Chủ nghĩa khắc kỷ & lựa chọn hướng tới tự do 

shared from fb Sơn Đức Nguyễn,
-----
Trong các hình thái về tự do, thứ tự do đáng giá nhất và cũng khó đạt được nhất là tự do về tư tưởng, tự do từ bên trong. Nghĩa là chúng ta có một tâm thế tự tin, vững vàng để chủ động đón nhận mọi biến động bất trắc bên ngoài. Không ngả nghiêng, không ngó nghiêng và không chạy theo những điều không quan trọng. Tự do để sống hạnh phúc hơn là mục tiêu của chủ nghĩa khắc kỷ.


NHỮNG NHÂN VẬT TIÊU BIỂU

Nhiều nhân vật vĩ đại đã từng cất công tìm hiểu, nghiên cứu và trích dẫn quan điểm của chủ nghĩa Khắc kỷ: George Washington, Thomas Jefferson, Adam Smith, Immanuel Kant.

Cuộc sống hiện đại ngày nay, không hiếm những người thành công là một kẻ Khắc kỷ (Stoic) điển hình.

Hoạ sỹ Delacroix (nổi tiếng với bức tranh Nữ thần tự do dẫn dắt nhân dân) gọi chủ nghĩa khắc kỷ là "tôn giáo xoa dịu" của mình.

Doanh nhân đầu tư Tim Ferris gọi chủ nghĩa khắc kỷ là "hệ điều hành cá nhân" lý tưởng.

Tướng James Mattis với biệt danh "Chó điên", đã mang theo mình cuốn Meditation (Suy tưởng) của hoàng đế khắc kỷ Marcus Aurelius trong suốt thời gian tham gia chiến trận ở Iraq.

Cựu phó đô đốc Hoa Kỳ James Stockdale chia sẻ rằng chính nhờ đọc chủ nghĩa khắc kỷ của Epictetus đã giúp ông có sức mạnh ý chí để vượt qua 7 năm khủng khiếp ở nhà tù Hoả Lò (Hà nội).

Khắc kỷ là một triết lý sống. Như nhiều triết lý sống khác để chúng ta lựa chọn. Không lựa chọn nào ưu việt hơn lựa chọn nào. Vì chúng ta mỗi người là một cá thể khác nhau. Mọi triết lý sống tồn tại đều có lý do của nó. Miễn là mỗi người thấy vui hơn, tiến hoá tốt hơn với lựa chọn của mình.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) là một trường phái triết học, một lối sống do Zeno, triết gia Hy Lạp, khởi xướng vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Sau này các nhân vật lớn ảnh hưởng sâu đậm đến stoicism là Marcus Aurelius (hoàng đế La Mã), Seneca (nhà chính trị) và Epictetus (nhà hùng biện).

CÁC GIÁ TRỊ THEO ĐUỔI

Chủ nghĩa khắc kỷ đề cao bốn cột trụ cơ bản là Tự chủ (Temperance), Dũng cảm (Courage), Công bằng (Justice), và Trí tuệ (Wisdom).

Đây là những trụ cột để một người ứng xử một cách đúng mực, khách quan và chủ động với thế giới bên ngoài - vốn đầy bất trắc và không công bằng. Chủ nghĩa Khắc kỷ nhằm trang bị năng lực vượt qua nghịch cảnh và triết lý nhìn nhận cuộc sống cân bằng, khách quan với thực tại luôn tồn tại song hành hai mặt đối lập với nhau: "bản chất của con người là luôn có cả điều tốt lẫn điều xấu" (Seneca)

Người theo chủ nghĩa Khắc kỷ có đầu óc thực tế, quan tâm đến tính khách quan của thế giới thật như nó vốn có và đối xử với người khác theo đúng với những quy luật tự nhiên, không thổi phồng, không bóp méo.

Điều tôi tâm đắc nhất với chủ nghĩa khắc kỷ là triết lý hướng tới tự do. Con người sinh ra ai cũng có quyền bình đẳng về tự do. Quyền thì bình đẳng như nhau. Nhưng để có tự do hay không do khát vọng, năng lực mưu cầu tự do có đủ mạnh hay không. Chủ nghĩa khắc kỷ không những theo đuổi tự do. Triết lý này còn có những mục tiêu cụ thể và các bài thực hành để có tự do, đặc biệt đề cao Trí tuệ (Wisdom) & Kỷ luật (Self-discipline).

Không có lựa chọn nào hoàn hảo. Khi đã chọn chỉ cần trung thực và có đức tin thật sự.

BrandSon

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc