Làm việc bao nhiêu giờ một ngày là tốt nhất?


Chả hiểu sao dân tình chia sẻ lời phát biểu đã cũ (2022) của sếp FPT Hoàng Nam Tiến trong Talkshow TED FPT University HCMC rằng, muốn thực hiện đam mê, đạt được thành công trong công việc, trước tiên phải hành động, cụ thể là chăm chỉ làm việc. Ông từng làm việc 16 giờ/ngày xuyên suốt nhiều năm nhưng ông vẫn cảm thấy xấu hổ khi gặp nhiều bạn trẻ làm việc đến 20 giờ/ngày.

Dân IT làm việc dài như thế là bình thường và tôi tin anh Tiến nói thật. Tôi từng thức trắng đêm để bắt rận (debug – tìm lỗi) chương trình với cơm bo bo và rau muống luộc. Bạn Doãn Ngọc Liên cùng Viện cũng thức 2-3 đêm là thường và anh làm thế cho tới khi nằm chỗ. Chỉ có điều, sau 24 hay 48 tiếng làm việc marathon thì não trơ ra, làm sai là chính, hiệu quả không được bao nhiêu.

Ngày làm việc 8 giờ đã trở thành khuôn mẫu truyền thống của người lao động trong thế kỷ 20. Bên tây thường là bắt đầu 9 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 5 đến 7 giờ tối, dân ta từ 8 giờ và kết thúc lúc 5 giờ tối, tùy thuộc vào thời gian nghỉ ăn trưa.

Nhưng tại sao lại là 8 giờ? Ý tưởng này, ngày nay có vẻ hiển nhiên, được kế thừa từ một khẩu hiệu đơn giản đã gần 200 năm tuổi.

Đó là sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp. Các công ty phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là nhờ vào sức lao động của nhân viên. Các công ty buộc nhân viên phải làm việc nhiều nhất có thể và hầu hết mọi người làm việc từ 12 đến 15 giờ một ngày, 6 ngày một tuần.

Robert Owen, một nhà sản xuất dệt may người Anh bắt đầu thảo luận về ý tưởng sẽ hiệu quả hơn nếu các công ty có những nhân viên vui vẻ và khỏe mạnh thay vì những nhân viên kiệt sức, mắc nhiều lỗi hơn và gặp nhiều tai nạn hơn.

Vì vậy, ông Owen đã phát động một chương trình xã hội nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân viên, chấm dứt lao động trẻ em và giảm lịch làm việc của họ. Năm 1817, ông đưa ra khẩu hiệu “Tám giờ lao động, tám giờ giải trí, tám giờ nghỉ ngơi” , một chương trình được cho là tượng trưng cho sự cân bằng của một ngày làm việc.

Nhưng đến khi Henry Ford với dây chuyền sản xuất ô tô Ford nổi tiếng của Mỹ có ý tưởng chuyển từ làm việc 6 ngày một tuần sang làm việc “chỉ” 5 ngày. Ford phát hiện ra rằng tuần làm việc ngắn hơn sẽ tăng năng suất cho nhân viên của mình. Nhưng quan trọng hơn, ông nhận ra rằng mình cần công nhân của mình có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để đi du lịch và tận hưởng, từ đó mua những chiếc ô tô mà chính họ đang chế tạo.

Theo các nhà khoa học, làm việc 8 tiếng liên tục trong ngày là trái ngược với cách hoạt động của cơ thể người, do “nhịp sinh học” không khớp. Cơ thể phản ứng như thế nào trong ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố: hormone, chế độ ăn uống, tiếp xúc với ánh sáng ban ngày… Vì vậy, chúng ta làm việc hiệu quả hơn vào những thời điểm nhất định trong ngày, xét về mặt trí tuệ và thể chất.

Cơ thể có hai thời điểm năng suất cao nhất trong ngày: Giai đoạn đầu tiên diễn ra vào giữa buổi sáng muộn: sau khi thức dậy, não hoạt động dần dần và hoạt động rất mạnh trước buổi trưa (trung bình lên đến 1 giờ chiều). Tiếp theo là khoảng thời gian não không hoạt động hiệu quả (cho đến 3-4 giờ chiều). Sau đó, cơ thể sẽ dần dần hoạt động trở lại và đạt năng suất tối đa (trên bình diện vật chất) cho đến 5-6 giờ chiều.

Tóm lại: cơ thể được tạo ra để suy nghĩ vào buổi sáng, làm những công việc đòi hỏi ít sự tập trung vào đầu giờ chiều và những công việc thể chất vào cuối giờ chiều, đầu giờ tối.

Một số nghiên cứu cho thấy cơ thể cũng có đỉnh điểm sáng tạo vào buổi tối khoảng 9 giờ tối. Tất nhiên, những nhịp điệu này không phải lúc nào cũng chính xác. Chúng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng người, giờ ngủ hoặc nhịp điệu ăn uống của họ. Nhưng nhìn chung đó là hoạt động bình thường của cơ thể con người.

Do tình trạng mệt mỏi não tích tụ, làm việc suốt thời gian này có liên quan đến kết quả thấp hơn trong cả các bài kiểm tra nhận thức và trí tuệ. Ở văn phòng hơn 8 giờ mỗi ngày có liên quan đến sức khỏe tổng thể kém hơn và nguy cơ mắc bệnh tim hoặc các bệnh liên quan đến căng thẳng cao hơn 40%.

Một nghiên cứu khác do Phòng thí nghiệm về Sức khỏe và An toàn ở Anh thực hiện cho thấy làm việc nhiều giờ gây ra mệt mỏi, căng thẳng, đau đầu, rối loạn tim mạch (lưu ý, “thời gian dài” bao gồm cả thời gian đi lại!). Một số nghiên cứu còn đi xa hơn khi nói rằng làm việc hơn 8 giờ mỗi ngày, ngồi ở văn phòng cũng có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá.

Và trên hết, ngày càng có nhiều nghiên cứu có xu hướng chứng minh rằng một cá nhân chỉ có thể tập trung sự chú ý vào công việc trí óc trong một thời gian giới hạn. Một số nghiên cứu cho biết 52 phút liên tục , số khác nói là 1h30… Nhưng nhìn chung, kết quả cho thấy rằng trong một ngày, chúng ta chỉ thực sự làm việc hiệu quả về mặt trí tuệ trong khoảng 6 giờ, miễn là chúng ta nghỉ ngơi hợp lý.

Nhìn chung, các nhà khoa học đều đồng ý rằng thời gian làm việc lý tưởng hàng ngày là khoảng 6 giờ và tập trung hơn vào buổi sáng. Đây là những gì đang được thực hiện ở Thụy Điển và hiện họ đang đạt được những thành công đáng kể.

Do đó, người lao động tận dụng thời gian họ làm việc hiệu quả nhất và tập trung vào các hoạt động hàng ngày khác (bao gồm xã hội, thể thao và văn hóa) vào buổi chiều.

Vì vậy, nếu bạn muốn làm việc hiệu quả hơn, hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn, đã đến lúc áp dụng một lối sống khác. Và nó có thể bắt đầu bằng việc dành ít thời gian hơn cho công việc.

Còn chuyện anh Tiến FPT nói về giờ làm việc thì ta cứ nghe, đôi lúc cũng phải làm 20 tiếng/ngày, nhưng kéo dài thì…đi sớm. Vì ông bạn lập trình của tôi đã “đi” năm ngoái, tôi cũng đang ngắc ngoải do một thời ngồi lỳ để bạn phải ghen tỵ về sức làm việc.

from fb Giang Công Thế,
-----
Thật ra với các bạn tự hào với việc làm hàng ngày 12-16 tiếng hay thức xuyên đêm 2-3 ngày liền để làm thì mình khuyên các bạn nên đọc cuốn Why we sleep, rất hay và nhiều thông tin khoa học thú vị (từ ngày đọc cuốn đó, mình ưu tiên thời gian ngủ hàng ngày ít nhất là 7 tiếng).

Nếu công việc thực sự cần thiết và gấp gáp thì có thể chấp nhận làm việc 12-14 tiếng một ngày trong một thời gian ngắn nhưng thực sự sang ngày thứ ba, thứ tư thì hiệu suất làm việc sẽ giảm đi rất nhiều, lúc đó chỉ thích hợp với làm những việc máy móc, đầu ko phải nghĩ gì chứ ko hợp với việc phải nghĩ vì để đầu óc thực sự hoạt động, tỉnh táo thì phải ngủ đủ.

Tất nhiên, trên thế giới vẫn có những người nhờ được bộ gene trời phú có thể làm việc gần như cả ngày đêm, chỉ ngủ 4-5 tiếng/ngày mà vẫn có thể hoạt động tốt, tỉnh táo, sáng tạo, ví dụ như Napoleon, nổi tiếng với việc chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày hay thời hiện đại có Elon Musk. Nhưng tỷ lệ đó rất hiếm, chỉ vài phần nghìn trong dân số. Nếu bạn là một người như vậy, xin chúc mừng bạn. Nhưng đa số chúng ta không phải trong nhóm này và đừng nghĩ là họ làm được như thế thì bạn có thể làm được. Đơn giản là hãy thử một thí nghiệm, ngày ngủ 4 tiếng và làm việc 18 tiếng trong suốt 3 ngày đi, và thử test một số trắc nghiệm về IQ hay nhận thức, sự nhanh nhạy… sau 3 ngày so với ngày đầu tiên. Kết quả với hầu hết mọi người sẽ rất khác.

Hơn nữa, thời gian thức của bạn không chỉ để làm việc. Cuộc đời còn bao nhiêu điều quan trọng nữa: các mối quan hệ với gia đình, người thân yêu, bạn bè, giải trí, tìm hiểu cuộc sống, chơi…hay đơn giản nhất là không làm gì cả. Đó mới là sống đúng nghĩa đầy đủ của nó, chứ không phải là làm chết thôi, thứ văn hoá mà thực ra một số người trong giới chủ đang cố tỏ ra là như thế mới là chứng tỏ khả năng và bản lĩnh của bạn và tuổi trẻ luôn có khả năng dự trữ vô tận và bạn phải cống hiến hết mình cho công ty…

Và trong lúc đấy thì họ sẽ đi chơi golf- hay đi nấu phở.

from fb Linh Hoang Vu,
-----
Hồi trước đây tui có một ông bạn người Nhật tên Ari. Gọi là Nhật nhưng tính cổ quái đối với người Nhật. Ari thích VN , đi ăn lề đường , thích cái tự do lộn xộn của SG . Ổng sang VN là đi khắp Bắc Nam nên tui hay nói đùa ông là người Việt gốc Nhật và ổng rất vui. Thậm chí Ari còn không biết cách nào đem hột vịt lộn sang Nhật mà khoe với mọi người bên đó với một cách kể chuyện rất tự hào. 

Có lần Ari sang Việt Nam và tui dẫn đi ăn lề đường. Tụi tui có nói về câu chuyện làm 14 - 15h/ngày của Nhật. Ổng nói là cái ấy không tốt , đến tao còn đúng giờ đi về chứ không làm thêm. Tất nhiên, tui cũng đùa là chắc ông nói thế để khách sáo thôi. Ari bảo là : "Không . Tao nói thật. Mày nghĩ đi , tại sao cùng là kẻ thua cuộc trong chiến tranh. Nhưng Đức chỉ làm việc 8h/ngày mà có khoa học công nghệ vẫn hơn Nhật làm 14 - 15h/ngày. Người Đức họ chú trọng vào hiệu suất hơn tụi tao. Tao cũng từng bị sếp la rồi nhưng tao làm tốt nên chả ai làm gì được tao." 

Lúc ấy tui mới vỡ lẽ ra một điều , lao động không phải là lao lực mà tìm cách nâng cao hiệu suất. Tất nhiên , khi lên vị trí càng cao , áp lực càng lớn và việc làm hơn 10h/ngày là không tránh khỏi. Nhưng điều đó không khẳng định cho thành công. Vì làm càng nhiều, cho dù cơ thể cấu tạo đặc biệt đi nữa thì làm thế vừa hại sức khỏe, vừa kém hiệu quả. 

Ban đầu khi lãnh trọng trách hay làm chủ mọi thứ sẽ rối tung và ta cần lao lực điều chỉnh. Nhưng về sau nếu chứ làm hơn 10h / ngày hoài thì chả khác gì ta quản lý , năng lực giao quyền kém. Nhân viên cũng có nhu cầu khác ta , họ không chịu rủi ro nên họ mới là nhân viên . Họ còn có gia đình, người yêu, con cái , ... để chia sẻ thời gian. Nên việc so đo thời gian làm việc nhiều thì chứng tỏ người lãnh đạo vẫn thiên nghĩ lợi ích công ty chứ không phải là tìm cách cân bằng mọi thứ. 

Tui biết, làm chủ một việc kinh doanh hay công ty không dễ. Bản thân tui cũng có thành công, có thất bại. Và tui cũng kinh qua đi làm công cả gần chục công ty và đủ ngành nghề để nhìn nhận một công ty tốt hay xấu để cuối cùng nhận thấy rằng một công ty mà lãnh đạo cân bằng cho nhân viên là một công ty mà mọi người đồng lòng và làm việc hiệu quả nhất. Họ cảm thấy an tâm làm việc mà không phải lo hao tổn tâm trí để đấu đá tranh giành nhau. 

Ở đây tui biết rất nhiều anh em mn đều là giám đốc công ty lớn. Tui vẫn là người khởi nghiệp không dám nói hơn ai. Nhưng tui cũng biết nhiều anh em vẫn làm thong dong , làm 2-3 cty nhưng chỉ làm đúng 8h / ngày và vẫn thành công với hạnh phúc vì có thời gian vui vẻ bên gia đình. Cho nên , tui mới rút ra rằng để thành công ta không hẳn là làm sống chết mà mấu chốt ở đây ta phải biết tối ưu hiệu suất công việc để cân bằng cuộc sống. Vì dù ta kiếm tiền giỏi thế nào cũng chỉ để thoả mãn cái tôi thoả mãn nhu cầu và đút miếng ăn vào bụng mà thôi. Nên ta có thể thoả mãn bằng cách tinh thần vui vẻ bên người thân và tiền bạc đủ sức theo nhu cầu thích ứng hoàn cảnh là được.

from fb Sonnie Tran,
-----
Nhân dịp các bác cãi nhau vụ ngày làm 16 tiếng, em xin đề xuất một giải pháp rất nhẹ nhàng. Đó là làm gì thì đừng gọi là làm việc, mà cứ gọi là chơi thôi. 

Sáng dậy oánh răng không kịp ăn sáng đi chơi luôn. Trưa ăn qua loa chơi đến tối mịt mới về. Nửa đêm cả nhà ngủ lại mở máy tính ngồi chơi. Mưa cũng chơi, nắng cũng chơi. Tết cũng ngồi chơi, rằm mùng một đều chơi, không trượt phát nào.

CR7 lương hai trăm triệu đô cũng gọi là chơi.  Ai gọi là “CR7 vừa làm việc được một bàn”, “Djokovic làm việc 5 séc”. “Djokovic là chiến sỹ thi đua ở Wimbledon”!

Đến bà bán xôi, bà ấy cũng bảo: “Em đang đơm xôi. Ra đây mua xôi em. Xôi em ngon. Anh ăn xôi em đi”. Chứ ai bảo tôi làm việc từ ba giờ sáng để ra sản phẩm xôi này thì khách có mà chạy hết, vãi chưởng!

Thế nên bọn hay tự khoe mình làm việc, thật ra họ đang làm những việc bản thân họ cũng thấy chán, phải cố. Hoặc bản thân họ chưa chán nhưng người khác nghe thì chán. Hoặc thật ra họ chả làm gì.

Mà thôi, mưa đang to nhưng em cũng dậy đi chơi đây. Các bác hôm nay đường ngập đi chơi vui vẻ nhé.

from fb Khăn Piêu, 
-----


3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc