Bước vào thế giới của những người đàn ông ưu tú bằng tài năng điệp báo

nguồn: New York Times,

biên dịch: Minh Thu,



The Sisterhood của nhà báo Liza Mundy ghi lại nỗi thất vọng, những chiến thắng và sự thỏa hiệp của các nữ nhân viên CIA.

Những năm 1970, những người quản lý các thông tin nhạy cảm phải làm việc trong những hầm kín mít của Cục Tình báo Trung ương được gọi bằng một biệt danh.

Làm việc ở đó không phải là một công việc hấp dẫn, và vì thế nó được giao cho phụ nữ. Trước khi máy tính ra đời, những người phụ nữ này được giao nhiệm vụ tổng hợp thông tin về các nguồn dữ liệu, đi lại như con thoi giữa các tủ tài liệu và các phòng ban để soạn ra các hồ sơ được yêu cầu.

Việc phải đi lại rất nhiều như thế -- và sở thích dành cho giày tennis -- khiến họ bị đặt biệt danh chế nhạo là “những quý cô đi giày thể thao”. (Các thư ký thường cảm thấy giày cao gót là lựa chọn bắt buộc.) Nhưng như Liza Mundy viết trong cuốn sách được nghiên cứu kỹ lưỡng đến kinh ngạc của mình, những con người làm việc trong mạng lưới dưới tầng hầm và bị chế giễu này đã là cơ sở cho hoạt động tình báo trên khắp thế giới.


Ngay từ những ngày đầu thành lập CIA, phụ nữ đã là một phần không thể thiếu trong hoạt động thu thập thông tin tình báo. Họ chiếm phần đông trong các phòng tài chính và nhân sự. Họ làm thư ký. Họ xử lý các bức điện tín cho cánh nam giới, soạn thư báo, chỉnh sửa và viết lại báo cáo tình báo, và kết hôn với họ (làm vợ điệp viên cũng gần như một nghề, khi xét đến “vỏ bọc nội trợ” quan trọng mà các bà vợ cần mang tới cho các ông chồng điệp viên).

Tuy nhiên, họ hầu như bị tước đi cơ hội đảm nhiệm các vai trò phụ trách vốn cho phép họ hoạt động như những điệp viên thực sự. Quan điểm phổ biến trong giới lãnh đạo ưa hành động của tổ chức này là “đàn ông làm việc bên ngoài, còn phụ nữ làm việc trong nhà”.

Trong những năm 1950 và 1960, các sĩ quan hàng đầu của CIA thu hút tân binh nữ với lời hứa về những nhiệm vụ quốc tế, hướng họ hình dung về “mạng lưới sĩ quan tình báo nữ”. Một miếng mồi nhử tàn nhẫn được đưa ra dưới dạng “khóa học ngắn hạn” -- phiên bản rút gọn của những chứng chỉ khiến họ không đủ tiêu chuẩn đảm nhận vị trí nhân viên phụ trách nguồn tin (case officer). Những cá nhân xuất sắc nhất được đào tạo tiếp tại một nơi gọi là Trại, và sau đó chỉ để thấy mình làm việc với những văn bản toàn ký hiệu viết tắt mà không có lời giải thích.

Như Mundy chỉ ra, một số phụ nữ đã lợi dụng hệ thống này. Câu chuyện của họ như sợi dây trải dài suốt bảy thập kỷ của những hành động bí mật, những sai lầm về đạo đức và thất bại trong chiến thuật, những khoảnh khắc giải oan đến thót tim và vài vụ bắt giữ con tin. The Sisterhood là cuốn sách lịch sử đầy các nhân vật -- và vô số ký hiệu -- cuốn sách gay cấn hiếm hoi khiến độc giả ước sao có được sơ đồ tổ chức cho dễ theo dõi câu chuyện.

Mundy, tác giả của bốn cuốn sách khác, bao gồm Code Girls với sức lan tỏa tương tự, mang đến câu chuyện đầy kịch tính về những người phụ nữ như Heidi August, thư ký tại CIA trong ba thập kỷ và trở thành một trong những nữ chỉ huy tình báo cơ sở đầu tiên của cơ quan này, hay Lisa Manfull Harper, người làm những công việc tầm thường suốt mười năm trước khi được phép tham gia đào tạo để trở thành điều tra viên.

Ngoài ra, còn có câu chuyện về bộ ba phụ nữ hoài nghi điệp viên hai mang Aldrich Ames trước cả FBI. “Radar” của họ phát hiện ra điều gì đó không ổn khi vợ của Ames tình cờ khoe rằng mình vừa cho trang hoàng lại tất cả cửa sổ trong ngôi nhà mới của họ. Những người phụ nữ này biết việc trang hoàng nhà cửa khó khăn thế nào chỉ với đồng lương của một sĩ quan CIA, vậy thì ai đã trả tiền cho những tấm rèm? (FBI đã nhận toàn bộ công lao cho vụ bắt giữ.)

Công việc soạn hồ sơ của những người phụ nữ trong các căn hầm ấy phát triển thành lĩnh vực mà ngày nay chúng ta gọi là xác định mục tiêu. Năm 1986, một trung tâm chống khủng bố mới được thành lập, chuyên truy tìm và lập bản đồ mạng lưới các kẻ tình nghi, một cách “săn người” hết sức tinh vi. Ngoại trừ lãnh đạo là nam, gần như toàn bộ nhân viên của nơi được gọi là Trạm Alec này đều là phụ nữ. Các đồng nghiệp ngạc nhiên trước vỏ bọc của nó: “một đàn gà mái” đang đuổi theo những miếng mồi.

Khi “đám gà mái” đó phát hiện ra một cuộc tấn công thảm khốc sắp xảy ra trên đất Mỹ, những nỗ lực cảnh báo của họ tới lãnh đạo CIA gần như đều bị xua đi. Trong một trong những chương xúc động nhất của cuốn sách, Mundy kể chi tiết về việc những người phụ nữ ở Trạm Alec -- bao gồm cả Barbara Sude, người một tháng trước ngày 11/9, đã viết tin báo nổi tiếng “Bin Laden đã quyết định tấn công vào Mỹ” -- chứng kiến tòa tháp đôi sụp đổ như thế nào qua đường dây chất lượng âm thanh thấp trong văn phòng của họ.

Mundy kết thúc The Sisterhood bằng cuộc săn lùng Osama bin Laden. Hóa ra, cảnh tượng quần áo đang phơi trên dây đã giúp những kẻ truy đuổi bin Laden xác nhận rằng ông ta và vợ trốn trong một khu nhà được canh gác ở Pakistan. Lại là công việc của phụ nữ.

Giữa những bức chân dung của các nữ điệp viên kiên cường, The Sisterhood còn kể lại những cuộc phản kháng của họ. Năm 1977, Harritte Thompson gửi đơn khiếu nại tới Văn phòng Cơ hội Việc làm Bình đẳng về việc phụ nữ kiếm được ít tiền hơn nam giới trong cùng một công việc -- và nam giới được thăng chức nhanh hơn. Khi CIA trì hoãn việc giải quyết, cô đệ đơn kiện và thắng kiện. Năm 1994, Janine Brookner đệ đơn kiện lên tòa án liên bang về tình trạng kỳ thị giới tính và cơ quan này chấp nhận hòa giải. Vụ án của Brookner gắn liền với vụ kiện tập thể lớn hơn nhiều, liên quan đến lời cáo buộc của hơn 200 nhân viên về văn hóa làm việc phân biệt giới tính, mãi đến năm 1995 mới được giải quyết. Hậu quả, như một số người tiên phong dự đoán, là sự trả đũa những người tham gia lan rộng. Mundy dẫn lời Harper, một nam nhân viên phụ trách nguồn tin, người tham gia các cuộc họp mà những người phụ nữ tham gia vụ kiện đều bị loại khỏi các nhiệm vụ uy tín. Ông nói: “Không phải tổ chức nào cũng chấp nhận kiểu bất đồng chính kiến này. “Họ đã bị trừng phạt,” Harper nói với Mundy. “Không ai muốn họ cả.”

Với việc nhấn mạnh vào các cuộc cải cách và can thiệp do phụ nữ lãnh đạo, The Sisterhood có thể đã bỏ qua một số hành vi sai trái đáng báo động nhất của CIA -- hoặc, mang ngụ ý, coi chúng là hệ quả của việc kỳ thị nữ giới. Trong ghi chú của mình, Mundy khẳng định cô không nghĩ phụ nữ “tốt hơn, có đạo đức hơn hay xuất sắc hơn” nam giới, nhưng cô muốn chứng minh những kỹ năng cụ thể mà họ có thể mang lại cho hoạt động gián điệp. Lập luận của Mundy khá có sức thuyết phục, nhưng cách Mundy tường thuật lại quá trình có vẻ hơi rối rắm trong bối cảnh phức tạp do những sự cố về tình báo giả và các cuộc đảo chính quốc tế.

Tác giả khẳng định: Đối với cả nam giới và nữ giới, nghề gián điệp thường đòi hỏi sự linh hoạt nhất định về mặt đạo đức. Mundy kể lại trong cuộc chiến tại Việt Nam, một sĩ quan phụ trách nguồn tin tên Sue McCloud được giao nhiệm vụ thâm nhập vào các lễ hội quốc tế nơi sinh viên được cho là dễ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cộng sản. Mundy kể lại: “Vì Liên Xô cũng đang làm điều tương tự nên McCloud cho rằng nỗ lực này là có ý nghĩa”.

Sau đó, Mundy kể về Alfreda Bikowsky, một sĩ quan CIA đã đến Trạm Alec, người không những không đưa ra lời xin lỗi nào về việc sử dụng các chiến thuật “thẩm vấn nâng cao” như trấn nước, mà còn là người quan trọng trong việc lên chiến lược biện hộ cho chúng.

Tháng 11 năm 1985, Heidi August đang làm chỉ huy tình báo ở khu vực Địa Trung Hải thì chuyến bay 648 của EgyptAir bị cướp. Vụ việc đã trở thành một vụ thảm sát, với một số hành khách bị bắn chết và hàng chục người khác sau đó thiệt mạng trong cuộc đột kích vào máy bay. Mundy không tô vẽ nó, nhưng cô đưa ra những chi tiết xảy ra trước đó mà khó có thể tưởng tượng được trong các hồ sơ thông thường mà CIA thường đưa ra. Cô kể rằng August, ở Malta và vẫn mang vỏ bọc tham tán lãnh sự Mỹ, đã bất lực. August đang ngồi tại một trung tâm chỉ huy tạm thời với một đại diện của Tổ chức Giải phóng Palestine thì được mời nhận điện thoại và cô phải nói chuyện với thư ký của mình như kiểu họ đang chơi trò Pig Latin. “Nghề điệp viên cần những tài năng bất ngờ,” Mundy viết. “Bạn không bao giờ biết khi nào mình sẽ cần đến những phẩm chất, những thủ thuật mình đã học được khi còn là thiếu nữ.”

THE SISTERHOOD: The Secret History of Women at the CIA | By Liza Mundy | Crown | 419 pp. | $32.50

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc