THẾ NÀO LÀ SANG TRỌNG?

shared from fb Dương Quốc Chính,
-----
Khái niệm này khá là trừu tượng, khó có thể cân đo. Nên bài viết này chỉ là quan điểm cá nhân của 1 người chưa sang trọng nhưng có hiểu biết, viết về sự sang trọng.

Đầu tiên phải loại bỏ ngay tư tưởng: “Không/chưa sang thì biết gì mà nói về sang trọng”. Đó là tư duy nguỵ biện mà mình đã viết rất nhiều trong khi người VN là có cách suy nghĩ đó rất phổ biến. Mở rộng ra là: “Đã giàu chưa mà đòi chê người giàu? Biết đá bóng không mà chê cầu thủ? Làm thủ tướng chưa mà chê thủ tướng? Ở nhà sang chưa mà đòi thiết kế nhà sang?” Cách suy nghĩ đó, xin lỗi, là rất ngu. Đó là loại nguỵ biện đả kích cá nhân. Thay vì phản biện trực tiếp thì quay ra phê phán cá nhân tác giả luận điểm.

Cái sự sang trọng phải có từ bản chất của con người chứ không phải khoác cái vỏ đắt tiền, dùng đồ hiệu, xe ô tô vài chục tỷ thì tự nhiên thành người sang trọng. Cái chất sang trọng của mỗi người nó tới từ văn hoá ứng xử, kiến thức nền về tri thức nói chung, gu thẩm mỹ chuẩn mực và hiểu biết về nghệ thuật (ít nhất là các ngành cơ bản như mỹ thuật và âm nhạc).

Vẻ hào nhoáng bên ngoài để tạo ra cái vỏ sang trọng khá đơn giản. Ở quê là Cúc là Hoa, khi ra TP em là Trà Mi. Mấy cô ca sĩ, người mẫu gốc bần nông có thể sau vài năm có đại gia đỡ đầu là có thể lột xác thành hot girl sang chảnh. Nhưng nếu không có cái gốc văn hoá, học hành, kiến thức của gia đình hay nhà trường truyền lại, thì cũng như con vịt bầu khoác bộ lông thiên nga mà thôi.
Photo by Ruthson Zimmerman on Unsplash


Mấy đại gia BĐS trúng mấy mảnh đất có trăm tỷ sau vài năm cũng vậy thôi. Người ta học cách ăn chơi như vào nhà hàng xịn, đi spa, hút xì gà, đánh golf, ở trong lâu đài, ở resort 5 sao...cũng khá dễ, có tiền là có đứa hầu. Nhưng để có cái cốt cách của người sang trọng như viết ở trên thì không phải ngày một ngày hai mà có được. Vì giáo dục kiến thức, học hỏi về nghệ thuật, thẩm mỹ, về đối nhân xử thế, về trách nhiệm xã hội...phải là một quá trình dài hàng chục đến vài chục năm, thậm chí 1-2 thế hệ.

Với các tố chất kể trên, chỉ có giới tinh hoa lâu đời mới có được. Nhưng ở vài stt trước mình đã viết, VN bây giờ hầu như không còn giới tinh hoa. Chế độ CS đã làm triệt tiêu giới này kể từ khi họ nắm quyền. Bởi tinh hoa là đại diện của giai cấp bóc lột, cần phải tiêu diệt.

Kể từ năm 54 ở miền Bắc, giới tinh hoa bỏ trốn vào Nam hoặc ra nước ngoài. Một số ở lại thì buộc phải hoà đồng với giới bình dân, thu mình lại, chỉ dám bộc lộ cái cốt cách sang trọng 1 cách kín đáo nhất có thể và hình ảnh của họ trở nên mờ nhạt, không còn là tấm gương cho quần chúng noi theo. Thậm chí họ còn bị cần lao chửi là tiểu tư sản!

Một trường hợp khá điển hình là ông Giáp, khi còn ở chiến khu, ông vẫn giữ thói quen khi còn sống ở HN, học trường Albert Sarraut (trường trung học Tây xịn nhất Đông Dương) và ĐH Đông Dương, là mặc vest, đội mũ phớt, xách ba toong. Nhưng kể từ năm 54, không bao giờ ông còn cách ăn mặc kiểu đó, thay vào đó là bộ quân phục cấp tướng, kể cả ở những buổi ra mắt thuần dân sự, có lẽ để hoà đồng với các đồng chí mặc bộ kaki kiểu Tôn Trung Sơn (trend thời đó).

Miền Nam sau 75 cũng tương tự, giới tinh hoa vượt biên vãn. Những người còn lại thì bị cải tạo công thương nghiệp, rồi cũng tìm cách ra đi. SG trở nên giống với HN năm 54, là đất của dân tiếp quản (hay giải phóng).

Trải qua mấy chục năm lầm than do kinh tế bao cấp, giới tinh hoa gần như đã bị thủ tiêu, chỉ còn lay lắt ở 1 số gia đình. Nghèo thì đâu còn sang được nữa. Kể từ sau 1995, kinh tế VN khởi sắc, mới dần tạo nên 1 lớp nhà giàu mới. Với những ai có gốc gác từ giới tinh hoa cũ thì họ vẫn giữ được cốt cách cha ông, không quá bỡ ngỡ với sự sang trọng mới quay trở lại. Nhưng đa phần thì nhưng người giàu mới đều không có gốc gác như vậy. Vì phần nhiều đã ra nước ngoài cả rồi.

Những người giàu mới đa phần bị coi là trọc phú, do họ không có gốc, lại thêm cách kiếm tiền của họ không dựa trên tri thức, thậm chí phi pháp. Đại khái như đào vàng, đá đỏ trúng mánh, đầu cơ BĐS, giang hồ, buôn bán chụp giật, mánh mung, cấu kết với quan lại để làm sân sau (tư bản đỏ)...Những người này có thể có rất nhiều tiền, nhưng không có gốc, cũng chẳng có học, nên họ có khoác lên mình đồ hiệu, xe xịn, nhà lâu đài, thì nó vẫn toát lên vẻ trọc phú mới rũ bùn đứng dậy sáng loà. Đại gia Trầm Bê là 1 ví dụ rất kinh điển, nghe đồn ông mới học hết lớp 3, cứ nhìn mấy toà lâu đài của ông là đánh giá được thẩm mỹ và văn hoá.

Chính vì mới có của ăn của để được nhiều lắm là 20 năm nay (tức là mới 1 thế hệ) nên dân VN mới quay ngoắt 180 độ từ thái cực căm ghét giới tinh hoa nhà giàu, đề cao thành phần cơ bản (công nông binh) sang bưng bô nhà giàu 1 cách thô bỉ. Thành phần bưng bô nhà giàu, đồng thời khinh bỉ người chưa giàu bây giờ rất phổ biến cùng với trào lưu đọc sách self-help (nó xui người ta chỉ chơi với người giàu để học hỏi và thu nạp “năng lượng tích cực”).

Mục đích sống là làm giàu, cố gắng vươn lên 1 đẳng cấp mới, có tiền, có quyền không bao giờ là sai. Nhưng vươn lên bằng mọi giá để bước chân vào cái gọi là sang trọng, bất kể phải hi sinh tư cách, đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật, là điều đáng lên án.

Nên nhớ là giới tinh hoa, tức là người sang trọng, không ai chấp nhận hi sinh tư cách cá nhân, dòng họ, truyền thống gia đình để có tiền, có quyền. Người tinh hoa truyền thống họ có tư cách như những nhà quý tộc, như nhà quý tộc trong phim Titanic sẵn sàng ở lại tàu để chết, nhường chỗ cho phụ nữ và trẻ em được sống. Giới tinh hoa có cốt cách sang trọng không bao giờ khoe của, hợm hĩnh, nịnh trên nạt dưới, làm nhục người nghèo mà tự họ phải thấy trách nhiệm làm gương cho giới cần lao về phong cách sống, cách ứng xử chuẩn mực.

Còn với giới nhà giàu VN hiện nay, những ai có học thức, hoặc cố gắng để có học thức, thì vẫn đang tiệm cận được với phong cách sống sang trọng của giới tinh hoa. Nhưng lượng này không nhiều, vì thời buổi nhiễu nhương, người ta khó làm giàu bằng kiến thức hơn là làm giàu bằng phạm pháp hoặc cấu kết. Mình mới gặp 1 vài người dân HN gốc có cốt cách sang trọng của giới tinh hoa truyền thống. Họ có cách cư xử nhã nhặn, tinh tế với mọi hoàn cảnh.

Cùng với việc cả xã hội hùng hục “vươn lên” làm giàu bằng mọi giá là lối sống thực dụng, tiền là trên hết. Khi mình viết bài phê phán thói trưởng giả của giới nhà giàu mới nổi thì thế nào cũng có 1 đàn fan cuồng đại gia nào đó vào chửi mình là sĩ diện hão, nghèo còn chê việc. Nào là “Mày chê thì người ta càng nổi tiếng, PR miễn phí”. Thậm chí chính đối tượng bị phê phán cũng hỉ hả tuyên bố là mình được nổi tiếng thêm!

Cần hiểu là nổi tiếng cũng dăm bảy đường, tiếng thơm và tiếng thối, tiếng vinh và tiếng nhục. Đừng nghĩ là bị dư luận chê cười là nổi tiếng, để kiếm tiền được. Cách kiếm tiền nhờ sự nổi tiếng xấu là kiếm tiền bằng cách bán đi tư cách. Người như vậy sao dám vỗ ngực nhận là “sang trọng, nâng tầm phong cách sống?”

Tóm lại, giàu và sang là 2 khái niệm khác nhau. Sang thì cần phải giàu (không nhất thiết phải siêu giàu) nhưng giàu chưa chắc đã sang. Cái sự sang trọng toát ra từ cốt cách nó quan trọng hơn là sự hào nhoáng bề ngoài bằng cách đắp lên đồ hiệu đắt tiền. Có ai dám chê ông Steve Jobs quanh năm

mặc đúng 1 bộ quần áo bình dân là kém sang? Sir (tước vị do nữ hoàng phong tặng) Norman Foster là 1 tinh hoa của nước Anh, KTS hàng đầu thế giới, thiết kế cho Steve Jobs toà nhà VP của Apple trị giá 5 tỷ đô đó. Trong 2 người đó ai sang hơn ai? Thậm chí Steve Jobs còn nổi tiếng hơn Norman Foster!

Khi người ta thiếu cái bên trong thì sẽ phải cố tình gồng vẻ bề ngoài. Được cả trong lẫn ngoài thì quá hiếm. Vẻ ngoài hào nhoáng sang chảnh nhất VN bây giờ có lẽ là anh em bán hàng đa cấp.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc