Cần thay đổi chương trình đào tạo Cử nhân Anh văn
Hơn chục năm nay tôi vẫn cho rằng cần thay đổi phương pháp đào tạo chương trình cử nhân tiếng Anh ở Việt Nam, nhưng tôi biết ý kiến của mình sẽ chỉ là một tiếng kêu đơn độc giữa sa mạc. Chưa kể, với tư cách chỉ là một giáo viên kiêm phó thường dân, ai thèm nghe tôi. Cho đến khi cách đây 2 năm, nhân dịp nói chuyện với một người bạn vừa nhận chức trưởng khoa ở một trường đại học công hàng đầu ở thành phố, tôi thử đề cập đến việc thay đổi một số môn học cũ và đưa vào những môn học mới. Ngay lập tức bạn ấy lắc đầu và nói, đụng vào vấn đề đó là phức tạp và nhiêu khê lắm. Và tôi dừng câu chuyện lại ở đó.
Hè vừa rồi tôi lại có dịp gặp một trưởng khoa tiếng Anh của một trường đại học công uy tín khác ở thành phố. Trong khi nói chuyện, tôi cũng thử đề cập đến việc loại bỏ các môn học kỹ năng như Listening, Speaking, Writing, Reading & Grammar ra khỏi chương trình học (vì theo tôi chúng chỉ làm phí phạm thời gian học của sinh viên), và nên thay vào đó bằng những môn học về các ngành nhân văn và khoa học xã hội. Thật bất ngờ, bạn ấy cho biết khoa của bạn ấy đang có kế họach bỏ những môn học kỹ năng nói trên ra khỏi chương trình học ở cấp độ căn bản. Tôi nói, nếu thay thế được bằng những môn học dạy kiến thức xã hội, tôi sẵn sàng tình nguyện dạy cho khoa của anh ta. Người trưởng khoa này còn trẻ (quá 30 tuổi nhưng có lẽ chưa đến 40) và đã tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ.
Chủ nhật tuần vừa rồi tôi nói chuyện với ba tôi qua skype và hỏi ba tôi về các môn học trong chương trình Anh văn của Đại học sư phạm Huế (thuộc Viện Đại học Huế) mà ba tôi là sinh viên khóa đầu tiên, niên khóa 1959-1963. Và tôi bị bất ngờ.
Tôi đã nghe ba tôi kể vài lần và biết được những điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống giáo dục thời đó, nên tôi không có những ảo tưởng nhất định (ít nhất là trong khoảng thời gian những năm cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60) như những bài viết trên mạng thích thổi phồng và lý tưởng hóa nền giáo dục miền Nam trước 1975.
Nhưng tôi bất ngờ là sinh viên khoa Anh thời đó không cần phải học những môn kỹ năng cơ bản như Grammar, Listening, Writing, hay Reading. (Môn Speaking thì lớp ba tôi chỉ học một khóa duy nhất vì trường kiếm được một giáo viên người Mỹ, và ngoài ra còn có học môn Translation dịch từ Anh sang Việt).
Bạn có thể tưởng tượng sinh viên thời đó thiếu thốn sách vở tiếng Anh ra sao không, đến nỗi ba tôi và bạn bè nhiều khi phải học tiếng Anh từ các sách song ngữ Pháp-Anh. Còn các phương tiện nghe/nhìn và các cơ hội thực tế để luyện tập hai kỹ năng nghe/nói thì càng không hề có. Ấy vậy mà đối với những sinh viên bước chân vào giảng đường đại học thời đó, họ được học những môn học thực thụ, chuyên về kiến thức và sự hiểu biết chứ không học những môn học mang tính kỹ năng nghe/nói/đọc/hiểu. Vì đó chính là cách tiếp cận giáo dục bậc đại học của Mỹ và phương Tây.
Tuần vừa rồi tôi đọc báo thấy các môn thi tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ được thay đổi, theo cách tiếp cận giống như tại một thời điểm của quá khứ. Chúng ta mất gần 50 năm loay hoay đi một vòng tròn cuối cùng để quay lại một điểm trong quá khứ.
Vậy còn ở bậc đại học?
Tại thời điểm 2023, sinh viên ở các trường đại học công hàng đầu (với điểm chuẩn đầu vào cao) nhìn chung giỏi các kỹ năng Listening, Speaking, Reading, Writing hơn nhiều so với những thế hệ trước. Hà cớ gì chúng ta lại kìm hãm và kéo tụt sự tiến bộ về khả năng hiểu biết và sử dụng ngôn ngữ của họ bằng cách bắt buộc họ phải học những môn học kỹ năng cơ bản nói trên?
Giữa hai lựa chọn (a) tập trung đào tạo, cho ra trường những sinh viên trưởng thành, chín chắn, có tầm nhìn, có kiến thức hiểu biết sâu rộng, và (b) đào tạo, cho ra trường những sinh viên có kỹ năng tốt nhưng kiến thức và hiểu biết nghèo nàn, nông cạn, bạn nghĩ mục tiêu nào là quan trọng hơn?
Sự thay đổi này có thể không áp dụng được ở những trường đại học tư hạng 2, nhưng ở những trường công có số sinh viên đầu vào thuộc top 10% (như trường KHXH & NV) thì đây là việc cấp bách cần làm.
share from Facebook Hoang Thach Quan,
Post a Comment