Đặng Tiểu Bình: người hùng hay tội đồ của dân tộc Trung Quốc

shared from fb Giang Le,
-----
Năm 2003 Goldman Sachs (GSAM) dưới sự chỉ đạo của Jim O'Neill, người vừa phát minh ra thuật ngữ BRIC (lúc đó chưa có chữ S ở cuối), công bố một bài nghiên cứu cực kỳ đình đám: Dreaming with the BRICs: The path to 2050. Bài nghiên cứu này dự báo (nominal) GDP của TQ (tính bằng USD) sẽ vượt Mỹ trong thập kỷ 2030s, ba nước BRIC còn lại (Ấn Độ, Nga, Brazil) sẽ vượt hầu hết các nước Tây Âu trong thập kỷ 2020s. Tính chung khối BRIC sẽ vượt nhóm G6 vào khoảng 2040. Đến 2050 trong Top 6 sẽ chỉ còn Mỹ và Nhật so với G6 hiện tại bao gồm Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Pháp, Ý.

Đến cuối 2022 GDP của TQ đã vượt xa dự báo trong báo cáo đó (18 nghìn tỷ USD so với 13 nghìn tỷ) trong khi tất cả các nước khác (trừ Đức) đều kém hơn (Mỹ chỉ đạt 25 nghìn tỷ so với dự báo 27 nghìn tỷ). Cách đây vài năm Goldman Sachs đã điều chỉnh lại dự báo GDP TQ sẽ vượt Mỹ vào trong khoảng 2025-30. Vậy nhưng sau khi Covid ập đến và chính phủ TQ cứ loay hoay với zero-Covid, đến giờ này nhiều nhà kinh tế cho rằng GDP của TQ sẽ không bao giờ vượt qua được GDP Mỹ nữa. Nhưng nguyên nhân không phải Covid mà là dân số, chính xác hơn là Total Fertility Rate (TFR).

Cuối thập kỷ 1960s TFR của TQ xấp xỉ 6, sau khi Mao chết vài năm nó đã rớt xuống 3. Mặc dầu vậy ở thời điểm đầu 1980s Đặng Tiểu Bình kiên quyết đưa ra chính sách một con vô cùng hà khắc, một cú phanh đột ngột cho TFR và xu hướng tăng trưởng dân số của TQ. Kể từ đó TFR của TQ đã giảm liên tục xuống khoảng 1.5 trong thập kỷ 2000s. Sau Covid TFR của TQ đã xuống dưới 1.2, thuộc nhóm thấp nhất thế giới bất chấp những thay đổi chính sách dân số gần đây của Xi. Năm 2022 lần đầu tiên kể từ thời Cách mạng Văn hóa dân số TQ sụt giảm, năm 2023 TQ sẽ mất vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ.

Ở thời điểm 2003 Goldman Sachs dự báo TFR TQ không giảm, thậm chí còn tăng nhẹ lên khoảng 1.7-1.8 trong 15-20 năm sau đó. Dù bi quan với tăng trưởng productivity, với dự báo dân số TQ sẽ vượt ngưỡng 1.5 tỷ vào đầu thập kỷ 2020s (cộng với tỷ lệ saving/investment cao) GS đã có dự báo rất lạc quan về GDP của TQ như đã nói bên trên. Đến giờ khi dân số TQ đã vượt qua đỉnh (thật ra dân số ở độ tuổi lao động 16-55 đã qua đỉnh từ vài năm trước) và khả năng giữ saving/investment ở mức cao không khả thi, việc giới kinh tế điều chỉnh dự báo là điều dễ hiểu.

Đặng Tiểu Bình đã có công mở cửa và cải tổ nền kinh tế để đem lại 4 thập kỷ mở mày mở mặt vừa qua cho TQ. Nhưng bây giờ nhìn lại rất có thể chính sách một con hà khắc của ông ta là nguyên nhân quan trọng ngăn TQ trở thành số một. Không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ tăng, cú đạp phanh quá gấp đó đã làm cấu trúc dân số TQ hiện tại rất dị dạng. Chỉ năm mười năm nữa tỷ lệ người lao động trên số đã nghỉ hưu + trẻ em (dependency ratio) sẻ đảo ngược, tác động vào GDP thậm chí còn lớn hơn việc dân số suy giảm. Đặng là người hùng nhưng biết đâu cũng là tội đồ của dân tộc này.
Photo courtesy: Raychan (@wx1993)


Quay về VN, hiện tại TFR vẫn còn quanh quẩn ở mức 2, dân số sẽ tiếp tục tăng 15-20 năm nữa, cây cấu trúc dân số vẫn có gốc tương đối lớn. Tất nhiên không sớm thì muộn dân số VN sẽ già đi nhưng chúng ta có nhiều thời gian hơn để điều chỉnh (và đã chứng kiến kinh nghiệm của TQ). Một câu hỏi cần đặt ra là tại sao trong thập kỷ 1980s VN đưa ra chính sách hai con chứ không rập khuôn một con như TQ mặc dù sức ép dân số lúc đó rất lớn, nếu không nói là hơn vì vấn đề post-war baby boomer?

PS. Sau này Jim O'Neill thêm South Africa vào thành BRICS. Rồi ông ta phát minh thêm "Next 11" là nhóm 11 quốc gia (trong đó có VN) sẽ nối tiếp BRICS trở thành đầu tầu kinh tế thế giới. Next 11 không nổi tiếng bằng BRICS và đến giờ ít ai nhắc đến nó nữa. Bản thân BRICS cũng đang thoái trào sau khi Nga xâm lược Ukraine (từ năm 2014).

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc