Tương lai vay mượn

{Borrowed Future}

Đây là tựa một phim tài liệu, mình khuyến khích các bậc phụ huynh có con đang học trung học ở Mỹ nên xem và khéo léo tìm cách để các bạn nhỏ xem cùng. Bộ phim tập trung về vấn đề student loan ở Mỹ, lịch sử và hiện tại. Bên cạnh đó, nếu chú ý, chúng ta sẽ có thêm rất nhiều thông tin bổ ích về hệ thống kinh doanh và tiếp thị với những kỹ xảo của mình định hướng xã hội và người tiêu dùng như thế nào. Hệ thống giáo dục và đào tạo của Mỹ cũng không là trường hợp ngoại lệ. Cuối cùng là thông tin về học bổng rất có ích cho các bạn học sinh.

1. Discourse: Trong ngành xã hội học có khái niệm gọi là “discourse.” Nói đơn giản đó là hệ thống nhận thức, suy nghĩ và nhìn nhận một vấn đề. Discourse định hướng hành vi của số đông trong xã hội. Quan trọng là mọi người coi đó là điều hiển nhiên, là tôn chỉ, là chân lý và không nhận ra được mình bị định hướng bởi hệ thống discourse. Ví dụ cụ thể trong phim là suy nghĩ tốt nghiệp đại học sẽ giúp con người kiếm được nhiều tiền hơn, sẽ có một cuộc sống ổn định và tốt đẹp hơn. Vay tiền để đi học là đầu tư cho tương lai hiệu quả nhất. Để tạo ra một discourse, truyền thông là công cụ quan trọng nhất: báo chí, tivi, phim, truyện, nhà trường từ K-12, các chính trị gia với các chương trình hành động nhằm tạo cơ hội cho người dân được học đại học, các công ty cung cấp học bổng, các trường đại học sử dụng KPI (chỉ số đánh giá) ví dụ như mức tăng thu nhập bình quân của sinh viên khi tốt nghiệp; tóm lại discourse được tạo ra khi tất cả mọi nguồn thông tin đều truyền đi một thông điệp, lặp đi lặp lại. Các hoạt động xã hội, các chính sách, từ tư nhân đến chính phủ đều xoay quanh ý tưởng đó.

2. Student loan: Đại đa số người Mỹ, kể cả dân nhập cư, có suy nghĩ đơn giản, sinh viên Mỹ dễ dàng mượn tiền học rồi đi làm dư sức trả nợ. Đó là một thành công của “student loan discourse.” Bộ phim “Tương lai vay mượn” cung cấp thông tin về chính sách student loan sơ khai từ năm 1958 đã tạo ra student loan như là một món hàng công ích. Nhà nước sử dụng ngân sách cho khoản nợ này. Tuy nhiên, theo thời gian, khi công nghiệp giáo dục phát triển thành một ngành siêu lợi nhuận với kỹ xảo tiếp thị, nhu cầu student loan ngày càng cao. Một tổ chức có tên gọi Student Loan Marketing Association (Sallie Mae) ra đời. Nghe cái tên là đã hiểu bản chất kinh doanh của tổ chức này. Nhưng rất nực cười là chính phủ vẫn đứng ra bảo lãnh các khoản student loan. Nói đơn giản là các ngân hàng cho vay nợ, nếu người vay không trả được thì chính phủ sẽ trả thay. Các ngân hàng không hề phải chịu rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh này. Trong khi luật lệ rất nghiêm ngặt với các quảng cáo nhắm đến đối tượng trẻ em, thì các tổ chức tư nhân cho sinh viên vay nợ lại thoải mái nhắm vào sinh viên vì họ đã trên 18 tuổi. Nực cười hơn nữa, 18 tuổi được xem là trưởng thành, có quyền bầu cử nhưng đối với các trường đại học, các em vẫn phụ thuộc vào cha mẹ. Thu nhập của cha mẹ được sử dụng để tính học phí các em phải đóng.

Các tổ chức cho sinh viên vay nợ đánh lận con đen khi quảng cáo loại nợ này. Các khoản student loan được dán nhãn “free debt.” Sinh viên đơn giản nghĩ họ không phải trả nợ cho đến khi bắt đầu đi làm có tiền. Tuy nhiên, điều họ không nói ra là bạn không phải bỏ tiền ra trả khi bạn chưa có việc làm, NHƯNG lãi suất thì vẫn tính từ lúc bạn ký giấy nợ. Điều nghiêm trọng hơn là khoản nợ này không cách nào bạn có thể thoát được. Nếu bạn dùng thẻ tín dụng vay nợ để mua xe đi, mua quần áo mặc v.v... bạn có thể khai phá sản, khoản nợ đó sẽ không phải trả nữa. Hoặc con nợ chẳng may qua đời cũng không phải trả. Nhưng student loan thì khác, người vay không bao giờ thoát được. Sinh viên không đủ tiêu chuẩn để vay nợ một mình thường phải có cha mẹ, ông bà đứng tên chung khoản nợ. Nếu chẳng may họ mất đi thì cha mẹ, ông bà là người lãnh đủ. Bạn có khai phá sản cũng không được xoá bỏ khoản student loan.

3. Trường đại học: Một phát biểu trong phim cho rằng phát minh tồi tệ nhất trong ngành giáo dục của Mỹ chính là khi US News bắt đầu xếp hạng các trường đại học. Đó chính là công cụ tiếp thị các trường đại học sử dụng để tạo nhãn hiệu cho trường của mình. Ở bài viết “Học đại học ở đâu” mình đã đề cập, các trường đầu tư vào các hạng mục như các đội bóng, nhà thể thao, nhà ăn, ký túc xá v.v... để lôi kéo sinh viên. Họ mời gọi sinh viên nộp đơn vào trường thật nhiều để tỷ lệ trúng tuyển thấp xuống. Đó chính là những tiêu chí được dùng để xếp hạng trường. Trường xếp hạng càng cao, càng nhiều người muốn vào, càng dễ dàng tăng học phí. Chi phí y tế ở Mỹ nổi tiếng là cao ngất ngưỡng một cách vô lý so với các nước phát triển, vậy mà học phí đại học còn tăng phi mã trong những thập kỷ gần đây, cao hơn chi phí y tế, bỏ xa giá địa ốc. Vậy nhưng gíáo dục đại học vẫn được phân loại là phi lợi nhuận và đương nhiên là được hưởng rất nhiều lợi ích nhờ phân loại này.

Nếu cách đây vài thập kỷ, chất lượng đại học tư ở Mỹ tốt hơn nhiều so với đại học công, thì gần đây, chất lượng đại học công đã ngang bằng, thậm chí có nhiều trường còn tốt hơn mặt bằng chung của đại học tư. Tương tự như các phát biểu trong bộ phim này, một giáo sư mình quen ở UCI nhận định MIT, Harvard, Standford có thể ở một cấp độ khác, còn Brown, Cornell, Dartmouth, Duke v.v... thì chưa chắc đã hơn UCI, không đáng để trả một khoản học phí chênh lệch như vậy.

4. Học bổng: ở Việt nam vẫn quen thuộc với khái niệm học bổng gắn liền với học giỏi. Chỉ những sinh viên giỏi mới được học bổng. Ở Mỹ có hàng triệu loại học bổng khác nhau do các công ty, quỹ từ thiện, tổ chức phi lợi nhuận, và cả cá nhân tài trợ. Hằng năm có khoảng 3 tỷ đô la các loại học bổng này, mà không có sinh viên nào nộp hồ sơ. Lý do là vì có quá nhiều học bổng, giá trị có thể từ vài trăm tới vài ngàn đô la. Sinh viên cảm thấy choáng ngợp, không biết bắt đầu từ đâu, và khi thấy giá trị vài trăm, vài ngàn so với chi phí vài chục ngàn một năm học, thì họ nghĩ không đáng để nộp đơn. Những học bổng này rất đa dạng, ví dụ học bổng cho người cao, học bổng cho người thấp, học bổng cho người tên Y ở thành phố X; học bổng cho người đến từ nước A, học ngành X, Y, Z; học bổng cho người viết bài văn tả con chó hay nhất v.v... Ở khu nhà cũ mình ở, hai vợ chồng ông bà cụ mỗi năm cho 2 suất học bổng 4 năm đại học cho học sinh nào sinh ra lớn lên học 12 năm ở thành phố đó, sẽ vào học ở trường đại học K và sau đó sẽ sống và làm việc tại thành phố sau khi tốt nghiệp. Nơi ở hiện tại, có một ông cụ cho suất học bổng 1K mỗi năm cho học sinh nào được các bạn yêu thích nhất. Tóm lại vì bất kỳ ai cũng có thể đặt ra học bổng nên các thể loại học bổng rất đa dạng phong phú, đôi khi rất là buồn cười, và các tiêu chuẩn không phải quá khó để đạt được. Vấn đề là không có một cơ sở dữ liệu chuyên biệt; các bạn trẻ lại không kiên nhẫn và lại xem thường việc góp gió thành bão. Các bạn nào chịu khó tìm kiếm và nộp đơn, khả năng kiếm được cả trăm ngàn tiền học bổng là có xảy ra. Như trong phim một bạn đã được 95K. Một cậu sinh viên của mình gom góp từng học bổng từ $200 mà đã học 4 năm (chi phí 50K/năm) không tốn đồng nào. Các phụ huynh cũng nên để ý xem nơi mình làm có học bổng cho con của nhân viên hay không. Rất nhiều công ty cho những khoản học bổng khá lớn, hoặc có công ty cho tỷ lệ phần trăm học phí cho con em nhân viên.

Ngoài ra, các đại học Mỹ chia ra làm hai loại học bổng 1) Merit based: dành cho sinh viên có thành tích học tập tốt 2) Need-based: dành cho những sinh viên không có khả năng trả tiền học. Đa số các trường tư thuộc nhóm 1 (Ivy League và một số trường khó vào khác, chi phí cho một năm học khoảng 80K – 100K) đều cung cấp need-based scholarship. Các trường thuộc nhóm 2 (theo xếp hạng US News hoặc theo nhận thức của số đông, chi phí cho một năm học khoảng 60K-80K) thường dùng merit-based scholarship để lôi kéo sinh viên.
-----------
Trên đây là bài viết của chị Doan Nguyen, giáo sư ngành Marketing đang dạy ở Mỹ. Trong bài có nhiều điều mình muốn nói nhưng chưa kịp viết. Chị viết hay quá nên mình chia sẻ luôn. Cảm ơn chị dành thời gian viết một bài hay như vậy. Nước Mỹ nói chung và giáo dục Mỹ nói riêng có nhiều ưu việt nhưng cũng có nhiều khoảng tối. Chỉ có những người có đủ tâm và tầm mới chia sẻ được một cách đa chiều như vậy.

Thật dễ để những người như chị và tôi chỉ ca ngợi nước Mỹ, nơi chúng tôi đang làm việc, để đánh bóng bản thân. Nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật. Những chia sẻ thật lòng như thế này sẽ hữu ích cho nhiều người.

Tôi xin phép nói thêm 1 chút về student loans ở Mỹ. Khi đại dịch xảy ra, lãi suất xuống rất thấp ~ 0%. Thay vì khuyến khích những người mắc nợ re-finance (vay nợ mới với lãi suất thấp để trả cho nợ cũ lãi suất cao), anh Bảy sử dụng chiêu bài đòi xóa nợ cho các student loans để lấy phiếu. Tất nhiên là không làm được, bị Tối cao Pháp viện chặn lại vì vi hiến. Những người nghe theo ảnh đã không re-finance để bây giờ vẫn phải trả nợ với lãi suất cao. Các nhà băng chắc cám ơn ảnh dữ lắm. Cơ mà ảnh vẫn là người tốt vì đòi xóa nợ students loans mà. Chỉ có Tối cao Pháp viện mới mang tiếng xấu vì chặn lại thôi. Được phiếu, được tiếng tốt, được nhà băng cảm ơn. Cao thủ!

from fb Nga Ho-Dac,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc