Cuộc đời của Milton Friedman: kiếm tìm sắc thái trong triết lý thị trường tự do

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách mới của tác giả Jennifer Burns mong muốn mang đến góc nhìn phức tạp mới mẻ hơn về nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel.

Tác giả Jennifer Burns chắc hẳn gặp phải thách thức lớn khi viết cuốn tiểu sử mới về nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Milton Friedman, ông nổi tiếng suốt cả cuộc đời mình nhiệt thành ủng hộ bãi bỏ quy định và thị trường tự do. Ngẫm thấy chủ đề cuốn sách rất gây tranh cãi, tác giả cho biết một trong những mục tiêu của mình là “khôi phục toàn vẹn tư tưởng của Friedman trong nhận thức của công chúng”. Tác giả miêu tả Friedman, qua đời năm 2006 ở tuổi 94, là nạn nhân của “cuộc tấn công từ hai phía”, bị bủa vây bởi những người cấp tiến ở cánh tả và những người theo chủ nghĩa dân túy ở cánh hữu, những người chỉ trích “chủ nghĩa tân tự do” được ông nhiệt tình ủng hộ. “Khi ông ấy ngày càng trở thành biểu tượng cho phong trào chính trị,” tác giả viết, “các sắc thái và phức tạp trong tư tưởng của ông cũng mất đi.”

Nhưng chính tác giả Burns cũng phải thừa nhận việc chú trọng vào những “sắc thái và phức tạp” là điều Friedman nỗ lực ngăn cản. Ông dành nhiều thập kỷ tạo dựng hình ảnh người nổi tiếng trước công chúng, đưa ra những tuyên bố đầy tự tin về phép màu của thị trường, trong các chuyên mục của ông trên tờ Newsweek và trong loạt chương trình truyền hình năm 1980 “Free to Choose” (Tự do lựa chọn). Một cảnh quay nổi tiếng có nội dung Friedman đầu hói nhỏ bé cầm cây bút chì, kinh ngạc vì có hàng nghìn người không hề quen biết nhau cùng giúp tạo ra chiếc bút chì ấy. Những nguyên tắc cơ bản đằng sau sự hợp tác phức tạp như vậy “thực sự rất đơn giản”, ông nói. Hiệu quả và sự hài hòa có thể xuất hiện thông qua “phép màu của hệ thống giá cả”.

Để hiểu sâu hơn về Friedman người phổ biến ý tưởng ra công chúng, tác giả Burns — nhà sử học tại Stanford cũng từng viết tiểu sử về Ayn Rand — dành phần nhiều cuốn sách này phân tích công trình của Friedman trước năm 1970, khi ông vẫn đang chỉ trích học thuyết Keynes chính thống thời đó. Tại Đại học Chicago, nơi Friedman dành phần lớn cuộc đời giảng dạy, ông đã vượt mặt các học giả cánh tả tập hợp trong Ủy ban Nghiên cứu Kinh tế Cowles, khéo léo thuyết phục Quỹ Rockefeller rút kinh phí cho ủy ban và thay vào đó tài trợ cho hội thảo của Friedman.

Cực kỳ cuốn hút trên giảng đường, Friedman không chỉ dạy học; ông còn tạo ra những môn đệ trung thành. Hệ quả là đội ngũ giảng viên được tác giả Burns miêu tả là “tư tưởng đồng thuận đến bất thường”. Dù Friedman phải chờ đợi thời cơ ở phạm vi nằm ngoài lĩnh vực của mình, nhưng bên trong Đại học Chicago, xung quanh ông có rất nhiều nhà kinh tế cùng chí hướng. Ông là một trong số ít nhà kinh tế học dự đoán được tình trạng lạm phát đình trệ thập kỷ 1970, khi bộ công cụ của Keynes dường như bất lực với mức lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao.

“Mô hình hồi quy càng phức tạp, tôi càng hoài nghi”, Friedman thường nói. Dù tác giả Burns hứa hẹn tiết lộ sự tinh tế tiềm ẩn trong ý tưởng của ông, điều rõ ràng trong cuốn sách này là ông thường bị thu hút bởi tính đơn giản nhất quán. Có khía cạnh chính trị ở điểm này. Mô hình kinh tế lượng phức tạp cho thấy có thể hoạch định một nền kinh tế phức tạp. Nhưng lý thuyết về giá cả — coi giá cả là cơ chế hiệu quả nhất điều phối hoạt động kinh tế — cho rằng việc hoạch định sẽ mang tính phá hoại hoặc vô nghĩa.

Quan điểm lạc quan tin vào một thị trường không ràng buộc sẽ là thế giới tốt nhất khả dĩ, hoàn toàn phù hợp với tính cách luôn lạc quan của Friedman. Friedman là đứa con trai duy nhất của cha mẹ nhập cư từ Đế quốc Áo-Hung, khi còn nhỏ ở New Jersey ông tự coi mình như “một hoàng tử nhỏ sôi nổi và tự tin,” tác giả Burns viết. Ông kết hôn với người yêu thời học cao học, Rose, bà từ bỏ sự nghiệp kinh tế đầy hứa hẹn của mình để nuôi dạy hai đứa con của họ. Theo mọi nguồn tin, họ dường như có cuộc hôn nhân hạnh phúc, đầy yêu thương và thậm chí còn cùng viết chung cuốn hồi ký, “Two Lucky People” (Hai người may mắn). Cuốn sách có nội dung được tác giả Burns gọi là “phiên bản làm sạch” về sự kiện khủng khiếp diễn ra một đêm năm 1955 khi Milton đi công tác ở Ấn Độ. Một kẻ đột nhập đã xâm nhập vào ngôi nhà của gia đình ở Chicago và cưỡng hiếp Rose.


Milton “không thấy có lý do gì phải thay đổi kế hoạch của mình, tức là dự định cần ở nước ngoài hai tháng,” tác giả Burns viết, cho đến khi một trong những cố vấn đáng tin cậy thuyết phục ông về nước. Chi tiết này rất đáng kinh ngạc và có lẽ nói lên điều gì đó — cho dù tác giả Burns loại bỏ hết động lực cảm xúc, nhanh chóng chuyển sang phần tiếp theo, đến lời khai trước quốc hội của Friedman về nguồn cung tiền.

Phần lớn cuốn sách phân tích những tranh cãi về các khái niệm tiền tệ của Friedman, tuy nhiên vẫn có những khía cạnh về tính cách của ông hiện lên. Ông là người lạc quan vui vẻ, và khi cộng tác với phụ nữ trong lĩnh vực của mình, ông có thể trở thành kẻ tham lam nhận công. Mặc dù ông gọi những cuộc điện thoại ủng hộ cho Anna Schwartz, đồng tác giả cuốn “A Monetary History of the United States” (Lịch sử tiền tệ nước Mỹ) (1963), tác giả Burns cũng chỉ ra Friedman chiếm quyền sở hữu các ý tưởng chung và giao phần việc nặng nhọc nhàm chán cho cộng tác viên nữ thực hiện.

Tác giả Burns là nhà nghiên cứu của Viện Hoover, tổ chức nghiên cứu chuyên về thị trường tự do, nơi đây Friedman cũng từng là nhà nghiên cứu trong ba thập kỷ sau khi rời Chicago. Cuốn tiểu sử của tác giả hoàn toàn không phải tác phẩm tán dương mù quáng. Nhưng khi đi đến những giai đoạn tai tiếng nhất trong cuộc đời Friedman, tác giả lại mong muốn tái hiện quan điểm của Friedman đến nỗi văn phong trở nên rối rắm và bảo vệ. Tác giả trình bày chi tiết những phản đối của Friedman đối với phong trào dân quyền, vốn “phủ bóng đen lên di sản của ông”. Tuy nhiên, ở đây, cũng như ở nhiều chỗ khác, tác giả cố gắng tỏ ra độ lượng, liên tục lặp lại những lời phủ nhận thành kiến của chính Friedman. Trong một đoạn văn lộn xộn, tác giả hàm ý việc ông ấy từ chối lên án sử dụng phiếu học bổng theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dù có phần đáng lo ngại, nhưng ấy là bởi Friedman luôn tuân thủ nguyên tắc không can thiệp của mình.

Chương sách kể về mối quan hệ của Friedman với chế độ của nhà độc tài Chile, Tướng Augusto Pinochet cũng không kém phần khó xử. Friedman cố gắng phủ nhận có mối quan hệ: Ông chỉ ở Chile vài ngày và đưa ra một số lời khuyên kinh tế. Lời khuyên ấy dẫn đến chương trình kiểm soát ngân sách khắc nghiệt, và Friedman khăng khăng kết quả cuối cùng là có lợi. Không có gì đáng ngạc nhiên khi ông muốn có cả đôi đường — nhận toàn bộ đánh giá tích cực và không chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Tác giả Burns đặt Friedman vào vai cậu bé sống trong rừng, “ngây thơ đến lầm lẫn”, say mê những điều kỳ diệu của lý thuyết giá cả đến nỗi ông không hiểu vì sao gặp mặt vị tướng chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính quân sự cũng như tra tấn và khiến những người bất đồng chính kiến biến mất có thể là điều kinh khủng.

Tác giả Burns cũng muốn giải cứu ông khỏi những chỉ trích cho rằng “liệu pháp sốc” do ông khuyến nghị chứng tỏ có mối liên hệ thiết yếu giữa chủ nghĩa tư bản và sự cưỡng ép. “Về mặt thực tế, số người chết trong chế độ độc tài Pinochet không tương xứng với hàng triệu người bị giết trong các chế độ Cộng sản theo phong cách Stalin,” tác giả Burns viết bằng lối lập luận “còn kẻ kia thì sao” (whataboutism). “Đó là trò đánh tráo khái niệm kiểu Orwell, cáo buộc chủ nghĩa tư bản về những tội lỗi ăn sâu trong hệ thống Cộng sản.”

Rõ ràng người ta có thể chán ghét cả chế độ Stalin và Pinochet. Nhưng rồi tác giả Burns, ngay cả khi thừa nhận những “điểm mù và thiếu sót” của Friedman, dường như vẫn quyết tâm miêu tả ông là người hầu như có thiện chí nhưng đôi khi lơ đễnh. Ở cuối cuốn sách, tác giả cho phép mình luyến tiếc về những gì có thể xảy ra: “Hãy tưởng tượng sức mạnh của chủ nghĩa Cộng hòa ôn hòa được tăng cường bằng trí tuệ của Friedman!” Chính xác thì hình thái lý tưởng này sẽ khác biệt như thế nào với trật tự tân tự do không kiểm soát đã thống trị nước Mỹ cho đến gần đây, chỗ này là điều tác giả chưa bao giờ giải thích được.

MILTON FRIEDMAN: The Last Conservative | By Jennifer Burns | Farrar, Straus & Giroux | 578 pp. | $35

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc