Những bố già châu Á

Cuốn sách xoay quanh câu chuyện về một nhóm khoảng chục ông trùm hay đại gia ở Đông Nam Á mà Joe Studwell gọi là các "bố già". Trong số họ, có 8 doanh nhân được tạp chí Forbes ghi tên trong danh sách 25 người giàu nhất thế giới, và 13 người ở trong danh sách 50 người giàu nhất thế giới. Họ đều là người Đông Nam Á, nhưng lại có thể đại diện cho toàn châu Á rộng lớn.


Và có một hiện tượng thật đáng ngạc nhiên: 90% họ đều là người có gốc gác Trung Hoa - những người “ngoại quốc” đến làm ăn tại các nước Đông Nam Á, trải qua một quá trình “tiếp biến văn hóa” bằng bản năng của những con “tắc kè hoa”, trở thành công dân địa phương, rồi trở thành các “bố già” thống trị nền kinh tế quốc nội và thậm chí khuynh đảo nền chính trị của nước sở tại.

Nhìn chung, họ là những con người có ý chí và nghị lực phi thường, làm việc chăm chỉ và nghiêm túc để “từ nghèo khổ trở nên giàu có”. Hiện nay, khi đã là những tỉ phú nhiều tỉ đôla, có thế lực lớn trong gia đình, trong giới kinh doanh và xã hội, nhưng lúc cần tằn tiện thì họ có thể tằn tiện không ai bằng, và những khi họ ăn chơi thì cũng chẳng ai dám sánh…

Tác giả đặc biệt nhấn mạnh quá trình họ đã “nhập vai” để trở thành "bố già" như thế nào, luồng tiền mặt chủ yếu mà họ nắm giữ đến từ đâu, cấu trúc doanh nghiệp của các "bố già" được tổ chức ra sao để họ có thể ăn “từ gốc đến ngọn”, ngân hàng mà họ lập ra nhằm phục vụ công chúng hay chỉ là những "con lợn bỏ ống” của họ, thị trường chứng khoán có phải là nơi họ chiếm dụng vốn của các cổ đông thiểu số hay không, họ đã cấu kết với những nhân vật sừng sỏ chính trị như thế nào để có được những nhượng bộ và giấy phép độc quyền kinh doanh của chính phủ, “mạng lưới tre” của bọn họ có thực sự hiệu quả như lời đồn đại hay không…

Tại sao một khu vực không có lấy một công ty tư nhân nào ở trong danh sách Fortune 500 mà lại có đến 13 cá nhân ở trong số 50 người giàu nhất thế giới? Với những dẫn chứng rõ ràng và lập luận sắc sảo, Studwell khẳng định: Trên thực tế, các "bố già" đã đóng góp rất ít vào việc tạo nên sự phồn vinh thực sự của khu vực Đông Nam Á. Rốt cuộc, họ chỉ là những “kẻ ăn bám”, những “động vật ký sinh”.

Họ giàu có là do họ đã ranh ma tạo dựng nên mối quan hệ làm ăn, chia chác với giới tinh hoa chính trị (vốn yếu kém trong việc quản lý các doanh nghiệp và đời sống chính trị), và duy trì nó thông qua các hình thức hối lộ khác nhau để có được độc quyền tiếp cận các nguồn lực - vốn có hạn và là tài sản chung của toàn xã hội - như tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, đất đai, bến cảng, giấy phép độc quyền kinh doanh và thành lập ngân hàng, nguồn vốn hỗ trợ phát triển và khắc phục hậu quả của các cuộc khủng hoảng...

Trên thực tế, sự tăng trưởng GDP ở Đông Nam Á có liên quan mật thiết với tăng trưởng xuất khẩu hằng năm. Các "bố già" chẳng có vai trò gì quan trọng trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh xuất khẩu này, vì đó là lĩnh vực đòi hỏi cạnh tranh thực sự khốc liệt, không hề giống các ngành kinh doanh độc quyền - những ngành “làm chơi ăn thật” - mà họ ưa thích.

from fb Nguyễn Cảnh Bình,

#makevietnamreadagain, #mvra,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc