Tết banh choành sến súa: Sốt hết cả ruột



Đợt trước bọn bán mỳ ăn liền với bột canh hay quảng cáo Tết là gia đình, Tết là gia đình, xách thùng mỳ về ôm chầm lấy gia đình em nghe đã ghét mà chưa nói. Hôm mùng 3 xem chương trình con giáp lại gia đình gia đình, em phải nói thẳng thế này.

Tết hay không Tết, mỗi lần ăn cơm, trong mỗi gia đình đều có ít nhất một người đang không ăn cơm với cha mẹ. Thường là mẹ, có thể là bố, hoặc là cả hai. Xã hội cố gắng ưu tiên cho trẻ em được đủ đầy. Còn những người đàn ông to tổ bố còn xách thùng mỳ Tết về với mẹ Tết về với mẹ, nếu vợ anh ta cũng làm như vậy, con anh ta sẽ thiếu.

Đó là tính những người ba ngày Tết ở nhà, đi nội đi ngoại. Còn bác sỹ, công an, bộ đội, bảo vệ, lãnh đạo cơ quan, an ninh trật tự. Biên cương, hải đảo, bầu trời. Trong số anh em bạn bè, nói một câu cho vuông, những người có năng lực nhất, tốt nhất, Tết thường đi vắng. Thế nên ai được ở nhà vui cứ vui, ăn cơm với mẹ cứ ăn, không nên banh choành sến súa từ TV đến trạm xe buýt đài phát thanh sốt hết cả ruột.

Vợ chồng con cái an cư lập nghiệp ở đâu, đó là quê. Nếu như Sài Gòn cho cả vợ cả chồng công ăn việc làm, cho hai đứa con trường học, cho gia đình nhỏ nơi cư ngụ, và từ trong thâm tâm mình nghĩ con lớn lên là người Sài Gòn, đó chính là quê. Bốn người đã là một “gia đình”. Ông thần bếp Sài Gòn quanh năm phù hộ bữa cơm đầm ấm, ông thổ công thổ thần Sài Gòn phù hộ yên ổn làm ăn, Tết đến mình nên thờ cúng họ, đêm ba mươi tiễn quan cựu niên, rước quan kim niên trên ban thờ Nhà mình. Không nên đóng cửa bỏ đi, chen chúc tàu xe cả nhà bay ra Bắc.

Nếu cha mẹ ở gần thì thăm trong Tết, cha mẹ ở xa thì thăm trước Tết. Cha mẹ đang ở gần hoặc ở cùng người con nào, người con đó là chủ đạo. Những người con ở xa coi như đã thoái thác trách nhiệm của mình. Vậy nên Tết rầm rập kéo về, rầm rập kéo đi không thể gọi là báo hiếu. Chẳng qua ham vui về uống rượu là chính thôi. Nên tập trung hỗ trợ tiền bạc, công sức từ trước Tết để người con ở gần trông cha mẹ kia bớt khó khăn. Họ vui thì cha mẹ quanh năm được vui.

Thật ra trước đây thường như vậy. “Tết về quê” là câu nói của sinh viên ngoại tỉnh. Lập gia đình rồi phải an cư lạc nghiệp, vun đắp nơi mình sinh sống, giúp tổ dân phố, đi trực cơ quan, thăm thầy của con, cảm ơn bác sỹ, chào hỏi hàng xóm láng giềng. Cha mẹ ở xa không nên gây sức ép để gia đình của con phải về suốt Tết của mình, để đối với thành phố nơi con ở, con mãi là người ở đợ.


Để khẳng định thêm quan điểm, kính mời các bác thưởng thức mứt Trung Ương Đảng. Mứt này của em em, là bác sỹ, trực Tết đến hôm qua mới bóc, nên em không nhận là Trung Ương cho em. Nó giỏi hơn em, tốt hơn em, xinh hơn em. Mứt này của nó.


share from Facebook Khăn Piêu,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc