CHIP WAR TRONG LÕI



Semiconductor là vật liệu. Dựa trên vật liệu vật lý đó chúng ta có thể thiết kế các loại vi mạch tích hợp sử dụng cho mọi thiết bị điện tử, từ dân sự đến quốc phòng. Sản xuất chất bán dẫn là lĩnh vực không chỉ hao ngốn tiền của mà còn hao ngốn chất xám. Đầu tư R&D cho bán dẫn luôn chiếm khoảng 14% tổng chi phí trở lên của các doanh nghiệp bán dẫn, trong khi chi phí vận hành (ví dụ cho nhân sự) chỉ chiếm chưa đầy 5%. Vì thế, dễ hiểu vì sao trong mọi loại chính sách hỗ trợ, tài trợ của chính phủ cho hoạt động R&D luôn chiếm tỷ trọng cao và thường được ưu tiên tiến hành trước tiên.

Để các khoản đầu tư R&D phát huy hiệu quả, hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPR) cũng cần được chú trọng cho dù điều này thường không được tính là một chính sách hỗ trợ của chính phủ. Đối với các công ty không có nhà sản xuất (fabless), sự bảo vệ này càng quan trọng. Dữ liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) cho thấy Huawei Technologies (Trung Quốc), là đơn vị đăng ký sở hữu trí tuệ hàng đầu, với 7.689 đơn đăng ký được công bố năm 2022, Samsung Electronics (Hàn Quốc) đứng thứ hai, tiếp theo là Qualcomm (Mỹ), Mitsubishi Electric (Nhật Bản) và Ericsson (Thụy Điển) đều nằm trong top 10 công ty nộp đơn đăng ký bằng sáng chế quốc tế theo Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT) năm 2022. Cũng trong năm đó, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, bỏ xa Mỹ ở vị trí thứ hai với gần 10.000 đơn.


Tính đến hết quý 3/2022, có tổng cộng 69.190 bằng sáng chế trên khắp thế giới về chất bán dẫn được nộp trong đó 55% là do các thực thể Trung Quốc nộp. Điều này được lý giải là do Trung Quốc tăng cường chú trọng vào đổi mới để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây sau khi nước này bị áp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ đặt ra. Mỹ đứng thứ hai với 26% số lượng bằng sáng chế nộp đơn xin bảo hộ. Nhưng xét về mặt thực thể, TSMC dẫn đầu với 4.793 bằng sáng chế liên quan đến bán dẫn (chiếm tới 7% tổng số bằng toàn cầu, con số này gấp 27 lần số lượng bằng sáng chế bán dẫn của nước Anh).

Kể từ sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ vào các thực thể công nghệ Trung Quốc xuất hiện, sau 5 năm, YMTC đã vượt qua các công ty khác trên thế giới để trở thành công ty đăng ký nhiều phát minh sáng chế trong lĩnh vực chip bộ nhớ nhất (năm 2023).

Những số liệu như vậy dễ làm cho chúng ta choáng ngợp. Bởi đa phần các trích dẫn này đều không đưa toàn bộ bức tranh mà chỉ đưa một góc hình hài đang hình thành nào đó. Hoặc là mang tính xu hướng, tính thời điểm. Và đa phần chúng ta sẽ nhìn thấy mặt tích cực của số liệu. Chẳng hạn, doanh thu tiêu thụ chip của Trung Quốc trong tổng toàn cầu lần lượt là 1% (2000), 11% (2010), 15% (2020) và dự kiến đạt 24% (2030).

Nhưng mặt tối của số liệu thì cũng cần biết. Trung Quốc hiện chiếm gần 40% sản lượng tiêu thụ chip toàn cầu, doanh thu đạt khoảng 15% nhưng lợi nhuận chỉ đạt chưa đầy 7% tổng lợi nhuận toàn cầu. Với doanh thu và lợi nhuận chênh lệch như vậy, rõ ràng lợi thế về công nghệ vẫn đang nằm ở trong tay các công ty nước ngoài. Nhìn từ góc độ này chúng ta sẽ thấy số lượng bằng sáng chế bán dẫn của Trung Quốc dù chiếm 55% tổng số bằng sáng chế bán dẫn thế giới trong năm 2023, cũng trở nên kém ý nghĩa. Đó không chỉ là vấn đề số lượng.

Vấn đề của công nghệ luôn nằm ở chất lượng. Một nghiên cứu của Business and Politics năm 2022 cho thấy các bằng sáng chế bán dẫn của Trung Quốc có mức hiệu ứng lan toả thấp. Có nghĩa là ít có công ty nước ngoài trả phí để sử dụng các sáng chế này. Sở hữu trí tuệ vì thế to nhưng chưa đủ khoẻ.

Bán dẫn trong chuỗi giá trị của mình có 3 cổ chai (chokepoint). Trong lĩnh vực thiết bị và vật liệu có một cổ chai, nằm ở máy quang khắc. Trong lĩnh vực thiết kế nằm ở quyền sở hữu trí tuệ và phần mềm thiết kế tự động hoá. Trong lĩnh vực đóng gói thử nghiệm, nằm ở đóng gói thử nghiệm tiên tiến. Mà tận cùng của mọi cổ chai này đều nằm ở chỗ bằng phát minh sáng chế nằm ở đâu?

Vì sao ASML phải ngừng bán máy Quang khắc siêu cực tím cho Trung Quốc từ đầu năm 2024? Vì bằng sáng chế máy đó nằm ở Mỹ.

Đương nhiên, để có công nghệ, Trung Quốc có thể dùng nhiều cách, cho dù tốn sức, tốn của, tốn thời gian hơn. Nhưng chưa ai trả lời được trong lĩnh vực đậm đặc công nghệ này, việc tốn thời gian và tốn tiền hơn có nhất định sản sinh ra tri thức cần thiết hay không?

Để đối phó với bài toán về tự chủ phát minh sáng chế, Trung Quốc đã áp dụng ít nhất bốn cách. (i) Phát triển công nghệ lưỡng dụng giữa quân sự và dân sự. Học viện Khoa học Quân sự của Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã sử dụng một tiêu chuẩn mã nguồn mở có tên RISC-V để giảm sự cố trong chip dành cho điện toán đám mây và ô tô thông minh; (ii) mua các công ty khởi nghiệp nhỏ của Mỹ. Việc bán các bằng sáng chế của công ty khởi nghiệp zGlue năm 2021 không có gì đáng chú ý, ngoại trừ công nghệ mà công ty sở hữu, được thiết kế để cắt giảm thời gian và chi phí sản xuất chip, xuất hiện 13 tháng sau đó trong danh mục bằng sáng chế của Chipuller, một công ty khởi nghiệp ở trung tâm công nghệ phía nam Thâm Quyến của Trung Quốc. Chippuller đã mua công nghệ chiplet, một cách tiết kiệm chi phí để đóng gói các nhóm chất bán dẫn nhỏ để tạo thành một bộ não mạnh mẽ có khả năng cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ trung tâm dữ liệu đến các thiết bị gia dụng; (iii) hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đăng ký sáng chế.

Câu hỏi cuối cùng mà tôi luôn rất thích tìm cách trả lời sau mỗi lần trò chuyện với những người làm kinh doanh và chính sách đó là họ luôn hỏi rằng: Thế END-GAME của cuộc đua này là gì?

Dần dần chúng tôi đã hình dung được end-game với ba kịch bản. Chia cắt công nghệ thì sao? Hợp tác trong cạnh tranh thì sao? Nếu hợp tác hoàn toàn thì sao?

Giờ chỉ là đánh cược xem end-game nào dễ xảy ra hơn cả?

share from Facebook Phạm Sỹ Thành,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc