CHIẾN TRANH Ở UKRAINE – NHỮNG NHẬN ĐỊNH RIÊNG CỦA TÔI

-----
CHIẾN TRANH Ở UKRAINE – NHỮNG NHẬN ĐỊNH RIÊNG CỦA TÔI (của baoanhthai).


Như vậy là ngày 1/10/2022, quân Ukraine đã chiếm được Lyman.

Tuy nhiên, không đúng với nhận định của tôi, quân Ukraine đã không bao vây và bắt sống được cụm quân Nga ở thành phố này. Cũng không có một cuộc rút lui hỗn loạn của quân Nga khỏi thành phố và một cuộc tàn sát họ trên đường rút sau đó như tôi phỏng đoán. Người Nga đã tung một lực lượng dự bị ra để giữ vững thành phố Tors’ke và qua ngả đó, quân Nga tại Lyman rút ra. Quân Nga sau đó vẫn giữ vững con đường nối Lyman và Kreminna và sử dụng nó như một chiến tuyến mới. Do đó, đã ngăn được một cuộc rút lui hỗn loạn có thể dẫn tới sự sụp đổ của mặt trận.

Trong các hình thái tác chiến, rút lui luôn là một hình thái tác chiến khó nhất. Vào năm 1941, các sỹ quan Liên Xô đã than thở rằng trong suốt những năm 1930s, họ luôn chỉ nghiên cứu cách tấn công và nghĩ rằng chiến tranh sẽ xảy ra trên đất kẻ thù. Tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra, họ buộc phải rút lui liên tục – và khi đó họ phát hiện ra lỗ hổng khủng khiếp trong huấn luyện của Hồng quân. Vào năm đó, các đơn vị rút lui hỗn loạn, không theo đội hình. Các kho vũ khí, đạn dược và nhiên liệu hoặc bị phá hủy quá sớm (khiến cho các đơn vị rút từ tiền phương về không có đạn dược, vũ khí để thay thế số đã mất) hoặc là bị bỏ lại cho quân địch chiếm. Hậu quả là trong số gần 11 ngàn xe tăng của Liên Xô có ở phía Tây trước chiến tranh, chỉ có khoảng 3 tới 4 ngàn xe bị quân Đức phá hủy. Số còn lại bị bỏ lại vì hết đạn hoặc hết nhiên liệu. Số xe tăng bị bỏ lại nhiều tới nỗi quân Đức có thể sử dụng các xe bị bắt lập nguyên các đơn vị tăng thiết giáp của mình hoặc chế tác lại thành các xe pháo tự hành. Việc rút lui hỗn loạn cũng khiến cho các đơn vị của Hồng quân bị chia cắt dễ dàng và bị tiêu diệt từng phần một. Đầu tiên là các đơn vị xe tăng bị bỏ lại vì hết nhiên liệu. Tiếp đó là các đơn vị pháo vì hết đạn hoặc xe kéo bị phá hủy. Khi không còn các đơn vị hỏa lực đó thì có khi cả trung đoàn, thậm chí cả sư đoàn bộ binh có thể bị một vài đơn vị tăng, thiết giáp thọc sâu của quân Đức bắt sống.

Điều đó lặp lại trong mùa hè năm 1942 ở phía Nam với việc Hồng quân buộc phải rút khỏi toàn bộ Ukraine và lui về tận Stalingrad ở phía Đông và Cap-ca-dơ (Caucasus) ở phía Nam. Nói một cách ngắn gọn là Hồng quân vào năm 1941 và năm 1942 học nghệ thuật rút lui bằng máu của mình – và với một cái giá đắt khủng khiếp (bị mất khoảng 4,4 triệu quân trong nửa cuối năm 1941 và 3,3 triệu quân trong mùa hè 1942).

Trong 3 tuần qua, quân Ukraine đã có một cuộc phản công ngoạn mục ở vùng Kharkov. Trong 3 tuần, họ chiếm lại được 1.400 km2, một diện tích mà quân Nga phải mất cả 1 tháng đánh nhau liên tục mới chiếm được. 3 tuần tiến công của quân Ukraine được thực hiện qua 2 giai đoạn bao vây. Giai đoạn 1 là cuộc bao vây cụm tam giác Belakliya, Kupyansk và Izyum. Giai đoạn 2 là cuộc bao vây Lyman. Ngày hôm nay, 2/10/2022, quân Ukraine đang bước vào giai đoạn 3, cuộc bao vây quân Nga ở Bô-rô-va, phía Bắc Lyman.

Mặc dù 2 cuộc bao vây là 2 chiến thắng ngoạn mục về tinh thần và diện tích được giải phóng cho Ukraine nhưng về khía cạnh quân sự, họ không thực sự bao vây và tiêu diệt được một cụm quân nào của Nga cả. Trong cả 2 cuộc bao vây, quân Nga đã sử dụng hỏa lực tối đa để tiêu hao quân Ukraine rồi sử dụng viện binh để giải thoát các cụm quân bị vây vào phút cuối. Các cuộc rút lui được tổ chức có trật tự - thậm chí còn hơn cả 2 cuộc chủ động rút lui trước đó ở Kiev và Kharkov. Khác với năm 1941 và 1942, và thậm chí cả 2 cuộc lui quân khỏi Kiev và Kharkov trước đó, trong 3 tuần lui quân, số quân Nga bị bắt lần này không tới con số vài chục và đa phần là lực lượng dân quân Donbass. Quân Nga không những không bỏ lại vũ khí, trang bị, đạn dược, nhiên liệu (với số lượng khổng lồ như năm 1941, 1942) mà họ mang đi cả thương binh lẫn những người Ukraine ủng hộ họ. Các đơn vị chính quy quân Nga sử dụng tối đa hỏa lực để tiêu hao quân Ukraine rồi tiến hành các cuộc phản kích nhỏ cục bộ để đảm bảo một hành lang an toàn cho lực lượng Vệ binh Quốc gia và dân quân Donbass rút lui. Một kết quả dễ thấy là mặc dù vắng mặt một lực lượng bộ binh lớn để thiết lập các tuyến phòng thủ liên tục (như nó đáng ra phải có) nhưng quân Nga vẫn không bị bao vây và tiêu diệt.

Về mặt quân sự, một khu vực bị chiếm hoặc bị mất sẽ có các giá trị sau: (i) nó có ý nghĩa tinh thần, (ii) nó có ý nghĩa về hình thế bố trí trận địa (một điểm cao khống chế khu vực xung quanh, một bàn đạp cho cuộc tấn công tiếp theo) hoặc (iii) chiếm được nó dẫn tới tiêu diệt một cụm quân lớn của địch.

Việc giải phóng tam giác Belakliya – Izyum – Kupyansk và Lyman có giá trị (i) và (ii). Nó là một thắng lợi cấp chiến dịch đầu tiên sau 7 tháng chiến tranh cho phía Ukraine. Nó loại bỏ bàn đạp quan trọng của Nga uy hiếp Ukraine ở Kharkov (phía Bắc) và toàn bộ vùng Donbass (phía Nam). Tuy nhiên, chiến dịch này hoàn toàn không đạt được mục tiêu số (iii). Năm 1941, bằng việc chiếm khu vực phía Đông Kiev người Đức đã bắt sống 650 ngàn Hồng quân và bằng việc chiếm Bryansk và Vyazma, họ bắt thêm gần 700 ngàn Hồng quân khác. 3 cuộc bao vây đó thực sự đã đánh gục lực lượng Hồng quân có trước chiến tranh ở phía Tây và điều này khiến cho Hồng quân phải tới cuối năm 1942 mới có thể thực sự vực dậy.

Như vậy câu hỏi lớn nhất vẫn là “chủ lực của quân Nga ở đâu?”

Cá nhân tôi không tin rằng chủ lực Nga đã bị tiêu diệt sau 7 tháng chiến tranh. Người Ukraine rất cố gắng trong cuộc chiến tuyên truyền trên mạng. Và họ đưa lên mạng mọi video về những thiệt hại của quân Nga. Qua những video được đưa lên của họ có thể rút ra được nhiều điều. Nếu như vào đầu cuộc chiến tranh, quân đội Nga sử dụng các lực lượng tinh nhuệ thọc sâu, áp sát vào Kiev và Kharkov thì có nhiều đoạn video về các thiệt hại cơ giới của Nga. Mặc dù có những thiệt hại thực sự do bị phục kích khi luồn sâu, thế nhưng sau khi rút khỏi Kiev và Kharkov, lực lượng của cụm quân phía Bắc này của Nga thể hiện là họ còn rất sung sức và đã chiếm được tương đối dễ dàng chính vùng I-zy-yum (vừa mới được Ukraine giải phóng) và sau đó tiến vòng qua Donbass và hợp vây với cánh quân từ phía Nam lên để chiếm Luhansk và Severodonetsk.

Sau những video của giai đoạn đầu (về việc nông dân “bắt” xe tăng bị hỏng bỏ lại và các đoàn xe Nga bị phục kích) và UAV Thổ Nhĩ Kỳ bắn phá các đoàn xe Nga thì ta thấy rằng cho tới nay, hầu hết các video của phía Ukraine là về các cuộc bắn phá nhỏ lẻ hoặc drone thả đạn cối, lựu đạn vào các chiến hào đơn độc của dân quân Donbass. Chúng ta không thấy các video trong đó quân Ukraine đánh tan các cụm quân lớn, cơ giới của chính quy Nga. Từ vài tháng nay, các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ dường như biến mất khỏi bầu trời. Từ đầu chiến tranh tới nay, chúng ta gần như không thấy bất kỳ video nào mà các phi công của Ukraine quay trong buồng lái dù chúng ta biết rằng họ vẫn xuất kích. Sự thiếu vắng các video đó, số lượng nhỏ tù binh Nga mà Ukraine bắt được cho thấy quân Ukraine không tiêu hao được quân Nga nhiều như họ nói. Đó là điều khiến tôi tin rằng chủ lực Nga chưa bị đánh quỵ.

Nếu như các thông tin từ chiến trường (kể cả đã được phóng đại bởi bộ máy tuyên truyền của các bên tham chiến) lẫn mọi con số thống kê cho thấy nước Nga vẫn còn rất nhiều quân (lực lượng vũ trang của họ có khoảng 1,2 triệu quân). Ngoài ra họ có khoảng 3,5 triệu cựu quân nhân đã được huấn luyện là lực lượng dự bị và tổng số người trong độ tuổi có thể động viên là 25 triệu. Mọi con số đều cho thấy các diễn biến trên chiến trường gần đây – lực lượng chủ lực Nga vắng bóng trên chiến trường Nam Kharkov trong khi binh sĩ các đơn vị chiến đấu ở Mariupol, ở Luhansk và Severodonetsk được công khai nghỉ phép. Việc nghỉ phép của họ diễn ra giữa lúc cuộc chiến đang căng thẳng, được Putin tuyên bố công khai trên truyền hình sau khi chiếm Luhansk và cảnh những người lính nghỉ phép đi hàng đoàn về quê thăm gia đình được trình chiếu rộng rãi. Việc phía Nga liên tục tuyên bố là cuộc chiến vẫn đang đi theo đúng lịch trình đã định và việc tất cả các yếu nhân của Nga có mặt, vui vẻ trong lễ ký kết việc sáp nhập 4 tỉnh bị chiếm vào Nga trong khi quân Ukraine gần như đã khép vòng vây Lyman cho thấy dường như toàn bộ ban lãnh đạo Nga đã không còn nắm được tình hình thực tế hoặc phải có một chuyện gì khác.

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, 2 cuộc rút lui ở Belakliya-Izyum và Lyman đều được tiến hành với sự bình tĩnh, có tính toán. Nếu chúng ta cho điểm 10/10 cho phía các sỹ quan tham mưu Ukraine trong hoạch định tấn công và binh sỹ Ukraine trong việc thực hiện kế hoạch đó, thì chúng ta cũng phải cho điểm như thế đối với phía Nga. 3 tuần qua là một cuộc đấu rất kỳ lạ: trong đó cả người thủ lẫn người công đều thể hiện nghệ thuật tấn công và rút lui ở trình độ điêu luyện. Kết quả của chiến dịch là một bên mất đất (Nga) và một bên mất rất nhiều người nhưng lại có được sự khích lệ mạnh mẽ về tinh thần (Ukraine).

Tuy nhiên, vâng, lại tuy nhiên, khi sự việc có vẻ phi lý như vậy thì tôi sẽ nghĩ rằng sự việc nó không đơn giản như 1 + 1 = 2. Và đó là lý do tôi suy nghĩ sâu hơn về cuộc chiến này.

CUỘC CHIẾN RỘNG LỚN VÀ NHIỀU TẦNG LỚP HƠN CHÚNG TA TƯỞNG

Trong một cuộc nói chuyện giữa tổng thống Nga Putin và tổng thống Mỹ Obama nhiều năm trước, tổng thống Putin đã nói với Obama rằng Ukraine trong lịch sử thậm chí chưa từng là một quốc gia. Lúc đó, không có ai nghĩ rằng sẽ có cuộc chiến tranh ngày hôm nay.

Vào năm 2014, sau khi sáp nhập Crimea vào Nga mà không đổ máu, phía Nga bắt đầu nói tới vùng Nô-vô-rút-xia và việc Lenin và những người Bolshevik đã tự tiện cắt nó khỏi nước Nga để nhập vào Ukraine.

Vào tháng 2/2022, khi bắt đầu cuộc chiến tranh, Putin tuyên bố là mục tiêu của cuộc chiến là để bảo vệ người Nga ở Donbass, loại trừ phát xít trong quân đội và chính quyền Ukraine. Thực sự không ai hiểu chính xác là người Nga muốn gì vào lúc đó.

Vào tháng 7/2022, cựu tổng thống Medvedev một bản đồ Ukraine trong đó ông nói là của một nhà phân tích phương Tây nhưng không nói tên. Trong tấm bản đồ đó, đại đa số lãnh thổ của Ukraine bị sáp nhập vào Nga. Các vùng phía Tây vốn thuộc Ba Lan, HuNgary và Romania được sáp nhập vào các nước này. Ukraine chỉ còn lại một vùng nhỏ quanh Kiev. Vào thời điểm đó, báo chí phương Tây coi đó là cơn mơ mộng của Mét-vê-đép. Tuy nhiên, tới giờ, có vẻ như đó chính là mục tiêu thực sự của Nga trong cuộc chiến tranh. Song, không dễ dàng để thấy điều này.


Trước hết, Ukraine là một quốc gia có diện tích lớn thứ 2 châu Âu sau mỗi Nga. Và vào thời điểm nổ ra chiến tranh, quân đội thường trực Ukraine cũng đứng thứ 2 châu Âu về số lượng binh lính (chỉ sau Nga). Vào giai đoạn đầu cuộc chiến, người Nga cố gắng lập lại một kịch bản chiếm Crimea với quy mô lớn hơn rất nhiều là đánh đổ chính quyền Kiev. Có vẻ như người Nga đã đặt cược rất lớn vào lực lượng đối lập với Zelensky hoặc những người mà Nga đã móc nối được đứng lên lật đổ tổng thống. Đó chính là lý do khiến cho quân Nga đã tiến rất nhanh, áp sát Kiev và Kharkov và vào ngày thứ 3 của cuộc chiến, Putin đã công khai kêu gọi quân đội Ukraine lật đổ tổng thống của mình.

Hy vọng thứ hai của người Nga là tổng thống Zelensky cũng sẽ hèn nhát như Yanukovic năm 2014, bỏ chạy Ngay khi hiểm nguy tới gần. Tuy nhiên họ đã không thể lường được khả năng phản gián của tình báo NATO, sự trung thành của quân đội Ukraine với chính quyền và sự dũng cảm của chính tổng thống Zelensky. Khi quân Nga đã đổ bộ vào sân bay Antonov ở ngoại vi Kiev và tiến sát thành phố, tổng thống Zelensky đã không bỏ chạy dù phương Tây đã đề nghị cung cấp nơi tị nạn cho ông. Quân đội Ukraine đã trung thành với tổng thống của mình và sau những ngày đầu mất định hướng, đã đánh trả lại Nga.

Kể từ năm 2014, Ukraine đã loại bỏ rất nhiều những tướng lĩnh, sỹ quan quân đội có tư tưởng thân Nga. Khi chiến tranh nổ ra, lực lượng phản gián của Ukraine đã rất nhanh chóng xác định và loại bỏ hàng loạt nhân vật cao cấp trong bộ máy chính quyền có thể nổi lên chống lại tổng thống với sự hỗ trợ của Nga. 2 trong số 6 thành viên đoàn đàm phán của Ukraine bị loại bỏ vì nghi vấn hợp tác với Nga. Hàng loạt các cán bộ tình báo của Ukraine có khả năng hợp tác với Nga bị loại bỏ. Và cuối cùng, Victor Medvedchuk, lãnh tụ đối lập và có mối liên hệ mật thiết với Nga bị bắt giữ. Khi tất cả các quân bài cho một Crimea 2.0 bị loại trừ và với lực lượng khoảng 100 ngàn quân đưa vào Ukraine, người Nga buộc phải lui về Donbass và từ bỏ tham vọng kết thúc cuộc chiến một cách nhanh chóng. Người Nga phải chuyển sang một cuộc chiến tranh thông thường để đạt được mục đích của mình.

Tuy nhiên, nếu là một cuộc chiến thông thường thì người Nga có vấn đề lớn của mình. Vào năm 1944 cuộc giải phóng Ukraine của Hồng quân khỏi quân Đức kéo dài khoảng 8 tháng. Trong 8 tháng đó, Hồng quân với khoảng 2,3 triệu quân, gần 29.000 pháo và cối, 2.000 xe tăng và 2.370 máy bay đối diện với 1,8 triệu quân Đức, gần 17.000 pháo và súng cối, 2.200 xe tăng và gần 1.500 máy bay. Đó là một cuộc chiến không khoan nhượng trong đó quân Đức phá hủy mọi thứ khi họ rút lui còn Hồng quân khi tiến lên thì phá hủy mọi thứ có thể che chở được cho quân Đức. Với một chiến trường có quy mô cho hàng triệu quân nhưng Nga chỉ sử dụng 120 ngàn quân (bằng 1/20 số lượng quân mà Zhukov sử dụng năm 1944) và với một lối tiến hành chiến tranh chưa có tiền lệ. Đó là trong khi 2 bên vẫn đánh nhau không khoan nhượng thì Nga, bất chấp ưu thế vượt trội của mình về không quân và tên lửa chính xác, đã không hề phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Toàn bộ các nhà máy điện trong vùng Nga chiếm vẫn cung cấp điện cho Ukraine. Các đường ống dẫn khí qua Ukraine không bị cắt. Các cảng, đường sắt, cầu, các tuyến giao thông quan trọng, các cơ sở viễn thông không hề bị phá. Ukraine vẫn được Nga tạo điều kiện cho xuất khẩu lúa mì để thu ngoại tệ về.

Với 120 ngàn lính, với một cuộc chiến được tiến hành có vẻ “nửa vời”, và suốt 7 tháng thì người Nga mới chỉ chiếm được 4 tỉnh của Ukraine (trong đó tỉnh nào cũng còn một phần diện tích do Ukraine vẫn đang giữ). Nếu nhìn vào những thứ đó mà cho rằng Nga đang thất bại thì tôi nghĩ là sai lầm lớn.

Trước hết, các tướng lĩnh Nga và Putin hiểu rõ chiến trường Ukraine, cả về mặt lịch sử chiến tranh trên đất này lẫn địa hình. Do đó, sẽ là ngây thơ nếu cho rằng họ sẽ hoang tưởng mơ về việc chiếm Ukraine trong một cuộc chiến tranh thông thường với 120 ngàn quân. Putin và các tướng lĩnh Nga hiện nay là những người đã trải qua cay đắng của bại trận năm 1996 với cuộc chiến Chechnya lần thứ 1. Họ đã nghiền nát Chechnya trong cuộc chiến lần 2 năm 2000 và trong 20 năm sau đó biến những người Chechnya từ một kẻ thù nguy hiểm nhất thành những người lính tiên phong trung thành nhất. Đến giờ chỉ cần search trên youtube là mọi người có thể thấy 2 đoạn video. Đoạn thứ nhất là Putin đến mừng năm mới với các tướng lĩnh trong cuộc chiến Chechnya lần 2. Lúc đó, ông đã đặt cốc vodka xuống, không uống và nói rằng sẽ chỉ uống sau khi hoàn thành các mục tiêu của cuộc chiến. Trong video thứ hai, Putin lạnh lùng trả lời với báo chí quốc tế về những kẻ khủng bố Chechnya rằng phán xét họ là việc của Chúa, còn nước Nga sẽ chỉ làm việc là gửi những kẻ đó tới cho Chúa phán xét. Hai video đó cho thấy họ là những người lạnh lùng, quyết tâm thực hiện một cuộc chiến như thế nào.

Thực tế, họ đã san phẳng Grozny, tiêu diệt tất cả các lực lượng Chechnya chống đối và sau đó xây dựng lại toàn bộ bằng chi phí của nhà nước. Nếu các bạn nghe thấy điều này giống giống với những công cuộc tái thiết đang diễn ra ở Mariupol và các thành phố Ukraine bị phá hủy bởi chiến tranh thì các bạn sẽ biết là người Nga lấy kinh nghiệm từ đâu rồi đó. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như trong thời gian tới, những thanh niên của 4 tỉnh mới sáp nhập vào Nga trở thành nòng cốt của các đơn vị đặc nhiệm đặc biệt trung thành với Putin giống như những người Cô-dắc (Kozak) đã luôn là lực lượng cận vệ bảo vệ Sa Hoàng trong gần 300 năm kể từ ngày họ đề nghị Sa Hoàng bảo hộ dân tộc mình khỏi ách đô hộ của người Ba Lan cho tới cách mạng tháng 2 năm 1917.

Từ năm 2000 tới nay, Putin và các tướng lĩnh Nga đã trải qua 4 cuộc chiến: Chechnya lần 2 năm 2000, cuộc chiến với Gruzia (Georgia) năm 2008, cuộc chiến tại Syria năm 2015, cuộc chiến tại Donbass từ 2014 tới tháng 2/2022. Có thể nói rằng so với NATO thì người Nga có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn tất cả các thành viên của tổ chức này ngoại trừ Mỹ. Tuy nhiên, so với Mỹ thì người Nga có thành tích tốt hơn hẳn. Trong 20 năm qua, người Mỹ có 2 cuộc chiến kéo dài là Iraq và Afghanistan. Ở cả 2 cuộc chiến này thì người Mỹ thắng trong cuộc chiến tranh lật đổ nhưng thất bại trong cuộc chiến bình định. Mới năm ngoái, 2021, người Mỹ đã phải bỏ lại Afghanistan cho Taliban với những cảnh đồng minh của họ bám vào càng máy bay để chạy trốn. Ở Iraq hiện nay thì ảnh hưởng của Iran thậm chí còn lớn hơn ở Mỹ. Điều nực cười là sau 20 năm bình định Iraq thì người năm 2020, người Mỹ hân hoan thông báo là đã giết được Soleimani của Vệ binh Cách mạng Iran sau khi ông này rời khỏi dinh tổng thống Iraq. Trong cuộc chiến 8 năm với Sadam Hussein, người Iran không tiến nổi 10 km qua biên giới Iraq. Thế nhưng sau 20 năm Mỹ bình định, tướng cao cấp của Iran có thể vào thẳng dinh tổng thống Iraq để họp.

So với Mỹ thì người Nga thành công hơn hẳn về mặt bình định – và với một cái giá về kinh tế thấp hơn rất nhiều. Ở Gruzia, sau cuộc chiến 5 ngày năm 2008 thì Shakhasvilis, vị tổng thống phát động cuộc chiến đối với vùng thân Nga đã trở thành tội phạm và phải lưu vong. Gruzia, trong cuộc chiến Nga – Ukraine cũng rất kiệm lời nếu so sánh với 3 nước vùng Baltic, Ba Lan và nữ thủ tướng Phần Lan. Ở Syria, người Nga không bị sa lầy và dù chỉ với một lực lượng Nga rất nhỏ được đưa tới đó nhưng sự tồn vong của tổng thống Assad đã từ chỗ chỉ còn vài tuần đã trở thành kiểm soát tới 70% lãnh thổ (và nếu không có sự hiện diện quân sự của Mỹ thì chắc chắn đã thành 90%).

Vậy điều gì là chung nhất giữa 4 cuộc chiến tranh với sắc thái hoàn toàn khác nhau đó? (cuộc chiến Chechnya lần 2: vô cùng khốc liệt. Cuộc chiến Gruzia 2008: chớp nhoáng. Cuộc chiến Syria, Donbass 2015 tới nay: bền bỉ). Có 4 điều:

Thứ nhất, trong cả 4 cuộc chiến, quân Nga đã rất tiết kiệm xương máu của lính mình. Họ sử dụng học thuyết hybrid-warfare của Primakov và Gerasimov trong đó mọi phương tiện, thủ đoạn đều được sử dụng từ hỏa lực, vũ khí chính xác tới mua chuộc, hối lộ, chia rẽ đối phương, sử dụng quân đội đánh thuê... để tiết kiệm xương máu. Đã qua rồi thời quân đội Nga tấn công theo lối chấp nhận mọi thương vong để đạt được mục đích như thời Liên bang Xô Viết.

Thứ hai, họ luôn luôn cố gắng duy trì sự ổn định của nền kinh tế trong nước ở mức cao nhất. Đó chính là bài học xương máu mà Putin và các lãnh đạo Nga đã rút ra được từ cuộc chiến Afghanistan 1979-1989 và sự sụp đổ của Liên Xô sau đó.

Thứ ba, họ tiến hành chiến tranh trên mọi phương diện, từ truyền thông tới kinh tế. Và hiểu rất rõ nguồn lực hữu hạn của mình, họ tập trung vào việc giữ được sự ủng hộ của người dân Nga thay vì cạnh tranh với phương Tây trong việc lấy lòng chung chung với thế giới.

Thứ tư, vì cả 3 mục đích trên, người Nga trở nên rất thực dụng trong việc thích nghi với sự thay đổi của tình hình. Tất cả những phỏng đoán về họ dựa trên cách hành động của quân đội Xô Viết trước kia đều sai. Trước ngày chiến thắng 9/5, phương Tây đoán là Nga sẽ đánh lớn để kỷ niệm ngày này như quân đội Xô Viết trước kia hay làm. Chẳng có chuyện gì xảy ra vào ngày đó cả. Khi thấy việc giữ một điểm nào đó là vô nghĩa về mặt quân sự và tốn xương máu, họ sẵn sàng bỏ. Điều này thể hiện từ việc bỏ một điểm nhỏ như đảo Rắn tới cuộc tự động rút lui khỏi Kiev, rồi Kharkov hoặc cuộc tháo chạy gần đây ở I-zy-yum và Lyman. Người Nga không ngại bất cứ chuyện gì, kể cả danh tiếng, để bảo toàn lực lượng của mình. Tuy nhiên, khi họ đang ở thế thắng, họ vẫn tuân thủ nguyên tắc này. Cuộc vây hãm Mariupol là một điển hình. Bất chấp mọi chê cười của phương Tây, họ sẵn sàng vây ép khối quân Ukraine ở đây tới khi họ phải tự đầu hàng chứ không có một cuộc xung phong vỗ mặt để người Ukraine có thể làm đổ máu họ nhiều nhất.

Nếu lực lượng vũ trang Nga có tới 1,2 triệu người, 3,5 triệu quân dự bị và 25 triệu thanh niên trong độ tuổi cầm súng thì tại sao Nga lại cẩn trọng như vậy đối với vấn đề thương vong?

Thực ra lãnh đạo nước Nga không sợ thương vong. Họ thừa hiểu rằng một cuộc chiến thông thường với một quốc gia rộng lớn thứ 2 châu Âu như Ukraine sẽ dẫn tới nhiều thương vong. Họ biết rằng việc nhân dân Nga nhìn nhận thế nào về số thương vong đó sẽ quyết định thắng lợi của cuộc chiến, và thậm chí cả sự tồn vong của chính phủ hiện tại. Nếu người dân Nga cho rằng đây là một cuộc chiến ở hải ngoại vì tham vọng ngông cuồng của Putin (giống như cách mà phương Tây đang nói – thậm chí các lãnh đạo G7 còn nói rằng cuộc chiến này là vì Putin muốn thể hiện tính mạnh mẽ của một con đực đầu đàn) thì họ sẽ chống lại và chiến tranh sẽ thất bại. Tuy nhiên, nếu người dân Nga cho rằng đây là một cuộc chiến vì sự sống còn của nước Nga, dân tộc Nga, văn hóa Nga thì có chết hàng triệu người họ vẫn chấp nhận. Lịch sử nước Nga cho thấy rất rõ điều đó.

Trong các cuộc chiến với Napoleon, các đạo quân Nga thua hết trận này tới trận khác ở hải ngoại, nơi mà binh lính và dân Nga coi đó là cuộc chiến của riêng Sa Hoàng. Tuy nhiên, khi Napoleon đưa Grand Armee (đội quân lớn nhất trong lịch sử châu Âu tới lúc đó) vào Nga thì từ người dân tới quý tộc Nga đã sẵn sàng đốt cả nhà, cả thủ đô của mình để chiến thắng. Vào thời kỳ đầu, năm 1941, có nhiều đơn vị Hồng quân đã đầu hàng quân Đức, nhưng khi họ nhận ra rằng cuộc chiến đó không phải là cuộc chiến của riêng Stalin và những người cộng sản mà là cuộc chiến sinh tồn của Liên bang Xô Viết nói chung và nước Nga nói riêng (lúc đó cả người Đức, cả Đồng Minh lẫn chính người dân Liên Xô đều thường xuyên dùng lẫn lộn chữ Hồng quân với quân Nga, Liên bang Xô Viết với nước Nga) thì họ đã đánh tới khi nước Đức đầu hàng với cái giá phải trả là 27 triệu người Xô Viết chết trong cuộc chiến.

Putin và tập thể lãnh đạo nước Nga hiểu rõ vấn đề này. Họ cũng biết rằng Putin không phải là Stalin và nước Nga ngày nay không phải là Liên bang Xô Viết. Nếu như Stalin có thể được bầu với con số gần như tuyệt đối thì vào năm 2018, Putin chỉ được 56 triệu phiếu, tương đương 76,5%. Điều đó có nghĩa là có 23,5% người bầu chống lại Putin tương đương với 16 triệu người. Do đó, để thắng cuộc chiến tranh này khi nó chuyển sang thành một cuộc chiến tranh thông thường kinh điển thì Putin phải biến nó thành một cuộc chiến tranh vệ quốc. Vậy Putin đã làm điều này như thế nào?

Vào tháng 4 và 5, khi nhận thấy rằng quân đội Ukraine và phe đối lập không lật đổ được chính phủ và bắt tay với Nga thì việc tấn công hay vây hãm Kiev và Kharkov trở nên vô nghĩa (vào thời điểm và hoản cánh lúc đó). Cuộc tấn công vào 2 thành phố này sẽ rất đẫm máu dân thường. Cả dư luận thế giới lẫn người dân Nga trong nước sẽ coi đó là một cuộc chiến phi nhân đạo. Việc đổ máu hàng ngàn, hàng chục ngàn người lính để chiếm 2 thành phố đó (nếu có) sẽ là cái giá quá đắt nếu như người Nga coi (và thực sự có lý do để coi) đó là cái giá quá đắt cho một cuộc chiến ở hải ngoại của riêng Putin. Do đó, việc giữ các vùng đất quanh hai thành phố này là vô nghĩa về mặt quân sự lẫn chiến lược (trong hoàn cảnh người dân Nga vẫn đang coi đây là một cuộc chiến ở hải ngoại). Nếu đã không còn ý nghĩ thì việc giữ quân đội ở đó là vô nghĩa và nó sẽ ảnh hưởng xấu tới các bước tiếp theo của Putin. Chính vì thế quân Nga đã tự rút khỏi hai khu vực này và dồn về để xâm chiếm 4 tỉnh phía Đông và Đông Nam.

Tại sao Nga lại cố chiếm 4 tỉnh này? Cả 4 tỉnh đều có lịch sử là vùng Nô-vô-rút-xia từ xa xưa và được Lenin cho sáp nhập vào Ukraine sau khi những người Bolshevik thắng trong cuộc Nội Chiến và thành lập nước cộng hòa Xô Viết Ukraine mới. Số người nói tiếng Nga ở vùng này cũng chiếm tuyệt đại đa số. Ngoài ra vùng này là vùng công nghiệp và nông nghiệp quan trọng nhất của Ukraine. Việc chiếm được 4 tỉnh này có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế. Dù về công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên và khoáng sản của vùng này rất giàu có, nhưng đối với Nga, ý nghĩa có được thêm các vùng này không quan trọng bằng việc một khi tách nó ra khỏi Ukraine thì nước này chỉ còn là một nước nông nghiệp. Việc tiêu diệt nền công nghiệp quốc phòng của Ukraine bằng vũ khí chính xác và việc tước đi vùng công nghiệp quan trọng nhất khiến Ukraine trở thành một nước nông nghiệp hôm nay và còn trong nhiều năm nữa.

Điều quan trọng thứ hai (mà thực ra là quan trọng hơn) là nếu chiếm được đa số diện tích của 4 tỉnh này, đặc biệt là các thành phố lớn thì việc sáp nhập nó vào Nga mới không lố bịch trước mắt người dân Nga. Bạn thử nghĩ xem người dân Nga có chấp nhận việc sáp nhập vào Nga 4 tỉnh mà trong đó quân Nga không chiếm được thành phố nào lớn hoặc chỉ chiếm được 5-10% diện tích không? Đó là lý do mà Putin phải chiếm bằng được đa phần diện tích các tỉnh này. Điều khó cho Putin là khu vực Donbass đã được Ukraine và NATO biến thành một khu vực cố thủ kiên cố trong 8 năm qua. Chính hệ thống phòng thủ phức tạp này đã khiến cho quân Nga trong nhiều tháng mới chỉ chiếm được 1 phần trong khi 2 tỉnh phía Nam giáp với Crimea là Kherson và Zaporozye bị chiếm Ngay trong tháng đầu tiên của cuộc chiến. Ở đây, “cái khó bó cái khôn”. Vì người dân Nga vẫn nhìn nhận đây là một cuộc chiến ở hải ngoại nên Putin không thể huy động hơn số quân ông đang sử dụng ở Ukraine (ở giai đoạn này, nếu dùng những người không phải là quân nhân chuyên nghiệp, có hợp đồng thì sẽ ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong nước khi có thiệt hại). Chính vì thế nên số lượng binh lính chính quy Nga thì còn rất lớn nhưng họ vẫn đóng tại biên giới Nga – Ukraine chứ không tham chiến.

Vì số lượng quân ít nhưng lại phải đột phá các khu vực kiên cố nên người Nga buộc phải đánh chậm và dồn hết các lực lượng chủ lực ở Ukraine về Donbass. Bây giờ thì các bạn có thể đoán chủ lực của Nga đang ở đâu rồi đó. Lực lượng chủ lực ở Ukraine (các quân nhân chuyên nghiệp có hợp đồng) đã dồn về hết ở Donbass. Lực lượng chủ lực chính quy Nga (những người không ký hợp đồng để đi đánh nhau tại Ukraine) thì vẫn đang đóng ở biên giới. Số lượng lực lượng chủ lực này là bao nhiêu? Tôi đoán là trên 300 ngàn quân – tương đương hoặc nhiều hơn số lượng quân dự bị mà Putin vừa gọi nhập ngũ. Những người mới tái ngũ sẽ tạo thành thê đội 2 đóng tại biên giới trong khi những lực lượng đóng sẵn ở biên giới sẽ thành thê đội 1 và tiến vào Ukraine.

Nếu chúng ta đã đoán được 2 khối chủ lực của Nga (khối chủ lực ở Ukraine và khối chủ lực ở chính nước Nga) đang nằm ở đâu thì câu hỏi tiếp theo là tất cả các diễn biến trong 2 tháng qua liên quan gì tới kế hoạch của Putin, biến cuộc chiến tranh ở hải ngoại thành cuộc chiến tranh vệ quốc?

Bước đầu tiên là Nga triệt thoái khỏi Kiev và Kharkov, rút bỏ hoàn toàn khỏi 2 vùng này. Đây là 1 mũi tên trúng nhiều đích.

Thứ nhất, việc rút lui giải phóng một lượng lớn quân tinh nhuệ để sử dụng ở Donbass.

Thứ hai, nó khiến cho phương Tây nghĩ rằng Nga đã thua đau và sẽ xuống thang. Người Nga đã làm một loạt động tác khiến cho mọi người tin như vậy. Họ rút khỏi đảo Rắn và nói một cách lố bịch rằng để thể hiện thiện chí trong việc đàm phán (mọi người đều nghĩ rằng đó là một cách biện minh ngớ ngẩn và như vậy là Nga đã thua tới mức lú lẫn). Nga cũng thực sự tới Thổ để đàm phán với Ukraine theo điều kiện của Ukraine và đã cho phép Ukraine xuất khẩu lúa mì. Nga cố tình hạ thấp chiến thắng ở Mariupol. Sau khi cung cấp đủ thông tin cho người dân Nga thấy rằng họ đã chiến thắng lớn – để xóa đi hình ảnh thiệt hại tại Kharkov và Kiev trước đó thì với phương Tây họ cố tình hạ thấp ý nghĩa chiến thắng này. Không hề có một chiến dịch PR rầm rộ nào cho chiến thắng ở phương Tây. Sau khi chiếm hai thành phố Luhansk và Severodonest, họ giảm nhịp độ chiến tranh tới mức thấp nhất trong gần 1 tháng.

Việc Nga tỏ vẻ xuống thang, đàm phán, giảm độ khốc liệt của cuộc chiến; việc Kiev lớn tiếng tuyên bố họ đã đánh quỵ quân đội Nga và sắp có cuộc tổng phản công; việc giá gas tăng vọt khiến người dân châu Âu phân tâm đã tạo ra một cảm giác an toàn cho cả phương Tây lẫn Ukraine và một khoảng lặng cho người dân Nga. Ai cũng đoán là Putin rất có thể sẽ tuyên bố là thắng trận và rút lui trong danh dự. Và vì thế, ở châu Âu, vấn đề khó khăn kinh tế trở thành vấn đề bức bối đối với người dân châu Âu. Điều này dẫn tới 5 chính phủ của các nước châu Âu phải từ chức và viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine giảm xuống mức 0 ở tháng 7 và rất thấp trong tháng 8 so với các tháng trước đó.

Cùng trong thời gian này, khoảng hơn 40 ngàn binh lính Ukraine trẻ khỏe được đưa sang đào tạo tại các nước NATO để tránh bị Nga tấn công (nếu họ tập luyện tại Ukraine). Trong khi hầu hết các thiết bị quân sự của Ukraine bị tiêu diệt trước đó thì họ cố gắng bổ sung bằng các thiết bị quân sự mới của NATO. Thực tế là trong cuộc tổng phản công của Ukraine, người ta không còn thấy bóng dáng của vũ khí Ukraine, cường quốc quân sự một thời nữa. Tất cả các thiết bị chính là của NATO. Điều đó cho thấy thiệt hại khủng khiếp của Ukraine trong các tháng trước đó.

Cùng với sự tạm yên trên chiến trường, Nga xúc tiến hàng loạt các liên minh với Ấn Độ, Trung Quốc, Iran và các nước thuộc khối BRICS và hợp tác Thượng Hải. Chưa bao giờ hai nhóm quốc gia này lại hoạt động mạnh mẽ như trong 2 tháng vừa qua với việc kết nạp thành viên mới và các thỏa thuận được ký kết. Thái độ chống Nga trên thế giới giảm hẳn căn cứ vào số lượng thành viên Liên Hợp Quốc bỏ phiếu chống Nga suy giảm nhiều trong lần bỏ phiếu nghị quyết mới đây nhất. Các hoạt động này đã mang lại các lợi ích thực sự cho Nga từ các hợp đồng mua bán khí, dầu lớn của Ấn Độ và Trung Quốc lẫn các thiết bị bay không người lái rất hữu hiệu của Iran cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ lẳng lặng cắt giảm các UAV cung cấp cho Ukraine. Cùng thời gian đó, trong khi nền kinh tế Nga vẫn ổn định và thu ngân sách lại gia tăng thì kinh tế châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng mà mọi nhà kinh tế học vào hồi tháng 2 đều không thể lường được quy mô. Nói một cách ngắn gọn là mọi người đều hy vọng rằng cuộc chiến có thể chấm dứt (để họ quay lại lo vấn đề kinh tế của mình) khi Nga tuyên bố đã hoàn thành mục đích và ngừng chiến để tự cứu danh dự mình.

Khi tất cả mọi người trong tâm trạng đó thì Kiev hành động ngược lại. Họ tuyên bố là sẽ không đàm phán chừng nào Nga không rút về đường biên giới trước ngày 24/2/2022. Sau đó họ nâng lên là họ sẽ đánh bại Nga, sẽ chiếm lại Crimea. Sau đó thì cùng với một số chính trị gia phương Tây họ nói tới một viễn cảnh nước Nga bị sụp đổ và chia cắt. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Tổng thư ký của NATO và lãnh đạo các nước phương Tây đều lớn tiếng nói rằng nước Nga phải bị đánh bại. (Điều thú vị là 5 vị nguyên thủ to tiếng nhất thì đều đã phải rời khỏi vị trí của mình trong mấy tháng qua). Tân thủ tướng của Anh còn tuyên bố, khi bị báo chí gài, là sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân với Nga khi cần thiết. Cùng với sự có vẻ xuống nước của Nga thì sự leo thang từ phía Kiev gia tăng bằng các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa vào Crimea, vào vùng Belgorod của Nga, vào nhà máy điện hạt nhân ở Zaporozye, Ukraine.

Tất cả các động thái đó, cộng với sự cấm vận cực đoan tới mức quái đản của phương Tây trước đó (cấm mèo Nga đi thi, cấm các vận động viên Nga đi thi, cấm cả chữ Z, chữ V, chữ O; cấm cả Traikovsky lẫn Puskin; đập phá các tượng đài Hồng quân; tịch thu tài sản của người giàu Nga ở nước ngoài) đã dần dần khiến cho người dân Nga nghĩ rằng châu Âu không chống riêng mình Putin và chính quyền của ông ta mà chống mọi thứ liên quan tới Nga từ văn hóa, ngôn ngữ, tới dân tộc, lịch sử Nga và Ukraine là người lính xung kích cho phương Tây làm chuyện đó.

Thế nhưng có lẽ những thứ đó vẫn chưa đủ để người Nga coi đây là một cuộc chiến vệ quốc. Vì vậy Putin (mặc dù vẫn có nguyên khối chủ lực đóng trên đất Nga bên kia biên giới Ukraine) vẫn tiếp tục có các động thái khác để có một cú hích cho tâm lý người Nga. Ông ta cho một phần thiện chiến nhất của quân đội của mình tại Ukraine về phép một cách công khai trên truyền hình. Quân Nga rút gần như hết các lực lượng chính quy khỏi khu vực Nam Kharkov – nơi xảy ra chiến thắng vừa qua của Ukraine. Bây giờ bạn có thể lờ mờ đoán được các lý do rồi đó.

Với 200 vệ tinh NATO bay trên bầu trời Ukraine, NATO không khó khăn gì để nhận thấy điều đó. Họ cũng nhận thấy là chủ lực của Nga tại Ukraine đang nằm tại Kherson và Donbass. Do đó, khu vực nam Kharkov trở thành một miếng mồi vô cùng hấp dẫn. Thứ nhất, với một lượng quân Nga quá ít, họ sẽ dễ dàng tấn công, bao vây và tiêu diệt các cụm quân của Nga ở đây. Thứ hai, việc chiếm được vùng này sẽ loại trừ bàn đạp bao vây Kharkov từ phía Nam và trực tiếp đe dọa mặt phía Bắc của cụm quân Nga tại Donbass. Tất nhiên, Ukraine sẽ mở một mũi tấn công ở Kherson để trói chân các lực lượng chủ lực Nga ở đây. Tất nhiên, đòn đánh thật sẽ là ở Nam Kharkov và sẽ thành công.

Trên thực tế Ukraine đã thành công lớn về diện tích được giải phóng nhưng không đạt được bất kỳ kết quả nào đối với sinh lực của quân Nga. Bạn có nghĩ là với các cuộc tấn công đang diễn ra và tốc độ rút chạy của quân Nga thì quân Ukraine có thể tiến luôn sang đất Nga không? Nếu họ tiến sang đó, quân Nga ở Donbass chắc chắn phải rút về để cứu nhà nếu không muốn dùng vũ khí hạt nhân. Thế nhưng Ukraine đã không làm vậy. Ở khu vực Kharkov, họ dừng Ngay ở biên giới với Nga sau khi quân Nga rút đi. Lý do cũng đơn giản là vì họ biết là bên kia biên giới là các lực lượng của các quân khu nội địa Nga đã dần dần tập hợp trong những tháng qua. Chiến thắng này sẽ dẫn tới một điểm khó cho Ukraine là họ sẽ buộc phải phân mỏng lực lượng để giữ toàn bộ vùng mới giải phóng. Và điều đó có nghĩa là khi quân Nga tấn công trở lại với hơn 400 ngàn quân thì cụm quân Ukraine ở trong vùng này có thể sẽ bị tấn công từ nhiều phía – và lần này tình hình sẽ tệ hơn hồi tháng 2 rất nhiều vì quân Nga sẽ đông gấp nhiều lần và quân Ukraine đã bị tiêu hao nặng và dàn mỏng.

Về phía người dân Nga, việc mất Belakliya rồi Izyum và Kupyansk một cách nhanh chóng đã khiến cho đề xuất của Putin đối với việc sáp nhập 4 vùng trở thành cấp thiết. Cần nhớ là sau khi rút khỏi Belakliya thì toàn bộ các KOL của Nga, bao gồm chính bản thân người đứng đầu Chechnya đã đồng loạt lên tiếng nói rằng hành động rút lui của quân đội Nga là hèn nhát và thậm chí là tội phạm. Hèn nhát vì họ sợ thiệt hại về con người nên rút. Tội phạm vì họ để lại những người Ukraine đã ủng hộ quân Nga thời gian qua trong vùng quân Ukraine tái chiếm. Họ cho rằng những người đó sẽ bị quân Ukraine xử bắn như ở Bucha trước đó. Điều này dẫn tới việc người Nga có thể đẩy rất nhanh quá trình bỏ phiếu tại 4 tỉnh này và phê chuẩn việc gia nhập trong một thời gian kỷ lục. Giờ đây, Putin đã biến việc sáp nhập các vùng này đối với người Nga từ việc chiếm đất của một quốc gia khác thành nghĩa vụ đạo Đức (để bảo vệ người nói tiếng Nga) và bảo vệ danh dự. Nhờ việc này mà Putin cũng có thể tuyên bố động viên 300 ngàn quân dự bị và biến cuộc chiến thành cuộc chiến tranh vệ quốc. Hãy nhớ là người Nga giờ đây tin rằng đây là một cuộc chiến chống lại âm mưu phương Tây hòng đánh bại nước Nga, tiêu diệt văn hóa, tiếng nói Nga, chia cắt nước Nga và thuộc địa hóa nó theo kiểu mới. Và trong bối cảnh này, việc Putin hay Mét-vê-đép tuyên bố có thể dùng vũ khí hạt nhân để bảo vệ nước Nga sẽ được người Nga nhìn nhận như là sự trách nhiệm và cứng rắn trong bảo vệ nước Nga.

Bây giờ bạn có thể thấy rằng bằng việc cố tình để mất vùng nam Kharkov, một vùng không thuộc nước Nga, Putin đã khiến cho người Nga chấp nhận sáp nhập 4 tính là việc buộc phải làm và đây là một cuộc chiến tranh vệ quốc. Một khi họ đã chấp nhận điều đó và chấp nhận việc tăng hàng trăm ngàn quân cho cuộc chiến (đồng nghĩa với số thương vong lớn) thì việc chiếm lại các vùng này không phải là vấn đề quá lớn.

Câu hỏi tiếp theo là nếu như quân Nga chiếm hết các vùng thuộc 4 tỉnh này mà quân Ukraine đang giữ thì họ có dừng lại không? Câu trả lời là hãy nhìn vào lịch sử Nga. Năm 1812, sau khi đánh bại Napoleon, Kutuzov muốn dừng lại ở biên giới nước Nga nhưng Sa hoàng đã không chấp nhận. Và cuối cùng là những người lính Kozak đã tiến vào Paris năm 1814 và buộc Napoleon đầu hàng. Năm 1944, Hồng quân không dừng ở biên giới trước chiến tranh, họ tiến tới thẳng Berlin và tiêu diệt nước Đức vào năm sau, 1945. Lần này, sau 8 năm chuẩn bị cho cuộc chiến ở mọi mặt từ kinh tế tới quân sự, người Nga sẽ không dừng lại ở ranh giới 4 tỉnh. Họ sẽ tiến tận tới biên giới Ba Lan như trong bản đồ của Mét-vê-đép hồi tháng 7.

Để đáp lại việc Putin tuyên bố đây là cuộc chiến tranh vệ quốc cho sự sống còn của nước Nga chống lại phương Tây thông qua cuộc chiến với Ukraine và khả năng sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân thì Ukraine và phương Tây đã phản ứng ra sao. Tổng thống Zelensky Ngay lập tức ký đơn xin gia nhập NATO trên truyền hình như một động thái đáp trả Nga. NATO, thay vì chờ đợi một chút để giữ thể diện cho Ukraine thì đã trả lời Ngay trong ngày là họ không muốn chiến tranh với Nga và không chấp nhận đơn Ngay lập tức. Họ trả lời một cách ngoại giao là mọi quốc gia dân chủ đều có quyền nộp đơn nhưng việc gia nhập thì phải tuân theo quyết định của các nước thành viên và hiến chương của tổ chức. Hiến chương đó không chấp nhận 1 quốc gia đang có chiến tranh gia nhập khối. Nhà-Trắng cũng có phát biểu tương tự. Cả NATO và Nhà-Trắng đều phản đối việc sáp nhập 4 tỉnh nhưng họ cũng làm rõ rằng đây không phải là cuộc chiến của họ, đây là cuộc chiến của Ukraine.

Vài tháng trước, sau khi Nga tấn công xâm lược, Ukraine đã ký đơn xin gia nhập EU. EU nói rằng họ nhận đơn nhưng sẽ xem xét (và Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên quan trọng của NATO đã đợi xem xét cả 20 năm nay mà vẫn chưa được chấp nhận). Phương Tây nói rằng họ sẽ hết sức giúp đỡ Ukraine, nhưng đây là cuộc chiến của riêng quốc gia này.

Giờ đây, khi Nga đã leo thang tới mức cao nhất trong cuộc chiến với Ukraine – đó là coi đây là một cuộc chiến tranh vệ quốc với khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Thì Ukraine cũng chỉ có thể leo thang lên mức là nộp đơn xin gia nhập NATO. Và bất chấp những thắng lợi vang dội của Ukraine, NATO lại trả lời tương tự EU là họ sẽ hết sức giúp đỡ Ukraine, nhưng đây là cuộc chiến của riêng quốc gia này.

Việc Putin thành công trong việc thay đổi tính chất cuộc chiến đối với người Nga sẽ khiến cho ông có thể huy động thêm nhiều 300 ngàn quân Nga khác nếu cần thiết.

Vậy, sau 7 tháng đánh nhau tình hình như thế nào:

1. Về phía Nga: bây giờ Nga mới thực sự khởi đầu cuộc chiến: bắt đầu động viên, chuyển nền công nghiệp quốc phòng sang thời chiến và về mặt pháp lý có thể xử lý hình sự mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn chiến tranh.

2. Về phần thế giới ngoài NATO: các quốc gia lớn đang nổi lên như Ấn Độ, Trung Quốc, Brasil đang thấy cơ hội thay đổi trật tự kinh tế thế giới mà họ cho rằng bất công.

3. Về phần các nước NATO: người dân đã bắt đầu thấy rằng cuộc chiến chỉ là của riêng Ukraine nhưng họ là người phải gánh chịu hậu quả kinh tế. Điều này dẫn tới sự mâu thuẫn ở cả mức độ quốc gia (với 5 chính phủ đã sụp đổ) cũng như cấp độ khối EU (với các quốc gia như HuNgary, Bulgary, Chzech mâu thuẫn công khai về đường lối chống Nga với phần còn lại).

4. Khi Nga mới bắt đầu khởi động chiến tranh thì Ukraine đã bước vào giai đoạn kiệt quệ. Nền công nghiệp quốc phòng của họ đã bị xóa sổ. Các khí tài hạng nặng và lực lượng quân đội có kinh nghiệm 8 năm chiến đấu của họ đã bị loại khỏi cuộc chiến. Giờ đây Ukraine chiến đấu bằng vũ khí, đạn dược, phương tiện của phương Tây và với binh sỹ do phương Tây huấn luyện. Nếu các nguồn đó bị suy giảm, hay bị cắt thì cuộc chiến của họ cũng chấm dứt. Nói một cách khác là nếu NATO hay Mỹ đàm phán trên lưng họ thì Ukraine cũng buộc phải chấp nhận.

Với những điều trên thì tôi cho rằng, một hay vài chiến thắng nữa của Ukraine ở Nam Kharkov cũng sẽ không có ý nghĩa gì nhiều cho kết cục cuộc chiến.

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc