Chính sách tiền tệ thế kỷ 21 – Ben S. Bernanke



Rate 4.5/5

Đã từ rất lâu rồi, khi kết thúc quá trình học chuyên ngành Tài chính sau gần 10 năm kiên trì theo đuổi, mình mới lại đọc một cuốn sách chứa đựng những kiến thức về tài chính – kinh tế khiến mình thực sự phải dừng lại đọc chậm và nghiên cứu nghiêm túc.



Chắc mọi người cũng biết, trên một mặt phẳng, cứ 3 điểm không nằm trên cùng một đường thẳng thì sẽ tạo thành 3 đỉnh của một tam giác; tương tự trong kinh tế học, có 3 yếu tố tạo thành 3 đỉnh tam giác bởi chúng “không thể cùng lúc xảy ra” đó là: theo đuổi tăng trưởng kinh tế (GDP), giảm lạm phát, và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Luôn luôn phải có sự đánh đổi 1 trong số chúng. Có một nhà kinh tế học đã đơn giản hóa mối quan hệ này và biểu diễn trên đường cong Philips – Philips curve. Khi theo đuổi tăng trưởng kinh tế tạo ra nhiều công ăn việc làm khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên giảm xuống, lượng tiền lưu thông trong thị trường tăng lên, dẫn đến kết quả là thường sẽ luôn kèm theo lạm phát; và ngược lại, khi kiểm soát lạm phát chặt chẽ, lượng cung tiền trong nền kinh tế sẽ giảm xuống, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Có 2 cách chính để điều tiết lượng tiền trong nền kinh tế đó là Chính sách tài khoá (thông qua chi tiêu chính phủ và thuế) và Chính sách tiền tệ (thông qua điều chỉnh lãi suất Ngân hàng trung ương và mua bán các loại Trái phiếu thanh khoản cao như TP Kho bạc, Chính phủ,…) mỗi cách có ưu nhược điểm riêng.


Có 2 loại lạm phát. Loại thứ nhất là inflation – loại lạm phát thường gặp nhất, nguyên nhân do cầu kéo hoặc do chi phí đẩy sẽ tuân theo quy luật của đường cong Philips; ngược lại với lạm phát là giảm phát. Loại thứ 2 là stagflation – lạm phát đình đốn, xảy ra khi có một cú sốc mạnh đối với giá sản phẩm đầu vào quan trọng Ví dụ như là khủng hoảng dầu mỏ năm 1970s khiến giá dầu tăng lên nhưng sản xuất không phát triển khiến cung tiền giảm xuống, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và tăng trường kinh tế chậm lại.

Và tùy thuộc vào nguyên nhân của từng loại lạm phát cũng như mục tiêu theo đuổi khác nhau của các nhà hoạch định chính sách mà có những chính sách kinh tế khác nhau để điều chỉnh và điều hướng nền kinh tế.

Ben Bernanke – Cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên Bang Hoa Kỳ (FED) – người đã kinh qua cuộc khủng hoảng kinh điển nhất – cuộc khủng hoảng bong bóng nhà đất năm 2008 tại Mỹ đã nghiên cứu và kể lại toàn bộ tiến trình kinh tế Mỹ từ thế kỷ 20 đến nay cô đọng trong hơn 500 trang của cuốn sách này. Ben Bernanke là nhà kinh tế học hiếm hoi đạt được tất cả những điều mà ai ai theo đuổi ngành kinh tế cũng mong muốn, đó là: ông thành công trong lĩnh vực học thuật khi là GS nghiên cứu trong trường đại học; sau đó lại trở thành cố vấn, chuyên gia lão luyện trong lĩnh vực hoạch định chính sách kinh tế; thành công tiếp nối khi trở thành Chủ tịch FED kế thừa thành quả của Greenspan để lại với biết bao áp lực người tiền nhiệm nhưng vẫn thể hiện rất xuất sắc và để lại ấn tượng lớn với các chính sách QE - Quantitative Easing rất hợp lý, hợp thời, đúng lúc, lội ngược dòng dư luận và thậm chí còn là những cú phản đòn chính trị rất quyết liệt; cuối cùng là đạt Nobel kinh tế học năm 2022 cho các công trình phân tích kinh tế về khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 1930s. Mình cực kỳ thích nghiên cứu về những người kế thừa, bởi lẽ, dưới áp lực thành công của người đi trước, mình muốn biết họ sẽ lèo lái tổ chức thế nào để tiếp tục thành công vang dội và để lại dấu ấn mạnh mẽ mà vẫn thể hiện được màu sắc riêng. Về mặt này, ngoài Tim Cook của Apple, có lẽ Ben Bernanke là người khiến mình ấn tượng nhất; ấn tượng ấy to lớn thế nào thì phải đọc cuốn sách của ông để thấy được tiến trình ấy.

Cuốn sách này của Ben Bernanke cũng như chính ông, có được mọi thứ mà tất cả những tác giả dòng sách kinh tế học đều mong có được: nó chứa đựng những kiến thức kinh tế học vô cùng uyên thâm được diễn giải chi tiết và đơn giản hóa nhưng nó lại không quá hàn lâm như sách học thuật dùng trong các trường đại học để những người học kinh tế cơ bản đều có thể hiểu được dễ dàng, còn người học chuyên sâu có thêm tư liệu để nghiên cứu. Đối với những người không học qua ngành kinh tế, có lẽ sẽ hơi vất vả một chút vì không phải khái niệm nào cũng quen thuộc, nhưng những câu chuyện của các chính trị gia và các nhà kinh tế mà Ben thẳng thắn kể lại thì có lẽ vẫn là những thứ cần lưu tâm học hỏi, cuộc sống vận hành vốn phức tạp. Chính bởi vậy, mỗi người đọc sẽ luôn tìm được những thứ mà mọi người cần nhưng không thể dễ dàng kiếm được trên mạng hay bất kỳ đâu.

Là một người học, gần 10 năm tuy không phải là quãng thời gian dài nhưng mình những tưởng bản thân đã học qua cả chục lần thế nào là các cuộc đại khủng hoảng, lịch sử chế độ bản vị các loại tiền, các chính sách kinh tế vĩ mô, các công cụ điều tiết nền kinh tế, các khái niệm học thuật… Nhưng đó mới chỉ là “bộ não dùng trong trường học” mà thôi, ở đây, mình hiểu thêm rằng, không chỉ có các nhà kinh tế học và các chuyên gia mới tham gia vào quá trình điều tiết thị trường và hoạch định chính sách kinh tế mà các chính sách này còn chịu áp lực vô cùng lớn từ giới chính trị gia và mục tiêu theo đuổi của chính phủ, cũng như như phản ứng từ dư luận; việc bỏ qua các phản ứng từ thực tế mới là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các thất bại thị trường. Khác với các bộ phim gay cấn trên mạng, những tình huống giật gân hay căng thẳng đến từ một cú điện hay một bản fax chưa bao giờ là tất cả đối với một nền kinh tế bị chi phối bởi tất cả các bên; đôi khi việc chuyển dịch được nền kinh tế cần nhiều khoảng thời gian chờ đợi trong lo âu trước khi biết chính xác được rằng nó sẽ hiệu quả đến mức nào.

Muốn dành thời gian để chỉ ra những “trận chiến” thú vị, nhưng đọc cả cuốn lại thấy điều đó là không thể vì nó quá nhiều. Hy vọng mọi người sẽ thấy nó đủ hấp dẫn để rước về nhà. 🥰

Credit: Omega+ Buddies Nguyen Thu Ha,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc