QUỐC GIỖ: TRUYỀN THỐNG TÂN TẠO VÀ CƯỠNG ÉP VĂN HOÁ

shared from fb Nguyễn Tuấn Linh,
-----
Có thể chắc chắn rằng Quốc giỗ là một ví dụ rất điển hình của truyền thống tân tạo.


Giỗ tổ Hùng Vương vốn chỉ là một lễ hội địa phương ở Phú Thọ, nếu xét rộng hơn thì cũng chỉ là lễ hội của người Kinh, thế nhưng khi nâng tầm nó thành ngày lễ của quốc gia (Quốc giỗ) thì tức là một sự cưỡng ép văn hoá với hàm ý rằng Giỗ Hùng Vương là ngày lễ của tất cả 54 dân tộc ở Việt Nam. Thậm chí thân thế các Hùng Vương cũng là vấn đề, bởi họ là nhân vật huyền sử nhưng được “lộng giả thành chân” để trở thành ông tổ của tất cả 54 dân tộc.

Trong kho tàng truyền thuyết của các dân tộc ở Việt Nam, không thiếu những truyền thuyết về nguồn gốc tộc người. Nếu như người Kinh có truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ và Hồng Bàng thị, thì người Khơ Mú có truyền thuyết Quả bầu mẹ, người Mường có Ông Thu Tha - Bà Thu Thiên, người Dao có truyện về Tráng Lô Cô, người Thái có truyện về Ải Lậc Cậc, v.v.

Người Kinh chúng ta dường như thậm chí không quan tâm và không biết đến những truyền thuyết của các dân tộc thiểu số, nhưng điều ấy là bình thường. Điều bất thường là, nếu đã như vậy, tại sao chúng ta lại cưỡng ép người dân tộc thiểu số phải biết đến và phải tham gia vào truyền thuyết của chúng ta, qua việc nâng tầm Giỗ Hùng Vương lên thành Quốc giỗ, và áp dụng văn hoá này với mọi người dân?

Sẽ ra sao nếu người Chăm có một ngày tôn vinh nữ thần Po Inur Nugar và yêu cầu nó trở thành quốc lễ và được nghỉ? Người Mường cũng yêu cầu một ngày quốc lễ tôn vinh đôi chim Tùng-Tót?

Hẳn chúng ta đều không ủng hộ sự xâm lấn văn hoá của người Mĩ da trắng trước người Mĩ bản địa, nhưng vấn đề nổi cộm hơn và gần gũi hơn nhiều là tại sao chúng ta điềm nhiên cho rằng việc áp đặt truyền thuyết của người Kinh lên tất cả 54 dân tộc là đúng đắn?

Một trong nhiều chức năng của các truyền thuyết về nguồn gốc tộc người là tạo chất keo gắn kết trong nhóm và phân biệt giữa nhóm của mình và nhóm của người khác. Nhiều khi việc ấy không hẳn mang thái độ tiêu cực, ví dụ truyền thuyết Quả bầu mẹ của người Khơ Mú nói rằng người Thái, Lào, Lự, Xá, Kinh đều là anh em từ một quả bầu chui ra, vậy nên những truyền thuyết ấy xứng đáng được tồn tại với vị thế ngang bằng với truyền thuyết của người Kinh.

Việc “lộng giả thành chân” huyền sử Hùng Vương còn nguy hiểm ở chỗ nó khiến người dân dần dà tin rằng nó có thật, và như vậy thì mọi thứ đi kèm trong “gói” huyền sử Hùng Vương cũng đều là thật. Nó sẽ gạt ra bên lề các truyền thuyết của dân tộc khác cùng thời, để cho rằng chỉ truyện về Hùng Vương mới là “đúng” còn mọi truyện khác là chuyện kể cho trẻ con, tin cũng được, không tin cũng tốt.

Theo Eric Hobsbawm, truyền thống tân tạo (invented tradition) là dạng truyền thống mới được tạo ra gần đây, mang mục đích tạo một sự liên kết liên tục giữa lịch sử xa xưa và hiện tại. Giỗ tổ Hùng Vương không mới, nhưng Quốc giỗ thì rất mới (bắt đầu tầm đâu đó năm 2007). Nó hình thành cho người Việt một sự tưởng tượng chung rằng tất cả chúng ta cùng một cội, và chúng ta ngày nay rất gần gũi với “chúng ta” 4000 năm trước. Nhưng để tạo ra sự tưởng tượng chung ấy, chúng ta phải gạt sang một bên rất nhiều sự tưởng tượng của các dân tộc thiểu số.

Bài viết này không cho rằng truyền thống tân tạo là tốt hay xấu, mà chỉ cho thấy rằng trong việc tạo ra nó thì truyền thuyết của người Kinh được đặt vào giữa ánh đèn sân khấu, và các truyền thuyết của tộc người khác cũng ở Việt Nam thì phải lùi sang một góc.

Thế thì có đáng hay không?
Tags: columnist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc