Sẽ thế nào khi một người phụ nữ bị đối xử sai trái phải viện đến bạo lực?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “The Furies” (“Những cơn thịnh nộ”), nhà báo Elizabeth Flock thuật lại câu chuyện về ba người phụ nữ đã phản đòn – để bảo vệ chính họ, những người phụ nữ khác hoặc người dân của họ.

Khi Elizabeth Flock 20 tuổi, cô làm một chuyến du lịch đến Rome cùng bạn bè và cả nhóm đăng ký chuyến tham quan có hướng dẫn viên. Đêm đến, họ lang thang từ quán bar này sang quán bar khác cùng với nam hướng dẫn viên trước khi đến Đài phun nước Trevi, nơi họ ném những đồng xu qua vai xuống nước -- nghi lễ địa phương đảm bảo rằng một ngày nào đó họ sẽ quay lại thành phố này. Đó là những điều cuối cùng Flock nhớ được về buổi tối hôm đó. Cô tỉnh dậy trong căn phòng ánh sáng lờ mờ và phát hiện mình đang bị gã hướng dẫn viên du lịch kia cưỡng hiếp. Cô tê cứng cả người. “Tôi đã để điều đó xảy ra,” cô viết.

Flock, nay là nhà báo, không trình báo vụ cưỡng hiếp đó với cảnh sát vì cô “không mong gì họ sẽ giúp tôi”. Nếu tối hôm đó cô có con dao hoặc khẩu súng trong tầm tay, cô có sử dụng nó không? cô tự hỏi. Và điều gì sẽ xảy ra nếu cô sử dụng nó? Liệu cô có bị bắt và tống giam không? Nhiều năm sau, cô bền bỉ tìm kiếm gã hướng dẫn viên kia và phát hiện ra rằng gã sống cùng thành phố với cô, nơi gã sở hữu một cửa hàng nội thất. Cô tưởng tượng đến việc phóng hỏa cửa hàng đó, nhưng thay vì thế, kết cục cô lại gửi cho gã một tin nhắn trên Facebook, hỏi gã có nhớ đã gây ra những gì cho cô và bao nhiêu phụ nữ khác mà gã đã làm hại không. Cô chẳng bao giờ nhận được câu trả lời.

Cô bắt tay vào cuộc tìm kiếm mới, lần này là tìm những người phụ nữ đã làm điều mà cô không thể lấy hết dũng khí để làm: phản đòn. “Những cơn thịnh nộ” trong tựa đề của Flock là ba người phụ nữ “tự mình giải quyết vấn đề không trông chờ vào ai khác”, tự bảo vệ mình “ở nơi mà các thể chế không bảo vệ được họ”.

Tại bang Alabama, cô gặp Brittany Smith, cô này bắn chết gã đàn ông cưỡng hiếp cô. Tại Tirwa, thị trấn thuộc bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, cô tìm được Angoori Dahariya, người thuộc đẳng cấp Dalit , sau khi bị chủ nhà thuộc đẳng cấp cao hơn đuổi khỏi nhà, cô này lập ra băng nhóm toàn phụ nữ cầm gậy để đối phó với những gã đàn ông bạo hành và vô đạo đức. Và tại quận Afrin ở phía bắc Syria, cô bất chợt gặp Cicek Mustafa Zibo, người tham gia lực lượng dân quân toàn nữ để bảo vệ vùng Rojava mới tự trị với đa số dân là người Kurd, chống lại phiến quân ISIS. Trong các nghiên cứu tỉ mỉ về tính cách của ba nhân vật chính, Flock tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi mà cô đã tự hỏi mình: Việc phản đòn có dẫn đến thay đổi không?

Cuốn sách của cô không phải là lời kêu gọi vũ trang kiểu lạc quan tếu. Những câu chuyện của những người phụ nữ này không thích hợp với kiểu đạo đức dễ dãi. Smith bị một người quen cưỡng hiếp và đánh đập, gã này giam cô tại nhà cô cho đến khi cô bắn gã bằng khẩu súng của anh trai cô. Cô bị buộc tội giết người, và dự định viện dẫn lời biện hộ “kiên quyết không lùi” – đạo luật cho phép sử dụng vũ lực có thể làm chết người để chống lại các mối đe dọa chết người. Yêu cầu sử dụng lời biện hộ đó của cô bị một vị thẩm phán từ chối. Mặc dù giám định viên y tế liệt kê ra 33 vết thương trên thân thể Smith, bao gồm cả những vết cắn, khi một điều tra viên của cảnh sát được hỏi trên bục nhân chứng về mức độ nghiêm trọng trên những vết thương của cô, anh ta trả lời: "Thực tình, tôi muốn nói, tôi những tưởng phải nặng hơn thế."

Một nhà hoạt động cho Flock biết rằng vụ hiếp dâm Smith ở tỉnh đó của Alabama là nạn dịch lan tràn, và trong “The Furies”, các vụ việc chồng chất lên nhau, vụ này trội hơn vụ khác về mức độ tàn bạo. Vợ cũ của kẻ hiếp dâm Smith kể rằng gã đàn ông này từng trói cô ta vào ghế và dọa dìm chết cô ta, trong khi một người phụ nữ khác kể lại rằng chồng cũ đã “dậm mạnh” lên đầu cô cho đến khi cô ngất đi. Cảnh sát trưởng của tỉnh này nhún vai coi khinh những câu chuyện được kể lại như vậy. “Người ta phấn khích, và say sưa,” anh nói với Flock.


Vụ án của Smith có nhiều diễn biến tàn khốc – từng có lúc một quan tòa tống cô vào viện tâm thần – thế nhưng cuối cùng, sau khi Smith đồng ý nhận tội giết người, vụ án châm ngòi cho những cuộc trò chuyện trực tuyến về mong muốn của công chúng có một “nạn nhân hoàn hảo” là điều bất khả, và về tác động của chấn thương lên hành vi. Một luật sư biện hộ cho các nạn nhân bị hiếp dâm ở địa phương nói với Flock rằng cảnh sát tỉnh này “đang thực hiện nhiều vụ bắt giữ vì bạo lực gia đình hơn và các tòa án đang tuyên nhiều bản án về hành vi bạo lực hơn”. Cuộc đấu tranh để được minh oan của Smith liệu có đáng không?

Flock, người giúp sản xuất bộ phim tài liệu năm 2022 về vụ án của Smith, làm cho câu chuyện của cô rất xác thực và chi tiết, bao gồm cả bài thánh ca Baptist theo phong cách nhạc pop mà Smith hát trên đường đến tòa. So với vụ này, các tiết đoạn về Dahariya và Zibo không chi tiết bằng. Dahariya là một phụ nữ chỉ làm công việc nội trợ trong gia đình, người mà, theo lời chồng cô, “sợ đủ mọi thứ” cho đến ngày chủ nhà đuổi gia đình cô ra khỏi nhà vào năm 1999 – dù họ đã xây nhà và trả tiền hằng tháng để sở hữu mảnh đất có ngôi nhà đó. Những láng giềng thuộc tầng lớp thượng lưu sống cạnh cô có vẻ không muốn có một gia đình đẳng cấp Dalit ở cùng khu vực với họ. Sự bất công khiến Dahariya uất ức cho đến khi cô nảy ra ý tưởng rằng “cô có thể trở thành người như Phoolan Devi”, “Nữ hoàng kẻ cướp” nổi tiếng của Ấn Độ, người đứng đầu băng nhóm báo thù những tội ác gây ra cho phụ nữ. Song Flock cho chúng ta những chi tiết rất hiếm hoi về quá trình tiến triển của Dahariya từ nạn nhân thành kẻ trừng phạt: “Cô trở nên dũng cảm hơn”; "cô dường như một người khác, phấn chấn hẳn lên".

“Băng nhóm Xanh” của cô thề “chiến đấu với bọn đàn ông, đặc biệt là đẳng cấp cao, những kẻ đã làm những điều vô đạo với phụ nữ nghèo khổ” và qua một số năm, băng nhóm này thu hút được hơn 1.000 thành viên, biến “những cô gái dễ bảo như bò cái thành phụ nữ cứng đầu như bò đực”. Nhưng Dahariya không vượt lên trên những thủ đoạn bạo lực và nhục nhã mà cô và những phụ nữ khác phải đối mặt trong nhiều năm. Cô trừng phạt một kỹ sư tham nhũng bị coi là đã tính giá điện quá cao cho khách hàng bằng cách mặc cho gã chiếc váy lót bên trong sari, bôi lem luốc son đỏ lên miệng và đeo vòng tay vào cổ tay gã. Từng có lần cô và thành viên trong băng nhóm đánh đập một cô gái 17 tuổi vì tội ngoại tình, và ép cô gái kết hôn với người xa lạ như một hình phạt – làm “gương cho những cô gái khác”.

Lúc chúng ta đọc đến tiết đoạn viết về Zibo của Flock, cô đang thử thách giới hạn sự đồng cảm của chúng ta. Ở đây, bạo lực được thực hiện không phải để tự vệ mà đúng hơn là để phục vụ một lý tưởng chính trị. Năm 2013, khi 17 tuổi, Zibo gia nhập Đơn vị Bảo vệ Phụ nữ ở miền bắc Syria, phấn khích khi được chung tay bảo vệ quê hương Kurd. Cô miêu tả lần đầu tiên mình tiêu diệt một chiến binh IS là “rất đỗi hân hoan sung sướng” và nổi tiếng vì những tiếng hú hét của cô – những tiếng hò hét người ta thường bật ra trong các lễ cưới – trong các cuộc không kích và phục kích. Zibo và những người phụ nữ đồng đội mơ ước tạo ra ở Rojava một nhà nước tự trị được hình thành trên cơ sở các nguyên tắc nữ quyền. Mục đích, theo lời vị chỉ huy nói với Flock, không chỉ để phụ nữ cầm súng mà còn “nhận thức được” quyền của họ. Thế nhưng, rốt cuộc, với nhiều người Syria trong vùng, bị bầm giập bởi nhiều năm chiến tranh và đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, “những hứa hẹn về cuộc cách mạng dân chủ, bình đẳng và nữ quyền bắt đầu bị coi là ngu ngốc khi họ chẳng có gì để ăn”.

Với câu chuyện của mỗi người phụ nữ trong cuốn “The Furies”, chúng ta du hành ngày càng xa, từ căn bếp ở thị trấn nhỏ bang Alabama đến những ngôi làng, trại tị nạn và căn cứ huấn luyện ở Syria. Phạm vi của Flock đầy tham vọng, nhưng những câu chuyện về các nhân vật chính của cô chẳng dễ gì ăn ý với nhau và những quan sát rất quan trọng đôi khi nhanh chóng bị lờ đi. Flock gợi ý rằng Rojava “có khả năng là nơi tốt nhất ở Trung Đông đối với một người phụ nữ. Nghĩa là, trừ phi người ấy là kẻ đồng tính”. Vậy nhưng tuyên bố này vẫn chưa được xem xét kỹ càng và đầy đủ, dù Zibo đã phát triển mối gắn kết sâu sắc và có vẻ lãng mạn với một trong những chỉ huy của cô.

Đồng thời, những nhân vật được đặt kề bên nhau trong cuốn “The Furies” khiến ta phải suy nghĩ. Chúng ta có xu hướng coi những phụ nữ bạo lực là những kẻ lầm lạc, nhưng khi Flock kể lại những câu chuyện về Smith, Dahariya và Zibo, những khao khát và đam mê của họ, những nỗi sợ hãi, những động cơ và lỗi lầm của họ, cô chỉ ra quan niệm này sai lầm đến mức nào. Hành vi bạo lực trong cuốn sách của cô được thực hiện bởi những người phụ nữ hoàn toàn bình thường về nhiều mặt, và dù chúng ta có thể không đồng ý rằng toàn bộ mọi hành động của họ “đã góp phần tạo nên một điều gì đó xứng đáng, nó khởi động các sự kiện mà rất có thể sẽ thay đổi thế giới đi sau họ”, Flock đã làm một việc hữu ích bằng cách miêu tả sinh động sự phức tạp rất con người của những nhân vật chính trong cuốn sách của cô.

THE FURIES: Women, Vengeance, and Justice | By Elizabeth Flock | Harper | 293 pp. | $32

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc