mối quan hệ nào với quân Mãn Thanh đang trú đóng tại các tỉnh gần biên giới Việt-Hoa. Nếu có phối hợp chăng là phối hợp giữa quân Cờ Đen với những đạo quân của một số quan lại Việt Nam còn trì hoãn việc rút quân về theo tinh thần hòa ước Quý Mùi.

Đó là những chi tiết về mặt sử liệu liên quan đến hai cụm từ đang gây ra nhiều khác biệt về quan điểm hay lập luận: cầu viện, yêu cầu phối hợp, hay xâm lược.

Chúc các bạn vui khỏe.

== Trương Nhân Tuấn's reply:

xin phép góp chút ý kiến.

1/ Về quân Cờ Đen, đồng ý là nên thận trọng với sử liệu của Pháp. Nhưng cũng không nên có thái độ coi sử liệu của VN hay của Tàu là "hệ qui chiếu". Đối với Thanh triều, việc quân Cờ Đen là chuyện của địa phương (Vân quí và Lưỡng quảng). Lúc cần can thiệp đổ quân vô VN thì họ gọi quân Cờ Đen là "giặc", y chang như Pháp. Nhưng khi cần đánh Pháp thì họ gọi quân Cờ Đen là "phe ta", là "anh hùng". Các đạo quân của Tạ Kính Bửu từ Vân Nam, hay của Phùng Tử Tài từ Long Châu (Lưỡng quảng) đổ qua đánh Pháp (1883) đều có phối hợp với quân Cờ Đen. Quân Cờ Đen chiếm cả thung lũng sông Hồng, từ Lào cai về tới Hà nội. Vậy quân Cờ Đen có thể đồng hóa với quân chính qui của Thanh triều hay không ?

2/ Quân nhà Thanh đổ vô VN nói là tiễu trừ thổ phỉ, mà thực tế là lùa bọn cướp bóc, tàn dư của Thái bình thiên quốc ra khỏi lãnh thổ nước Tàu. Mục đích là giữ an ninh nội bộ của Tranh triều. Vì vậy họ đổ quân vô VN rồi không rút về. Vấn đề là dân VN, vối gặp nạn đói triền miên, phải è cổ nuôi đạo quân này. Vua Tự Đức "mời" họ về mà họ không về. Vậy có thể gọi là "xâm lược" hay không ?

3/ Về hòa ước 1874, những điều "mơ hồ" là không nói rõ Bắc kỳ có thuộc quyền "bảo hộ" của Pháp hay không ? Những điều khác thì nói rất rõ, thứ nhứt VN là một nước "độc lập không thần phục nước nào" và thứ hai, Pháp có nhiệm vụ giúp vua An nam dẹp loạn. Vấn đề là vua Tự Đức bỏ qua hiệp định này, tiếp tục triều cống nhà Thanh và yêu cầu quân Thanh đánh Pháp. Nến biết là chiến tranh Pháp-Thanh, đúng ra là quân Pháp đánh với quân Cờ Đen và quân chính qui nhà Thanh cùng với quân nhà Nguyễn. Mục đích của quân Cờ Đen và quân Thanh trong cuộc chiến này là gì ? để bảo vệ ngôi vua của Tự Đức hay để giành đất cho Thanh Triều ? Nếu để giành đất thì quân Thanh (và quân Cờ Đen) có phải là quân "xâm lược" hay không ?

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc