TẢN MẠN VỀ NHỮNG XU THẾ TRẬT TỰ MỚI

shared from fb Lý Xuân Hải,
-----
1.

Trật tự thế giới đang rung lắc.


Càng ngày mấy ông hổ báo cáo chồn linh cẩu của thế giới càng không coi luật pháp quốc tế ra gì… húng lên là vác bom thả, kéo pháo bắn và ủn tên lửa phóng. Họ coi mạng người như cỏ rác, các giá trị phổ quát ngày càng cá thể hoá theo lợi ích quốc gia. Rõ là còn khái niệm quyền lợi quốc gia thì giá trị phổ quát của loài người vẫn là thứ cấp, luật pháp quốc tế sẽ được dùng như dùng cái áo rách mà thôi.

Vụ Ucraina là cú hoàn tất làm thế giới bớt phẳng. Các rào sắt sẽ dựng lên. Nhìn cách phương Tây và Mỹ rút khỏi Nga như vậy thì hiểu: họ chuẩn bị cho những kịch bản xấu hơn hiện nay nhiều.

Xung đột và bất an sẽ gia tăng. Các cuộc chiến tranh bẩn thỉu và tàn bạo sẽ gần hơn.

Cơ hội mới sẽ xuất hiện cùng với các anh hùng và tội đồ mới.

Cầu mong các kịch bản sẽ mãi mãi là kịch bản trên giấy.

2.

Ngân hàng Tiết kiệm (Sberbank) là ngân hàng lớn nhất nước Nga: Tổng tài sản khoảng $470 tỷ, thị phần trên 10%, lợi nhuận hằng năm xấp xỉ $10 tỷ. Giá thị trường giao dịch khoảng $100-110 tỷ. Các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 40% cổ phiếu ngân hàng này. Cổ phiếu Sberbank niêm yết tại Sở GDCK London.

Chiến tranh Nga - Ucraina diễn ra. Các biện pháp cấm vận và trừng phạt Nga được áp dụng. Các kênh đầu tư bị chặn. Kênh thanh toán bị cắt. Cơ quan quản lý thị trường Anh tăng giám sát cổ phiếu doanh nghiệp Nga niêm yết ở đó. Các nhà đầu tư bắt đầu hoảng loạn bán tháo trong khoảng thời gian ngắn. Cổ phiếu các Ngân hàng và doanh nghiệp Nga, bao gồm các doanh nghiệp dầu khí và tài nguyên, đang giảm giá thảm hại hàng chục lần, có khi hàng trăm lần, ở TTCK nước ngoài. Chính phủ Nga cũng đã yêu cầu các DN niêm yết ở nước ngoài delisting (huỷ niêm yết) nên quá trình tuột dốc này là không phanh!

Giá cổ phiếu của Sberbank giảm gần 500 lần. Giá thị trường ngân hàng này hiện chỉ còn khoảng $242 triệu.

Theo thông tin chưa kiểm chứng có một nhóm các nhà đầu tư giấu mặt đã huy động tiền và hiện tích cực thu gom mua cổ phiếu Sberbank bán tháo nêu trên ở London. Hiện chưa rõ ai mua và nguồn vốn là từ đâu. phía Trung Quốc, theo các kênh không chính thức, khẳng định họ không mua. Một nguồn tin chưa kiểm chứng nói người Nga mua.

Trung Quốc cũng đã gọi mấy ông lớn dầu khí như Sinopec, CNOOC và CNPC để nhắc các chú này đừng tranh mua lộn xộn và ồn ào, tránh chọc tức Mỹ và đồng minh.

Mấy ông này hiện đang nhăm nhe mua cổ phần của Gazprom, United Co. Rusal và vài doanh nghiệp tài nguyên của Nga.

3.

Trong các quốc gia hưởng lợi của chiến sự Nga-Ucraina có thể có Iran và Venezuela. Bởi Nga, nhà cung cấp dầu và khí đốt hàng đầu thế giới, bị cấm vận và từng bước bị cô lập với kinh tế thế giới.

Châu Âu vẫn phải mua khí đốt và dầu của Nga nên chỉ cắt SWIFT một số ngân hàng lớn, tạm chưa động đến mấy ngân hàng bán khí và dầu… trong khi tìm kiếm nguồn năng lượng hoá thạch thay thế tránh phụ thuộc Nga.

Châu Âu và Mỹ chợt nhớ có hai chú đói thối mồm đang cần bán dầu: Iran và Venezuela. Ngặt cái hai anh này cũng đang bị Mỹ cấm vận. Các cuộc đi đêm bắt đầu để giảm bớt điều kiện cấm vận cho hai ông này. Nhất là bản thân TT Biden cũng muốn quay lại thoả thuận hạt nhân với Iran vốn bị ông TT Trump vứt vào sọt rác. Nhất cử lưỡng tiện.

Phải cái hai chú này cũng chả phải người phàm: Venezuela có ông TT Maduro bị Mỹ ghét cay ghét đắng. Còn Iran thì vẫn hằm hè sắm vũ khí hạt nhân. Đàm phán lúc này cả hai chú đều thấy mình có thêm chủ bài và cơ hội dăm thập niên có một thành ra cũng rất gấu bể đòi dỡ bỏ cấm vận các kiểu.

Việc Mỹ sẵn sàng xuống nước với Venezuela và Iran là rõ… chỉ là điều kiện thế nào.

Có vẻ đàm phán sẽ thành công và các bên sẽ có tiếng nói chung - tin gần nhất nói thế.

Bình thường chắc ồn ào nhưng trên nền cuộc chiến Nga - Ucraina nó không còn là Breaking News nữa.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang hưởng lợi khi mua dầu của Nga giảm giá đến 20-30%.

Nhưng cũng rất thận trọng.

Mỹ đang theo dõi sát Trung Quốc, Ấn Độ nếu có hành động giúp Nga vượt rào cấm vận là trừng phạt ngay. Đồng thời bằng các biện pháp công khai cũng như sau hậu trường ngăn Trung Quốc đứng hẳn về Nga.

Trung Quốc thì vẫn khôn: ủng hộ Nga về tinh thần nhiều hơn là hành động. Hành động thế nào thì vẫn thường xuyên tham vấn Mỹ để tránh bị xử. Bởi nói gì thì nói nước Mỹ đang đem lại cho Trung Quốc lợi ích kinh tế lớn hơn Nga rất nhiều (nhìn vào kim ngạch thương mại thì thấy). Ấy là chưa nói dự trữ ngoại hối Trung Quốc 1.100 tỷ bằng USD. Chưa kể nếu tính cả các tài sản đầu tư của doanh nghiệp và Ngân hàng Trung Quốc vào USD thì con số ấy là 3.200 tỷ. Lợi ích kinh tế quá lớn so với vài trăm tỷ đô của Nga. Bảo Trung Quốc trở mặt đối đầu ngay với Mỹ chắc chắn không. Ngay cả bây giờ với Nga họ cũng rất thực dụng: sẵn sàng mua dầu hay khí hay cổ phần nhưng giá phải rẻ mới chơi.

Lợi ích chính trị thì chưa rõ: ai thắng người ấy phải. Trung Quốc có thể chờ xem ai thắng.

Trung Quốc đang rất theo dõi diễn biến liên quan Nga - Ucraina, đặc biệt các bài của Mỹ và đồng minh, để phân tích và xây dựng cho mình kịch bản hành động nếu trực tiếp đối đầu với Mỹ.

4.

Nhưng hệ quả là Mỹ sinh chuyện với Saudi Arab (SA)- đối thủ không khoan nhượng của Iran.

Chả là gần chục năm nay Trung Quốc, để quốc tế hoá NDT, luôn gạ gẫm các quốc gia thanh toán quốc tế bằng NDT. Trung Quốc nhập gần 25% dầu do Ả Rập Saudi khai thác nên cưa cẩm Ả Rập Saudi dùng NDT kịch liệt.

Nói thêm về Ả Rập Saudi tí.

Năm 1974 thời tổng thống Nixon có một thoả thuận Ả Rập Saudi sẽ chỉ bán dầu bằng USD để đổi lấy đảm bảo an ninh từ nước Mỹ. Ả Rập Saudi trở thành đồng minh tin cậy của Mỹ ở Trung Đông và là một trong các chủ bài của Mỹ chống Liên Xô thời TT Reagan: việc Mỹ và Ả Rập Saudi ghìm giá dầu thấp là một trong các nguyên nhân quan trọng làm sụp nền kinh tế Liên Xô vốn đã không hiệu quả lại phụ thuộc tài nguyên là dầu. Dầu mất giá làm mất nguồn thu là một trong các nguyên nhân dẫn đến suy sụp kinh tế Liên Xô dẫn đến Liên Xô tan rã.

Quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi cứ thế tốt đẹp. Nhưng đến 2001 có vẻ bớt vui khi xảy ra sự kiện khủng bố 911: nhóm khủng bố có các thành viên quốc tịch chủ yếu từ Ả Rập Saudi đã phủ mây đen lên niềm tin Mỹ dành cho Ả Rập Saudi. Có nghi ngờ rằng Ả Rập Saudi nhắm mắt làm ngơ cho hội khủng bố này hoạt động.

Còn nước Nga sau khi thất vọng vì xây dựng mối thân tình với châu Âu và Mỹ không thành cả thời TT Eltsin lẫn TT Putin quyết định quay sang thông giao chặt chẽ hơn với OPEC+ nơi Ả Rập Saudi có vai trò quan trọng.

2007 TT Putin lần đầu tiên sang thăm Ả Rập Saudi.

2017 Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud thăm cấp nhà nước tới Nga. Sau đó hai vị này thường xuyên điện đàm.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman - người thực quyền lãnh đạo Ả Rập Saudi - đã đến thăm Nga năm lần và gặp TT Putin bên lề các hội nghị 2 lần từ 2015-2018.

Quan hệ Mỹ Ả Rập Saudi trở nên thiếu mặn mà hơn thời TT Obama do ông tập trung vào thoả thuận hạt nhân với Iran.

TT Trump ngược lại: ông gây dựng qua hệ tốt với Ả Rập Saudi để làm bàn đạp gây sức ép với Iran và thẳng tay xé bỏ thoả thuận hạt nhân của ông TT Obama.

Ngay cả khi có các thông tin điều tra khẳng định Thái tử Mohammed bin Salman có liên quan đến vụ giết nhà đối lập Hashoggi, TT Trump vẫn tìm cách dìm vụ này đi khi không muốn làm to chuyện vì có chuyện khác to hơn: America First!

TT Biden lên lại có cách tiếp cận khác trong quan hệ với Ả Rập Saudi: ít cam kết hỗ trợ Israel hơn, thân thiện và muốn hợp tác hơn với Iran và hệ quả là xa Ả Rập Saudi hơn. Ông cũng có ý mượn xới lại vụ Hashoggi:

Sự “lúc lắc” ấy trong quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi làm Ả Rập Saudi cũng thấy bất ổn.

Đặc biệt gần đây khi Nga đánh Ucraina và thế giới lại phân phe rõ rệt, Ả Rập Saudi đứng trước câu hỏi: theo ai? Họ muốn trung lập nhưng nước Mỹ đã làm họ không yên tâm vào cam kết, nhất là khi lãnh đạo Ả Rập Saudi dự báo rằng nhiệm kỳ đảng Dân Chủ với TT Biden nhạt nhoà sẽ làm người Mỹ chán ngán và nhiệm kỳ tiếp theo họ sẽ lại chọn một tổng thống từ Đảng Cộng Hoà… tức TT Biden khó ngồi lại nhiệm kỳ hai. Khi ấy TT mới của Mỹ có thực hiện lời hứa và cam kết của TT Biden hay không là một câu hỏi (hệ quả việc TT Trump lật xuôi xong TT Biden lật ngược) trong khi nếu TT Putin sẽ tiếp tục nhiệm kỳ nữa thì đối tác là ổn định. Có vẻ Ả Rập Saudi đặt cửa bên TT Putin sẽ tiếp tục.

Đang sẵn nhiều ấm ức thế, gần đây Ả Rập Saudi rất không hài lòng Mỹ về thái độ không hỗ trợ trong nội chiến Yemen, rút quân quá nhanh khỏi Afganistan và thêm Biden gây sự xem lại vụ Hashoggi nên Ả Rập Saudi đẩy nhanh chấp nhận thanh toán mua bán dầu bằng NDT. Ả Rập Saudi tính đến cả chuyện quote các hợp đồng tương lai (Futures Contracts) bằng NDT luôn. Chuyện lớn rồi.

Kiểu: mày ăn chả thì bà mày ăn nem!

Mấy ngày gần đây Mỹ có vẻ quan tâm Ả Rập Saudi nhiều hơn: hứa sẽ xử lý Yemen, khẳng định cam kết an ninh với Ả Rập Saudi là bền vững và có vẻ chấp nhận là quên luôn vụ Hashoggi.

5.

Nga đang thực hiện hai cuộc chiến: một là chiến tranh trên chiến trường với Ucraina có sự hậu thuẫn trực tiếp phía sau của Mỹ cùng châu Âu và hai là cuộc chiến tranh Kinh tế - Tiền tệ với Mỹ và đồng minh không chỉ ở châu Âu: hầu như tất cả các nền kinh tế lớn (khoảng 50% GDP toàn cầu), tìm cách đóng chặt cửa giao thương và cô lập nước Nga.

Ngay khi chiến sự với Ucraina nổ ra, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu cùng đồng minh là vô tiền khoáng hậu: phong toả TK ngoại tệ NHTW Nga, cắt một số NHTM lớn khỏi SWIFT, ngừng đầu tư, rút doanh nghiệp về nước, ngưng cung cấp dịch vụ, cấm bay, ngừng giao thương… và hiệu quả gần như tức thời. Nhất là thị trường tệ.

Đồng ruble đang ở mức 75-79 ruble/1$ đầu tháng 2/2022 nhảy vọt lên 150 rubles/1$ đầu tháng 3/2022. Lạm phát gần 20% và tiền ruble mất giá gần 100% làm NHTW Nga phải thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất cơ bản lên 20%; hệ thống ngân hàng bị shocked vì chỉ trong thời gian ngắn gần 10 tỷ$ bằng ngoại tệ đã bị dân rút ra; thất nghiệp (bao gồm vì các DNNN rút) tăng cao; xuất nhập khẩu và giao thương quốc tế ngưng trệ, chuỗi cung ứng bị gãy; nguy cơ lạc hậu công nghệ, suy giảm năng suất… là những đe doạ Nga trong trung và dài hạn. Ngắn hạn là bất an xã hội…

Nga phải áp dụng các biện pháp chống tác hại của trừng phạt, bình ổn thị trường tiền tệ:

a. Tuyên bố bán dầu khí bằng ruble.

b. Một trong các công cụ giữ tỷ giá của Nga là vàng. Trước Nga giảm dự trữ USD chuyển sang vàng và chuyển dần vàng về nước. Để tránh “động” thị trường NHTW Nga đã dùng ngoại tệ mua vàng của các doanh nghiệp Nga xuất khẩu vàng theo giá thế giới (xuất khẩu tại chỗ). Sau khi bị cấm vận Nga dùng ruble mua vàng khai thác được để tăng dự trữ đồng thời cứu các DN này và các NHTM. Tuy nhiên do ruble mất giá mạnh, phát sinh nhu cầu người dân tìm tài sản trú ẩn giá trị. Trước họ mua ngoại tệ. Nay NHTW Nga khuyến khích người dân nắm giữa vàng thay cho ngoại tệ mạnh khác. 15/03/2022 NHTW Nga dừng mua để không đẩy giá lên đồng thời bỏ thuế VAT với vàng để khuyến khích dân mua vàng cất giữ nếu sợ lạm phát. Chỉ trong 10 ngày có vẻ giải quyết cơ bản tâm lý nên NHTW Nga tuyên bố sẽ mua vàng trở lại ít nhất đến 30/06/2022 với mức giá 5.000 ruble/gam. Các chuyên gia tính toán và thấy khi đó tỷ giá sẽ tương đương 79-80ruble/1$. Một sơ đồ không tồi giữ tỷ giá cho điều kiện bị phong toả tài chính. Bởi 2 lý do:

- Giá vàng ai cũng biết và mua bán dễ dàng (vàng NHTW Nga bị phong toả là vàng khối). De factor vàng là “bình thông nhau” với các loại tiền tệ nếu việc luân chuyển không quá phức tạp.

- Nga là một trong các nước khai thác và xuất khẩu vàng lớn nhất thế giới: 10% kim ngạch toàn cầu.

Vàng là một loại ngoại tệ mạnh lại của nhà làm được nên giải pháp“neo tỷ giá” tạm thời này có vẻ hiệu quả với người Nga.

c. Hạn chế rút ngoại tệ mặt khỏi ngân hàng và lượng ngoại tệ mặt cho phép khi xuất cảnh không quá 10.000$, dừng bán ngoại tệ mặt cho dân cư.

Các biện pháp trên góp phần làm đồng ruble mạnh lên và tăng giá. Những ngày tháng 4 loanh quanh mức 80 ruble/$ (Blooomberg) - Tỷ giá chợ đen khác biệt khoảng 5-12 ruble/1$ tuỳ nơi. Tỷ giá quay trở lại khá gần mức trước cuộc chiến Ucraina. Nga thông báo 90% lượng tiền rút khỏi hệ thống ngân hàng đã quay trở lại nhưng không nói cụ thể với ruble hay ngoại tệ hay cả hai.

Tỷ giá bình ổn đôi chút, các biện pháp thắt chặt tiền tệ chống lạm phát cũng có vẻ phát huy hiệu quả nên các biện pháp hạn chế dân rút hay mua bán ngoại tệ nới lỏng hơn: các NHTM được bán ngoại tệ cho dân cư, lãi suất cơ bản cũng giảm từ 20% xuống 17%.

Tạm thời có vẻ đám cháy tại thị trường tiền tệ Nga, vốn không được mạnh và khoẻ cho lắm, đã thoái trào.

Nhưng cuộc chiến tiền tệ vẫn còn tiếp diễn. Chờ Mỹ và đồng minh sẽ đi những nước cờ gì để thổi nó lên.

Chính nước Nga cũng biết: Những khó khăn hôm nay mới là hệ quả tiền tệ, hậu quả tài khoá và kinh tế xã hội của cấm vận sẽ chỉ phát lộ lên nền kinh tế Nga với độ trễ 6 tháng. Để tồn tại kinh tế Nga sẽ phải thực hiện các cuộc tái cơ cấu đầy cam go và tốn kém. Họ đang tuyên bố chuyển trục sang châu Á nhưng nhìn qua đã thấy không hề đơn giản.

Nước Mỹ đã thấy sự cần thiết của song kiếm hợp bích: vũ khí thương mại luôn phải kèm vũ khí tiền tệ. Tôi từ trước đến giờ luôn chê ông cựu TT Trump đã khởi động chiến tranh thương mại với Trung Quốc bỏ qua vũ khí tiền tệ. Ông làm tôi phải mời nhóm cá độ Chiến tranh Thương mại ăn mấy năm rồi.

6.

Các biện pháp trừng phạt mạnh và rộng hơn bao giờ hết.

Hai bên găng nhau.

Nhưng vẫn còn phụ thuộc nhau một chỗ: năng lượng. Châu Âu chưa thể có nguồn thay thế cho dầu, khí đốt và than nhập từ Nga.

Nga vẫn cần bán khí và dầu để có nguồn ngoại tệ từ châu Âu.

Châu Âu tìm nguồn khí đốt không phụ thuộc Nga để cách ly Nga toàn diện.

Nga doạ không bán cho châu Âu, Mỹ dầu và khí nữa.

Nói qua nói lại thế nhưng mua vẫn mua, bán vẫn bán. Theo tin gần nhất trong EU mới có Lithuana là không còn phụ thuộc nguồn dầu khí của Nga. Tiếp theo có thể là Latvia.

Phong toả tài khoản NHTW hay cắt khỏi SWIFT vẫn chừa ra nhiều ngân hàng trong đó có Gazprombank - ngân hàng của Gazprom chuyên phục vụ mua bán dầu khí. Tóm lại vụ phong toả TK và SWIFT vẫn nửa vời vì quyền lợi và phụ thuộc quá sát sườn. Có khi trừng phạt ông chủ nhưng không trừng phạt công ty để tránh phản ứng ngược trong cung ứng.

Nhìn kỹ danh sách các ông tỷ phú bị trừng phạt thấy cũng rất chọn lọc: tiêu chí “gần gũi với ông Putin” đang dần được thay bằng “mức độ thiệt hại nền kinh tế Nga”. Ngoài Mordashov tạm thời các tỷ phú nắm giữ cổ phần quan trọng trong các công ty năng lượng, kim loại và khoáng sản lớn chưa bị động vào để tránh ảnh hưởng đến giá nguyên liệu cơ bản như với Depiraska và giá nhôm năm 2018.

Nhưng lại có chuyện: các doanh nghiệp khi bán dầu thu ngoại tệ về, theo luật Nga, bị kết hối bắt buộc cho NHTW 80% để lấy ruble. NHTW bằng cách ấy tăng dự trữ ngoại hối. Nhưng nay nguồn ngoại hổi ấy của NHTW Nga đã bị Mỹ và châu Âu phong toả: dầu và khí giao cho châu Âu nhưng tiền về cuối cùng tại NHTW lại bị châu Âu và Mỹ túm lại không cho xài và đe doạ các kiểu… ngoài dùng trả nợ. Mà được trả nợ hay không cũng phập phù tuỳ hỷ của Mỹ… bất kỳ lúc nào cũng có thể bị tuyên phá sản. Thành ra Mỹ - châu Âu trả tiền tay phải, tay trái cầm lại luôn. Nga giao hàng xong chả có gì!

Thế là Nga nổi đoá: bán cho các “khách hàng thân thiện” Trung Quốc bằng NDT, Ấn Độ bằng rupie… lại còn khuyến mại 20-35%.

Còn đòi bán dầu khí cho “khách hàng thù địch” châu Âu bằng ruble!

Châu Âu chưa cần biết thực hiện ra sao, mua ruble ở đâu… đã đồng lòng không chịu vì trong hợp đồng đã có quy định trả bằng ngoại tệ, đòi kiện.

Ông Nga thì cùn doạ: không thanh toán ruble thì không bán khí, không bán dầu.

Hiện vẫn đang dền dứ nhau giống như trò nhìn nhau ai chớp mắt trước vậy.

Không bán làm gì ông!!!

Cứ phong toả làm gì bà!!!

Vì sao châu Âu không chấp nhận mua dầu khí bằng ruble? Sơ đồ thanh toán bằng ruble Nga yêu cầu thế này:

a. Bên nhập khẩu châu Âu mở hai tài khoản chuyên dùng tại Gazprombank: một bằng Euro và một bằng đồng ruble.

b. Để mua khí đốt bên nhập khẩu châu Âu chuyển tiền Euro vào tài khoản chuyên dùng Euro của mình.

c. Bên nhập khẩu châu Âu đề nghị Gazprombank bán Euro mua ruble.

d. Gazprombank bán Euro nêu trên tại Sở giao dịch Ngoại hối Liên ngân hàng Moscow (MMVB) và chuyển số ruble nhận được vào tài khoản chuyên dùng đồng ruble của nhà nhập khẩu tại Gazprombank.

e. Từ tài khoản ruble chuyên dùng của bên nhập khẩu châu Âu ruble được chuyển vào tài khoản ruble của người bán là Gazprom.

f. Gazprom sẽ chỉ xác nhận đã được thanh toán đủ vào thời điểm tài khoản ruble của Gazprom tại Gazprombank được ghi Có bằng đồng ruble.

Nhìn thấy cũng chả có gì ghê gớm và cũng không khác cũ bao nhiêu.

Khác mỗi: trước bên mua chuyển Euro vào TK Euro bên bán là coi như thanh toán xong và bên bán mang Euro bán cho NHTW hay cho ai sau đó lấy ruble thì tuỳ, giờ bên mua bán Euro ra ruble trên MMVB và chuyển ruble cho bên bán.

Ở đây có cái gì bẫy nhau mà châu Âu không chịu?

Công khai, châu Âu cho rằng chấp nhận mua dầu khí bằng ruble tức là phải giao dịch bán ngoại tệ và mua ruble với NHTW Nga. Mà như thế là vi phạm lệnh cấm vận của chính châu Âu vì NHTW Nga bị cấm vận và phong toả tài khoản. Nhưng nếu chỉ vì lý do này thấy ngay là không chặt chẽ.

Đoán mò thế này:

a. Ngoại tệ bán trên TT Liên ngân hàng là do các NHTM nắm giữ và không bị phong toả. Chỉ TK ngoại tệ của NHTW Nga hiện bị phong toả. Mua được ngoại tệ các NHTM có thể bán cho Doanh nghiệp và thông qua các sơ đồ phức tạp chuyển thành tài sản khác, ví dụ như nêu ở 1 - ấy là ví dụ thôi.

b. Trước cứ ghi Có TK Euro là coi như thanh toán xong. Mà nhận được Euro, về nguyên tắc, Mỹ và châu Âu có thể phong toả, thu nợ hay cấm vận ngay. Nay thì khó: ghi Có Euro vẫn cho bên nhập khẩu châu Âu nên chả nhẽ quân ta lại đi phong toả quân mình!

Tài sản doanh nghiệp trước mắt chưa bị phong toả vì đó là tiền doanh nghiệp. Nhưng không thể loại trừ. Vậy phát sinh câu hỏi: nếu Mỹ và châu Âu phong toả luôn TK ngoại tệ không chỉ của NHTW mà của cả doanh nghiệp như Gazprom hay NHTM như Gazprombank thì sao?

Thì khi ấy bán ngoại tệ trên MMVB sẽ ít ai mua (mua làm gì nếu mua về bị phong toả ngay. Mỹ và châu Âu càng không có ruble: cắt đứt giao thương hết cả thế lấy đâu ra ruble!). Nếu có ai mua thì chỉ mua với giá rẻ (ruble lên giá) nên giá mua dầu khí sẽ cao. Khi ấy, nếu vẫn cần mua dầu khí của Nga, càng phong toả chặt càng làm nhu cầu Euro thấp (Chả nhẽ châu Âu mua dầu khí bằng NDT!) và mua dầu khí càng đắt đỏ.

Mà nếu bên kia vẫn cứ phong toả Euro của NHTM hay DN thì bên này phong toả TK tiền ruble của bên mua - không nhận được ruble từ Gazprom bank thì cũng có quyền không giao hàng (không như trước nhận được Euro là xong!): Mày phong toả (ngoại tệ) của tao thì tao phong toả lại (ruble) của mày!

c. Tạo tiền lệ và vị thế cho ruble: nếu nước Nga không muốn dự trữ bằng Euro hay USD thì thanh toán bằng ruble là yêu cầu logic để bớt lệ thuộc trong cuộc chơi.

Có lẽ đó là các lý do để châu Âu cương quyết không mua dầu bằng ruble. Ngu gì chuyển sang nắm đằng lưỡi khi đang nắm đằng chuôi.

7.

Cuộc chiến tiền tệ vốn chỉ giữa Mỹ với Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nay thêm ông Nga với GDP chỉ có gần 2% GDP toàn cầu tham gia và có vẻ lợi hại bởi vị thế chính trị của Nga cũng đáng xem xét. Thông thường những nền kinh tế bé tí hon không có cửa trong cuộc chiến tiền tệ. Nga với đồng ruble không có sức mạnh hạ bệ USD hay Euro nhưng có vẻ như cùng các đồng minh đang cố tạo ra thêm cú hích nhằm làm mất vị thế đồng USD trong cuộc chiến tranh tiền tệ lâu nay.

a. Chút phiếm bàn về tiền.

Tiền là loại hàng đặc biệt có thể trao đổi được với tất cả các loại hàng hoá khác: là thước đo vạn năng mọi giá trị, công năng cất giữ giá trị và công cụ thanh toán. Mỗi loại tiền được đảm bảo bằng lượng hàng hoá mà nền kinh tế nó đại diện sản xuất ra. Công cụ chính sách tiền tệ, bao gồm phát hành tiền, là độc quyền nhà nước và là một trong các nội hàm của quyền lực quốc gia.

Mỗi quốc gia một loại tiền… có quá nhiều loại tiền làm việc trao đổi các loại tiền với nhau cũng trở nên phức tạp. May quá xuất hiện thoả thuận Bretton Woods: USD được coi “tiền của tiền” - là loại tiền tự do chuyển đổi có thể trao đổi với tất cả các loại tiền khác. Sau đó xuất hiện €… ngoài ra còn ¥, £ và vàng - dĩ nhiên nhờ yếu tố lịch sử - có tính năng tương tự và được gọi là ngoại tệ mạnh. Ông nào làm chủ “tiền của tiền” ông ấy nắm cổ họng những ông khác: nếu tiền là quyền lực quốc gia thì “tiền của tiền” trở thành quyền lực quốc tế. Nhưng nói vậy để được làm chủ nhân của “tiền của tiền” không dễ.

b. Các yêu cầu tối thiểu với “tiền của tiền” là:

- Nền kinh tế sản xuất ra hàng hoá mà nó là đại diện, là thước đo… cần phải đủ lớn, bền vững, có mức độ giao thương thương mại mở, bao phủ và ảnh hưởng toàn cầu rộng.

- Thị trường tự do, cơ chế chính sách quản lý kinh tế công bằng, minh bạch, ít rào cản bảo hộ… để có niềm tin.

- Chính sách tiền tệ minh bạch, không bị đầu cơ, có tính dự báo cao và khả năng quản lý, năng lực giữ gìn giá trị đồng tiền ổn định.

- Tự do chuyển đổi sang các loại tiền khác.

- Tự do luân chuyển, ít nhất với các tài khoản vãng lai tức tài khoản thanh toán.

- Ít bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu chính trị ngắn hạn (là lý do NHTW cần độc lập với chính phủ).

Nhìn các tiêu chí này thấy khó đồng tiền nào vượt USD. Nhưng không phải USD không có điểm yếu.

c. Chút phiếm bàn về thanh toán.

Tiền là phương tiện thanh toán. Có tiền mà không có hệ thống thanh toán cũng như đào chôn tiền ở gậm giường vô ích. Nắm kênh thanh toán tương tự nắm đồng tiền.

Ông nào nắm tiền của tiền sẽ quyết luôn việc chọn hệ thống thanh toán. Với sự ra đời của Petrodolars và ủng hộ của Mỹ, SWIFT đang là cổng thanh toán hiệu quả và tiện lợi nhất.

8.

a. Nhìn vào cách Mỹ và châu Âu phong toả cấm vận Nga về tài chính, chắc chắn không chỉ các quốc gia không thân thiện với chủ nhân đồng tiền dự trữ mà kể cả các quốc gia tương đối thân thiện cũng suy nghĩ muốn phần nào đa dạng hoá dự trữ ngoại hối, công cụ thanh toán và đối tác hơn. Bao nhiêu năm cắm cổ xuất khẩu dự trữ ngoại hối được một ít $ hay € lúc bị ghét chỉ 5” là dự trữ ngoại hối bị đóng băng. Mất cũng có. Tóm lại bị trấn ngang. Cay chứ! (Tự nhiên nhớ 1 số người nói suốt ngày về “chảy máu ngoại tệ” không hiểu họ có hiểu đúng bản chất cách nắm giữ và chuyển dịch tiền tệ ngày nay không? Chảy máu là thế nào? Họ nói đôi khi như không hiểu gì cả). Chắc chắn ai đang nắm giữ dự trữ ngoại hối bây giờ đều sẽ nghĩ: nhỡ một ngày chủ nhân của đồng tiền dự trữ “ngứa con mắt bên phải đỏ con mắt bên trái” thì của dư của để tích luỹ bao năm tan thành mây khói.

Với USD tiêu chí không để các mục tiêu chính trị vốn ngắn hạn tác động đang gây nghi ngại không nhỏ.

b. Rồi đến kênh thanh toán. Sự thống trị của SWIFT cũng gây lo ngại kha khá: ai bị chặn là hết nhập hết xuất, sự cô lập là không tránh khỏi.

c. Và như vậy nếu trước đây chỉ một vài quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Mỹ nghĩ đến chuyện lật đổ hay ly khai, thay thế đồng USD thì nay những nước nghĩ giống họ chắc sẽ tăng lên thêm chút ít.

Thật ra mấy ông lớn không đồng minh với Mỹ cũng đã tìm cách giảm dự trữ bằng USD từ lâu. Nga giảm từ trước. Trung Quốc cũng giảm nhưng hiện cũng còn kha khá nên chắc chưa gây hấn với Mỹ đâu. Ú ớ Mỹ phong toả là khóc tiếng Mán ngay.

Hiện cả Nga, Trung và Iran đều sắm một cổng thanh toán liên ngân hàng riêng: của Nga là SPFS, Trung Quốc là CIPS, Iran là SEPAM. SPFS đã kết nối ra bên ngoài thành công với 331 tổ chức và ngân hàng từ Nga, Armenia, Kazakhstan, Tajikistan,Cuba, Belarus, CIPS của Trung Quốc, SEPAM của Iran và NHTM của Ấn Độ. Đang tiếp tục nghiên cứu tiếp nối với các nước BRICS là Brazil và Nam Phi. Còn rất ít so với SWIFT.

Ngoài ra Trung Quốc đã thử nghiệm thành công và đẩy mạnh sử dụng đồng CB/DC ứng dụng công nghệ blockchain. Nga cũng đang nghiên cứu khả năng sử dụng nền tảng blockchain MasterChain để tạo ra một phương thức thanh toán chung trong Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Về giao dịch thanh toán thẻ cá nhân, UnionPay bắt đầu vượt qua Mastercard và đuổi theo Visa về doanh số.

Xu thế ly khai đồng USD chắc đang được thêm cú hích. Đa dạng hoá đồng tiền và kênh thanh toán về bản chất là một cú hích nữa cho tư tưởng ly khai đồng USD.

Trung Quốc đang cố gắng dẫn dắt cuộc chơi này. Xu thế này chắc vẫn tiếp tục.

9.

Chuyện kể không liên quan.

“Một đôi trai gái đi với nhau. Người nhà ai cũng bảo: “Ồ… không sao đâu!”.

Đi với nhau về khuya. Người nhà bảo: “Ồ… không sao đâu!”.

Đi với nhau qua đêm. Người nhà vẫn bảo: “Ồ… không sao đâu!”.

Đi với nhau vào khách sạn. Người nhà vẫn cứ bảo: “Ồ… không sao đâu!”.

Đến khi có bầu… người nhà thảng thốt kêu gào thảm thiết: “Ối… con tôi bị mất trinh!”.

Ai cũng bàn chuyện mất trinh. Sốt xình xịch.

Đổ hết tội cho anh lại đổ sang cho ả.

Ai đó như không thấy… ai đó cố tình không muốn thấy… ai đó tìm cách để không ai thấy… rằng cái bầu đang lớn lên. Và chả ai bàn chuyện nuôi dạy mạng sống tương lai thế nào. Dường như nó không có.”

Hết!

Sự việc đang diễn ra đúng như vậy… khắp nơi.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc