"Chính sách tiền tệ thế kỷ 21" - cuốn cẩm nang về Lạm phát và "Hướng dẫn sử dụng" FED



Cuốn sách rất bổ ích và đáng đọc, nhất là với dân tài chính.

Cảm ơn Omega Plus Books và anh Sơn Phạm góp phần mang cuốn sách về cho độc giả Việt Nam.

========================

Lạm phát – có khi nó là con đường hẹp, có khi nó là đường cao tốc – nhưng chắc chắn là con đường một chiều trong dài hạn, xu hướng tất yếu mà khi đã bước vào không còn đường quay lại. Câu này tác giả không nói, mà là mình đúc rút ra bằng kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức của cá nhân.

Khoa nhắc đến điều này vì cuốn sách Chính sách tiền tệ Thế kỷ 21 của Ben S. Bernanke như một cuốn cẩm nang về Lạm phát và những vấn đề xoay quanh khái niệm này. Thật vậy, Ben dẫn dắt chúng ta đi qua từng khái niệm về tài chính vĩ mô như đường cong Philips, Cục dự trữ liên bang FED và FOMC, kinh tế học Keynes, công cụ lãi suất quỹ và Nới lỏng định lượng QE… tất cả đều xoay quanh bối cảnh là cuộc chiến nhằm kiểm soát Lạm phát và Tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là tại các thời điểm khủng hoảng trong lịch sử kể cả những tác động của giai đoạn đình trệ do đại dịch Covid. Cuốn sách gốc được xuất bản năm 2022 nên rất mang tính thời cuộc và có thể là chỉ báo cho nhân sự ngành tài chính trong tương lai gần.

Đối với độc giả hoàn toàn chưa có tiếp xúc lĩnh vực tài chính có lẽ sẽ tiếp cận chậm một chút với những khái niệm chuyên môn. Ba lực đẩy của Lạm phát gồm Cầu kéo, Chi phí đẩy và Vòng xoáy kỳ vọng lạm phát. Ben vẽ lại bức tranh của ba động lực này của Lạm phát trong suốt quá trình phát triển của FED cho đến nay qua nhiệm kỳ của các Chủ tịch với những bài học quý giá, những sai lầm và đặc biệt là những vũ khí chính sách mới được tạo ra qua từng thời đại để gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách và nhân sự ngành tài chính những câu hỏi hóc búa:

· Làm thế nào các Ngân hàng Trung ương có thể hỗ trợ nền kinh tế khi lãi suất ngắn hạn ở mức gần bằng 0?

· Làm sao thiết lập và duy trì sự độc lập trong quyết định chính sách với các áp lực chính trị?

· Đối với các nền kinh tế đang phát triển, phải chăng dòng vốn ngoại nào đổ vào thị trường cũng tốt?

· Việc duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài có thật sự tốt cho nền kinh tế?

· Vì sao lãi suất có xu hướng giảm dần trong dài hạn?

· Ưu và nhược điểm của Chính sách tiền tệ so với Chính sách Tài khóa là gì và điểm cân bằng nằm ở đâu?

Bên cạnh đó, Khoa cũng nhìn nhận cuốn sách này giống như bản “Hướng dẫn sử dụng” FED một cách dễ hiểu vậy. Chúng ta sẽ quay lại năm 1913 khi FED mới được thành lập dù đã được nhen nhóm ý tưởng từ hơn 120 năm về trước và chỉ thật sự định hình rõ được vai trò của mình trong thập niên 1950 – giai đoạn thoái trào của chế độ bản vị vàng và khởi đầu của kỷ nguyên Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới. Phần lớn chúng ta tiếp cận FED với những bài báo ngắn gọn về việc tăng giảm lãi suất để đưa ra quyết định đầu tư, thường là lướt sóng chứng khoán; nhưng cuốn sách này làm rõ cho chúng ta biết những quyết định đó từ đâu mà có, cơ cấu tổ chức của FED như thế nào? FOMC là ai? Nguyên tắc bầu cử giữa các nhiệm kỳ và quan trọng nhất là quy trình biểu quyết các chính sách của cơ quan tài chính gần như quyền lực nhất thế giới diễn ra như thế nào. Qua đó, phần nào chúng ta biết cách đọc hiểu các thông điệp gốc của FED để dự đoán góc nhìn tiếp theo của FED cũng như tránh bị dẫn dắt bởi các bài báo đã được dịch lại theo chủ ý của người viết.

Ben cũng đề cập đến tiềm năng phát triển của đồng tiền kỹ thuật số của các Ngân hàng Trung ương cũng như so sánh nó với các loại đồng tiền mã hóa khác hiện nay. Đây cũng một trong những vũ khí chính sách trong tương lai của các Ngân hàng Trung ương và sẽ luôn có những công cụ mới đi kèm với những thách thức mới vì sẽ không có cuộc khủng hoảng nào lặp lại một cách tương đồng hoàn toàn cả.







share from Facebook Trần Đăng Khoa,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc