Dặm đường tôi đi



Tối 8/3, ngồi uống bia cùng @Sơn Phạm và vài người bạn chung, cũng coi như là một dịp đánh dấu việc Sơn sẽ tạm dừng phím trong vai trò dịch giả để chuyển sang các công việc khác, dù vẫn liên quan tới sách vở.

Mình vẫn nhớ một ngày, hình như là 8 năm trước, khi nhận được một tin nhắn (hoặc email) từ một người hoàn toàn chưa quen, tự giới thiệu bạn (kém mình vài tuổi) là bạn chung với vài người bạn của mình, vừa hoàn thành khoá học Thạc sĩ Kinh tế ở nước ngoài về, mới (hay sắp) nghỉ làm việc ở một Bộ (rất quan trọng), đã từng dịch và xuất bản một số cuốn sách và đề nghị gặp mình để trao đổi về việc dịch chung một cuốn sách của một nhà kinh tế vừa được giải Nobel với bạn ấy.

Ban đầu, mình cảm thấy lời đề nghị đó dường như hơi lạ lẫm vì trước đó, mình cũng không quen bạn. Hơn nữa, dù mình có tham gia dịch một số cuốn sách trước đó, nhưng hoặc là không đứng tên, hoặc trong một nhóm 5-6 người…nên không hiểu sao, bạn lại đề nghị mình tham gia dịch cùng. Nhưng lúc đó mình cũng đang khá rảnh và nội dung của cuốn sách mà bạn đề nghị cùng dịch đó cũng tương đối gần với mảng nghiên cứu của mình nên mình cũng đồng ý tham gia dịch cùng. Cuốn sách sau đó được xuất bản, và nghe nói là rất ế :)). Nhưng đó cũng là cuốn sách đầu tiên ghi dấu sự cộng tác của mình với Sơn trong việc dịch sách (mà Sơn vẫn hay gọi đùa là cặp dịch giả Núi Thiêng- như tên một tác phẩm của nhà văn được giải Nobel Cao Hành Kiện).

Ngoảnh đi ngoảnh lại, vèo cái cũng 8 năm trôi qua và bọn mình đã cộng tác trong việc cho ra đời 5 cuốn sách, cùng một bản thảo đã hoàn thành nhưng không biết bao giờ mới có cơ hội xuất bản- chủ yếu là trong lĩnh vực kinh tế nhưng cũng lấn chút sang các mảng liên quan như chính trị và công nghệ.

Trong 5 cuốn được xuất bản thì có 2 cuốn cũng tạm được gọi là sách bán chạy trong mảng sách phi hư cấu “tinh hoa” là cuốn “Sự giàu và nghèo của các dân tộc” của David Landes và “Chính sách Tiền tệ thế kỷ 21” của Ben Bernanke, một cuốn được giải thưởng Sách hay hình như năm 2019; một cuốn sẽ ra mắt độc giả trong thời gian ngắn tới (“Sóng thần công nghệ”).


Cuốn còn lại, đã hoàn thành bản thảo từ 2 năm trước nhưng hiện chưa được phản hồi gì về việc có được xuất bản hay không, có lẽ vì chủ đề của nó không phải là thứ dễ ăn khách (nhưng lại là thứ mình, vốn là người rất thích lịch sử nói chung và lịch sử cổ đại nói riêng, thấy thú vị): đó là ảnh hưởng của các tư tưởng Hy Lạp và La Mã cổ đại tới các nhà lập quốc Hoa Kỳ như George Washington, John Adams, Thomas Jefferson và James Madison; và các tư tưởng Hy-La này đã đóng vai trò ra sao tới sự định hình hệ giá trị và Hiến pháp của nền Cộng hoà non trẻ ở nước Mỹ khi nó mới ra đời và chập chững trưởng thành. Nếu nó không được ra đời, thì mình cũng sẽ hơi thấy tiếc một chút, nhất là khi công xá dịch dọt ở Việt Nam nói thẳng là rất bèo. Nhưng thôi, ở đời không phải là mọi thứ đều thuận lợi hết.

Trong công việc dịch thuật, mình tự đánh giá mình có khả năng đọc hiểu và biên dịch nhanh, vốn kiến thức nền nhìn chung rộng hơn đa số người Việt nhưng khá lười và ít kỷ luật. Thế nên làm việc chung với Sơn, một người rất kỷ luật, rất có trách nhiệm và sát sao với công việc là một sự kết hợp rất hiệu quả. Đó cũng là điều mà mình muốn cảm ơn Sơn và chúc bạn sẽ tiếp tục thành công trong các công việc sắp tới của bạn.

share from Facebook Linh Hoang Vu,

4 Comments

Tin liên quan

    Hôn nhân

    Suy ngẫm