Người hứng chịu nhiều chỉ trích bào chữa cho di sản đời mình (và có một vài điều hối tiếc)

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn hồi ký “The Controversialist” (Kẻ gây nhiều tranh cãi), Martin Peretz ngẫm lại quãng thời gian lâu dài ông làm xuất bản và biên tập tờ The New Republic.

Nhà phê bình Irving Howe nói: “Khi nói về chính trị, anh phải có lập trường”. Martin Peretz trích dẫn dòng này trong phần đầu cuốn “The Controversialist”, cuốn hồi ký mới của ông, theo nghĩa đó là lối răn dạy ông chưa bao giờ ưa thích. Nhưng lời nhận xét ấy phù hợp với ông. Peretz viết như thể ông đang đi đi lại lại quanh bàn ăn, cái tôi và thái độ ghê tởm bản thân đang đấu tranh cho ra lẽ trong đầu ông.

Trong gần bốn thập kỷ, Peretz (mọi người gọi ông là Marty) là nhà xuất bản và tổng biên tập thích xía vào chuyện của người khác của tờ The New Republic, tạp chí xã luận quan trọng nhất nước Mỹ trong suốt những năm 1980 và 1990. Ông giảng dạy trong 5 thập kỷ tại Harvard, nơi ông coi như chỗ phát triển nhân sự cho tạp chí của mình.

Ông biết gần như tất cả những người quan trọng trong thế giới đan xen giữa báo chí, giới hàn lâm và chính phủ. Martin Luther King Jr. đến nhà ông ăn tối; ông là người đầu tiên Al Gore gọi điện sau khi Gore, người được ông bảo trợ, chính thức thua trong cuộc bầu cử năm 2000; Yo-Yo Ma chơi trong bữa tiệc sinh nhật của ông; Norman Mailer đấm ông trong một nhà hàng ở Provincetown. Đây chỉ mới là chạm đến bề mặt của bề mặt.

Peretz kết hôn với Anne Devereux Labouisse, người thừa kế gia sản của công ty máy may Singer. Khi không được mời đến những cuộc tranh luận hay nhất, ông bỏ tiền để tìm cách tham gia. Ông thích những bức thư ngỏ và những lời kiến nghị nảy lửa. Ông mang cái mác Chủ nghĩa phục quốc Do Thái gây tranh cãi của mình như thể chỉ đang đội một chiếc mũ nồi. Ông là kiểu người mà nếu buổi lễ tưởng niệm yêu cầu chỉ nói trong năm phút thì sẽ nói liên tục đến 20 phút.

Tôi thấy mình đang nói chuyện về quá khứ. Peretz, ở thời điểm hiện tại, đã mất đi ít nhất 64%. Cái kết chính thức đến vào năm 2010, khi ông đang viết blog (“một sai lầm”, ông viết). Ông đưa ra một số nhận xét thiết thực, trong bối cảnh một cuộc tranh luận lớn hơn, trong đó có nội dung người Hồi giáo có thể không xứng đáng được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất và rằng “tính mạng của người Hồi giáo thật rẻ mạt”. Sự phẫn nộ nổi lên không nguôi trong suốt thời gian dài. Ông viết về hậu quả như sau:

Cuộc xâm lược Iraq mà tôi ủng hộ là một thảm họa; hệ thống tài chính mà bằng hữu của tôi giúp xây dựng đã sụp đổ; vợ chồng tôi thì ly hôn; tờ New Republic bị bán sau khi tôi lo sợ sẽ phá sản — và giờ tôi ở đây trong bộ vest trắng đi trong Sân Harvard, xung quanh là các sinh viên hô: “Harvard, Harvard, thật đáng xấu hổ, tôn vinh một kẻ ngu xuẩn phân biệt chủng tộc.” Kẻ ngu xuẩn phân biệt chủng tộc rõ ràng là tôi. Đây là một kết cục ảm đạn, một cái kết tôi không hiểu hoặc không tin được.

Còn nhiều chuyện hơn thế xảy đến. Xét lại tờ The New Republic của ông nhiều sự không ổn, khi nhìn lại dưới ánh đèn dò xét của phong trào #MeToo và Black Lives Matter. Biên tập viên văn học lâu năm của tạp chí, Leon Wieseltier tóc như bờm sư tử, rời đi năm 2014, bị cáo buộc ba năm sau đó về tội quấy rối tình dục trong thời gian làm việc tại The New Republic. Việc tạp chí quyết định cho đăng đoạn trích từ cuốn sách cực kỳ gây tranh cãi của Charles Murray năm 1994 “The Bell Curve” (Đường cong hình chuông), phần về sự khác biệt I.Q giữa các chủng tộc, tiếp tục gây ra nhiều chỉ trích. Thêm vào đó là hành vi bịa đặt và đạo văn của các nhà văn Stephen Glass và Ruth Shalit, và The New Republic của thời đại Peretz khi nhìn lại có thể bắt đầu giống một con thuyền ma rạn nứt ô nhục.

Peretz hối tiếc về một vài điều trong số ấy. Ông nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi, ông ghi rõ ở đây, vì ngôn ngữ “dữ dội và gây tổn thương” của ông về người Hồi giáo. Ông hối hận vì “không nhận ra hoàn cảnh khó khăn của tầng lớp thấp người da đen trên trang viết của tờ The New Republic.” Ông hối tiếc (“hối tiếc là từ không đủ mạnh”) ủng hộ cuộc xâm lược Iraq. Nhưng ông bảo vệ quyết định cho đăng Murray (“Murray là người quan trọng”) bên cạnh những ý kiến bất đồng chính kiến, và ông đứng về phía Wieseltier, “một trí thức cũng là người khôn ngoan.” Ông viết: “Sự thật là Leon có thể có hành vi không tôn trọng phụ nữ, nhưng anh ta cũng tôn trọng họ và tác phẩm của họ”. Ông chỉ ra tạp chí mới của Wieseltier, tờ Liberties, có đăng Martha Nussbaum, Helen Vendler và Louise Glück .

Ông rất thích bàn về những thành tựu quan trọng nhất của tạp chí, chẳng hạn như câu chuyện trang nhất ấn tượng của Andrew Sullivan biện hộ cho hôn nhân đồng tính từ quan điểm bảo thủ vào năm 1989. Ngoài ra còn bài đăng và báo cáo dẫn đến cuốn sách “A problem From Hell: America and the age of Genocide” (Vấn đề từ Địa ngục: nước Mỹ và thời đại diệt chủng) của Samantha Powers đoạt giải Pulitzer năm 2003.

Ông cũng tự hào vì tập hợp được một nhóm những nhà tư tưởng, nhà văn và biên tập viên năng nổ nhất thời đại, trong đó có Michael Kinsley, Hendrik Hertzberg và Charles Krauthammer. Kinsley là lý do khiến tôi yêu thích tạp chí này. Ông ấy có trí thông minh như từ sao Hỏa, và khiếu hài hước sắc bén của ông biến đối thủ thành kẻ vô dụng. Những chuyện rắc rối trong văn phòng cũng được kể lại, chẳng hạn như lần Krauthammer đổi mật khẩu ổ cứng chính vĩnh viễn thành “Kemp”, theo tên nghị sĩ bảo thủ Jack Kemp, người mà Hertzberg rất ghét.

Cú đấm của Mailer vào bụng Peretz xảy ra sau khi The New Republic đăng bình luận cuốn tiểu thuyết “The Gospel According to the Son” (Phúc Âm Theo Con) (1997) của Mailer, kể lại cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. Đó là bài đánh giá dữ dội của James Wood. Trang bìa của số báo có hình Mailer trên cây thánh giá, với dòng tiêu đề “Ông ta tiêu đời rồi”.

“The Controversialist” là cuốn sách hay, có nhiều giai thoại và thường khá hài hước. Khó mà giữ được giọng của chính mình khi viết, nhưng Peretz làm được điều này. Ông lớn lên ở Bronx, trong thời điểm New York “chưa thực sự như cái nồi hầm: mà giống một bữa tối chế biến sẵn đông lạnh.” Bố ông sở hữu một nhà máy sản xuất ví tiền và có nhà cho thuê.

Peretz vào được Princeton nhưng rồi rút lui sau khi nhận ra, là một người Do Thái, ông sẽ không bao giờ được nhận vào các câu lạc bộ quý tộc của trường đại học. Thay vào đó, ông theo học tại Brandeis, ở đây ông học cùng Abbie Hoffman và Louise Lasser. Các giáo sư của ông có C. Wright Mills và Philip Rieff. Ông yêu thích những xôn xao của nơi này. Ông viết về nhận thức ban đầu của mình khi nhận ra ông bị thu hút bởi đàn ông về mặt tính dục.

Peretz để râu và nhận công việc giảng dạy tại Harvard. Ông ở trong căn hộ của Mailer (rất lâu trước khi tạp chí đóng đinh câu rút ông ta) vào đêm Mailer đâm người vợ thứ hai. Ông kết hôn với Labouisse, một người “giàu có một cách đáng kinh ngạc”. Họ trở nên nổi tiếng nhờ những bữa tiệc tối ở Cambridge. Họ có chiếc bàn ăn dài và hẹp để mọi người có thể nhìn thẳng vào mặt nhau. Nói chuyện phải chung chủ đề, chỉ một cuộc trò chuyện duy nhất. Không lạc đề.

William F. Buckley Jr. từng biên tập tờ The National Review, nếu người ta có thể tin cuốn hồi ký “Overdrive” của ông, trên những chuyến đi máy bay, xe lửa, ô tô và thuyền buồm không bao giờ kết thúc. Peretz di chuyển êm đềm hơn, nhưng ông vẫn “luôn ở nơi mình cần có mặt”, trích lời bài hát của Carly Simon. Có rất nhiều câu trong cuốn sách này chẳng hạn như “Anne và tôi có bữa tiệc ở Truro tối hôm sau, và người đầu tiên đến là Diana và Lionel Trilling,” và “Al đã gọi cho tôi ở Ý, tại biệt thự I Tatti.”

Peretz trả đũa một số người. Ông đề cập đến nhà lý luận chính trị Judith Shklar như một người “biết tiếng Yiddish nhưng nói chuyện cùng vẫn không vui vẻ gì”. Nhà xã hội học Barrington Moore Jr. là “người ủng hộ tầng lớp lao động nhưng thời điểm khó khăn nhất trong đời là khi động cơ trên du thuyền của ông ta không hoạt động”. Susan Sontag chưa bao giờ cảm ơn ông vì đã giúp trả chi phí y tế khi bà ấy bị bệnh ung thư, Peretz phàn nàn, và tệ hơn, Sontag đã khiến vợ ông thất vọng khi nói, “Cô là người nội trợ rất giỏi”. Và còn nhiều nữa.

Peretz có khiếu hài hước về bản thân. Khi Ai Cập và Syria phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel tháng 10 năm 1973, ông đang ở Cape. Ông ngay lập tức gọi cho Simcha Dinitz, đại sứ Israel tại Mỹ để hỏi, “Chuyện gì đang xảy ra vậy?” Dinitz trả lời: “Chuyện đang xảy ra quá quan trọng đối với tôi nên không thể nói chuyện với ông lúc này được.”

Peretz nhớ vị trí quyền lực của mình. Ông nhớ cả đấu trường. Ông không thích những gì đang xảy ra với nền chính trị và truyền thông Mỹ. Nhưng ông có ký ức của mình. Về cuộc đời và thời đại của mình, ông nhận xét, “Đó là những thời kỳ đầy biến động, và tôi ở giữa trung tâm biến động ấy.”

THE CONTROVERSIALIST: Arguments with Everyone, Left Right and Center | By Martin Peretz | 351 pp. | Wicked Son | $28

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc