GHI CHÉP VỀ CHIP



Chris Miller giờ đây đã là một trong những tên tuổi quen thuộc ở góc độ toàn cầu về chủ đề công nghệ, cạnh tranh địa - công nghệ, bán dẫn và đổi mới sáng tạo. Nhưng may mắn của ông, cũng như nhiều tác giả khác viết về Trung Quốc - chẳng hạn Peter Frankopan - đó là sự chú tâm của xã hội vào một chủ đề cũ nhưng được khuếch đại ảnh hưởng bởi truyền thông và các chính sách của chính phủ. Tôi được anh Toản tặng cuốn này cách đây hai năm và đọc nó như một cách để tìm kiếm các lỗ hổng của người đi trước mà mình có thể bù đắp - thao tác literature review quen thuộc của dân nghiên cứu. Và để lấy cảm hứng từ thành công vang dội của cuốn sách - điều rất quan trọng đối với việc viết những chủ đề như này. Và thực sự, Chris cũng tạo cho tôi rất nhiều hứng thú cũng như gợi ý nhiều điều quan trọng trong quá trình viết cuốn sách của riêng mình. Giống như cách tôi đã đọc một mạch Con đường tơ lụa của Peter chỉ trong ba ngày ba đêm, tôi đọc cuốn này một mạch nhỉnh hơn thời gian đọc cuốn của Peter một chút. Từ góc độ một người đọc, một người nghiên cứu, người sẽ viết cuốn sách về chủ đề này, tôi thấy có mấy điểm chưa thoả mãn - nói nôm na là chưa "đã", chưa "phê" - sau khi gấp sách lại.

1. Số lượng chương quá nhiều và tương đối dàn trải. Mỗi chương đều được viết rất ngắn (hoặc đó là phong cách của Chris) khiến đôi lúc tôi có cảm giác mình đang đọc một mẩu tin khá cũ nào đó.

2. Là chuyên gia về lịch sử toàn cầu, Chris có lợi thế của ngành sử là ông có thể nhìn mọi thứ theo chiều dài thời gian dài hơn nhiều góc nhìn của một người hoạch định chính sách hoặc một kỹ sư công nghệ hay một CEO hàng đầu. Ông cũng có thể tìm kiếm và sử dụng nhiều dữ liệu hơn từ kho tàng đồ sộ của ngành. Tuy nhiên, cuốn sách đã không thực sự khai thác được thế mạnh này khi nó thiếu vắng hình bóng của dữ liệu. Qua lời kể của Chris bạn có thể nhìn thấy sự trỗi dậy và suy tàn và phục hưng và tranh đấu của các trung tâm bán dẫn toàn cầu. Nhưng không đủ trực quan kiểu không cần phải mô tả gì chỉ cần đưa ra hai ba hình vẽ là người ta sẽ hiểu ngay vấn đề.

3. Bán dẫn là một ngành trải dài với ba phân khúc, ít nhất 9 công đoạn và có thể chia thành 3 tiểu ngành. Nhưng Chris không có những phân định rõ về việc cuốn sách của ông sẽ tập trung vào phân khúc nào, có gồm tất cả hay không? Chris nhìn cuộc chiến trong một tổng thể và do đó đã làm những ưu - nhược điểm của từng phân khúc trong chuỗi cung ứng bán dẫn bị che mờ đi. Chúng ta sẽ nhìn thấy các đấu sĩ nhưng không nhìn thấy họ trong từng loại vũ khí, từng kiểu chiến trường cụ thể sẽ có các ưu thế hay nhược điểm gì. Sự mô tả và khái quát do đó có thể làm chệch hướng các phán đoán và nhận định về sức mạnh thực sự của một quốc gia trên bàn cờ địa - bán dẫn (geo-semiconductor). Việc xem xét có thể sản xuất chip bao nhiêu nanomet không thực sự trả lời được điểm mạnh, yếu của tập đoàn hay quốc gia về sức mạnh bán dẫn.

4. Bán dẫn là lĩnh vực công nghệ nguồn, có thể nói là ADN của mọi loại công nghệ. Tính chất công nghệ cốt lõi cần được mô tả hoặc thể hiện để người đọc hiểu được đặc trưng của ngành, độ phức tạp của việc mô phỏng, tính khả thi của chiến lược đuổi kịp (catch - up). Công nghệ là nơi mà bất kỳ kỹ sư nào khi nhìn vào sẽ có thể nói ngay với bạn: "đây là một game changer" hay "úi, chả ăn thua đâu, sẽ fail thôi". Dẫu là từ góc độ viết cho dễ hiểu thì những thông tin cốt tử như vậy rất nên có trong một tác phẩm quan trọng.

5. Hơi nhiều thuyết âm mưu. Hoặc hơi nhiều tính chất truyền thông. Tôi đồng ý với việc gián điệp công nghiệp tồn tại phổ quát. Nhưng tôi muốn nhìn thấy nó dưới dạng bằng chứng thay vì các kết luận như kiểu trang 272.

6. Không thực sự mô tả được các chính sách cốt lõi mà các chính phủ đã làm để thúc đẩy ngành bán dẫn phát triển. Chris sau này có những bài tổng kết rất quan trọng về các mô hình phát triển ngành bán dẫn ở toàn cầu. Ông kết luận rằng tài trợ chính phủ không phải điều kiện cần dẫn đến thành công. Và chứng minh nó từ Bắc Mỹ, qua Đông Bắc Á, xuống Đông Nam Á, sang châu Âu. Nhưng trong sách, những tổng kết như vậy không nhiều. Do đó, nhìn vào bức tranh ngành, chúng ta không hiểu các hệ thống chính sách nào đã được ban hành, giống như đứng xa xem tranh mà không biết được kỹ thuật vẽ của tác giả.

7. Chưa phân tích được các logic chính trị đằng sau sự trỗi dậy và suy tàn của các cạnh tranh công nghệ.

8. Cuối cùng, sách hơi cũ, nếu không muốn nói là chưa đi được đến phần "Chiến" của ngành. Những gì xảy ra sau 2018 có lẽ là những điều chính Chris cũng không hình dung được khi viết cuốn sách của mình. Nhưng không sao, việc đó chúng tôi làm tiếp.

Từ góc độ của mình, tôi và Jenny Tue Anh Nguyen muốn tập trung vào mấy thế mạnh của hai anh em.

1. Nghiên cứu và phân tích hoạch định chính sách bán dẫn ở Trung Quốc và Mỹ dựa trên khung lý thuyết về chính sách ngành

2. Phân tích thực trạng và triển vọng ngành bán dẫn Trung Quốc trong bối cảnh áp lực căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng

3. Phân tích các chiến lược bắt kịp từ một số nghiên cứu điển hình

4. Tìm hiểu logic chính trị đằng sau thành công và thất bại của các nước trong việc thực hiện chính sách bán dẫn. Nói cách khác là trả lời những câu hỏi “đằng sau bức màn”.

5. Số liệu, số liệu và số liệu. Cập nhật, cập nhật, cập nhật liên tục. Cuốn sách sẽ giúp các bạn có cảm giác khi đọc đến những kết luận sẽ kiểu “ồ, hẳn nhiên là thế, không thể nào có đáp án khác”

share from Facebook Phạm Sỹ Thành,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc