Khó hiểu việc bán bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng?

shared from fb Vinh du Tran,
-----
Tôi hồi trước vốn rất ghét bảo hiểm nhân thọ. Lần đầu tiên tôi cáu với BHNT là khi tiếp một anh saleman lúc tôi còn làm ở San Francisco, Cali.

Anh ấy trình bày các lựa chọn tôi có thể mua, trong đó gợi ý vì tôi mới có con nhỏ nên có thể mua BHNT cho con tôi với ngưỡng chi trả chỉ có 20-30 nghìn USD gì đó. Tôi đã rất tức giận và mời anh ấy ra khỏi office của tôi ngay lập tức. Anh ấy đã nói đến rủi ro qua đời của trẻ sơ sinh (cái mà tôi không muốn nghe), mời tôi mua BHNT để tôi có thể nhận được tiền khi rủi ro xảy ra (cái mà tôi không bao giờ muốn nhận kể cả khi rủi ro xảy ra) và với một ngưỡng chi trả bé tí, giống như nói với tôi mạng của trẻ con giá chỉ có vậy.

Tuy nhiên sau đó tôi có mua BHNT cho tôi. Vì tôi nghĩ nếu rủi ro xảy ra với tôi, thí dụ tôi tạch đột ngột, thì vẫn có một ít tiền để lại cho tụi nhỏ do BHNT chi trả. Đối với tôi, tiền trả cho BHNT là một loại phí. Có nghĩa là, để thụ hưởng việc hãng bảo hiểm chi trả một số tiền nhất định, thí dụ 500 nghìn USD, thì tôi phải trả phí hàng tháng là bao nhiêu.

Lần cuối cùng tôi tự mua BHNT theo hình thức này và với mức chi trả 500 nghìn USD thì mức phí đó là khoảng 80-90 USD/tháng nhưng gói này là của công ty BHNT nước ngoài và chỉ bán cho người có quốc tịch nước ngoài ở VN chứ không cho người Việt.

Mới mức phí này, mỗi năm tôi đóng tầm 1.000 USD để thụ hưởng mức chi trả 500 nghìn USD nếu rủi ro xảy ra. Nói nôm na, từ phía tôi như vậy có nghĩa là xác suất xảy ra rủi ro thực tế của tôi mà ở quanh mức 1/500 (tức là 2 phần nghìn) thì giá như vậy là quá hợp lý.

Tỷ lệ chết thô (nôm na là số người chết chia cho tổng dân số) ở Việt Nam năm 2020 là 6 phần nghìn theo Tổng Cục Thống Kê, thấp hơn nhiều so với hồi những năm 70 (10-14 phần nghìn) và những năm 80 (8-9 phần nghìn). Tuy nhiên tùy theo độ tuổi thì tỷ lệ chết tại mỗi độ tuổi sẽ rất khác nhau, càng trẻ thì tỷ lệ này càng thấp. Chúng tôi tìm mỏi mắt data này trên trang web của các cơ quan nhà nước ở Việt Nam nhưng không thấy đâu cả, ngoài những bảng đồ thị kẻ rất nhòe nhoẹt.

Vì không tìm được số liệu của VN nên tôi chỉ minh họa qua số liệu của Mỹ (rất dễ tìm). Quý vị muốn xem có thể theo link này Mortality in the United States, 2019 (cdc.gov). Theo số liệu này, tỷ lệ tử vong trong nhóm tuổi từ 35 đến 44 là 194.7 trên một trăm nghìn, xấp xỉ bằng con số 1/500.

Như vậy nếu coi tình trạng sức khỏe của tôi khi đó tương đương sức khỏe trung bình của người Mỹ thuộc nhóm tuổi 35-44 thì mức phí của gói BHNT kia tính rất sát, và họ có thể không có lời. Tuy nhiên khi khai thông tin thì có nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe khác, như không có bệnh nền, tập thể dục đều, không nghiện rượu nghiện thuốc, không làm nghề độc hại, không hay gank nhau trên Facebook như một số tick xanh nủi tiếng, hiền lành, yêu thương con người (cái này tôi phịa ra) và độ tuổi của tôi khi đó dưới 40. Cộng các yếu tố này lại thì chắc chắn tỷ lệ tử vong ước tính phải thấp hơn đáng kể so với mức 194.7 trên một trăm nghìn. Thế nên tôi cũng không lo công ty BHNT của tôi bị lỗ khi lấy phí thấp.

Nhưng đó là mua BHNT của công ty nước ngoài, bán cho diện người nước ngoài ở VN. Thế còn mua BHNT từ công ty trong nước hoặc nước ngoài kinh doanh ở VN, dành cho đối tượng là người Việt thì sao?

Tôi có tìm hiểu BHNT bán ở Việt Nam vài lần với ý định nghiêm túc là để mua. Tuy nhiên sau đó tôi không mua nữa. Lý do là vì sản phẩm bảo hiểm ở Việt Nam thường kết hợp BHNT với Đầu tư chứ ít khi thấy có gói bảo hiểm đơn thuần là trả phí như tôi mô tả ở trên. Có một vài chỗ có bán theo kiểu này nhưng mức phí đắt hơn nhiều gói tôi mua và mô tả ở trên và ngưỡng chi trả cũng rất thấp (không có bất cứ gói nào khi đó có thể chi trả tới mức 500 nghìn USD mà thường chỉ vài tỷ Đồng). Những gói BHNT kết hợp đầu tư (có trả lại tiền sau một số năm, thí dụ sau 20 năm đóng tiền liên tục) cũng rất chát với thời hạn đóng dài, mức chi trả khi xảy ra rủi ro thấp, và lợi tức khi trả lại tiền cũng kiểu thiếu nhi.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là thị trường BHNT ở Việt Nam cạnh tranh cũng khốc liệt với đủ loại tay to tham gia. Thế tại sao phí BHNT lại chát vậy? Mãi sau này có thời gian tìm hiểu tôi mới lờ mờ hiểu ra vài lý do. Trang web của Prudential có ghi rất rõ, một trong những căn cứ để tính phí BHNT là “Bảng tỷ lệ tử vong 1980 theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm”. Nếu tìm theo hướng này, các bạn sẽ thấy là pháp luật Kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam (thông tư 115/2013/TT-BTC ) có sử dụng một cái bảng tỷ lệ chết được lập từ năm 1980 (bảng CSO 1980 -" Bảng tỷ lệ tử vong trong bảo hiểm nhân thọ quy định như thế nào?" (yourmoney.vn)).

Các bảng tính của CSO (Commissioner’s Standard Ordinary (CSO) Tables) được sử dụng trong ngành bảo hiểm vốn đã qua nhiều lần cập nhật và thay đổi. Hai lần gần nhất là vào các năm 2017 và 2001. Lý do vì điều kiện kinh tế xã hội và y tế của con người đã thay đổi nhiều, tuổi thọ tăng cao và tỷ lệ chết ở mọi độ tuổi giảm đi. Thí dụ như tôi chích dẫn ở trên, tỷ lệ chết thô của Việt Nam đã giảm nhiều từ năm 1980 đến nay, từ mức 8-9 phần nghìn xuống còn 6 phần nghìn vào năm 2020.

Nhiều nước đã sử dụng các bảng CSO cập nhật hơn, thí dụ Mỹ hiện nay đang sử dụng các bảng CSO năm 2017. Việt Nam vẫn đang kiên trì sử dụng bảng CSO của 43 năm trước. Lý do tại sao thì tôi không giải thích được. Nhưng thông tư 115/2013/TT-BTC là của Bộ Tài chính, nên việc sửa đổi / cập nhật thông tư này chắc cũng là Bộ Tài chính. Việc tại sao không dùng bảng CSO cập nhật hơn để giảm phí bảo hiểm mà người dân phải đóng có lẽ cũng cần phải hỏi Bộ Tài chính mới biết được.

Nhưng đấy chỉ là câu chuyện phí bảo hiểm. Còn câu chuyện có rất nhiều các sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư và có quá ít các sản phẩm BHNT thuần túy (như gói tôi mua ở trên) thì cho đến giờ tôi vẫn không hiểu. Câu chuyện bán bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng rồi những câu chuyện như khách hàng muốn vay tiền thì phải mua gói BH này gói BH kia, rồi chuyện hợp đồng đọc khó hiểu quá, rồi chuyện nhân viên bảo hiểm tư vấn bát nháo, tào lao… tôi cũng không hiểu được vì thế sẽ không phân tích ở đây.


Tags: finance

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc