Rất vô nghĩa khi tranh cãi trẻ con có nên học code không



Câu chuyện tranh cãi trẻ con có nên học code không, từ câu phát biểu của Jensen Huang, thật ra khá vô nghĩa. Nó cũng giống như tranh luận trẻ con có nên học Toán không trong thế kỷ 20.

Chắc chắn là có 90% trẻ em của thế kỷ 20 không bao giờ cần đến các kiến thức Toán mà chúng học trong trường phổ thông, ở những thứ nhiều hơn phép cộng trừ nhân chia và bảng cửu chương. Và cũng tương tự, trong những đứa trẻ của thế kỷ 21, sẽ có 90% không bao giờ cần đến kỹ năng coding dù là bằng Python, bằng R hay bằng các phần mềm gì gì đi nữa. Những kỹ năng đấy với hầu hết đứa trẻ sẽ là không cần thiết khi chúng có thể ra lệnh cho AI bằng ngôn ngữ của con người. Nhưng với 10% còn lại, đó là những thứ cần thiết, bởi vì trước khi có thể ra lệnh cho AI hiểu được cách con người nói, thì cần huấn luyện cho AI làm được điều đó, hay nói cách khác là học cách đặt ra các quy tắc, hiểu thấu về cách mà AI có thể học...Đó là những thứ mà coding có thể dạy cho những đứa trẻ, để chúng, ít nhất, cũng cảm thấy dường như là mình hiểu được các nguyên lý vận hành, chứ không phải chỉ là một sự tiếp nhận thụ động, như những ông chủ không bao giờ thực sự hiểu những kẻ làm thuê nghĩ gì và luôn tiềm ẩn một nỗi lo là có ngày những kẻ làm thuê (hay đám nô lệ không được trả công này) nổi loạn và xiên ông chủ.

Và nhìn chung, cho dù Huang tất nhiên là người cực kỳ thông minh và thành đạt, nhưng không phải những gì ông ta nói đều đúng (cũng như những lời hứa hẹn của ông ta về việc Việt Nam, hay Ba Lan, hay Indonesia, hay Malaysia hay nước nào đó...sẽ là trung tâm của hoạt động sản xuất chip toàn cầu...). Khi một người nổi tiếng nói, đôi khi ta nên nghĩ câu đó ông ta nói với tư cách gì, đại diện cho ai (90%, 10%, 1% hay 0,0001% nhân loại), vì mục đích gì...

Và về cơ bản, mình nghĩ học coding nhìn chung là điều cần thiết, nó sẽ trang bị một thứ tư duy logic rõ ràng, mạch lạc. Nhưng tất nhiên, nếu chỉ coding là ko đủ, và tư duy của một nhà lập trình cũng là một thứ tư duy rất hữu hạn (vì khi đẩy sự logic hay tư duy nhị phân, tư duy phân nhánh... tới tận cùng thì nó sẽ là một thứ cực đoan, rất dễ mắc lỗi). Và cuộc sống luôn cần một sự đa dạng, nhiều kiểu tư duy, nhiều loại hình thông minh và sự chấp nhận tính đa dạng đó, sao cho chúng có thể cùng tồn tại và cùng đơm hoa, kết trái.

Chứ còn một xã hội nơi tất cả những đứa trẻ đều chạy đua trong việc coding và điều khiển AI, đó sẽ là một xã hội tẻ nhạt và có khả năng rơi vào trạng thái đóng kín, tuyệt đối hóa các giá trị và mất phương hướng. Có lẽ đó cũng là một mối lo sợ thầm kín của Huang khi ông ta cho rằng trẻ em trong xã hội tương lai, không nên học coding chăng?

share from Facebook Linh Hoang Vu,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc