Nhỏ học nhẹ, Lớn mới sáng tạo: Đừng tự huyễn

Giải Ảo Truyền Thuyết: Hồi Nhỏ Học Nhẹ, Lớn Lên Mới Giỏi và Sáng Tạo

Không biết từ đâu mà ở Việt Nam có một truyền thuyết rằng, hồi nhỏ học nhẹ nhàng thì lên cao mới giỏi và sáng tạo được. Và để “chứng minh” cho truyền thuyết đó, nhiều người bảo, học sinh Mỹ học phổ thông nhẹ nhàng, khi học lên cao mới giỏi. Bằng chứng là các trường đại học của Mỹ được xếp hạng cao trên thế giới, còn các chương trình phổ thông thì nhẹ nhàng!?!

Thực tế, việc các trường đại học Mỹ được đánh giá cao trên thế giới không liên quan lắm đến giáo dục phổ thông của Mỹ. Các yếu tố quan trọng nhất làm cho các trường đại học Mỹ được xếp hạng cao trên thế giới là nằm ở đội ngũ giáo sư, PhD students, postdocs. Đây là đội ngũ làm nghiên cứu và xây dựng nên danh tiếng của trường. Hiện nay, ngoài lứa các giáo sư lớn tuổi, đội ngũ này không có mấy người học phổ thông ở Mỹ. Nếu bạn vào các đại học lớn ở Mỹ xem, các giáo sư không quá già, PhD students, postdocs phần lớn là học phổ thông ở nước ngoài, chủ yếu là các nước châu Á như Ấn Độ, Tàu, Hàn, ...

Mình đang tuyển dụng giáo sư cho trường và cũng gặp tình trạng tương tự. Phần lớp các ứng viên là học phổ thông ở nước ngoài, thậm chí là học đại học ở nước ngoài luôn, chỉ học PhD ở Mỹ mà thôi. Trong 3 ứng viên sắp tới sẽ đến trường để phỏng vấn lần cuối, một người học từ nhỏ đến hết master ở Tàu rồi mới qua Mỹ học PhD, người thứ 2 học hết đại học ở Hàn mới qua Mỹ học master và PhD, người thứ 3 học hết master ở Tàu rồi qua Canada học master thứ 2, rồi qua Mỹ học PhD. Và đây là tình trạng chung cho thị trường tuyển dụng giáo sư ở Mỹ hiện nay.

Ngoài industry thì tình trạng cũng tương tự nhưng đỡ hơn xíu, trong khi những người nhập cư thế hệ 1 (sinh ra ở nước ngoài) chiếm một tỷ lệ nhỏ ở Mỹ, 13.6%, họ chiếm 40.4% lực lượng lao động có bằng sau đại học (master, PhD) trong các ngành STEM theo thống kê của American Immigration Council vào năm 2019 (hình), và tỷ lệ này đang tăng nhanh. U.S. Census Bureau tính các ngành sau là STEM: Computer & Math; Engineering; Life, Physical, and Social Sciences; Management, Business, and Financial. (Business education hổng phải thuộc giáo dục khai phóng nha bà con. Social sciences cũng không phải luôn nha. Cái món giáo dục khai phóng này nó lạ lắm, nhiều người hiểu rất sai. Khi nào có thời gian mình sẽ viết chi tiết.) Những người này, phần lớn là nhập cư vào Mỹ diện lao động kỹ năng cao hoặc du học đại học, cao học, PhD. Nên họ học phổ thông ở nước ngoài.

Tất nhiên là cũng có những người học phổ thông ở Mỹ rồi trở thành nhân lực chất lượng cao ở các đại học hoặc trong industry. Nhưng đây là những bạn học phổ thông rất dữ dội á, nhiều khi dữ dội hơn ở Việt Nam nhiều, chứ không có nhẹ nhàng đâu. Đó là những người học ở các chương trình chuyên, chọn, học vượt, lấy lớp đại học khi còn ở trung học. Thị trường giáo dục phân khúc này ở Mỹ cũng ghê gớm lắm chứ không đơn giản nhẹ nhàng đâu ạ. Gia đình nào không quá giàu có, thế lực ở Mỹ mà muốn con vươn lên thì đều biết đến phân khúc này.

Túm lại là chương trình phổ thông nhẹ nhàng ở Mỹ không có liên quan gì đến thành tích cao của các trường đại học Mỹ hay các công ty Mỹ đâu ạ. Nhưng Mỹ được cái … giàu. Cái gì thiếu thì họ nhập thôi. Việt Nam mà học theo phân khúc đại trà Mỹ làm giáo dục phổ thông nhẹ nhàng thì sau này nhập lao động chất lượng cao ở đâu?

Còn ở thị trường lao động chất lượng cao của Mỹ thì thấy, Ấn Độ, Tàu, Hàn là những nước vượt trội. Việt Nam còn thua xa lắm. Còn đòi giảm nữa thì lấy gì có chỗ đứng?

Hy vọng là bài này góp phần tiễn đưa cái truyền thuyết “Hồi Nhỏ Học Nhẹ, Lớn Lên Mới Giỏi và Sáng Tạo” vào thế giới cổ tích. Lớn rồi, làm gì cũng phải có số liệu bằng chứng chứ không có dựa vào truyền thuyết nữa nha.

from fb Nga Ho-Dac,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc