Singapore Formula-1 Grand Prix & More…

shared from fb Lý Xuân Hải,
-----
1.

Singapore Formula-1 Grand Prix là chặng đua F1 đầu tiên* trên thế giới diễn ra ban đêm. Đường đua, vốn là đường phố bình thường, phải được phủ thêm chất liệu asphalt đặc biệt cho mục đích này. Các tuyến đường phố vào mùa đua được thay đổi toàn diện. Để tránh tắc đường, một số đường hầm khách sạn được bố trí thành tuyến giao thông công cộng rất thông minh. Dựng hệ thống hàng rào chống ồn. Chuyển sân vận động cạnh nhà hát sầu riêng thành sân khấu nổi ngoài trời. Đặc biệt là hệ thống chiếu sáng thiết kế rất khó học, kỳ công: bóng đèn không được chiếu vào mắt và ánh sáng phải làm sao triệt tiêu hết bóng để ai đứng ở bất cứ vị trí nào trên đường đua cũng không được thấy bóng hắt trên đường phía trước vì với tốc độ quanh 300-360km/h bóng sẽ làm các pilot (tay đua F1 được gọi pilot, không phải driver nhé) bị ảnh hưởng tâm lý hay giật mình ảnh hưởng thành tích (xem ảnh chụp lúc 12h đêm trên đường đua). Đường đua ban ngày không bị vấn đề này. Vòng loại 1 đêm, đua chính thức 1 đêm… nhưng đó cũng là dịp tụ tập với muôn vàn chương trình networking, giải trí, mua sắm. Vào tuần lễ đua cả nước Singapore thành trường đua với hàng loạt các sự kiện ăn theo vô cùng phong phú.


Thời gian vòng loại hay vòng đua đúng vào giờ vàng: khoảng 20h bắt đầu và kết thúc khoảng 23h thứ 7 và Chủ Nhật là ngày nghỉ nên truyền hình trực tiếp thu hút lượng người xem khổng lồ không chỉ khu vực châu Á mà cả châu Âu. Các hãng quảng cáo thu đậm.

Các tập đoàn hàng đầu thế giới nhân cơ hội này tổ chức họp hành tổng kết, giao lưu gặp gỡ bằng cách mua những cái Business Box là căn nhà tạm 3-4 tầng diện tích 200-500m2 (nhiều triệu đô một cái) dựng bên đường đua đối diện điểm xuất phát và đích để cả quân ta lẫn quân khách vừa nhâm nhi uống rượu bàn chuyện làm ăn, tán phét cho thêm phần thân thuộc vừa xem. Có thể xem từ phòng lạnh qua kính cho đỡ điếc tai hoặc ra ngoài thưởng thức mùi khét của lốp và tiếng động cơ ép ngực. Sau đó là các cuộc gặp gỡ ký kết song, đa phương… Rất relax và rất hiệu quả. Bởi dịp đó giới kinh doanh có thể gặp đối tác bay đến từ đủ các quốc gia đủ năm châu… mà chả phải bay đi đâu. Làm mà chơi, chơi mà làm… các cuộc họp kín mít cho cả tuần. Chi phí tưởng đắt lại thành rẻ.

Các phòng khách sạn có cửa hay ban công nhìn ra đường đua được bán với giá trên trời và được phép bố trí thành phòng tụ vạ xem F1 vì từ đó xem na ná Business Box mà không phải mua vé. Dân ít tiền thì chọn kiểu này.

Với phụ nữ thì những ngày ấy là cơ hội thoả mãn nhu cầu Shopping Therapy mọi nhẽ, dù Singapore vốn đã là thiên đường mua sắm. Fashion Shows các kiểu tổ chức bởi Amber Lounge, các mẫu hàng mới được tung ra và các chương trình khuyến mãi rầm rộ bởi các hãng thời trang hàng đầu từ đắt vỡ mặt tên lạ lạ đến bình dân kiểu Luis Vuitton: hàng người xếp hàng ở của hàng flagship như LV dài dằng dặc… Các nhãn hiệu khác thì ngập.

Dân du lịch thuần và giới trẻ cuốn vào các chương trình ca nhạc với các ca sỹ Top 1 thế giới; Lazer show với các toà nhà như Marina Bay trở thành màn hình; Đồ lưu niệm F1; Các celebrities, diễn viên, ca sỹ hàng đầu, các tỷ phú huyền thoại như Brandson của Virgin (ông bầu F1) cùng các pilot tên tuổi như Vietel, Alonso, Haminlton, Massa… xuất hiện ở đâu thu hút fans rầm rộ ở đó.

Với trẻ em là các trò vui chơi và trường đua kart-car cho bọn chúng làm pilot thử. Chán đã có Sentosa và Universal Studios.

Vào ngày đua công tác logistics được tổ chức hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ: các điểm dừng, cách tiếp cận và đội ngũ dẫn đường cực kỳ chuyên nghiệp nên dù cả trăm ngàn người tham dự nhưng không có bất kỳ tình trạng chen lấn xô đẩy.

Thế nên sự kiện Singapore Formula 1 Grand Prix thu hút lượng khách khổng lồ đủ thể loại đến Singapore trong tuần lễ ấy. Từ giới thương gia, doanh nghiệp, đám mê động cơ đến các bạn trẻ ham vui, dân du lịch các kiểu.

Singapore Formula 1 Grand Prix quảng cáo tuyệt vời mọi nhẽ cho đất nước Singapore: từ tính chuyên nghiệp, du lịch đến con người đất nước Singapore. Mọi sự được tính rất kỹ. Dành cho đủ hạng người.

Dịp ấy, trong khoảng 1 tuần, các khách sạn 1 sao đến 6 sao kín phòng giá tăng gấp 4-5 lần ngày thường mà nếu không book từ sớm vẫn hết. Các loại nhà cho thuê cũng kín luôn.

Ngồi với một trong những người đầu tư vào đường đua, ông T. doanh nhân Singapore và ông K., trên chiếc du thuyền của ông ta dùng để làm nơi tiếp khách thân vì văn phòng đang bận đón khách đoàn, tôi hỏi: Đầu tư vào đường đua này mất bao nhiêu tiền?

Đáp: Đầu tư hạ tầng, quyền tổ chức, đào tạo, mua sắm thiết bị, đền bù những người bị tiệt hại… tất tần tật khoảng $400 triệu.

Tôi: Nhiều thế á? Thế ai đầu tư?

Đáp: Chính phủ, SingTel, Cơ quan Du lịch Quốc gia và một số doanh nghiệp khác. Trong đó có tôi. Chính phủ là nhà đầu tư lớn nhất (60%-70% gì đó tôi quên).

Tôi: SingTel, Cơ quan Du lịch Quốc gia và các công ty khác cũng là công ty nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Bản chất là Chính phủ đầu tư gần hết nhỉ?

Đáp: Cũng đúng.

Hỏi: Ơ… sao Chính phủ bỏ tiền ngân sách đầu tư trò chơi cho một nhóm nhỏ hưởng lợi, mà thấy chủ yếu là nước ngoài và MNCs, khi vé xem trên $1000 cả? Lãi thì nhà tổ chức F1 hưởng là chính?

Đáp: Bọn tôi tính rồi. Có khoảng 100.000 vé. Mỗi vé thường là 4 người (chồng đi xem thì có vợ con cùng và cả đám khách du lịch ăn theo xem ca nhạc, mua sắm, doanh nghiệp networking) nên thống kê cho thấy lượng khách là khoảng 400.000 người. Vào những ngày này giá cả hàng hóa dịch vụ sẽ tăng 2-3 lần nên bọn tao dự tính tối thiểu mỗi khách du lịch sẽ chấp nhận chi tiêu giá cao hơn bình thường và lợi nhuận tăng thêm là $500/người. 400.000 người là $200 triệu. Hai năm là bọn tao thu hồi vốn. Các năm sau là lãi. Chưa kể lợi nhuận trực tiếp từ F1. (Ối dồi ôi… có hai năm… mỗi năm có 1 tuần…lãi quá buôn ma tuý… khôn vãi thật… tôi thầm nghĩ!)

Tôi bảo: Đúng thật. Giá phòng khách sạn tôi ở tăng giá gấp 5 chứ không phải 2-3 đâu.

Đáp: Chắc chỗ ông ở gần trường đua và khu trung tâm mua sắm hả? Thế thì đúng đấy. Khách của tôi, tôi cũng phải đặt trước từ lâu giá ấy.

Hỏi tiếp: Nhưng số tiền lời $200 triệu mỗi năm ấy vào túi các doanh nghiệp là khách sạn, nhà hàng, hội bán lẻ… chính phủ chỉ có thuế… chứ có vào túi Chính phủ hết đâu mà ông bảo 2 năm?

Đáp: Này nhé… tiền chính phủ là của dân, của doanh nghiệp… tức là của cả nền kinh tế… chứ không phải của cá nhân ai hay tổ chức nào: Chả phải của ông Tổng thống, Thủ tướng hay thành viên chính phủ hay Bộ Tài chính, chả phải của Quốc hội. Nền kinh tế chi ra từ ví tiền Ngân sách và thu hồi về qua ví tiền doanh nghiệp. Nhìn tổng thể nền kinh tế Singapore có lãi. Nên bọn tôi làm thôi!

Tôi ớ người vì tư duy mạch lạc, logic, hiệu quả… khác hẳn lối suy nghĩ ngớ ngẩn, tối om, ngu muội của tôi về phân chia tiền Ngân sách - Dân ấy.

Đã ngu lại còn tỏ ra nguy hiểm hỏi rất đần.

Mà đúng là loại ngu lâu khó đào tạo bởi sau này tôi lại hỏi ngu tương tự với 1 người khác. Nghe lần nữa mới ngộ. Có dịp sẽ kể các bạn.

2.
Mấy hôm nay đọc mạng xã hội thấy cãi nhau như mổ bò chuyện vào Hội An thu phí hay không.

Tôi thì nhớ láng máng có lần vào Hội An có mua vé. Lần khác vào chỗ bán vé không thấy ai nên nghĩ bỏ rồi, thế là vào. Đi nhiều quá nên lẫn thời gian. Nhưng thấy hồi mua vé chả khác gì không mua vé.

Nên ngứa mồm vào trêu chọc bạn bè linh tinh cho vui. Nhưng thấy tranh luận đùa có vẻ thành cãi nhau thật. Phe nào cũng đầy lý luận. Phe nào nói cũng thấy đúng.

Tôi không chuyên môn du lịch hay bảo tồn văn hoá. Thấy ai cũng có lý. Nhưng nghe ai cũng không thông.

a. Phe ủng hộ bảo Hội An bé quá không chứa nổi khách ngày một đông! Bán vé đuổi bớt bọn khách du lịch rách, nát, nghèo, làm chật đường phá huỷ văn hoá và có thêm nguồn tôn tạo thành phố cổ. Có bán vé mới có tiền tôn tạo bảo trì giữ gìn phố cổ hiếm hoi đang hút khách chứ!

Ối giời ơi… Có đời thuở nào trong nền kinh tế thị trường thấy khách hàng nhiều lại đuổi bớt đi! Đáng lẽ thấy nhiều khách, Cầu tăng, thì bên Cung phải khóc rú lên vì mừng, bắt cả nhà cả công ty làm ngày làm đêm thưởng trong thưởng ngoài thưởng trên thưởng dưới… mà đáp ứng nhu cầu mới phải chứ. Hội An làm du lịch cần khách đến, dân sống bằng cung cấp dịch vụ và bán hàng cho khách du lịch, cần tiền duy tu bảo dưỡng chứ có phải Sơn Đòng vì chưa có biện pháp duy trì môi trường đâu mà hạn chế. Càng nhiều khách du lịch mới càng nhiều cơ hội thu và càng nhiều ngân sách tôn tạo lại phố phường. Tìm cách mở ví họ ra chứ!

Đằng này tìm cách đuổi khách bằng cách thu vé tủn mủn… mang tiếng ra! Chả khác gì cửa hàng Mậu dịch thời bao cấp. Đúng là tư duy “Tiến nhanh, tiến mạnh về chủ nghĩa bao cấp!” như lời anh bạn chua ngoa lắm lời Luong Hoai Nam của tôi kêu ở vụ khác.

Mà dùng tiền bán vé để tu bổ Hội An thì được bao nhiêu? Mỗi người 80.000-120.000 đáng là bao! Bèo quá!

Lượng khách du lịch đến Hội An năm 2019 là 5,35 triệu giờ cứ làm tròn 6 triệu. Vé vào cửa quy đồng 100.000. Vậy một năm thì 600 tỷ, tương đương hơn $25triệu. Ấy là bỏ qua không thèm tính chi phí điều hành trả công trả xá vận hành hệ thống bán vé và phát hiện “không phải người Hội An”. Trừ đi còn bao nhiêu?

Bao nhiêu năm mới đủ để chỉ chống ngập cho Hội An? Đủ bảo trì bao nhiêu cái nhà cổ một cách tử tế? Bao nhiêu % nạo vét sông Hoài đàng hoàng? Ấy là chưa nói đến phát triển tầm thế giới. Ôi giời…

Kha khá thành phố cổ… phần cổ cứ cổ tôn tạo rất sạch sẽ… chỉ để đi và xem. Phần mới xây bên cạnh là để ăn nghỉ nhậu làm ăn mua sắm… xả láng.

Thú thật cảm giác cứ thấy “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”! Không muốn theo.

b. Phe phản đối bảo thu phí Hội An làm mất khách thất thu. Chưa kể Hội An là ông cha ta làm ra nên của cả nước, của toàn dân chứ chả của riêng ai… Hội An còn rộng cứ thế mà mở ra đón khách thoải mái.

Nhưng thất thu bao nhiêu không thấy tính. Chả nhẽ đi du lịch mà không đủ 100.000 mua vé? Tỷ lệ những người vì 100.000 ấy không vào Hội An là bao nhiêu %? Chắc gì khách đã không đi chì vì 100.000.

Còn mở là mở thế nào? Nguồn đâu? Lại đền bù giải toả tiếp á? Không thấy nói.

Lượng khách quay lại Hội An nhiều lần là bao nhiêu? Lượng tiền đổ vào tôn tạo có đáng không? Chưa kể cách tôn tạo… Mà mở rộng phố cổ thì ngớ ngẩn vì phố cổ là phố cổ, là lịch sử.

Tôi cảm nhận là với cách Hội An làm hôm nay chúng ta chỉ duy trì chứ chả thể nào tăng nguồn thu được mấy. Mà cứ mãi thế cũng chả đi đến đâu. Phố cổ thì cứ hoà tan dần vào cuộc sống hiện đại khi lượng khách du lịch tràn ngập trong khi “hồn Hội An” thì vẫn chỉ giữ nguyên có mấy nhà cổ, phố cổ, cầu gỗ vì chỉ có thế thôi… Mãi mãi quán chè rong chỉ là 1 quán chè rong, mấy nhà cổ là chừng ấy nhà cổ… mà không thành nơi hút khách và không có chỗ để chi ra tấm ra miếng để tăng nguồn thu.

Nên cũng không muốn ủng hộ lắm.

c. Phe nước đôi thì bảo thu của Tây nhưng đừng thu của Ta. Lại thấy nửa mùa. Vậy là đuổi bớt Tây đi. Ta thì cho vào thoải mái.

Đúng là của cả nước, của toàn dân nhưng gợi nhớ thời bao cấp: mùi toilet tàu hỏa hôi rình như nhau cho mọi người nhưng giá vé Tây cao hơn ta. Chắc vì mông nó to hơn nên… nhỉ!

Theo phe này tôi thấy cũng không ổn.

Thấy như kiểu con cháu nhăm nhăm muốn chia thừa kế, bóc lột xài Hội An đến đâu thì xài hơn là muốn phát triển nó.

Tất cả ý trên đều là cảm giác rất cá nhân. Tôi không khẳng định đúng sai. Chỉ là cảm thấy thế.

Nên chợt nhớ lại câu chuyện Singapore với F1 ở trên.

3.
Chi bằng học anh bạn khôn lõi đời Singapore mà làm.

Hội An có phố cổ làm mồi nhưng còn mênh mông đất khác, cảnh khác, cơ hội kinh doanh khác xung quanh làm bia làm rượu. Có mồi ngon rồi thì mang bia mang rượu ra mà mời chứ.

Từ Hội An đi sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn 40km, cách di sản văn hoá Huế là 130km. Mật độ tập trung di sản văn hoá cao độc nhất vô nhị. Lại còn Đà Nẵng với Festival pháo hoa hàng năm nổi tiếng.

Các Di sản đang thu hút lượng khách đến tương đối lớn. Nhưng mọi thứ vẫn cứ vậy. Không có điểm nhấn, cái đinh. Các câu chuyện về di sản ấy vẫn dường như không đủ sâu. “Ký ức Hội An” là sự cố gắng đột phá nhưng dường như chưa đủ tầm. Mỗi nơi đều có câu chuyện của mình để vời khách đến, có cái tạo điều kiện cho du khách chi tiền. Nhưng thấy cứ yếu yếu. Nên chăng không đủ chuyện thì ta tạo thêm các câu chuyện khác. Như Singapore là câu chuyện F1.

Tức là để hiệu quả hơn bên cạnh các Di sản nên là các chương trình Văn hóa Nghệ thuật Thể thao Vui chơi Du Lịch tầm cỡ F1, phục vụ khách giàu kiểu giàu, nghèo kiểu nghèo.

Mỗi năm hết mùa mưa bão thì Tuần mở cửa Di sản. Đến mùa mưa bão thì Tuần đóng cửa Di sản.

Các sự kiện, các con người xứng tầm thế giới, tổ chức đẳng cấp và câu chuyện thực sự hấp dẫn.

Kiểu như hát là Taylor Swift, nói về thời trang là Tom Ford hay Marc Jacobs hay Donatella Versase, vời Spielberg đến làm phim thật hay về các vùng đất này để kể cho thế giới nghe, Jack Ma hay Elon Musk nói về khởi nghiệp, Mahathir Mohamad nói về chính trị, B. Clinton kể chuyện Monica còn Johnny Deep nói về tình yêu Amber Heard… đại loại thế. Hội An phố cổ, kinh đô Huế, Đà Nẵng, thánh địa Mỹ Sơn tổ chức các sự kiện đinh… lúc ấy thì thu phí. Thời gian khác miễn phí hết - trừ Mỹ Sơn vì không có người ở - vào để mua sắm tham quan.

Vào kỳ Lễ hội vé đưa ra Huế ăn cơm Âm Phủ, thăm Lăng Khải Định, ngắm cổng Trời đèo Hải Vân hay thăm thánh địa Mỹ Sơn cùng giá khách sạn và tổ chức các trò chơi lặn biển đua thuyền buồn lượn sóng bay lượn dù giá gấp 2, áo lụa chất lượng cao giá gấp 3, Festival pháo hoa giá gấp 4, nước uống chè thập cẩm mì Quảng giá gấp 5, các phương tiện sân bay bến cảng du thuyền đón khách VIP giành cho giới giàu tăng giá thoải mái. Catwalk thời trang thì làm ở Huế, Hội An… kể cả Mỹ Sơn cũng được. Làm như thế có được không? Tất nhiên chỉ tuần cao điểm.

Mục tiêu sao cũng 500.000 khách mỗi ông chi tăng thêm $400-500 là lòi ra thêm $200-250 triệu trong vòng vài tuần ấy.

Mà nếu tính cả năm bình quân mỗi khách thu thêm $100 là có $600 triệu. Miễn là có thứ cho khách tiêu. Tức là thu sao người chi vẫn thấy có lợi.

Luẩn quẩn mỗi $25 triệu còi đã thấy cãi nhau loạn.

Có lần dẫn bọn bạn nước ngoài đến Hội An may vest tơ lụa lấy sau 24h ở 1 cửa hàng mất $100-120… Bọn nó rú lên quá rẻ. Nói thu thêm $100/bộ, bọn nó vẫn bảo rẻ. May kỹ hơn, mẫu mã sáng tạo hơn và chất vải dầy tý nữa thu $300-$500 ngon.

Mà bát chè, tô mì, cái áo, vé vào cổng… bán giá nào đâu dùng để phân biệt giàu nghèo. Người nghèo vẫn ăn bát chè 50.000VND thay vì 15.000VND được, nếu chỉ trong lần đi du lịch mùa lễ hội chứ không phải mỗi ngày.

Chỉ mỗi cái: để làm cho hay lúc đầu nên thuê đám như bọn Singapore sang làm. Có khi mời chính bọn làm Singapore Grand Prix về tổ chức, lập mưu cho thâm và yêu cầu chuyển giao công nghệ để ta học cách bỏn tính và làm. Chứ học mót, copy không bài bản thường kém xa nguyên bản.

Ngày nghỉ. Không có ai mời mọc tụ vạ ăn nhậu… Kể F1, chém gió bừa lĩnh vực không mấy hiểu biết. Bảo đồ con buôn mang tiền vào văn hóa… cũng nhận!

—————-

*PS. Nhiều bạn chỉ giáo sau 2007 có thêm các trường đua đêm. Năm 2023 ngoài Singapore 3 nơi cũng có F1 ban đêm theo chuẩn F1 của FIA (thuộc Grand Prix) là: Bahrain Grand Prix (từ 2014); Saudi Arab Grand Prix (từ 2021), Las Vegas Grand Prix (từ mới năm nay 2023). Vì vậy tôi sửa “duy nhất” thành “đầu tiên”. Cám ơn các bạn.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc