Cuộc đấu tranh giữa hai cha con giúp giữ vững thành công cho IBM

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn sách “The greatest capitalist who ever lived (Nhà tư bản vĩ đại nhất từng sống)”, các tác giả Ralph Watson McElvenny và Marc Wortman kể lại những trận chiến mang đầy tính chất phức cảm Oedipus đã thúc đẩy thành tựu công nghệ của tập đoàn như thế nào trong những năm 1960 và nhiều hơn thế nữa.

Thomas J. Watson Jr., ngay từ khi còn trẻ, dường như được định sẵn sẽ thất bại. Sinh năm 1914, khi nhỏ ông là cậu bé nóng nảy và thường chán nản. Hàng xóm gọi cậu với cái tên “Tommy tồi tệ”. Cậu suýt không lấy được bằng tốt nghiệp trung học sau khi theo học ba trường khác nhau. Cha cậu, ông Watson Sr., người đứng đầu IBM, là người đàn ông độc đoán, khiến cậu con trai phải chịu đựng sự kết hợp điển hình của tình cảm xa cách và tính khí ác nghiệt. Watson con đáp lại bằng cách trở thành kẻ nổi loạn và lưu manh.

“Cậu ta nghịch lửa, bắn động vật ở đầm lầy gần đó, và ăn trộm đồ đạc của hàng xóm,” tác giả Ralph Watson McElvenny và Marc Wortman viết trong cuốn “The greatest capitalist who ever lived,” đây là cuốn sách tiểu sử mới hấp dẫn về Watson con. Anh nói rất rõ mình chưa bao giờ muốn làm việc tại công ty cha anh điều hành. Tuy nhiên, cuối cùng Watson con lại nắm quyền điều hành IBM, đánh bại người em trai ngoan ngoãn hơn, Dick Watson, giành được quyền kiểm soát đế chế của cha mình.

Đây không phải cuốn sách đầu tiên về IBM. Đây cũng không phải cuốn sách đầu tiên về cha con Watson Sr. và Jr. (Năm 1990, Watson con viết cuốn “Father, Son & Co. (Cha, con và công ty),” cuốn hồi ký ăn khách, khẳng định hai cha con ghét nhau đến mức nào, ít nhất là theo lời kể của người con trai.) Nhưng đây có lẽ là cuốn sách kịch tính nhất về IBM từng được xuất bản. Tác giả McElvenny, tình cờ cũng là cháu trai cả của ông Watson Jr., nắm nhiều bí mật “giấy tờ cá nhân và công ty” và, như phần chú thích cuối sách chỉ rõ một cách đầy bí ẩn, cả nhiều “nguồn tin gia đình”. Cùng với Wortman -- nhà sử học quân sự, ông biến các thành viên nhà Watson thành những nhân vật gần giống như kịch Shakespeare, như thể phim “Succession” (Kế nghiệp) lấy bối cảnh thời đại của phim “Mad Men” (Những gã điên). Trong một cảnh tượng khó quên, người em trai bị bỏ rơi Dick Watson, bị đẩy ra khỏi IBM năm 1970, uống quá chén trên máy bay, bắt đầu tấn công tiếp viên hàng không và cuối cùng bất tỉnh trong tình trạng “tay chân dang rộng khắp phòng chờ hạng nhất”. (Khi đó ông ấy là đại sứ Mỹ tại Pháp.)

Cuốn “The greatest capitalist who ever lived” kể về những thách thức trong quá trình kế thừa doanh nghiệp và gia đình, đề tài rất quan trọng vì bản thân IBM là cha đẻ của hầu hết ngành công nghiệp máy tính và công nghệ. Watson cha, “ông già”, là kiểu người quen thuộc với thời đại chúng ta: gã khổng lồ công nghệ điều hành tập đoàn lớn như một phần của chính bản thân mình. (Chiếc máy IBM đánh bại nhà vô địch “Jeopardy!” Ken Jennings mang tên ông.) Trong suốt bốn thập kỷ, IBM là lãnh địa của Watson cha. Tác giả McElvenny và Wortman viết: “Tập đoàn hoạt động hoàn toàn dựa vào ông.” Watson cha “đưa ra tất cả quyết định chiến lược và hầu hết các quyết định nhỏ” và “hầu như không ủy quyền cho ai”.

Với uy tín lâu năm, ông ấy thực sự quan tâm đến nhân viên và gia đình họ theo cách tạo nên lòng trung thành sâu sắc. Tuy nói vậy nhưng Watson cha đòi hỏi hoàn toàn thuần phục đồng thời ông có thể thất thường và tàn nhẫn. “Ông ấy coi bạn như người trong gia đình,” một nhân viên sau này kể lại. “Và ông ấy có thể đối xử ngược đãi với gia đình ấy.”

Mặc dù các nhà sáng lập công ty công nghệ ngày nay có thể là người thích áp đặt, nhưng Watson cha vượt lên trên tất cả ở phương diện truyền bá sự sùng bái cá nhân. Mark Zuckerberg có thể từng chi 21 tỷ đô la (và vẫn còn tiếp tục) vào thực tế ảo, nhưng anh ta vẫn chưa nhất quyết bắt buộc các văn phòng Facebook phải treo ảnh chân dung và những câu nói quan trọng nhất của mình theo kiểu Mao Trạch Đông. Theo như tôi biết, hiện cũng không ai ép nhân viên thường xuyên hát những bài tôn vinh sự vĩ đại của người lãnh đạo: “Thomas Watson là nguồn cảm hứng của chúng ta,/Lãnh đạo và linh hồn cho IBM huy hoàng của chúng ta/Chúng ta nguyện theo ông ở mọi quốc gia, /Chủ tịch và người yêu quý nhất của chúng ta.”


Với cách Watson cha điều hành mọi việc, việc kế nhiệm công ty sẽ không bao giờ là vấn đề đơn giản. Đến những năm 1950, IBM không chỉ phải đối mặt với vấn đề kế nhiệm lãnh đạo mà còn cả vấn đề kế thừa công nghệ. “Thái độ phản đối thiết bị điện tử đã hằn vào văn hóa IBM”, các tác giả giải thích; tập đoàn là đế chế xây dựng dựa trên thẻ đục lỗ được sắp xếp cơ học, chứa dữ liệu theo các mẫu lỗ được đục trên các mảnh giấy in sẵn. Có chuyện kể rằng Watson cha ước tính thị trường máy tính điện tử là năm chiếc máy, và, dù không chính xác, McElvenny và Wortman viết, “thực tế có lẽ không khác xa với quan điểm của ông ấy”.

IBM phải đối mặt với tình trạng điển hình của hiện tượng giáo sư Clayton Christensen thuộc Trường Kinh doanh Harvard gọi là “tình thế tiến thoái lưỡng nan của nhà đổi mới” và điều được nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Kenneth Arrow miêu tả là thái độ không thích đổi mới của công ty độc quyền. IBM kiếm được rất nhiều lợi nhuận từ thẻ đục lỗ và máy kế toán, khách hàng của họ rất hài lòng, vậy vì sao phải xáo trộn lên?

Thái độ ác cảm mãnh liệt của Watson con đối với cha mình cuối cùng lại cứu được IBM. Ngay trước khi Mỹ bước vào Thế chiến II, Watson con học được tính tự tin theo cách cổ điển: gia nhập Quân đoàn Không quân và lái chiếc B-24. Cuối cùng, khi ông quay trở lại IBM (do được động viên bởi sĩ quan chỉ huy của ông, Thiếu tướng Follett Bradley, ông này cho rằng Watson sẽ bị lãng phí nếu làm phi công hàng không), ông trở thành anh hùng trong tập đoàn nhờ chuyển đổi tập đoàn sang điện toán điện tử. Ông ấy có lẽ là người duy nhất có thể chống lại cha mình trong một công ty được xây dựng dựa trên những người quen vâng lời.

Mặc dù tiêu đề cuốn sách gọi ông là “nhà tư bản vĩ đại nhất”, nhưng có thể chính xác hơn, hoặc ít ồn ào hơn, nên gọi ông là “nhà quản lý vĩ đại nhất” vì Watson con giỏi hơn nhiều trong việc ủy quyền và sử dụng tài năng của nhân viên. Trong cuộc chiến với cha, Watson con còn nhận được sự hỗ trợ bất ngờ từ bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp, cơ quan này thường đóng một vai trò nhất định trong quá trình kế nhiệm ở các tập đoàn Mỹ. Bộ Tư pháp vừa gây tổn hại cho mô hình kinh doanh cũ của IBM bằng cách nới lỏng sự kiểm soát của họ đối với máy thẻ đục lỗ sắp trở nên lỗi thời, vừa gián tiếp giúp đỡ mô hình mới của IBM bằng cách buộc AT&T, những năm 1950, phải đứng ngoài ngành điện toán — vô hiệu hóa đối thủ cạnh tranh tiềm năng lớn nhất và nguy hiểm nhất của IBM.

Máy tính càng phát triển, Watson con càng tích lũy được nhiều quyền lực, và ở đâu đó giữa cuộc đấu tranh tìm cách ứng phó với vụ kiện chống độc quyền, Watson cha đã nhường quyền kiểm soát tập đoàn cho Watson con làm Giám đốc điều hành năm 1956 và qua đời không lâu sau đó.

Mặc dù những sự kiện này xảy ra từ lâu nhưng ngành công nghệ và chính phủ vẫn đang phản ứng theo tấm gương của IBM cũng như những năm tháng thống trị của tập đoàn này theo nhiều cách thức lớn và nhỏ. Chẳng hạn, rất dễ quên rằng quy định ăn mặc thoải mái ngày nay trong giới công nghệ là một phản ứng, những năm 1970, ở những nơi như Apple đối với bộ đồng phục văn phòng nghiêm ngặt mà IBM yêu cầu: vest tối màu, áo sơ mi trắng, cà vạt lịch sự.

Những thách thức về độc quyền, thích ứng với thay đổi công nghệ, và cách thức các công ty mới cạnh tranh với công ty cũ chưa bao giờ biến mất. Các vụ kiện chống độc quyền chống lại IBM và AT&T trong những năm 1950 và 1970 vẫn là hình mẫu cho chính phủ liên bang trong các vụ kiện đang diễn ra chống lại Google, Meta và Amazon.

Nhìn lại, việc IBM rời bỏ vị trí dẫn đầu ngành máy tính tương đối ung dung — thậm chí là lịch thiệp — đã giúp ích rất nhiều cho ngành công nghệ Mỹ nhờ trao cơ hội cho thế hệ mới. Từ những năm 1950 đến những năm 1970, IBM là từ đồng nghĩa với máy tính Mỹ. Vậy mà, Watson con (dưới áp lực từ các quan chức chống độc quyền) đồng ý mở cửa thị trường phần mềm cho các máy IBM, và đầu những năm 1980, tác giả McElvenny và Wortman giải thích, IBM (vẫn đang bị giám sát chống độc quyền) để cho “Microsoft nhỏ bé” giữ bản quyền hệ điều hành do Microsoft tạo ra cho dòng máy tính cá nhân của IBM: MS-DOS. Nhượng bộ như vậy cho phép các công ty khác tiếp cận lĩnh vực điện toán và mặc dù IBM vẫn là tập đoàn rất có giá trị, nó không phải trở ngại cho sự đổi mới sáng tạo.

Nước Mỹ doanh nghiệp, cũng như nước Mỹ chính trị, cần những phương cách cho phép các thế hệ lãnh đạo và công ty mới được hưởng vinh quang. Đôi khi một vụ kiện chống độc quyền lớn có thể đóng vai trò cú hích. Lịch sử của các quốc gia và doanh nghiệp cho thấy có một người cai trị vĩ đại— thậm chí là người “được yêu quý nhất” — là một chuyện, nhưng thành công lâu dài phụ thuộc vào việc nhường chỗ cho người kế vị.

THE GREATEST CAPITALIST WHO EVER LIVED: Tom Watson Jr. and the Epic Story of How IBM Created the Digital Age | By Ralph Watson McElvenny and Marc Wortman | PublicAffairs | 567 pp. | $32.50

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc