Bắt hàng trăm người làm nô lệ, nhưng rồi để lại di chúc trả tự do cho họ. Có lẽ vậy.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Lời tuyên bố đầy tranh cãi lúc lâm chung; nhiều ý nguyện trái ngược nhau; những lời cáo buộc tâm thần: Đây là những vấn đề trọng tâm trong cuốn sách A Madman's Will (Di chúc của một người điên), cuốn sách là lời kể của Gregory May về một chính khách Virginia, người giam giữ nhiều đàn ông và phụ nữ trong vòng nô lệ suốt cuộc đời của mình để rồi trả tự do cho họ khi ông hấp hối.

Vì sao một người bảo vệ quyền sở hữu nô lệ khét tiếng trong chính quyền, một nghị sĩ Mỹ và là một trong những người sở hữu nô lệ nhiều nhất đất nước, lại lựa chọn thực hiện một trong những sự kiện giải phóng nô lệ lớn nhất lịch sử là phóng thích tất cả nô lệ ông sở hữu? Ông ấy có bị điên không? Điều quan trọng không kém là người dân và đất nước của ông có sẵn sàng chấp nhận lựa chọn ấy và những hậu quả từ đó hay không? Đây là một vài câu hỏi khiến những mong muốn cuối cùng của người chủ nô trở thành câu chuyện xôn xao ở thời điểm đó và thúc đẩy cuốn sách nghiên cứu mới mở rộng tầm mắt và đầy nhiệt huyết của tác giả Gregory May , “A Madman's Will”.

Người chủ nô là John Randolph vùng Roanoke — một chính khách lâu năm ở Virginia nổi tiếng sắc sảo, xanh xao, tính dục không rõ ràng, chưa bao giờ kết hôn hay có con nên không có người thừa kế hợp pháp khi ông qua đời năm 1833. Randolph từng thừa kế nợ nần cũng như đất đai và tài sản con người, nhưng nhờ khai thác lao động nô lệ cẩn trọng và có hệ thống, ông tạo dựng được khối tài sản khổng lồ.

Khi làm việc tại Quốc hội, có lúc ông từng xông vào Hạ viện cùng với bầy chó săn và thường xuyên gây ồn ào như thế bằng ngôn từ châm chọc — truyền tải qua “giọng nói nữ tính chói tai”, có thể do bất thường di truyền hoặc bệnh tật ở tuổi vị thành niên — nên đồng nghiệp của ông thường né tránh. Sau khi Henry Clay, khi đó là ngoại trưởng, bắn xuyên áo khoác của Randolph trong hiệp đấu tay đôi thứ hai, Randolph bắn súng của mình vào không trung rồi tuyên bố: “Anh nợ tôi một chiếc áo khoác, anh Clay.” Là nhân vật gây tranh cãi trong suốt cuộc đời mình, khi qua đời Randolph gieo rắc nhiều nỗi hoang mang bằng một loạt di chúc cho thấy không chỉ nhiều điểm mâu thuẫn điên rồ của ông, mà theo như tác giả May chứng minh hết sức thuyết phục, cả những mâu thuẫn của một thời đại và quốc gia.

Lúc lâm chung, Randolph nói với bác sĩ đang điều trị cho ông mong muốn “xác nhận mọi ý định trong di chúc của tôi, đặc biệt là tôn trọng nô lệ của tôi, là những người được tôi trả tự do và tôi đã có dự phòng cho họ.” Và rồi buổi sáng hôm ấy, trước nhiều nhân chứng, Randolph tuyên bố: “Tôi mong muốn những điều khoản trong di chúc của tôi, đặc biệt là điều khoản về nô lệ của tôi, được thực thi, và nhất là việc chu cấp cho người đàn ông này.” Người đàn ông được đề cập đến là John White, một trong số ít những người bị bắt làm nô lệ được Randolph coi là “bạn thân nhất” của mình, nhưng người này bị ông bỏ tù sau khi cố gắng bỏ trốn, và chẳng bao lâu trước còn bị đánh đòn vì cáo buộc “cờ bạc bằng tiền ăn cắp.”

Vấn đề là: Những gì người sắp chết nói hoàn toàn khác với nội dung di chúc cuối cùng của ông. Một số di chúc trước đó, được ghi lại từ năm 1800 đến năm 1821, với nhiều bản bổ sung khác nhau thêm vào nhiều lần sau đó, đã có nội dung trả tự do cho nô lệ của ông và hứa cấp tài sản hỗ trợ họ. Tuy nhiên, bản di chúc cuối cùng được biết đến, từ năm 1832, lại đảo ngược hết nội dụng. Trong đó, Randolph hủy bỏ nguyện vọng trả tự do cho nô lệ và để lại phần lớn tài sản của mình cho đứa con trai 2 tuổi của cháu gái ông.


Đối với những người nô lệ, khác biệt trong thay đổi này thật tàn bạo. Di chúc trước đó hứa hẹn với họ không chỉ quyền tự do mà còn cả đất đai ở một bang khác (luật Virginia yêu cầu người được giải phóng phải rời khỏi bang). Nếu bản di chúc cuối cùng là cao nhất, cộng đồng của họ sẽ bị phá hủy và gia đình họ cũng tan nát, hầu hết nô lệ sẽ bị đem bán. Một người thi hành pháp lý cho rằng Randolph “để lại tất cả ở tình trạng tốt nhất có thể để dẫn đến kiện tụng,” và ông ấy đã đúng.

Tác giả May, từng là luật sư, dẫn dắt chúng ta qua cuộc chiến pháp lý sau đó, giải thích động cơ và hành động của nhiều bên — gồm cả người thân của Randolph, những người phản đối phóng thích nô lệ — mà không khiến người đọc bỏ cuộc trong những khúc quanh co của thủ tục pháp lý tẻ nhạt. Điểm gây tranh cãi: Randolph có tỉnh táo vào thời điểm ông lập các di chúc khác nhau không? Rõ ràng ông ấy trải qua điều tác giả May gọi là một dạng "suy thoái tinh thần" khi ông tham gia phái đoàn ngoại giao tới Nga năm 1830, sau đó ông càng trở nên hoang tưởng và ngược đãi đối với nô lệ của mình.

Tác giả May tiếp cận câu hỏi về chứng điên của Randolph không phải thông qua chẩn đoán lâm sàng hiện đại, là điều bất khả thi, mà từ góc độ cách hiểu bệnh điên cả vê mặt pháp lý lẫn y khoa trong thời kỳ đó. Tác giả cũng đặt kế hoạch phóng thích nô lệ của Randolph trong bối cảnh tiểu sử và lịch sử. Chúng ta được biết Richard, anh trai của Randolph trước đó đã giải phóng và cấp đất cho 155 người (xem cuốn “Israel on the Appomattox” của Melvin Patrick Ely), và hành động như vậy phù hợp thế nào với quan điểm đang hình thành đối với chế độ nô lệ. Tác giả May sắp xếp khéo léo cuộc tranh luận về di nguyện của Randolph theo sự phân chia thế hệ: Những gì người Mỹ thực dân từng “coi là tội ác di truyền thì giờ đây con cháu họ bảo vệ như điều tốt đẹp tích cực — hoặc ít nhất là tốt hơn những phương án khác.”

Suốt hành trình cuốn sách, tác giả May khắc họa bức tranh sống động, đầy sắc thái về nhiều nhân vật khác nhau, trong đó có cả những người anh cùng cha khác mẹ đầy mưu mô của Randolph và cháu gái Elizabeth Bryan của ông, cô này rất ngạc nhiên với viễn cảnh cậu con trai nhỏ của mình có tiềm năng là người thừa kế. (Randolph từng viết về trẻ nhỏ: “Tôi cực kỳ ghét lũ tiểu quỷ khốn nạn khó chịu và không bao giờ muốn nhìn thấy chúng trong nhà.”) Những vai khách mời được khắc họa rực rỡ khác có bức chân dung tác giả May vẽ về William Leigh, người thi hành pháp luật từ bỏ quyền thừa kế tiềm năng của mình từ Randolph để ủng hộ những người đàn ông và phụ nữ nô lệ của Randolph; và Francis Scott Key, bạn của Randolph và là người được ông ủy thác cho những người nô lệ, đồng thời cũng là một chủ nô — ngày nay ông này chủ yếu được nhớ đến vì đã soạn lời cho bài quốc ca. Ngoài ra còn nhiều miêu tả đầy màu sắc về những địa điểm khác nhau, cho đến cả con ruồi trong phòng xử án ở thủ phủ bang Virginia.

Điều có vẻ ít được tập trung nhất quán ở cuốn sách là điểm “người điên” và “400” trong tiểu đề của tác giả May. Tôi muốn nghe nhiều hơn từ chính Randolph — ông ấy gợi lên nhiều cảm xúc mỗi khi phát biểu — và muốn có nhiều miêu tả chi tiết hơn về những cá nhân là nô lệ của ông, những người mà trải nghiệm cuộc đời thường được khái quát dưới cụm từ “nô lệ.”

Tác giả May mở đầu cuốn sách một cách đầy ấn tượng, với cuộc diễu hành của 383 đàn ông, phụ nữ và trẻ em, những người cuối cùng được giải phóng và đến Ohio 13 năm sau cái chết của Randolph. May đến nhà John White, và đưa ra những thông tin lôi cuốn về một số người khác từng làm nô lệ trong gia đình Randolph, trong đó có cả cha mẹ của White, Essex và Hetty; một đầu bếp tên Queen; và một người hầu riêng tên Juba, người này có bức chân dung sơn dầu do chủ nhân trả tiền vẽ, từng gây nên bao tai tiếng với khách đến thăm, và cuối cùng qua đời trong thời gian dài chờ đợi tự do.

Tác giả May cũng thận trọng chỉ ra những hạn chế trong khả năng của chúng ta trong việc tiếp cận quan điểm của người bị bắt làm nô lệ, chẳng hạn, tác giả thấy rằng, “Liệu những người đàn ông và phụ nữ bị bắt làm nô lệ ở Roanoke có ngạc nhiên khi biết họ được trả tự do hay không là điều chúng ta không biết.” Tất nhiên, luôn có ít tài liệu về người nô lệ hơn so với chủ nô. Tuy nhiên, ở đây có một lượng tài liệu nhiều khác thường tồn tại dưới dạng lời khai, bản kiểm kê và các nguồn khác. May mắn thay, tác giả May ghi lại nguồn tài liệu rõ ràng đến mức ngay cả nếu có yếu tố gì còn thiếu trong lời kể của ông, thì vẫn còn chỗ cho người khác bổ sung vào.

Cuối cùng, phần hấp dẫn nhất của cuốn sách này không phải là cuộc tranh giành “di chúc của kẻ điên”, mà là kết quả sau đó, khi May kể lại cuộc hành trình của 383 người và những cuộc tấn công họ phải đối mặt trên vùng đất tự do. Vì ngay cả khi luật pháp cuối cùng cũng ủng hộ nguyện vọng giải phóng nô lệ của Randolph, phần lớn thế giới thì vẫn không. Tác giả May chỉ ra đầy thuyết phục thái độ thượng đẳng của người da trắng không chỉ giới hạn ở miền Nam mà còn lan rộng khắp cả nước, thông qua những miêu tả về văn hóa sợ hãi và khinh ghét đối với khu định cư tự do của người da đen. Tác giả chỉ ra bao nhiêu người Mỹ da trắng không muốn người da đen làm hàng xóm vì sợ giá đất giảm, cạnh tranh tiền lương, pha trộn chủng tộc và lo sợ trật tự xã hội bị phá vỡ. Chẳng hạn có biên tập viên tờ báo ở Ohio phàn nàn việc người Virginia đưa nô lệ được giải phóng đến bang của ông ta, “Họ có quyền gì mà đổ vào bang chúng ta những kẻ bơ vơ mới được trả tự do của họ?”

Ở Ohio, thái độ căm ghét mà những người mới được tự do phải đối mặt nghiêm trọng đến mức John White chọn quay trở lại Virginia, ngay cả khi có nguy cơ trở lại thành nô lệ. Nỗ lực của con cháu những người được trả tự do nhằm đòi lại những gì họ được hứa hẹn — di sản bị mất — đã thất bại. Cuối cùng, tác giả May cho thấy những thiếu thốn như vậy có hậu quả lâu dài, mang tính thế hệ, làm sáng tỏ bất bình đẳng vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

A MADMAN’S WILL: John Randolph, 400 Slaves, and the Mirage of Freedom | By Gregory May | 382 pp. | Illustrated | Liveright | $30

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc