NGÁO TIẾNG ANH

shared from fb Dương Quốc Chính,
-----
Đầu tiên mình nhắc trước là mình không phủ định tầm quan trọng của ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Nhưng phải hiểu là, với đa số mọi người, thì đó chỉ là công cụ giao tiếp. Không biết ngoại ngữ, thì ở nước dùng ngôn ngữ đó ta gần giống người câm điếc, sẽ khó khăn trong giao tiếp, sẽ bất tiện cho các hoạt động khác.

Mình bảo gần giống câm điếc thôi, vì thực tế là vẫn có thể thuê/nhờ dịch, dùng máy dịch...tức là vẫn hơn câm điếc, nhưng tốc độ giao tiếp sẽ chậm đi dẫn tới thua thiệt nhiều cái khác.


Ở đây mình nói chung là ngoại ngữ thôi, chứ không chỉ tiếng Anh. Vì IELTS 8.0 sang Tàu chém gió cũng vứt đi, thậm chí biển giao thông họ còn chả thèm dùng tiếng Anh. Nên giỏi tiếng Anh là lợi thế mang tính đại chúng nhất thôi, nhưng chưa chắc 10 năm nữa đã nhất?

Hồi lớp 6-8 mình vẫn học tiếng Nga, lớp 9 không học ngoại ngữ gì, chắc vì năm 91 LX sập nên Sở GD đắn đo?! Năm lớp 10 bắt đầu học tiếng Anh, coi như thế hệ đầu ở quê học tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc. Nhưng đâu phải vì sự chuyển đổi đó mà giá trị con người của lớp trí thức dùng tiếng Nga vứt đi hết (thế hệ anh Vượng về trước). Kể cả 10-20 năm nữa mà tiếng Hán nổi lên thì giá trị con người dùng tiếng Anh cũng không thể mất đi. Chính là những kiến thức, năng lực còn lại, ngoài ngôn ngữ.

Ngoại ngữ nói chung không cần năng khiếu gì kinh khủng để giỏi. Vì bất kỳ người dân bản xứ nào, không bị thiểu năng, đều có thể thông thạo được. Thì không thể nào là môn khiến ai đó học không thể vào, chẳng qua là do thiếu động lực và thiếu môi trường để cọ sát (như mình).

Hiện nay có nhiều bố mẹ quá ngáo/cuồng tiếng Anh, họ đầu tư cho con cái học tiếng Anh từ quá sớm. Thậm chí họ vẫn rất vui khi con cái giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt, giống như Tây con da vàng mũi tẹt ở Việt Nam. Như trong ảnh đính kèm, một số trường hệ chuyên hoặc gần chuyên, ở nhiều tỉnh/TP tuyển thẳng HS theo điểm IELTS mà không cần các tiêu chí khác. Điểm IELTS của đứa trẻ lớp 5, lớp 9 thì có ý nghĩa gì? Nó chỉ có giá trị khi HS đi du học ở các trường ĐH dạy bằng tiếng Anh thôi chứ?

Nếu đứa trẻ quá giỏi, nó giỏi tất cả tiếng Anh lẫn các môn khác, thì không bàn, vì dạng đó quá thiểu số, thần đồng rồi. Nhưng mình không tin dạng đó có thể đông. Tức là đa số giỏi tiếng Anh cỡ đó thì đứa trẻ sẽ phải hi sinh thời gian để chơi, để học các môn văn thể mỹ khác. Vì IELTS không phải môn chính khóa, phải học thêm bên ngoài, thì giỏi cỡ 5-8.0 thì đương nhiên HS sẽ phải chịu nhiều áp lực.

Mình biết nhiều gia đình gây áp lực lớn cho con đi du học bằng mọi giá, nên dù có không học trường Chuyên thì cày ngoại ngữ thêm cũng chả kém gì học Chuyên Anh. Cày nhiều thì đương nhiên phải mất thời gian.

Tuổi thơ là giai đoạn mà trẻ con cần kiến thức rộng, đọc/học đủ các thứ, để tự tìm tòi năng lực của nó. Nếu 1 đứa trẻ tự nhiên thích nghiên cứu về loài khủng long hay thiên văn học, thời kỳ Khai sáng hay kinh tế vĩ mô...thì các bố mẹ nên tạo điều kiện để chúng được tìm hiểu. Nếu nó thích nhạc, họa, điêu khắc, thể thao, thì cũng nên cho nó học, nếu có điều kiện. Chứ đừng quá thực dụng, chỉ bắt nó cày IELTS.

Khi tuổi thơ qua đi, con người sẽ càng thực dụng hơn khi học tập, đọc sách. Chính vì thế nên người Việt mới lười đọc sách ngoài sách GK và sách self help, là do tính thực dụng. Thực dụng từ bé do bố mẹ ép buộc, lớn thì tự thực dụng. Từ đó dẫn đến nhiều trí thức Việt Nam như lũ gà công nghiệp chỉ biết cày tiền. Kiến thức xã hội rất kém, kiến thức lịch sử, chính trị, triết học chỉ quanh quẩn SGK phổ thông. Trong khi tiếng Anh lại rất giỏi!

Qua nhiều status mình đã viết, đừng nghĩ trí thức du học Tây, thậm chí dạy ĐH ở Mỹ mà đã thoát kiếp bo` đỏ, chung quy cũng vì cách học tập thực dụng kể trên từ bé. Họ có thể là chuyên gia về IT, về kinh tế, về xây dựng...rất giỏi chuyên môn và tiếng Anh, nhưng những kiến thức nói trên vẫn ngây ngô, gọi là bo` thì dỗi, ăn vạ, vì họ không thể chấp nhận được họ là TS Tây học mà lại n gu về chính trị, lịch sử, triết học (là những môn nền tảng tạo nên 1 trí thức thực sự). Là do những môn đó không phải là chuyên ngành mà họ học bên Tây, nên kiến thức nền họ có chỉ từ SGK khi học ở Việt Nam. Lưu ý là trẻ không đọc sách đến già tẩy não rất khó và rất khó tạo thói quen đọc sách, dù tiếng Anh giỏi cỡ nào.

Mình bị nhiều người thành đạt bên Tây chửi chuyện này. Họ dạy dỗ mình đại khái: Giỏi tiếng Anh thì sẽ có cơ hội đọc được nhiều sách vở nguyên bản, không bị cắt xén, thì kiến thức sẽ khách quan hơn, rộng hơn là chỉ đọc sách tiếng Việt. Ý là mình chỉ là ếch ngồi đáy giếng do dốt tiếng Anh!

Ờ đúng quá đi chứ! Nhưng lý thuyết. Cách đây 20 năm thì tuyệt đối đúng đó, nhưng bây giờ chỉ hơi đúng thôi. Giả sử sách tiếng Việt, sách dịch chỉ có số lượng bằng 1/100 so với sách tiếng Anh. Nhưng 1/100 kia đã có số lượng thực tế hàng vạn cuốn về đề tài mình quan tâm. Thì sự so sánh kia còn ít giá trị. Như mình bây giờ, còn chả đủ thời gian mà đọc hết 30% lượng sách tiếng Việt mà mình có (sách in và ebook). Nếu giờ mình ham hố học tiếng Anh lên IELTS 8.0 hay cố đọc sách tiếng Anh bản gốc thì tốc độ chắc bằng 1/10. Có nghĩa là kiến thức vào được đầu giảm đi nhiều so với đọc tiếng Việt.

Bạn giỏi tiếng Anh, bạn có cơ hội đọc nhiều sách xịn sò, nguyên bản hơn mình, nhưng chắc gì bạn đã đọc được nhiều, biết được nhiều hơn mình? Đơn giản vì bạn thực dụng, bạn chỉ đi đọc SGK để cày tiền, bạn có đọc sách gì khác đâu! Dân gian có câu: Con bo` giỏi tiếng Anh thì vẫn là con bo` Tây, nghe được hiệu lệnh bằng tiếng Anh thôi. Mở rộng ra thì con bo` IELTS 8.0 dắt sang Mỹ học thì vẫn là con bo`, nếu nó không thực sự chịu học/đọc những cái khác nữa.

Cũng chính vì lối học thực dụng chỉ thạo môn chuyên ngành và tiếng Anh kia nên nhiều trí thức Việt Nam tốt nghiệp ĐH xong lại hì hục đi học thêm các lớp kỹ năng sống kiểu TRƯỜNG DOANH NHÂN với nội dung y chang sách Self help. Dạng này mình gọi là trí thức gà công nghiệp, họ dễ dàng bị chăn bởi các lớp dạy cày tiền mà giá mỗi khóa học ngắn ngày còn cao hơn 1 năm học phí ĐH. Chung quy là do quá thiếu kiến thức xã hội.

Nghe con mình kể bây giờ các bạn nó chỉ tập trung cày Toán Văn Anh từ cấp 1, coi như bỏ sạch các môn khác và văn thể mỹ. Tức là cả xã hội học trường chuyên! Bảo sao giới HS SV chả lắm bo` đỏ.

P/S

Mình buồn cười nhất mấy ông kêu Sing nó như giờ là nhờ tiếng Anh! Thực ra tiếng Anh là phụ thôi, cái chính là 3 yếu tố khác. Số 1 là địa lý, nó ở vị trí thuận tiện nhất ở eo biển Mallaca, sống nhờ cảng biển. Thứ 2 là thời gian dài là thuộc địa Anh lại không đánh đuổi Anh, nên học hỏi được nhiều. Thứ 3 là dân gốc Hoa đông, mà dân ấy giỏi buôn bán (bên Sing lại là nên sống nhờ buôn bán, tài chính).

Mấy bố giỏi tiếng Anh chém là do tiếng Anh chính vì các bố bỏ thời gian cày tiếng Anh không đọc sách về lịch sử và địa chính trị nên thấy cây mà không thấy rừng.

1 phản ví dụ là Nhật. Người Nhật họ chả sính tiếng Anh. Hàn Đài cũng gần giống, dù tất cả đều thân Mỹ. Nhưng họ vẫn giàu. Tức là tiếng Anh không phải là vấn đề quá quan trọng.

Phản ví dụ thứ 2 là Ấn Độ và Philippines đều giỏi tiếng Anh, tiếng Anh ở đó phổ biến hơn ở Việt Nam nhiều. Nhưng vẫn không chịu giàu, dù rất có thuận lợi giao tiếp.

Phản ví dụ thứ 3 là Tàu. Họ khá là kỳ thị tiếng Anh và ghét Mỹ, đến nỗi biển đường còn chả có tiếng Anh, dịch vụ du lịch còn chả thèm nói tiếng Anh, nhưng vẫn tiến khá nhanh.
-----
HỌC TIẾNG ANH ĐỂ LÀM GÌ?

Mình rất đau lòng khi phải viết 1 status để dịch 1 status khác, từ tiếng Việt ra tiếng Việt, cho dễ hiểu hơn.

Ở bài trước, đa số những người nhao nhao phản đối mình đều đọc hiểu sai ý của status. Đã có nhiều người vào comment ở đó, nhưng họ cứ cuồng lên phản ứng, thậm chí chửi mình là DLV. Chắc tại đọc thế tưởng mình tẩy chay tiếng Anh, tức là tẩy chay Mỹ và phương Tây?! Giận thì ít mà thương hại họ thì nhiều. Bởi chính họ tự làm giáo cụ trực quan cho status, là sính/giỏi tiếng Anh mà tư duy không có, đọc hiểu tiếng mẹ đẻ không xong. Mà thường đọc hiểu kém hay rơi vào những người ít đọc, ít viết cái gì dài dài.

Status đó mình đã viết rõ ràng là không phủ định vai trò của tiếng Anh, rằng nó rất quan trọng...Nhưng người ta vào phản biện, nói là tiếng Anh quan trọng thế này thế kia abc, thế thì phản biện cái gì mà viết rõ lắm.

Ý mình là cần định vị rõ tiếng Anh là công cụ giao tiếp, thì cần có thái độ ứng xử với nó đúng như là công cụ, như biết bơi, biết đi xe đạp, biết lái ô tô. Lý luận như các bạn thì biết đi xe đạp, xe máy còn quan trọng hơn biết tiếng Anh. Vì không biết đi xe thì sao đi học tiếng Anh được?!

Mọi người cần hiểu là các bạn biết lái xe rồi thì lái xe đi đâu, bằng đường nào, mới là quan trọng. Biết lái xe và biết đi đâu, đường nào là 2 chuyện khác nhau rất nhiều. Học lái xe chỉ mất 1 tháng thôi, nhưng học để biết lái đi đâu có khi mất cả đời liên tục.

Nội dung tiếp theo mình muốn nhắc là sự phân bổ nguồn lực cho việc học tiếng Anh. Khi định vị rõ nó là môn công cụ thì phải biết phân bổ đầu tư nguồn lực (thời gian, tiền bạc) cho nó hợp lý, cân đối với việc học những thứ khác. Vì nguồn lực của mỗi người chỉ hữu hạn thôi. Bạn  quá tập trung vào 1 cái khi định vị nhầm nó là chìa khóa của mọi thành công, thì bạn sẽ mất cơ hội để có thêm những chìa khóa khác có khi cần thiết hơn.

Ví như bạn miệt mài học lái xe đến mức điêu luyện thì bạn có thể làm VĐV đua xe, lái taxi, shipper, giật đồ...Nhưng với đa số thì chỉ cần 1 kỹ năng lái bình thường, thời gian đó còn làm được bao việc khác. 

Thứ 3, khi đã định vị tiếng Anh là công cụ thì cũng cần phân bổ nguồn lực cho nó theo nhu cầu thực tế thì mới đỡ lãng phí chi phí cơ hội. Ví dụ bạn làm BS Đông Y, chuyên gia về phong thủy, tử vi, cổ sử...Bạn cần học tiếng Hán hơn hoặc trước khi học tiếng Anh. Công việc của bạn hiếm khi dùng tới tiếng Anh, thì đầu tư quá nhiều cho nó là ngớ ngẩn, lãnh phí. 

Chính thế nên quy định về tuyển dụng công chức bây giờ cũng rất là máy móc và ngớ ngẩn khi yêu cầu công chức phải có trình độ tiếng Anh cấp...Kiểu như cán bộ văn hóa huyện ở Tây Nguyên thì đâu cần biết tiếng Anh, nên thay bằng tiếng đồng bào thiểu số ở đó. Bản thân mình cũng vậy thôi, công việc hàng ngày của mình hiếm khi cần giao tiếp tiếng Anh. Nên nếu mình cày IELTS 6.0 chỉ để đọc sách Tây thì thấy sai sai. Nếu định học vậy thì mình sẽ chuyển tới làm ở 1 công ty nước ngoài, 1 tổ chức quốc tế hoặc ấp ủ việc vượt biên...Đại khái là phải có 1 mục tiêu cụ thể, thực tế để có 1 môi trường học tiếng Anh, thì mới có động lực mà học cho nhanh giỏi. Học mà không có mục đích rõ ràng thì cũng là để thủ dâm thôi. 

Lâu lâu truyền thông lại thổi lên 1 vụ có cụ già 70 mới tốt nghiệp ĐH, Ths, TS...để kích động tinh thần ham học. Mình thì phản đối chuyện đó. 70 tuổi thì vẫn có thể học gì đó, nhưng đừng cố kiết mà cày bằng cấp nọ kia, 70 tuổi cố làm việc đó cũng như cố đi tập GYM khoe cơ bắp. Chẳng giải quyết vấn đề gì ngoài chuyện tự sướng. 

Học tiếng Anh cũng vậy thôi, mà học gì cũng thế, cần phù hợp với lứa tuổi. IELTS lớp 12 hoặc sau nữa mới cần, thì cố nhồi từ cấp 1 cấp 2 làm gì? Nhiều bạn bảo học cái đó cũng khó. Càng khó thì càng mất thời gian, mà trẻ con cần được giáo dục đa chiều, đa năng, để tìm hiểu về năng lực cho nghề nghiệp tương lai. Cấp 1 cày tiếng Anh rồi nhỡ sau này cháu chỉ có thể làm được thợ thuyền thì chắc học để cho đi xuất khẩu lao động, trồng cần?

Như mình bây giờ vẫn tự học tiếng Anh, chủ yếu cho đỡ quên thôi, chứ động lực/áp lực để cho giỏi là không có. Nhiều bạn, nhất là ở Tây, nhìn mình có vẻ thương hại, kiểu như dốt tiếng Anh là sẽ không biết gì, ếch ngồi đáy giếng. Không được mở mang đầu óc như họ! Nhưng mà cần nhìn lại 1 cách tổng quan xem kiến thức của ai hơn ai và cái đó từ đâu mà ra?

Bạn ở Anh, Mỹ thì bạn giỏi tiếng Anh nó giống như biết đi biết chạy thôi, nó là sống còn. Nhưng mình cần giỏi tiếng Việt hơn. Con cá dạy con mèo nên tập bơi đi để đỡ chết đuối. Trong khi mèo dạy lại cá là nên tập leo cây để tránh bị câu. Lời khuyên nào cũng hợp lý cả.

Cũng giống như chú lái taxi ngồi chém với ông GS đang là khách hàng là: "Em lái xe toàn 12 tiếng liền, không cần nghỉ mà chả va quệt gì." Nhưng lái đi đâu thì do GS yêu cầu nhé! Nếu bạn vừa là GS vừa lái được xe kiểu trong phim Fast and Furious thì chúc mừng bạn. Bạn giỏi quá. 

...
Tổng kết lại, tiếng Anh là môn rất quan trọng, là công cụ nền tảng để học các môn khác nữa. Nhưng cần định vị rõ nó là 1 trong các công cụ thôi, không phải chìa khóa vạn năng để dẫn tới thành công trong cuộc đời. Cái quan trọng hơn để đánh giá 1 con người còn ở các kỹ năng, kiến thức cơ bản khác mà chúng ta đều phải học với đầu tư tương xứng. Các môn nền tảng khác là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nghệ thuật đặc biệt là những môn mà nhà trường XHCN không dạy, đó là khoa học chính trị, lịch sử, logic. Nếu bạn chỉ tập trung vào mỗi tiếng Anh thì cũng giống như chỉ biết mỗi lái xe mà thôi. Hầu hết người Việt Nam đều biết lái xe máy, nhưng Tây thì nhiều người lại không cần biết đi xe máy đâu. Đó là do môi trường, nhu cầu xã hội. Tiếng Anh cũng vậy đó.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc