MẶT TRẬN BÁN DẪN KHÔNG YÊN TĨNH



Năm 2020, tôi được Bộ Ngoại giao Mỹ mời tham gia Chương trình Khách mời Lãnh đạo Quốc tế (IVLP) với chủ đề năm đó là “U.S. Foreign Policy in the Indo-Pacific - Joint Project for East Asia Pacific and South and Central Asian Regions”. Với chủ đề này, chương trình thăm quan làm việc 30 ngày trên nước Mỹ được thiết kế để chúng tôi đến trao đổi tại Lầu Năm góc (Pentagon, DOD), Bộ Ngoại giao (DOS), Bộ Tư lệnh Ấn-Thái (INDOPACOM), USAID, USTR, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (CSIS), Viện Brooking, Trung tâm Đông - Tây (Hawaii), cùng nhiều hãng và công ty lớn như Boeing, Amazon, Dầu mỏ Texas, Starbucks v.v. Chuyến đi này diễn ra từ 1/2/2020 nên dĩ nhiên mối quan tâm của chúng tôi về các chủ đề trao đổi khi đó là: (1) corona virus có nguồn gốc từ đâu và nó ảnh hưởng thế nào đến các vấn đề lớn toàn cầu, (2) triển vọng quan hệ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ tiếp theo 2020-2024, (3) IPS thực sự là gì, Mỹ muốn gì và châu Á có thể làm gì, (4) QUAD sẽ đi về đâu.

Nhưng buổi nói chuyện tại Pentagon đã thay đổi cách tôi sắp xếp ưu tiên trao đổi trong toàn bộ chuyến đi ấy.

Khi chúng tôi hỏi về tác động của corona virus, bạn chuyên gia người Mỹ bảo: tôi đánh giá rằng 2024 mới là thời điểm phục hồi của thế giới, nhưng với chúng tôi có thể khi đó mọi thứ mới thực sự bắt đầu. Có những cạnh tranh còn sống còn hơn cả chống dịch bệnh. Như công nghệ chẳng hạn.

Lúc nghe vậy tôi chỉ nghĩ là cái vế “tôi đánh giá rằng 2024 mới là thời điểm phục hồi của thế giới, nhưng với chúng tôi có thể khi đó mọi thứ mới thực sự bắt đầu” là nhận định xuất phát từ tình hình bầu cử, nhiệm kỳ tổng thống và quan sát chu kỳ kinh tế mỗi khi có khủng hoảng toàn cầu. Nên tôi hỏi tiếp xem có phải tôi hiểu đúng không. Nhưng người bạn đấy nói rằng: không, tôi muốn nói về công nghệ bán dẫn.

Ở thời điểm đó các lệnh cấm Huawai, ZTE, các thực thể công nghệ Trung Quốc đã tiến hành được 2 năm và bước đầu quan sát được kết quả. Tôi giữ nhận định ấy sâu ở trong lòng và ở tất cả các cuộc gặp tiếp theo tại mỗi bộ ngành, tổ chức nghiên cứu và hãng công nghệ, tôi đều cố gắng hỏi thêm về những trận địa mà một “semiconductor war” có thể diễn ra, cách thức nó có thể xảy ra, hệ quả có thể có với châu Á (tất nhiên chủ yếu là Việt Nam) và những gì mà “chúng tôi” có thể chuẩn bị. Trong cuộc gặp tại Amazon, anh bạn người Ấn Độ có hỏi liệu Amazon có thành lập tổng kho tại đấy không? Đại diện của hãng trả lời, đại ý là: Ấn Độ đã lỡ sóng công nghiệp hoá lần trước khi người Anh còn làm chủ và không có ý định chuyển giao gì, nhưng lần này chắc Ấn Độ sẽ bắt kịp chuyến tàu (cách mạng công nghệ). “Miễn là các bạn có đủ chip. Có đủ chip quan trọng hơn có tổng kho”. Nói rồi anh ấy cười lớn.

Sau chuyến đi ấy về, tôi liên tục theo dõi diễn biến cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Tôi thấy rằng trong ba lĩnh vực cạnh tranh gồm (i) an ninh, chiến lược, ngoại giao; (ii) kinh tế; (iii) công nghệ thì lĩnh vực công nghệ ngày càng trở thành mắt xích quan trọng nhất để hai bên ra đòn. Không chỉ dùng các hàng rào thuế quan, dùng hàng rào kỹ thuật mà ngay cả các lệnh cấm cũng được sử dụng rộng khắp. Mỹ dùng với công nghệ và thiết bị, Trung Quốc dùng với nguyên liệu và tài nguyên chiến lược (critical mineral). Và có thể nói không ngoa rằng cạnh tranh công nghệ cuối cùng sẽ quyết định thành công của cạnh tranh chiến lược. Bởi công nghệ sẽ quyết định cả thành bại về kinh tế, quốc phòng lẫn tầm ảnh hưởng.

Trong số các công nghệ hiện nay, công nghệ bán dẫn vẫn luôn là công nghệ của mọi công nghệ. Từ AI đến xe điện, từ điện thoại thông minh đến máy ảnh, từ điều hoà đến xe máy. Người ta đã ước tính được rằng năm 2023, mỗi công dân trên trái đất sử dụng 160 con chip các loại trong đời sống của mình. Có nghĩa là nền kinh tế và đời sống chúng ta đang tiêu ngốn 1.120 tỷ con chip. Nhưng nó vẫn đang tăng lên. Trong lĩnh vực này Mỹ vẫn là cường quốc số một với việc bán được 42% trong tổng số 660 tỷ USD doanh thu bán chip toàn cầu. Trung Quốc chỉ chiếm 7% và đang ở vị trí rất xa so với top 5.

Tuy nhiên, thay đổi một góc nhìn khác, vị thế sẽ khác theo. Từ góc độ công ty, Samsung dẫn đầu toàn cẩu về doanh thu bán chip với khoảng 76 tỷ USD. Mình nó bằng cả Trung Quốc cộng lại. Nhưng trong phân khúc đúc (foundry) thì mình TSMC của Đài Loan bằng 3/4 thị trường foundry cộng lại. Sự phân hoá là vô cùng rõ nét. Dẫu vậy, top 10 toàn cầu vẫn là sự phân chia miếng bánh giữa Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Đông Á từng là bệnh phu. Nhưng nói như anh bạn chuyên gia ở Amazon, sắp tới Đông Á mới là thầy thuốc của thế giới.

Trong số đó, Trung Quốc đang tìm cách bứt phá để trở thành một thầy thuốc mới của khu vực. Kể từ năm 1991, tức là Kế hoạch 5 năm lần thứ 8 (1991-1995), chiến lược phát triển bán dẫn đã được đưa vào kế hoạch hành động, nó kéo dài cho đến tận hiện nay. Nhưng trải qua 70 năm, Trung Quốc với 4 giai đoạn phát triển bán dẫn đã thu được các kết quả vui buồn đan xen. Trường hợp Trung Quốc để lại cho các nước catch up rất nhiều bài học và quan sát thú vị. Từ cách dùng tiền, từ cách chuyển giao công nghệ, từ chiến lược thay thế nhập khẩu, đến việc lựa chọn nhà vô địch.

Kể từ sau khi đi Mỹ về, tôi đã bắt tay vào một dự án nghiên cứu về chính sách công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, đến nay dự án cũng đã có kết quả ban đầu. Tôi khá tự tin là nhóm của mình hiểu khá rành rẽ về ngành này ở Trung Quốc, việc tiếp cận dữ liệu bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh cũng giúp cách nhìn trở nên sâu và đủ hơn. Vì thế, dự định cá nhân là sẽ gói dự án này thành một cuốn sách, khoảng 3-400 trang, xuất bản giữa năm nay. Nhưng không biết chủ đề này có đủ hấp dẫn và thời điểm này xuất bản có ổn không? Mọi người cho thêm ý kiến để mình mạnh dạn tính tiếp với ☺️

share from Facebook Phạm Sỹ Thành,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc