Judiciary và Justice khác nhau như thế nào?

Không biết ai là người đầu tiên dịch ba nhánh quyền lực của một thể chế dân chủ là Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, có lẽ được dịch thông qua tiếng Trung. Trong tiếng Anh đó là Legislative, Executive, Judiciary. Ở các nước bên trong Executive branch (government) luôn có một bộ gọi là Justice Department/Ministry of Justice, VN gọi là Bộ Tư pháp. Như vậy ở VN chữ Judiciary và Justice đều được dịch thành Tư pháp. Hoặc đây là sự nhầm lẫn khi dịch hoặc là chủ ý của hệ thống nhà nước VN (trước đây) gộp Judiciary và Justice làm một. Vậy Judiciary và Justice khác nhau thế nào?
Photo by Mika Baumeister on Unsplash


Judiciary là hệ thống tòa án có nhiệm vụ phân xử đúng sai theo luật pháp hiện hành khi một bên (nguyên đơn) khởi kiện một bên khác (bị đơn). Với những vụ án hình sự bên "nguyên đơn" là Executive branch (prosecutor - công tố) còn "bị đơn" là bị cáo (accused). Ngược lại trong các vụ kiện hành chính bên khởi kiện là người dân hoặc các tổ chức phi chính phủ còn "bị đơn" là Executive branch. Ở những nước có tòa án Hiến pháp "bị đơn" có thể là Legislative branch nếu họ đưa ra một bộ luật bị cho là vi hiến. Với chức năng phân xử đúng sai như vậy (khi cả Legislative lẫn Executive đều có thể là bị đơn), Judiciary phải độc lập hoàn toàn với 2 nhánh nhà nước kia. Chữ "Tư" trong Tư pháp đồng nghĩa với "Tư" trong "Tư Đồ" là một chức quan dưới thời phong kiến.

Justice có nghĩa là "Công lý" và Justice Department/Ministry of Justice nên dịch là Bộ Công lý. Nhiệm vụ của bộ này như là một phần của Executive branch là thực thi (execute/enforce) luật pháp, chủ yếu là phần luật liên quan đến trị an xã hội. Các "Bộ Công lý" đều phụ trách những hoạt động phòng chống/điều tra/công tố tội phạm hình sự (criminal justice). Họ cũng phụ trách hệ thống nhà tù (corrective system), một số đảm nhận luôn chức năng Attoney-General (luật sư của chính phủ đồng thời có thể đảm nhiệm chức bộ trưởng Bộ Công lý như ở Mỹ). Vì lý do lịch sử bộ này thường sẽ phụ trách cả việc quản lý hộ tịch (birth/death/marriage certificates, criminal record (lý lịch tư pháp), adoption). Đa số các nước tách cảnh sát và cơ quan an ninh quốc gia (NCA ở Anh, AFP ở Úc) với Bộ Công lý, nhưng cũng có ngoại lệ.

Như vậy Judiciary (branch) và Justice (department) là 2 cơ quan/nhánh quyền lực nhà nước rất khác nhau. Rất tiếc tiếng Việt gọi chung là Tư pháp. Mặc dù Justice department (và police/investigator) có nhiệm vụ bảo vệ công lý (thông qua các hoạt động phòng chống/khởi tố tội phạm) nhưng vai trò bảo vệ công lý tối cao vẫn thuộc Judiciary branch. Công lý không chỉ liên quan đến trừng trị tội phạm (criminal retribution) mà còn cả sự công bằng về dân sự, về kinh tế, về quyền con người.

from fb Giang Le,

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc