Hamas tấn công Israel

Vụ tấn công của Hamas vào Israel thực sự là một vụ tấn công tự sát. Về mặt chiến thuật, đó thực sự là một thành công của lực lượng quân sự này, khi họ đánh bất ngờ vào hàng loạt các điểm ở sâu trong lãnh thổ Israel, tấn công và chiếm đóng một số căn cứ quân sự của Israel, bắt cóc nhiều binh sĩ và dân thường Israel và rút lui an toàn về dải Gaza.

Người dân Israel thực sự bị shock. Đó là một thất bại kép với Israel cả về mặt tình báo và quân sự. Cơ quan tình báo Israel huyền thoại, từng được xưng tụng như cơ quan tình báo hiệu quả nhất thế giới, hoàn toàn bất ngờ và không hề nhận ra các dấu hiệu của một cuộc tấn công toàn diện và mạnh mẽ như thế, cho dù Hamas đã chuẩn bị trước hàng tháng trời với sự tham gia của hàng trăm chiến binh. Một điều hoàn toàn không phải là trùng hợp là Hamas chọn thời điểm tấn công chính vào ngày mà cách đây đúng 50 năm, quân đội hai quốc gia mạnh nhất khối Arab lúc đó là Ai Cập và Syria bất ngờ tấn công Israel, một cuộc chiến mà Israel gặp rất nhiều khó khăn để có thể giành chiến thắng cuối cùng, với những thời điểm tưởng như có thể sẽ bị xóa sổ.

Sau 50 năm, một lần nữa người Israel lại phải đối mặt với một cuộc tấn công xâm lược từ bên ngoài, nhưng lần này từ một đối thủ nhỏ yếu hơn nhiều, một mảnh đất có diện tích vẻn vẹn 365km2, với đa số dân chúng nghèo khổ, phải sống nhờ làm thuê cho Israel và từ viện trợ của Qatar (hơn 1 tỷ đô). Thế nhưng, quân đội Israel, một quân đội hùng mạnh vào loại nhất Trung Đông, được huấn luyện rất kỹ và từng trải qua không biết bao cuộc chiến trong khu vực, lại thiếu hiệu quả. Lần đầu tiên, con số người chết mà phía Israel công bố sau hai ngày chiến tranh đã vượt qua số người chết mà phía Palestine công bố (700 người Israel so với 300 người Palesine). Hàng rào biên giới 1 tỷ đô la bị phá dễ dàng, một số căn cứ quân sự bị chiếm và người dân Israel phải trốn trong nhà mình trong khi quân Hamas đi lại ngoài đường. Tất nhiên, sau 1 ngày bị bất ngờ thì với ưu thế về quân sự, Israel đã đẩy lùi Hamas, mặc dù vậy thậm chí sang ngày thứ 2 vẫn có giao tranh xảy ra trên đất Israel.

Hamas đã chọn một thời điểm hợp lý để tấn công Israel, khi quốc gia này đang bị chia rẽ nhất. Rất nhiều hoạt động chính trị trở nên tê liệt khi người Israel quay sang tấn công lẫn nhau, do chính quyền cực hữu Netayahu muốn thực hiện cải cách tư pháp, nhằm làm suy giảm quyền lực của Tòa án Tối cao. Tinh thần đoàn kết của họ và sự cảnh giác của họ với các cuộc tấn công bên ngoài không còn được như trước. Và với tư duy duy lý, họ không hiểu thực sự Hamas nghĩ gì, ví dụ họ chủ quan khi cho rằng Hamas sẽ ko dám tấn công Israel vì kinh tế của dải Gaza hoàn toàn phụ thuộc vào Israel. Họ nghĩ là mối đe dọa từ bên ngoài không còn nhiều khi Israel đang cải thiện quan hệ với khối Arab mà đáng chú ý nhất là khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Arab Saudi sắp thành hiện thực. Và đúng lúc họ đang ở điểm yếu nhất và chủ quan đó, thì Hamas đột ngột tấn công.

Thế nhưng chính cuộc tấn công này lại có thể trở thành cái kết cho Hamas. Người Israel sẽ nhận ra rằng họ không thể tồn tại được nếu không tiêu diệt Hamas. Và họ có thể tạm quên những chia rẽ trong nội bộ để chung tay nhau thực hiện công việc đó, không chỉ là những cuộc không kích có lựa chọn vào một số cơ sở của Hamas mà là một chiến dịch trên mặt đất lâu dài, tốn kém, với nhiều máu của cả hai bên nhằm quét sạch cơ sở Hamas, hạ sát các thủ lĩnh Hamas ở dải Gaza. Sẽ có nhiều máu phải đổ, trong những ngày sắp tới, nhất là máu của người Palestine. Và một lần nữa, tương lai của Palestine sẽ càng trở nên vô định.

Vì sao Hamas lại thực hiện cuộc tấn công mà có thể sẽ là sự chấm dứt cho sự tồn tại của họ như một lực lượng kiểm soát dải Gaza và cái chết của nhiều thủ lĩnh của họ? Một mặt, có thể nhìn thấy bàn tay của Iran ở trong đó. Người Palestine ngày càng cô độc trong cuộc chiến với Israel khi các đồng minh Arab đang lần lượt bỏ rơi họ để bắt tay với kẻ thù của họ (mà gần nhất là khả năng ký kết bình thường hóa quan hệ Arab Saudi với Israel). Điều này có nghĩa là họ sẽ cạn kiệt các nguồn cung cấp tài chính từ các nước Arab. Chính vì thế, họ, những người Hồi giáo Sunny lại phải bắt tay với Iran theo dòng Shia chỉ vì Iran là nước duy nhất kiên trì quan điểm phải loại bỏ nhà nước Israel. Một cách trực tiếp, cuộc tấn công của Hamas cũng là để ngăn việc Arab Saudi ký hiệp ước với Israel, và về lâu dài, họ muốn tái khởi động sự thù địch giữa khối Arab với Israel, như những gì từng xảy ra 50 năm trước, lúc những chiếc xe tăng của Ai Cập và Syria đồng loạt tiến vào lãnh thổ mà Israel chiếm đóng ở bán đảo Sinai và cao nguyên Golan.

Pics: ảnh mình đi Israel và Palestine năm 2019. Giờ mà muốn quay lại e rằng rất khó rồi.

from fb Vũ Hoàng Linh,

6 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc