Ngày xưa tươi đẹp của ngành xuất bản sách, những ly Martini và mọi thứ

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



“Among Friends” (“Giữa chốn bạn bè”) là cuốn lịch sử về một ngành đã biến đổi do sự hợp nhất và thay đổi thị hiếu.

Nếu phim ảnh là thứ ta có thể tin được, thì một số những người trẻ tuổi phải chịu áp lực căng nhất ở Mỹ đang làm việc trong lĩnh vực xuất bản. Cơ sở dữ liệu trực tuyến IMDb gộp các bộ phim này lại với nhau thành một thể loại.

Cũng phải thôi. Những người trẻ tuổi trong lĩnh vực xuất bản nhận mức lương rất thấp; một số buộc phải chịu đựng tình trạng luồn cúi đến mức mất ý thức về giá trị bản thân; họ sợ rằng họ sẽ không bao giờ nắm được nghệ thuật ninja để leo lên bậc thang xã hội trong ngành văn chương. Những người lớn tuổi hơn và chắc chân hơn trong lĩnh vực xuất bản phải trèo qua cả núi xác người khác để lên được vị trí hiện tại. Họ không nhảy nếu không bị đẩy – như một số người gần đây đã và đang làm như vậy.

Không một ai biết chắc điều gì, thực sự là không. Mọi người đều đang dò dẫm đi tìm một cuốn best-seller, hoặc lang thang vơ vẩn như con lừa Eeyore đi tìm lại chiếc đuôi bị mất của nó. Các biên tập viên đang sống chết với các báo cáo lỗ lãi, hay các bảng P&L của họ. Tất cả bọn họ đều hy vọng thỉnh thoảng có thể nói, như John Le Carré đã nói bất kỳ khi nào ông kiếm được một hợp đồng xuất bản tốt, “Tối nay em yêu sẽ được ăn.”

Vì vậy thật thích thú biết bao khi hòa mình vào “Among Friends: An Illustrated Oral History of American Book Publishing and Bookselling in the 20th Century” ( “Giữa chốn bạn bè: Câu chuyện lịch sử truyền miệng có minh họa về ngành xuất bản và bán sách của Mỹ ở thế kỷ 20”, cuốn sách nghệ thuật kích cỡ khủng với giá bán khủng (200 đô la) chủ yếu là quay về thời thập kỷ 1960 cho đến thập kỷ 1990. Nếu có thể tin vào lời những người đóng góp cho cuốn sách này, đây là thời mà tất cả các ly martini đều mạnh gấp ba, những thanh niên hippy điềm đạm ở miền Tây kiếm bộn tiền khi xuất bản những cuốn sách về “thủy canh” trước khi ta có thể nói rằng đó là về “trồng chậu” và tất cả các loại thị trường đại chúng và những vụ cá cược kiểu mới – chẳng hạn như cuốn “Juggling for the Complete Klutz” (“Tung hứng với bộ Klutz hoàn chỉnh”) đi kèm với ba túi đậu, và cuốn “How to Keep Your Volkswagen Alive” (“Cách giữ cho chiếc Volkswagen của bạn chạy tốt”) – đã rất thành công.

Các nhà biên soạn cuốn sách này tập hợp được dàn hợp xướng đủ các giọng. Một số là những nhà biên tập nổi tiếng như Robert Gottlieb, người một thời là chim bồ nông dẫn đầu trong đội hình bay chữ V của tinh hoa ngành xuất bản, và Nan A. Talese và Morgan Entrekin. Nhưng nhiều người khác không nổi tiếng bằng họ. Thêm vào đó còn có tiếng nói từ ngành kinh doanh này, cũng như từ các chủ hiệu sách, các biên tập viên sách thiếu nhi, các nhà xuất bản ở xa của các nhà xuất bản độc lập, các đại diện bán hàng, v.v.

Tôi chẳng kỳ vọng vào mọi cảm xúc vui vẻ trong “Among Friends”. Cái đầu tiên phát sinh ra từ bất kỳ câu chuyện lịch sử nào là nỗi sợ hãi. Nhưng tôi thích những cảm xúc vui vẻ đó. Trong một bài tiểu luận, vị chủ tịch và chủ nhà xuất bản của Tập đoàn xuất bản St. Martin là Jennifer Enderlin kể lại việc bước chân vào ngành xuất bản vào cuối thập kỷ 80 và chứng tỏ bản lĩnh của mình bằng cuốn tiểu thuyết kinh dị dành cho thị trường đại chúng (chị viết rằng chị yêu thích nó, với “niềm đam mê cuồng nhiệt”) có tên là “Voodoo Fury” (“Sức mạnh tà thuật”) Ấn bản đầu tiên là 65.000 cuốn, đủ cho một sân vận động bóng bầu dục!

Song do sự hợp nhất của ngành và những nhân tố khác, phân khúc thấp nhất của loại sách thị trường đại chúng bị loại bỏ. Các kệ xoay bày sách bìa mềm trong các hiệu thuốc và siêu thị biến mất. Và rồi, dành cho một loại độc giả nhất định, Câu lạc bộ Sách của Oprah xuất hiện. Enderlin viết:

Bỗng nhiên, sách là vitamin chứ không phải khoai tây chiên. Chúng tồn tại để khai trí cho bạn, để thông báo cho bạn, để thảo luận với những người khác. Niềm vui tội lỗi khi đọc cuốn “Princess Daisy” (“Công chúa Daisy”) của Judith Krantz… hay cuốn tiểu thuyết của Jackie Collins không còn thịnh hành nữa.

Không chắc bạn sẽ đọc “Among Friends”. Tôi không tin rằng bạn nên đọc, ít nhất là cho đến khi cuốn này xuất hiện, nếu có khi nào, ở dạng bìa mềm. Nó có kích cỡ khủng và đầy rẫy không gian chết, giống như chiếc vali xếp đồ rất lộn xộn. Chẳng giống như những câu chuyện lịch sử truyền miệng gây ấn tượng nhất, trong cuốn sách này không có nhạc trưởng, nó trình diễn như một D.J., trộn lẫn các tư liệu với nhau. Những người đóng góp cho cuốn sách này chỉ gửi qua thư những bài tiểu luận có thể coi là giống như mục “ghi chép trên lớp học” của một tạp chí đại học. Nhưng cuốn sách này, do Buz Teacher và Janet Bukovinsky Teacher biên soạn, là dự án đầy đam mê, và nó thực hiện nhiệm vụ cần thiết là đưa những câu chuyện này lên trang giấy trước khi chúng biến mất. Những hạng mục bằng giấy có tính nhất thời được sưu tầm (những trang bìa cũ của tạp chí Publishers Weekly, các quảng cáo, v.v.) là nhất hạng. Cũng có một số câu chuyện hay được kể lại.

Chẳng hạn như câu chuyện vị tổng biên tập của Random House là Jason Epstein trả lời Mario Cuomo, ngài thống đốc New York hồi đó, khi Cuomo phàn nàn rằng vợ ông không thể tìm thấy cuốn hồi ký mới của ông trong hiệu sách: “Thưa Thống đốc, kể từ Homer tới nay chưa có tác giả nào có thể tìm thấy cuốn sách của chính mình trong hiệu sách cả”.

Chúng ta đọc được rằng có lần Bob Woodward đang đi dạo cùng người đại diện của ông là David Obst, và nhìn thấy đồng 10 xu trên phố. Theo truyền thống, các đại diện văn chương ăn hoa hồng 10% từ thu nhập của khách hàng, dù con số đó nay đã tăng lên. Woodward cúi xuống nhặt đồng 10 xu lên. Sau đó ông lục lọi trong túi, tìm thấy một đồng một xu và đưa cho Obst.

Thêm câu chuyện nữa. Ram Dass phải bị thuyết phục mới xuất bản cuốn sách best-seller năm 1971 của ông là “Be Here Now” (“Hãy tập trung vào hiện tại”), về thiền và yoga. Ông cảm thấy kiếm tiền từ những lời giáo huấn của mình là không đúng đắn. Nhà xuất bản tương lai của ông là Bruce Harris nói với ông: “Xin đừng lo ngại. Hầu hết tác giả đều không kiếm được tiền.” Cuốn sách đã ra mắt.

Ở đây có rất nhiều thứ về cuốn tạp chí chuyên khảo phản văn hóa “Whole Earth Catalog” của Stewart Brand, và cách nó truyền cảm hứng cho đông đảo nhà xuất bản nhỏ ra sao. Một người đóng góp gọi nó là “con tàu mẹ của thời đại này”. Thời bấy giờ, bạn có thể khởi lập nhà xuất bản với giá chỉ bằng một chiếc ô tô mới. Cuốn sách này ghi lại những khởi đầu nhỏ bé của các chuỗi như Borders và Books-A-Million – mỗi Goliath đều có thời là David. Rất nhiều quỹ tín thác nhỏ đã đốt sạch tiền.

Bạn đọc trẻ sẽ trợn tròn mắt trước những câu chuyện về những chiếc bàn dành cho khách thường xuyên tại Russian Tea Room [Phòng trà Nga] và Rainbow Room [Phòng Cầu vồng], những bữa tiệc kéo dài cả tuần lễ dọc sông Nile cho 100 khách và bữa tiệc cuối tuần tại Mar-a-Lago, do Oprah tổ chức, dành cho Maya Angelou.

Nhiều khả năng là họ được truyền cảm hứng từ tất cả câu chuyện thành công của một người rất đỗi bình thường không có ưu thế gì ở đây. Những cuốn sách về may vá, nghệ thuật chạm khắc chim và dập hình trang trí lên đồ da đã cứu được một số nhà xuất bản. Những cuốn như sách tô màu “ALF” cũng thế. Chúng ta được nghe những câu chuyện về nguồn gốc của những cuốn sách như “Our Bodies, Ourselves” (“Thân thể chúng ta, Bản thân chúng ta”), “Moosewood Cookbook” (“Sách dạy nấu ăn kiểu nhà hàng Moosewood”), “Zen Flesh, Zen Bones” (“Thiền đến tận cùng thân thể”), “The Tassajara Bread Book” (“Sách dạy làm bánh mỳ kiểu Tassajara”) và những cuốn sách đầu tay của các chuyên gia tiêu dùng đáng chú ý như Martha Stewart và Ina Garten .

Nếu bạn chưa nghe đến những thuật ngữ như trang in rời, dải băng gắn ở đầu hoặc cuối cuốn sách, bìa da lợn và đóng sách kiểu khâu Smyth trong một thời gian, cuốn sách này có thể là phép hoán dụ dành cho bạn.

Đầu thập kỷ 1990, trong buổi hẹn hò đầu tiên với người phụ nữ sẽ là vợ tôi, tôi đưa nàng đến hiệu sách cũ của nhà xuất bản Charles Tuttle ở Rutland, bang Vermonnt, những cuốn sách của hiệu này nằm rải rác trên nhiều tầng của một ngôi nhà cổ rộng lớn có kiến trúc không theo quy tắc thiết kế nào.

Tôi vui mừng bắt gặp Tuttle được nhắc lại trong cuốn “Among Friends”. Ông là nhân vật hay thay đổi, người mở hiệu sách tiếng Anh đầu tiên ở Nhật Bản. Chúng ta cũng đọc được rằng ông ra lệnh câu sau đây phải được khắc trên bia mộ ông: “Nơi đây Charles Tuttle yên nghỉ. Người ta nói rằng ông sẽ chẳng bao giờ thôi rượu. Lạ thay, ông đã.”

AMONG FRIENDS: An Illustrated Oral History of American Book Publishing and Bookselling in the 20th Century | Edited by Buz Teacher and Janet Bukovinsky Teacher | Two Trees Press | 541 pp. | $200

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc