GỎI GÀ XÉ PHAY TRỘN ME – XOÀI – CÓC - ỔI… NON GÌ CŨNG NGON, ĐÂU CHỈ MĂNG CỤT XANH

shared from fb Cù Mai Công,
-----
Thịt gà luộc coi bộ như một cô thôn nữ đẹp nền nã mà lại khá thoải mái, có vẻ bất kỳ anh chị, cô dì chú bác, con nít con nôi… rau củ quả gì đi với cổ cũng vinh dự “mồm miệng”.


Đơn giản nhất là món thịt gà luộc xé phay, chỉ cần trộn với ớt sừng, rau răm, lá chanh cũng đủ ngon. Buồn tình thì thêm giá, hành tây, dưa leo, cà rốt, rau càng cua…; hoặc mang ra trộn gỏi với ngó sen, bắp cải, bắp chuối, rau muống, chôm chôm, mãng cầu, bưởi, me – xoài – cóc -ổi… để lên bàn nhậu, bàn ăn cũng sạch ráo trọi, chẳng ai chê - dù ăn uống vốn tùy miệng.

Vậy mà bỗng dưng “mùa hè năm nay, ai đã đưa em rời phố chợ đôi ngày” về Bình Dương săn lùng măng cụt xanh trộn gỏi gà. Ai chưa đi được thì tự tìm mua măng cụt xanh về kỳ công chế biến, thưởng thức cho “bằng chị bằng anh”, rồi lên facebook khen nức nở: “Vị ngọt thanh, mềm của thịt gà hòa quyện vị hơi chua, ngọt nhẹ của măng cụt”.

Món này xưa nay có xa lạ gì với dân Bình Dương và du khách ghé một số quán ăn ở Bình Dương cũng biết món gỏi này. Ăn nó cũng na ná như bao nhiêu món gỏi gà khác trộn rau củ quả: giòn giòn, chua chua, ngọt ngọt… Còn về bổ béo, các nhà dinh dưỡng học xác định dinh dưỡng của nó cũng từa tựa măng cụt chín; ăn vô, như ăn mấy món rau củ quả trộn gỏi khác, không phải “thập toàn đại bổ” nhưng cũng không có hại nếu không ăn nhiều (ăn gì nhiều chẳng có hại, kể cả sâm nhung).

Đùng một phát, một sớm một chiều “gỏi gà - măng cụt xanh” thành trend. Thợ gọt măng cụt vốn không cần chuyên nghiệp gì cũng kiếm được 500.000đ/ngày. Thời buổi khó khăn này, kiếm được “việc nhẹ lương cao” như vầy không dễ, cũng hay. Gà qué đang ế ẩm bỗng hút hàng, phải nói là mừng cho bà con nuôi gà…

Có ý kiến, như một chủ vườn măng cụt ở Bình Dương, anh Nguyễn Quang Trợ - chủ vườn măng cụt ở ấp Phú Hưng, xã An Sơn, TP Thuận An (Bình Dương) lại “quyết không theo trend măng cụt xanh” vì theo ảnh, “phía trên trái măng cụt, mỗi năm sẽ ra một cặp lá, cặp lá này năm sau sẽ ra trái mới, khi hái măng cụt còn chưa chín, bắt buộc phải bẻ luôn cặp lá này, không như trái chín nó sẽ tự rơi cuống. Do vậy, mùa vụ sau chắc chắn ít trái hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng cả vườn măng”. Do vậy, gia đình ảnh không bao giờ bán trái xanh. Không chỉ anh Trợ, cũng có một số nhà vườn ở Bình Dương chung suy nghĩ trên nên cương quyết “nói không với bán trái măng cụt xanh”.

Nhưng cũng có ý kiến: “Việc bán măng cụt xanh hay chín chỉ đơn thuần là kinh tế. Bán xanh giá cao thì nhanh thu tiền, thu tiền sớm khỏi lo sâu bệnh hay rụng trái; cây lại có nhiều thời gian dưỡng cho vụ mới”.

Tôi không phải nhà vườn, cũng không phải nhà sinh thái học, kinh tế học, dinh dưỡng học nên chả biết nghe ai. Mà nghe cái gì bây giờ khi nó là một trend tới giờ chắc cũng không hại ai. Bà con nông dân trồng măng cụt chắc cũng tính toán hết rồi.

Trend thì bao giờ chẳng vậy, bạo phát bạo tàn, nhất là mùa măng cụt ở miền Đông kéo dài không lâu, từ tháng Tư đến tháng Sáu. Như cách đây vài năm, người ta còn mang hoa phượng trộn gỏi gà. Ăn cũng chẳng chết ai. Thậm chí cách đây hai chục năm, có một nhà hàng trên đường Võ Văn Tần bán "ve sầu chiên bơ", cũng có khách ăn. Có điều cái này thì hơi đáng lo, ăn ve sầu cũng chẳng ngon lành gì, thua xa “nhộng chiên bơ”, có khi lại trúng độc chứ chẳng chơi.

Chỉ nói trước các nhà hàng, quán ăn một cái tánh quen thuộc của mồm miệng dân Sài Gòn: bất kỳ món gì mới lạ, trong hay ngoài nước vô đây là người ta quất láng “cho biết”; từ “bún đậu mắm tôm”, “trà chanh chém gió”, “bánh mì nướng muối ớt”… cho tới dimsum (điểm tâm) Taiwan, “mì cay bảy cấp độ” Korean, McDonald's American…. Biết rồi, quất nữa hay không thì hên xui.
Tags: columnist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc