Killers of the Flower Moon: Máu của đất
Có ngủ 1 tí nhưng phải thừa nhận là phim kinh điển, chỉnh chu, từ quay phim, dựng phim, diễn xuất, âm nhạc…không có gì quá xuất sắc nhưng tổng thể thì hài hoà.
Đáng nói hơn là Scorsese dù hơn 80 tuổi, nhưng vẫn luôn có khả năng tạo nên một góc nhìn mới mẻ. Nếu đọc cuốn sách này (một cuốn sách rất ấn tượng, true crime drama nhưng được viết bằng một giọng văn lạnh lùng cố ý của David Grann, người cũng là tác giả của The Lost City of Z cũng được chuyển thể thành một bộ phim hay, thì có thể thấy góc nhìn của Scorsese khác góc nhìn của Grann.
Nếu một đạo diễn khác làm phim này thì có lẽ sẽ chọn nhân vật người hùng là Tom White, viên chỉ huy đặc vụ FBI có công phá án Osage và cũng có một cuộc đời khá đặc biệt. Nhưng Scorsese lại không quan tâm tới White và chọn mối quan hệ của Ernest và Molly là trung tâm và động lực của bộ phim, dù trong sách, mối quan hệ này hầu như chỉ được đề cập thoáng qua.
Lý do là nếu như Grann nhìn thảm án Osage như là một phần của bức tranh rộng lớn hơn về xã hội, như là sản phẩm của sự cưỡng bức, cướp bóc và diệt chủng của người da trắng, với sự đồng loã của chính phủ Mỹ với người Mỹ bản địa thì Scorsese quan tâm nhiều hơn tới đạo đức và sự sa ngã, hay sự cứu chuộc của con người (và đó là chủ đề được nhắc đến rất nhiều trong các phim của ông, một đạo diễn gốc Ý chịu ảnh hưởng nhiều của Công giáo). Câu hỏi của ông là cái ác từ đâu mà đến, và trong một xã hội nơi sự tàn bạo và lừa lọc là một quy chuẩn, thì con người cá nhân có thể lựa chọn gì?
William Hale với người cháu Ernest là một sự tương phản. Người cậu William là một psychopath đúng nghĩa, lạnh lùng, khôn ngoan, luôn tính toán và sẵn sàng hy sinh bất cứ ai quanh mình để đạt được mục đích, và luôn trích dẫn Kinh Thánh để lý giải cho những hành vi chủ mưu giết người của mình, và cho tới cuối đời, dường như chưa bao giờ ân hận về các hành động của mình. Người cháu Ernest ban đầu tham gia các tội ác một cách hồn nhiên vì anh ta yêu tiền và muốn chiếm đoạt của cải và cũng vì anh ta là một kẻ yếu đuối, không có khả năng kháng cự ý chí của ông cậu mình, người luôn có những lý do hợp lý nhất cho mội vụ giết người. Nhưng dần dần khi chứng kiến những hậu quả của các tội ác đó ở xung quanh mình, với những người gần gũi mình nhất, anh ta bắt đầu lung lay và có thể phản kháng, để phần nào cứu chuộc lấy những tội lội đã phạm phải. Và tất nhiên, diễn xuất của Robert De Niro và Leonardo Di Caprio (đều là những người gốc Ý- có lẽ cũng không phải sự lựa chọn ngẫu nhiên) đều rất xuất sắc, không thể chê được.
Có vài điều có lẽ hơi tiếc khi không có mặt ở bộ phim. Một là cái chết của một viên luật sư người da trắng bảo vệ người da đỏ, người tuyên bố là đã tìm ra bí mật của vụ án và chuẩn bị công khai tên những kẻ phạm tội, bị giết chết một cách bí ẩn trên một con tàu, quăng xác từ trên tàu xuống ngay trước lúc định công bố kết quả. Hai là phần epilogue trong cuốn sách, khi tác giả nhấn mạnh rằng Hale chỉ là phần nổi của tảng băng, có thể ông ta đã giết hàng chục người (nhưng cũng chỉ bị kết án chung thân-và sau được ân xá- từ một án mạng), nhưng ông ta không phải là người đứng đằng sau hầu hết những cái chết đáng ngờ của người Osage (mà các nghiên cứu gần đây lên tới hàng trăm nạn nhân). Đó là cả một hệ thống quyền lực, từ người giám hộ tới cảnh sát, quan toà, từ bác sĩ, dược sĩ tới vợ/chồng của những nạn nhân- những người sẵn sàng bòn rút, lừa đảo, đầu độc hay bắn chết họ, hay hợp thức hoá tất cả các việc đó- để chiếm lấy tiền của họ một cách hợp pháp. Và gần như không có ai bị kết án cả, ngoài Hale và các đồng phạm.
Hale và Ernest đều có những cái kết thúc khá tốt đẹp, chết ở tuổi loanh quanh 90, và có hơn 20 năm tự do sau khi được ân xá, thọ hơn nhiều so với các nạn nhân của họ. Chỉ có một cái kết, khá thú vị với Ernest được nêu ra trong sách mà người đọc có thể có cảm giác gì đó vì cái giá mà anh ta phải trả. Sau khi ra tù, ở tuổi ngoài 60, Ernest về lại Oklahoma để muốn gặp lại hai đứa con. Cô con gái từ chối gặp cha còn cậu con trai thì vẫn gặp cho tới khi Ernest chết ở tuổi 94 ở một nhà di động tồi tàn. Ernest để lại lời dặn dò để con trai hãy rải tro mình trên những triền đồi của Oklahoma. Và người con trai cứ để nguyên cái tráp đựng tro của Ernest trong nhà trong nhiều tháng trời, cho tới một ngày, ông ta nổi khùng lên và ném thẳng cái tráp đó xuống chân cầu. Đó có lẽ là cái giá ít nhất mà một tên vô lại như Ernest phải chịu.
Btw, ca 8:30 tối thứ 2, cả rạp có 6 người xem, được chừng 1h30 thì hai người bỏ về.
from fb Linh Hoang Vu,
Tags: movieVũ Hoàng Linh
Chính những kẻ đưa ra những thứ luật pháp quái gở đó là những tên sát nhân gián tiếp, cho dù lương tâm của bọn họ có lẽ sẽ không bao giờ có chút gợi gì về việc đó. Hay những người đưa ra các quy định về mỗi gia đình chỉ có 1 (hoặc 2 con) cũng là những người hàng năm có lẽ đã giết chết hàng triệu đứa trẻ- chào đời và chưa chào đời- cũng như hàng vạn bà mẹ, từ những điều luật được đặt ra tưởng như hoàn toàn khách quan đó.
Khi dầu mỏ được tìm thấy trên đất đai mà những người Mỹ bản địa Osage cư trú, người ta phải trả tiền cho họ, dựa trên doanh thu dầu mỏ. Nhưng hầu hết những người Osage không thể được quyền tiêu tiền mà phải qua những người giám hộ da trắng được chính quyền bổ nhiệm.
Và chính cái cơ chế phân biệt chủng tộc này và việc người Osage, từ những người nghèo thất học trở thành các triệu phú trên giấy tờ, ngồi trên một đống tiền nhưng lại không thể tiêu này khiến họ trở thành nạn nhân của bọn trộm cắp, lừa đảo và giết người một cách có hệ thống, thường được nguỵ trang như luật sư, bạn bè, người bảo trợ, và đôi khi là cả người phối ngẫu vào cái thời mọi thứ hoàn toàn hoang dã và tính mạng con người là quá rẻ.
Một cách gián tiếp, có thể nói là luật pháp của người da trắng đã góp phần giết chết những nạn nhân này, vì nó biến họ thành những con mồi dễ dàng và khờ khạo, với những cái kết được biết trước, mà các thủ phạm dù đen tối thế nào thì cũng sẽ chỉ là những cái tên, không phải tên Bill Hale này thì cũng là tên Ramsey nọ…
Và những cái án mà những kẻ bị coi là hung thủ phải nhận thì, phải nói là quá nhẹ nhàng. Đó không phải là sự chiến thắng của công lý mà chỉ là một cú gõ đầu nhắc nhở của một hệ thống bất công đối với vài tên đi quá trớn, quá tham lam hoặc quá non gan.