Xin đừng buông lời cay nghiệt …

shared from fb Nam Phan,
-----
Photo by Anders Ipsen on Unsplash


Những ngày qua, cộng đồng mạng đang sôi sục vì vụ bạo lực học đường ở một trường quốc tế. Bạo lực học đường, dù dưới bất cứ hình thức nào, dù vì bất cứ lý do gì, cũng không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh, và trong chuyện này, ai đúng ai sai thì phải hạ hồi phân giải theo pháp luật và phải theo tinh thần giáo dục trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, Trường Đại học Quốc Tế (ĐHQG TP.HCM), một trường đại học xịn, hoàn toàn không liên quan gì đến trường phổ thông kia, bỗng dưng nhận được hàng loạt bình luận tiêu cực cay nghiệt và đánh giá 1 sao từ cộng đồng mạng đang phẩn nộ, với lý do là đã bao che chuyện bạo lực học đường. Xưa nay, tất cả những gì liên quan đến giáo dục đều là những chuyện nhạy cảm, chờ có dịp là bùng lên, kiểu như chỉ cần một que diêm cũng có thể thiêu rụi cả một khu phố.

Hơn 20 năm trước, có lần chứng kiến một bạn cỡ tuổi mình bị tai nạn xe, thủ phạm chạy mất, hàng hoá rơi tung toé ra đường, mình dừng xe lại giúp bạn. Thấy chân bạn bị chảy máu, mình bảo bạn vào nhà dân bên cạnh xin rửa vết thương ngay để khỏi nhiễm trùng. Trong khi mình đang lui cui lượm hàng rơi dưới đất gúp bạn, có một bác lớn tuổi tuổi chẳng biết từ đâu xuất hiện, liên tục xỉ vả mình và giảng về an toàn giao thông. Một cô sồn sồn, bên kia đường chạy băng sang, nói chính mắt cô thấy rõ ràng mình lạng lách làm bạn kia té. Nhiều người xa lạ trong đám đông bu lại cùng nhau xỉ vả mình, cay nghiệt như có oán thù ngàn năm vậy. Mình bất ngờ quá, không biết nói gì. Một hồi, bạn kia trở lại giải thích rõ, mọi người ngay lập tức quay sang đồng loạt xỉ vả thủ phạm đã bỏ chạy, và họ thản nhiên xem như mình không hề tồn tại.

Có những người sẵn sàng buông lời cay nghiệt về một sự việc họ chưa hiểu rõ đầu đuôi, cũng như sẵn sàng buông lời lời cay nghiệt về những con người hoàn toàn xa lạ không liên quan gì đến họ. Và từ ngày thế giới online phát triển, tình hình lại càng tồi tệ hơn.

Có một sự thật là người ta ngày càng làm biếng đọc kỹ để hiểu rõ ngọn ngành, chỉ lướt nhanh qua vài cụm từ, và thế là đủ để buông ra những lời cay nghiệt. Cách đây vài năm, có một vụ cô dâu chú rể chụp hình cưới ở Đà Lạt mà chưa kịp trả nợ 10 triệu tiền công. Một bạn trẻ giống tên với chú rể, đang đi du học ở Nhật, chưa có người yêu, bỗng dưng bị những người xa lạ vào trang cá nhân chửi bằng những lời cay nghiệt như “Muốn để đức cho con cái thì đi thanh toán cho người ta đi ông. Tính ăn quỵt mà không biết nhục hả”, hay “Làm người cũng sáng sủa mà sao sống rác rưởi vậy”. Một bạn trẻ khác cũng bổng dưng nhận được hàng trăm tin nhắn cùng bình luận chửi bới xúc phạm bằng những từ ngữ khiếm nhã từ những người xa lạ, chỉ vì bị nhầm với người phụ nữ chạy xe cán nát hoa quả của cô bán hàng rong.

Mình cũng không rõ lý do vì sao người ta sẵn sàng buông ra những lời cay nghiệt với những người xa lạ như vậy, nhất là khi chưa hiểu rõ ngọn ngành. Ngay cả khi biết chi tiết sự việc, thì chắc gì những điều mình thấy mình nghe đã đúng sự thật, người xưa có dạy, một nửa bánh mì là bánh mì, còn một nửa sự thật không phải là sự thật. Ngày xưa, lúc học về kỹ năng mềm, cô giáo mình bên tây có nói, những người hay chỉ trích cay nghiệt người khác thường không có cuộc sống hạnh phúc, đành phải tìm niềm vui và lẽ sống bằng cách buông lời cay nghiệt với người khác. Mình thì thấy có những người luôn nhìn cuộc sống bằng đôi mắt u uất, muốn làm chuyện gì đó mà không làm được, muốn nói chuyện gì đó mà không nói được, nên hễ có dịp là cay nghiệt với thiên hạ, buông lời cay nghiệt ra như một cách giải thoát vậy. Thật bi ai.

Nói chuyện này, mình chợt nhớ lại sư phụ và sư thúc của mình, dân Saigon xưa, thường dùng những tiếng dạ, thưa khi nói chuyện; không chỉ dạ, thưa với người lớn tuổi hay bạn bè cùng trang lứa, mà khi nói chuyện với những người nhỏ tuổi hơn, mình vẫn nghe những tiếng dạ, thưa như vậy. Có những người bạn facebook của mình, là người muôn năm cũ, khi nói chuyện với mình, cũng hay dùng những tiếng dạ, thưa, dù mình nhỏ tuổi hơn họ nhiều. Dĩ nhiên mình cũng phải dạ, thưa lễ phép với họ. Không chỉ là dân trí thức, giữa Saigon, mình đã gặp những con người buôn bán thật bình dị, cũng dạ, thưa với khách hàng nhỏ tuổi hơn, nghe thật dễ thương. Mới đầu mình rất ngại khi nghe những tiếng dạ, thưa từ những người lớn tuổi hơn, nhưng rồi mình hiểu ra rằng đó là một nét văn hóa đẹp của Saigon xưa nói riêng và của miền nam xưa nói chung.

Bữa giờ, thiên hạ bàn đủ chuyện về giáo dục, môn nào là bắt buộc, môn nào là tự chọn, môn nào là yêu nước, nhưng có môn nào dạy cho người ta bớt buông lời cay nghiệt không?

Tags: transform

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc