85 năm trước: HIỆP ƯỚC MÜNCHEN
85 năm trước, chính phủ Anh và Pháp nhu nhược đã cắt đất Sudet của Tiệp Khắc cho với hy vọng tránh chiến tranh. Nhưng đó là sai lầm chí mạng, chính phản ứng hèn yếu của Anh Pháp đã thúc đẩy Đức quốc xã tự tin xâm lược cả châu Âu. Bài học lịch sử không hề cũ.
-----
Tòa Thị chính Mới (Neues Rathaus) nằm ở Quảng trường Đức Mẹ (Marienplatz) của thành phố München vừa là công trình kiến trúc kỳ vĩ và tiêu biểu, vừa là điểm thu hút du khách chính yếu tại thủ thủ của tiểu bang Bayern. Được xây dựng thời kỳ 1867-1908 theo phong cách Tân Gothic, đây là trụ sở của chính quyền thành phố thay thế cho Tòa Thị chính Cũ (Altes Rathaus) cũng nằm ở góc quảng trường.
Muốn chụp được toàn cảnh công trình đồ sộ này, cần lùi ra khá xa, nhưng đám đông thường tụ tập quanh Cột Đức Mẹ (Mariensäule) nằm giữa quảng trường để "hóng" lên tháp chuông của Tòa thị chính cao 85 mét, nơi lắp đặt dàn chuông (Glockenspiel) gồm hơn 40 chiếc chuông, sẽ được gióng lên với 4 giai điệu khác nhau trong vòng 15 phút vào hồi 11h, 12h và 17h hằng ngày cùng một cảnh tượng đặc biệt.
Đó là sự xuất hiện của hơn 30 hình rối trên ban-công, tái hiện diễn biến đám cưới theo nghi thức hoàng gia thời Trung Cổ kéo dài 18 ngày giữa công tước Wilhelm V xứ Bayern và Renata xứ Lorraine. Điệu nhảy truyền thống của những người làm nghề chăn nuôi vùng Bayern (Schäfflertanz) và giải đấu đấu thương được tổ chức nhân dịp hôn lễ được thể hiện đặc biệt ngoạn mục bởi những chú rối lớn ngộ nghĩnh.
Cá nhân mình, lần nào qua đây - và đặc biệt là trong dịp này - thì lại nhớ miên man tới sự kiện lịch sử diễn ra tại Tòa Thị chính Mới tròn 85 năm trước, rạng sáng 30/9/1938. Đó là bản Hiệp ước München giữa 4 cường quốc Anh, Pháp, Đức Quốc Xã và Ý, cho phép Đức sáp nhập những phần đất mang tên Sudetenland ở Tiệp Khắc, nơi đa số dân Đức sinh sống. Thế chiến II thật ra đã bắt đầu từ lúc này!
Nhìn lại lịch sử, Sudetenland là tên tiếng Đức để gọi chung một số vùng đất ở miền Bắc, Tây Nam và Tây của Tiệp Khắc nơi có đa số người Đức sinh sống. Cái tên này được để ý tới sau Thế chiến I, khi Đế quốc Áo - Hung thảm bại và Tiệp Khắc ra đời, khiến người Sudeten Đức trở thành thiểu số trong vùng: thống kê cho thấy trong số 3,63 triệu người ở các vùng này, chỉ có 0,7 triệu người Tiệp, còn lại là Đức.
Cho dù chưa bao giờ thuộc về Đế chế Đức (mà chỉ thuộc Đế quốc Áo), nhưng người Đức ở Sudetenland vẫn là cái cớ để thủ lĩnh Quốc xã Adolf Hitler gây hấn, với lý do là họ bị phân biệt đối xử, và đòi hỏi những vùng đất họ sinh sống phải được sáp nhập vào Đệ tam Đế chế. Những phát biểu "bốc lửa" liên tục của ông ta, trong đó có câu nói khét tiếng "tôi không còn kiên nhẫn nữa", khiến Phương Tây hoảng hồn.
Tiệp Khắc không hề được mời tới hội nghị quyết định số phận một phần lãnh thổ của họ, nên dù có liên minh quân sự với Pháp và Vương quốc Anh nhưng họ coi là mình đã bị "đâm sau lưng" khi các cường quốc này tìm cách "xoa dịu" nước Đức bằng cách thỏa hiệp, chấp nhận cho Tiệp Khắc mất đất với hy vọng một cuộc chiến lớn hơn sẽ không xảy ra ở châu Âu. Nhưng lịch sử cho thấy rằng toan tính này đã thất bại.
Ngắm nhìn Tòa Thị chính Mới, một chứng nhân thầm lặng của lịch sử, nay luôn treo lá cờ Ukraina để thể hiện tình đoàn kết với cuộc chiến chống xâm lược Nga của đất nước này, không biết những ai nhớ lại câu chuyện lịch sử nói trên nghĩ thế nào về quan điểm không thể nhân nhượng những kẻ muốn ỷ lại sức mạnh của mình, dùng vũ lực và con bài dân tộc giả hiệu để xâm phạm trắng trợn lãnh thổ quốc gia khác?
from fb Nguyễn Hoàng Linh,
Tags: ukraine
Post a Comment