Điều nên biết sau khi xem 'Oppenheimer'
Khi xem một bộ phim lớn, của một đạo diễn bậc thầy như Nolan, thì cái khiến mình quan tâm thường không chỉ là ở nhân vật chính mà ở cả các nhân vật phụ, và chính từ những tương tác hay những ấn tượng mà nhân vật phụ tạo ra, đôi khi lại là những sự thú vị không dễ nhận ra từ bộ phim. Ví dụ như trong Oppenheimer thì một trong những mối quan hệ thành công nhất trong lịch sử thế giới, đó là quan hệ giữa Oppenheimer và đại tá Groves, người chọn Oppenheimer làm người đứng đầu dự án Manhattan. Groves ban đầu không phải là người đứng đầu dự án Manhattan của quân đội, nhưng sau đó ông được chọn vì sự hăng hái và năng lực đạt được kết quả của ông. Và ông chọn Oppenheimer, một nhà vật lý Mỹ gốc Do Thái, giáo sư Đại học Berkeley, được biết đến như một người có tư tưởng tự do và khá thân cộng sản, làm người đứng đầu dự án tuyệt mật và đắt đỏ nhất trong lịch sử chính quyền Mỹ. Sự lựa chọn này không dễ lý giải. Oppenheimer là nhà vật lý nổi tiếng, nhưng không quá nổi tiếng, không được coi là một trong những bộ óc vĩ đại nhất về vật lý trên thế giới ở thời điểm đó (và trong phim có chi tiết về điểm này khi Groves nói với Oppenheimer là tại sao ông lại chưa đoạt giải Nobel- một câu nói có thể nghe như hơi buồn cười nhưng nếu chúng ta biết rằng hầu hết các nhà vật lý cộng tác với Oppenheimer trong phim đều đã từng hoặc sau này sẽ đoạt giải Nobel thì đó là một thắc mắc hợp lý. Trước và sau, có tới 16 người tham gia dự án Manhattan nhận được giải Nobel, nhưng trong đó không có Oppenheimer). Hơn nữa, Oppenheimer cũng chưa từng có kinh nghiệm quản lý hay điều hành, hoàn toàn chỉ là một giáo sư đại học, và là cấp dưới của Ernest Lawrence (người đã có giải Nobel) trong phòng thí nghiệm nổi tiếng của Lawrence ở Berkeley.
Một lợi thế hiển nhiên của Oppenheimer là ông là người Mỹ, trong khi đa số các nhà vật lý xuất sắc nhất thời kỳ đó đều là người châu Âu di cư (nhưng Lawrence cũng là người Mỹ lại nhất quán trong việc chống cộng). Có lẽ còn có một lợi thế khác, không được nói rõ ra, còn là ông là người Do Thái (tuy không sùng đạo cho mấy) nên có thể dễ dàng tập hợp được các nhà vật lý xuất sắc nhất người Do Thái, trong cuộc chạy đua chế tạo vũ khí hạt nhân với Heisenberg, bộ óc có lẽ là vĩ đại nhất về vật lý lượng tử trong thế kỷ 20, lúc này đang lãnh đạo chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Hitler.
Nhưng có hai điều khiến cho Groves chọn Oppenheimer: một là Groves nhận ra tham vọng khổng lồ của Oppenheimer, một điều không có ở các nhà vật lý nổi tiếng khác; và hai là Groves thấy kiến thức của Oppenheimer khá rộng, trong cả những lĩnh vực không phải vật lý, và điều này sẽ là lợi thế cho một nhà quản lý khoa học trong một dự án cần có các nhà khoa học của nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự lựa chọn của Groves đã được lịch sử chứng minh là rất xác đáng, và sau khi lựa chọn, Groves cũng hoàn toàn tin tưởng vào người mình được lựa chọn, bất chấp cả những lùm xùm khá tai tiếng của Oppenheimer trong các mối quan hệ cá nhân hay gia đình, về cả chính trị và đời sống riêng tư.
Nhưng ở điểm này, chính là sự khác biệt giữa phong cách quản lý của Mỹ và Liên Xô. Vì ngay cả Groves, khi được chọn đứng đầu dự án cực kỳ bí mật và đắt đỏ này, cũng chỉ là một đại tá, và ông về hưu với quân hàm Trung tướng. Thế nhưng dự án huy động tới hàng ngàn nhà khoa học, hàng trăm ngàn người làm việc với kinh phí lên tới 2 tỷ đô-la vào thời điểm đó (tương đương 24 tỷ đô-la ngày nay). Trong suốt cả thời gian hoạt động của dự án, Roosevelt chưa từng họp với ban lãnh đạo của dự án còn số lần mà Truman gặp Groves, chứ không nói tới Oppenheimer làm gì, cũng rất hiếm hoi. Để so sánh, người đứng đầu dự án chế tạo vũ khí hạt nhân ở Liên Xô không phải ai khác mà chính là Beria, nhân vật số 2 trong chính quyền Liên Xô, Bộ trưởng Bộ An ninh, có quyền lực chỉ đứng sau Stalin. Còn ở Mỹ, đó là một Đại tá (sau là Chuẩn tướng) mà hầu như không ai biết.
Sự thất bại của Oppenheimer sau này lại là cái tạo ra một thứ hào quang từ ông- thứ hào quang của Prometheus, kẻ đánh cắp lửa cho loài người và do đó, bị Zeus phạt, xiềng xích vào núi để diều tha, quạ mổ. Sự so sánh đó có lẽ bắt nguồn từ việc cả Prometheus và Oppenheimer đều tạo ra thứ vũ khí quan trọng nhất của loài người, giúp con người có khả năng tựa như thần thánh. Nhưng mình nghĩ sự so sánh đó là bất công cho Prometheus khi mà thứ ông đánh cắp là một thứ để nâng con người lên, để tạo ra văn minh và tiến bộ, chứ không phải là thứ để hủy diệt con người. Còn với Oppenheimer, dù nói gì đi nữa thì cái ông góp phần tạo ra là thứ có khả năng hủy diệt con người, nói đúng hơn, nó giống với lưỡi tầm sét của Zeus chứ không phải là lửa của Prometheus. Và những nỗ lực của ông sau này, như muốn ngăn cản Teller và Strauss tạo ra những lưỡi tầm sét mạnh hơn, có khả năng hủy diệt gấp hàng ngàn lần, dường như cũng buồn cười không kém việc cố gắng nhét lại một vị genie vào trong một cái chai sau khi đã thả nó ra ngoài. Sự căm ghét của Strauss với Oppenheimer có thể là một sự căm ghét phi lý xuất phát từ sự mặc cảm của một người ngoài giới (như bộ phim ám chỉ), nhưng cũng có thể đó là sự khinh bỉ thực sự trước cái mà ông ta coi là sự đạo đức giả và hám danh, việc cố bấu víu hào quang quá khứ của một kẻ đã bị thời đại đẩy lùi về sau.
from fb Linh Hoang Vu,
Tags: movie
Post a Comment