Giá trần vé máy bay có giúp người tiêu dùng được hưởng lợi?

shared from fb Duc Minh Nguyen,
-----
Lý do duy trì giá trần vé máy bay được thuyết minh là nhằm giúp người tiêu dùng được hưởng lợi, bởi họ sẽ được mua giá vé thấp hơn so với trường hợp không có chính sách này.

Lập luận này chưa thực sự chính xác, bởi chưa cân nhắc hai yếu tố khác làm giảm lợi ích của hành khách.

-------------------------------

Thứ nhất, khi có quy định giá trần thì số lượng chuyến bay sẽ giảm đi, làm giảm số người được bay.


Nếu không có giá trần, giá trên thị trường sẽ cao hơn, tạo động lực cho các hãng hàng không tăng chuyến bay. Kể cả trường hợp phải thuê máy bay với chi phí cao, thuê phi công và tiếp viên làm thêm giờ hoặc vào ngày nghỉ với lương cao hơn, hoặc chấp nhận chiều về trống nhiều ghế, nhưng do giá vé đủ để trang trải chi phí này nên doanh nghiệp vẫn làm.

Ngược lại, khi có giá trần, doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung bố trí các chuyến bay có chi phí thấp, kín ghế cả chiều đi và chiều về, cho nhân viên nghỉ đủ để không phải trả lương ngoài giờ, và hạn chế thuê thêm máy bay. Kết quả là số lượng chuyến bay giảm, số lượng người được đáp ứng nhu cầu vận chuyển giảm.

Ví dụ, nếu để thị trường tự do, giá vé là 1 triệu, số lượng người trả được 1 triệu để bay là 1000 người. Số lượng ghế mà các hãng muốn cung cấp cũng là 1000 ghế. Thị trường không thừa không thiếu.

Nếu Nhà nước áp giá trần là 800k, số lượng người sẵn sàng bỏ 800k để bay là 1200 người. Trong khi đó, các hãng hàng không thấy chỉ bán 800 ghế là phù hợp, bán thêm với giá 800k thì họ không có lợi. Kết quả là chỉ có 800 người được bay, ít hơn con số 1000 người trong trường hợp không có chính sách giá trần.

-------------------------

Thứ hai, có 1200 người muốn bay nhưng chỉ có 800 người được bay. Trong số đó, có những người chỉ sẵn sàng chi trả 800k (kiểu chill chill, đi cũng được, không đi cũng được, rẻ thì mới đi). Nhưng cũng có người sẵn sàng chi trả 2 triệu để bay (ví dụ cần bay gấp đàm phán hợp đồng quan trọng, giá không thành vấn đề).

Các hãng không có cách nào để phân biệt ưu tiên bán vé cho người có việc quan trọng, có mức độ sẵn sàng chi trả cao. Dẫn đến nguy cơ là ông chill chill thì được bay, còn bà sẵn sàng trả tiền thì lại phải ở nhà. Đây cũng là một loại thiệt hại của người tiêu dùng mà thường bị bỏ qua.

Tóm lại, muốn biết người tiêu dùng được hưởng lợi hay chịu thiệt hại từ chính sách giá trần thì phải tính toán cụ thể, để xem phần lợi do giảm giá lớn hơn, hay hai cái thiệt hại trên là lớn hơn. Kinh nghiệm 10 năm tham gia làm chính sách của mình thì các bộ ngành không tính đâu.

Còn người dân thì dễ dụ, cứ nghe rẻ thì thích. Nhưng rẻ mà đến lúc cần không mua được vé thì đổ cho hên xui, chứ không mấy ai biết là do chính sách dở cả.

--------------------------

Đó là phân tích từ góc độ của hành khách. Còn nếu phân tích từ góc độ của hãng hàng không thì đương nhiên chính sách giá trần khiến họ chịu thiệt hại. Cái này dễ hiểu.

Xét tổng lợi ích của cả bên mua và bên bán, chính sách giá trần khiến tổng lợi ích của xã hội thiệt hại.

Còn nếu Nhà nước lo ngại các doanh nghiệp bắt tay nhau nâng giá, hoặc các tuyến bay độc quyền người tiêu dùng không có lựa chọn khi giá cao, thì cách tốt hơn là giảm điều kiện gia nhập ngành để lập thêm hãng hàng không đi. Lúc đó giá sẽ giảm có khi còn thấp hơn mức giá trần nhà nước mong muốn, mà sản lượng trên thị trường lại dồi dào chứ không thiếu hụt như chính sách giá trần.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc