ĐỌC SÁCH VÀ KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG

Đưa vợ đi khám thai từ sớm mà mất đúng một ngày.

Văn hóa bệnh viện đã được cải thiện nhiều nhờ vào sự chỉ trích gay gắt của dư luận trong nhiều năm.

Nhưng muốn tốt hơn, văn minh hơn còn rất nhiều thứ phải sửa đổi.

Giữa trưa, gần ngay nhà ăn, nhân viên vệ sinh thông hút bể phốt, cống ngầm làm bốc mùi kinh khiếp khiến bệnh nhân, người nhà chạy dạt như tránh...khủng bố.

Bù lại, nhà vệ sinh tương đối sạch.

Nhưng bệnh nhân, người nhà thì đứng, ngồi, nằm đủ tư thế. Có lẽ rất ít người ý thức rằng đây là nơi công cộng. Không thấy có ai đọc sách. Một vài người ngủ gục, nhiều người khác nghịch điện thoại còn lại thì nói chuyện. Họ nói rất to và ồn ào.

So với Nhật Bản thì có lẽ nó như một sự tương phản khi họ trật tự hơn, ngồi nghiêm chỉnh hơn. Ở Nhật trong các không gian công cộng ít có người nằm. Phóng túng-tự do trong không gian riêng và khắc kỉ, tiết chế bản thân trong không gian công cộng có lẽ là một đặc tính của người Nhật.

Để giết thời gian và chế ngự cảm giác bồn chồn tôi mang theo hai cuốn sách để đọc. Đấy là cuốn "Người Mĩ giúp con ham đọc sách" và "Vì sao con tôi không thích đến trường". Cuốn đầu đọc xong trong khoảng một tiếng vì nó mỏng và dễ đọc.

Cuốn thứ hai đọc xong 2/3. Cuốn này không phải là một cuốn sách dễ đọc đối với đại chúng cho dù tác giả đã hạn chế trích dẫn và cố gắng viết bằng văn phong giản dị.

Richard David Precht đã khái quát lịch sử phát triển của giáo dục cận hiện Đức để làm rõ những vấn đề nó đã và đang đối mặt cũng như những cải cách còn đang dang dở.

Sẽ có người ngạc nhiên kêu lên "Ôi ! Hóa ra giáo dục cũng đầy vấn đề thối nát chứ đâu có như người Việt mình vẫn tưởng".

Chuyện đó là rất thường. Có lẽ khi bạn đọc bất cứ cuốn sách nào của các nhà giáo dục viết về nền giáo dục nước mình cho dù là Hà Lan, Đức, Anh, Mĩ, Thụy Điển... bạn cũng sẽ thấy họ chỉ trích chính nền giáo dục của họ trong khi người ở các nước khác ngưỡng mộ.

Trên thế giới này không có nền giáo dục nào hoản hảo kiểu lý tưởng và thỏa mãn được tất cả mọi người. Những nền giáo dục tốt nhất vẫn là những nền giáo dục khiếm khuyết và cần liên tục phải cải thiện.

Các nhà nghiên cứu trong vai trò người bác sĩ khó tính đóng vai trò là người liên tục "xét nghiệm", chẩn đoán các căn bệnh của nền giáo dục đó và đề xướng các phương pháp giải quyết.

Ở đó, tôi đồng cảm với tác giả về mục đích của nền giáo dục hướng tới tôn trọng, phẩm chất cá nhân, phát triển giá trị cá nhân và đảm bảo công bằng, bình đẳng cơ hội giáo dục cho mọi người thay vì coi giáo dục là công cụ tạo ra nhân lực phục vụ giới kinh tế.

Tôi cũng tán thành luận điểm cho rằng PISA hay các đánh giá định lượng khác cho dù có ưu điểm và giá trị nhất định vẫn không đo đạc được kết quả của giáo dục thể hiện trong nhân cách, phẩm chất, khả năng chế ngự bản thân, khả năng tập trung, ý chí quyết đoán...những thứ tạo nên tính người và sự thành công của cá nhân trong xã hội.

Sự phân tích về tình trạng phụ huynh bỏ chạy khỏi giáo dục công và đưa con em vào các trường tư làm cho người đọc Việt Nam dễ có những liên tưởng thú vị.

Thực tế là một tiêu chuẩn và cũng là sự thử thách nghiệt ngã.

Giáo dục trường học không theo kịp thực tế và không xuất phát từ thực tế là một trong những nguy cơ đẩy giáo dục công lập vào ngõ cụt và mất đi sức hấp dẫn.

Đức còn thế, Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn hơn nhiều.

Tình trạng này cũng thấy ở Nhật.

Nhưng trong khi ở Nhật, Đức các trường tư có lịch sử lâu đời và có nhiều trường nổi tiếng do các nhà giáo dục vĩ đại sáng lập, điều hành thì ở Việt Nam hệ thống trường tư mỏng và mới. Hầu như không có các trương tư phổ thông được sáng lập và điều hành bởi các nhà giáo dục nổi tiếng với mô hình giáo dục hay triết lý giáo dục riêng.

Đấy là điều đáng nghĩ.


p.s Đọc sách ở không gian công cộng là một cách ép mình đọc. Kinh nghiệm của tôi cho thấy khi đọc các cuốn sách khô khan, khó đọc thì nên đọc ở không gian công cộng như bến xe, xe buýt, tàu điện, nhà ga, bệnh viện, thư viện. Nó sẽ giúp ta tập trung hơn và đọc vào hơn. Không phải ngẫu nhiên mà ở Nhật có nhà văn trinh thám nổi tiếng ăn khách đã thuê văn phòng và có đến 3 nhân viên phục vụ . Công việc chủ yếu của các nhân viên là đọc sách cùng ông, cho ý kiến về các bản thảo ông viết. Nhưng mục đích chính là sự có mặt của họ ép ông phải khắc kỉ với bản thân để làm việc.

À quên, có lẽ cả bệnh viện hôm nay có mình tôi đọc sách. Kể ra cũng là kẻ chơi ngông.

#makevietnamreadagain, #mvra,

from fb Nguyễn Quốc Vương,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc