Vì sao ta không hạnh phúc?



Khi so sánh kích cỡ của 2 hình tròn màu cam trong bức ảnh, bạn thấy gì? Hình tròn màu cam phía bên phải lớn hơn phía bên trái, quá rõ ràng phải không!?

Thực tế thì, 2 hình tròn màu cam này có kích thước hoàn toàn bằng nhau! Chính việc đặt chúng trong tương quan so sánh với những đối tượng tham chiếu khác nhau (là các hình tròn bao quanh) đã làm sai lệch sự nhìn nhận của chúng ta về kích thước thật của chúng. Đây là một phát hiện rất nổi tiếng có tên Ảo giác Ebbinghaus (Ebbinghaus illusion) - ảo giác về nhận thức kích thước tương đối.

Trong khoá học the Science of Well-Being của Yale University có đề cập đến kết quả khảo sát rất thú vị được thực hiện bởi Solnick và Hemenway. Khi một nhóm sinh viên trường Đại học Havard được hỏi lựa chọn giữa 2 options: (1) nhận đc mức lương 50k USD trong khi đồng nghiệp cùng vị trí nhận 25k USD và (2) nhận mức lương 100k USD trong khi những người khác ở cùng vị trí nhận mức lương 250k USD. Kết quả là, hơn 50% số sinh viên được hỏi lựa chọn phương án số 1, tức là sẵn nhận được một nửa số lương mà họ có thể nhận chỉ vì mức lương đó cao hơn trong tương quan với đồng nghiệp của họ!

Một khảo sát khác thực hiện bởi Clark và Oswald đối với hơn 5 ngàn công nhân ở Anh cho thấy mức độ hài lòng/ yêu thích công việc của một người giảm xuống nếu so sánh thu nhập tăng lên. Tức là, việc 1 đồng nghiệp được tăng lương có thể làm gia tăng mức chán ghét công việc của một người dù nó chẳng ảnh hưởng gì tới lương, thưởng, thu nhập, chi tiêu hay mức sống của họ cả!

Điều này làm tôi nhớ đến 1 câu nói khá hài hước sâu cay của Gore Vidal: “It is not enough to succeed, others must fail” (bạn thành công thôi thì chưa đủ, người khác còn phải thất bại nữa).😉

Con người là một động vật xã hội, thật dễ hiểu vì sao chúng ta không nhìn bản thân mình theo cách tuyệt đối, tách biệt (absolute) mà luôn nhìn bản thân trong sự so sánh, tham chiếu với người khác (reference points). Việc liên tục so sánh bản thân mình với người khác là một trong những nguồn cơn dẫn đến cảm giác tự ti và kiệt sức, ganh ghét và đố kị, bất mãn, bất an và bất hạnh.

Để thực sự hạnh phúc và an lạc, có lẽ đã đến lúc ta phải ngừng so sánh bản thân mình với người khác, để nhận ra và trân trọng sự trọn vẹn và duy nhất của chính mình.

Để hạnh phúc ta cũng cần phá vỡ những khuôn mẫu, định kiến, quy chuẩn hạn hẹp về thành công, cái đẹp, sự tự do, về các giá trị sống…

Con gái tôi có đôi mắt mí lót rất đặc trưng Châu Á. Lúc còn nhỏ, nhiều lần con nói “Giá mà con có đôi mắt to tròn như của mẹ nhỉ”. Con nói vậy, đơn giản vì hơn một lần con đã nghe ai đó nhận xét rằng một đôi mắt to tròn thì sẽ đẹp hơn một đôi mắt mí lót.

Tôi nói với con vẻ đẹp của sự đa dạng và không có chuẩn mực duy nhất nào cho cái đẹp. Tôi tìm những tình huống phù hợp để khen ngợi vẻ đẹp rất riêng biệt của con. Khi đọc cuốn 100 Tales of Extraordinary Women, con khám phá ra những người phụ nữ da trắng, da màu, khuyết tật… với vẻ đẹp rực rỡ và trọn vẹn toát ra từ chính sự khác biệt trong ngoại hình, cá tính, niềm tin, và những giấc mơ … vượt lên trên tất cả những khuôn mẫu và định kiến xã hội của họ.

Đã có bao nhiêu lần, một cách vô thức, bạn so sánh mình với người khác để rồi cảm thấy mình không đủ giỏi, đủ giàu, đủ xinh đẹp, thành công, hay hạnh phúc?

Và, đã có bao giờ, một cách có chủ đích, bạn tự suy ngẫm để thấu tỏ sự duy nhất, khác biệt và những giá trị mà chỉ có bạn mới tạo ra được cho những người xung quanh, trong sự đa dạng và muôn màu của cuộc sống?

Câu trả lời về hạnh phúc không thể tìm thấy bằng cách hướng ra bên ngoài. Nó vốn dĩ không phải là thứ để kiếm tìm. Bạn sẽ thấy nó ngay khi ngừng so sánh bản thân với người khác và bắt đầu sống cuộc đời của chính mình😊

share from Facebook Tong Lien Anh,
Tags: thinking

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc