Muốn hiểu khủng hoảng khí hậu thực chất là gì, hãy hỏi loài vật

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


“The End of Eden” (“Thiên đường sắp mất”) là khúc bi ca đầy xúc cảm và rùng rợn của Adam Welz cho sự đa dạng sinh học như chúng ta từng biết.

Bạn sẽ không thấy cái kết có hậu từ cuốn sách này.

Loài này nối tiếp loài khác. Quần xã này nối tiếp quần xã khác. Lục địa này nối tiếp lục địa khác. Cái thế giới mà nhà báo Nam Phi chuyên viết về môi trường là Adam Welz mô tả đang ở giai đoạn cuối của sự sụp đổ. Giọng điệu của cuốn sách – ít nhất là cho đến chương cuối mang tính tự bạch – rất đắn đo cân nhắc và chính xác, khí độ điềm tĩnh, không thể hiện sự phẫn nộ mà thay vào đó là sự cẩn trọng chú ý đến tính chính xác trong mô tả và phân tích. Welz ngắm nhìn những lò xo và bánh xe của cơ-thể-trái-đất quay tách khỏi nhau thành rời rạc vô dụng. Và hiệu ứng tích tụ lại rất tàn khốc.

Những cá thể con người hầu hết không có mặt trong câu chuyện này. Chẳng có những nhà khoa học anh hùng hay những chủ giếng dầu tệ hại. Thế vào chỗ của họ, những sinh vật khác chiếm vị trí trung tâm, và động lực chi phối là thế này: Cái thế giới sống này đã tiến hóa theo nhiều cách phức tạp để thích nghi và hưởng lợi từ các điều kiện hiện hành của hành tinh. Những điều kiện đó vẫn luôn thay đổi linh hoạt, song việc đốt nhiên liệu hóa thạch của chúng ta trong hai thế kỷ qua đột nhiên đẩy tất cả hệ thống rơi vào hỗn loạn. Suốt chiều dài lịch sử nhiều tỷ năm, Trái đất chưa bao giờ đổi khác nhiều hơn là vào cuối kỷ băng hà sau cùng –trùng vào lúc chúng ta bắt đầu đời sống hoang dã của mình khoảng 11.700 năm trước – và chúng ta hiện đang sống trong tình trạng hỗn loạn mà chúng ta tạo ra. Chúng ta đã uổng phí sự hoàn hảo mà quá trình tiến hóa truyền lại cho chúng ta.


Cuộc luận chiến của Welz dựa trên sự liên kết đầy sức mạnh giữa phạm vi tiếp cận và chi tiết. Chẳng hạn câu chuyện về loài chim rẽ lưng nâu, loài chim lội nước lông ngực hung hung đỏ rất đẹp thường di cư đến Tây Phi để tránh mùa đông rét mướt nhưng mùa hè lại sinh sản trên vùng lãnh nguyên bên cạnh Bắc Băng Dương ở Siberia. Loài chim này canh thời gian để đến được phía bắc khi tuyết bắt đầu tan. Chúng phải mau lẹ vì mùa hè không kéo dài: ba tuần từ khi đẻ trứng đến khi trứng nở, và ba tuần nữa từ khi trứng nở đến khi chim non biết bay.

Nhưng kể từ thập kỷ 1980, tuyết mùa xuân ở Siberia tan sớm hơn trung bình nửa ngày mỗi năm. Từ ấy côn trùng ngoi lên, sinh sản và chết trước khi trứng nở ra chim non. Nhiều chim non bị suy dinh dưỡng và chết trước khi biết bay. Những con cố gắng đến được châu Phi hiện giờ nhỏ hơn và nhẹ hơn 20% so với những con được cân đo ở đó hồi đầu thập kỷ 1980.

Tai hại là cái mỏ của chúng, mà chúng dùng để mò nghêu sò nằm sâu dưới bùn ven bờ biển châu Phi, cũng ngắn hơn – ngắn quá đến nỗi chẳng thể mò đến những con nghêu mà chúng cần để sinh tồn. Và thế là những con chim rẽ lưng nâu này đang chết dần. 40 năm trước người ta đếm được nửa triệu con trong một vịnh bùn ở Mauritania. Đến năm 2022, 400.000 con trong số đó đã biến mất. Mọi thứ đều có quan hệ với nhau: Bầu không khí mùa xuân bị nóng lên trên bờ Bắc Băng Dương đang giết chết những con chim ở Tây Phi cách đó tới 5.000 dặm.

Welz mở hết cánh cửa này đến cánh cửa khác nhìn ra vẻ đẹp đáng lo ngại và khiến ta thay đổi quan điểm này. Dù sao mặc lòng, sự chính xác trên tiến trình của nó phải đương đầu và không chống nổi sự vụng về vô tình của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Welz không thích thuật ngữ “biến đổi khí hậu”; anh thích cụm từ “hiện tượng cực đoan toàn cầu”, cụm từ mà theo anh là “truyền tải tính mới lạ và sự khác thường của cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Welz cảnh giác với cái bẫy thuyết nhân hình. Anh không bộc lộ cảm xúc phản ứng với nỗi đau khổ của những chú chim non chết đói hay những chú cá heo đi lạc. Ở đây đang diễn ra điều gì đó xa rộng hơn sự lụi tàn của cuộc sống cá thể: một thế giới đang trong tình trạng điên cuồng rút đi nguồn dinh dưỡng từ chính bản thân nó. Nhưng sự kiềm chế của anh có thể đang tự di dịch.

Anh mô tả cảnh ngộ khốn cùng của loài vẹt xanh iguaca có nguy cơ tuyệt chủng ở Puerto Rico. Dưới bàn tay con người, khu rừng ở đây bị thu hẹp và do hiện tượng ấm lên toàn cầu, những cơn bão ngày càng mang đến nhiều mưa hơn và tàn khốc hơn bao giờ hết. Trong tự nhiên, loài vẹt xanh này có thứ ngôn ngữ phong phú và lưu loát, chứa đầy những cảnh báo và gợi ý mà nhờ vào đó đàn vẹt trốn tránh được kẻ săn mồi và tìm được thức ăn. Sau khi các nhà bảo tồn quan ngại về tương lai của loài vẹt lấy một số trứng và nuôi vẹt con trong một trung tâm cứu hộ, những con vẹt được con người gây giống được thả về tự nhiên. Nhưng chúng trở về giống như những Kaspar Hauser của loài chim – bị nhỏ đi, phát âm ú ớ và bị phân cách, chẳng bao giờ học được ngôn ngữ của bầy đàn. Và khi những con chim hoang dã hầu như bị tiêu diệt hết trong một loạt những cơn bão, chính ngôn ngữ của chúng cũng chết theo.

“Loài người chúng ta biết rằng ngôn ngữ này từng tồn tại, và chúng ta có thể truyền lại các bản ghi âm ngôn ngữ này cho con cháu mình,” Welz viết. “Nhưng kể cả khi chúng ta có thể dạy những thế hệ vẹt iguaca trong tương lai bắt chước âm thanh được mã hóa trên thẻ nhớ và ổ cứng, chúng ta cũng không thể phục hồi ngôn ngữ của loài vẹt này, thứ ngôn ngữ đã bắt đầu tiến hóa từ hơn nửa triệu năm trước và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác không ngừng nghỉ. Bản ghi âm của chúng ta chỉ là tiếng vọng của những câu nói mà không có người nói hoặc từ điển để giải nghĩa. Không một ai trong chúng ta – cũng như những con vẹt iguaca đang sống – hiểu được ý nghĩa của chúng.”

Ở gần cuối cuốn sách, Welz kể về cái giá mà cá nhân anh phải trả để thuật lại chuyện này. Anh viết theo cách viết quen thuộc xuất phát từ hồi ký của phóng viên chiến trường: “Bây giờ tôi mới hiểu rõ hơn về những nhà nghiên cứu khí hậu, những người cảm thấy xa lánh xã hội vì họ không thể hiểu được vì sao rất nhiều người không coi những phát hiện của họ là hồi chuông cảnh báo một trường hợp khẩn cấp. Thật cực kỳ không thiện chí khi cứ đăng tin và truyền đạt những kiến thức quan trọng mà những người xung quanh bạn” không có hành động gì. Có bao nhiêu người từng nhìn thấy hoặc thậm chí nghe nói đến một con chim rẽ lưng nâu? Có bao nhiêu người sẽ thay đổi để hưởng ứng khi biết rằng máy điều hòa không khí của họ đang giết chết loài chim đó?

Đây là cuốn sách khiến ta xao động và là cuốn sách quan trọng, sự miêu tả êm đềm về thảm họa, như thể danh họa Vermeer quyết định vẽ kiểu hành động tàn bạo chậm rãi đáng sợ nào đó. Welz hy vọng rằng, cũng như các chế độ chuyên chế trên toàn cầu ở những thời đại khác nhau đã bị kết liễu, sự ngược đãi thế giới này có thể không tồn tại lâu hơn thế kỷ này. Những thay đổi lớn có thể xảy ra nhanh chóng. Nhưng cả Nam Phi thời hậu phân biệt chủng tộc lẫn nước Nga thời hậu Xô Viết (những ví dụ mà anh trích dẫn) đúng ra đều chẳng phải thiên đường.

Chẳng phải khả năng rất cao là giờ đây chúng ta phải đương đầu với những hậu quả bi thảm khi uổng phí một phước lành chưa được thừa nhận đó sao?

THE END OF EDEN: Wild Nature in the Age of Climate Breakdown | By Adam Welz | Illustrated | 286 pp. | Bloomsbury | $28.99

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc