EXIMBANK
Con gái tôi, 11 tuổi, học lớp 5 đã trợn tròn mắt kinh ngạc khi được bố hỏi ý kiến về tình huống: Con nghĩ xem, giả sử vào năm con ra đời thì A cho B vay 8 triệu, đến nay sau 11 năm A đòi B 8 tỷ thì thế nào? Đương nhiên tất cả chúng ta đều kinh ngạc nếu ta biết tính toán và có nhận thức để ước lượng được độ lớn của con số 8 triệu và 8 tỷ.
Trong mỗi vụ tranh chấp, đương nhiên mỗi bên sẽ cố gắng chỉ ra mình hành xử đúng khi chiếu theo: (1) pháp luật, (2) hợp đồng đã giao kết. Eximbank cũng đã làm như vậy trong thông cáo báo chí của mình. Vậy tại sao Eximbank càng lên tiếng thì càng bị phản đối cho dù họ cố gắng chứng minh mình làm đúng luật và đúng giao kèo?
Khoản nợ 8 triệu sau 11 năm thành 8 tỷ, ta có thể giải thích điều đó nếu căn cứ vào những công thức toán học khô khan về nghĩa vụ với nợ quá hạn, về lãi chồng lãi… Nhưng trong công thức ấy thiếu 1 thứ: đạo lý, tình người.
Theo dõi rất nhiều những vụ khủng hoảng truyền thông liên quan các thương hiệu lớn vài năm qua, ta có thể nhận thấy rõ trong thông cáo báo chí đầu tiên của các thương hiệu luôn cố gắng chỉ ra: Tôi có LÝ. Nhưng thứ quan trọng nhất cần chỉ ra trong lúc đó phải là: Tôi có TÌNH NGƯỜI.
Áp dụng pháp luật một cách máy móc mà thiếu đi nhân tính, tình người thì pháp luật trở thành công cụ cai trị và đàn áp chứ không phải công cụ để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm bảo vệ con người. Những điều Montesquieu viết 300 năm trước mà luôn thời sự, không bao giờ cũ.
Cuốn sách của Montesquieu có tên là "De l'esprit des lois". "Pháp luật" (loi) nó có "tinh thần" (l'esprit), tức là nó có thuộc tính của con người, chỉ con người mới có tinh thần, mới có tâm tư, tình cảm. Montesquieu nhân cách hóa để nói rằng pháp luật phục vụ con người nên pháp luật phải chứa đựng tình người.
#DinhLaws
share from Facebook Nguyễn Đỉnh,
Post a Comment