Vì sao phương Tây vượt trội?

tổng hợp by Nhã Hoàng,
➡️

Review Why The West Rules For Now.

Thiết LS

17.10.2019


Kể cũng tội cụ Ian Morris của tôi. Vừa bị các trí thức hữu khuynh bên Tây chửi là nâng bi TQ dìm hàng Âu châu, vừa bị một số độc giả VN chưa xem sách mới ngó tiêu đề đã chửi vì ngỡ rằng cuốn này tung hô văn hóa Tây phương. Tôi chưa đọc bản dịch tiếng Việt nhưng ngay cái tít đã dịch trật lất. "Tại sao phương Tây vượt trội" - vượt trội là là một khái niệm mông lung mơ hồ, A có thể vượt trội về mặt này nhưng yếu kém về mặt khác, mà sự khác biệt giữa kem dâu và kem táo thì cũng không thể miêu tả bằng chữ vượt trội. Chắc chắn nhiều người bài Tây sẽ nói rằng Tây phương tuy vượt trội về vật chất nhưng thua kém phương Đông về cảnh giới tinh thần, về minh triết, blah blah...

Nhưng tác giả không hề nói văn hóa nào ưu việt hơn văn hóa nào, chỉ nói văn minh Tây phương đang tạm thời rule. Rule không có nghĩa là vượt trội mà là thống trị, chủ đạo. Khái niệm này có ý nghĩa, tiêu chí rõ ràng. Tác giả đã nói rõ ràng Tây phương không những lead mà còn rule. Tiêu đề có thể dịch là Vì sao phương Tây đang tạm thời giữ vị thế chủ đạo. Vị thế chủ đạo của phương Tây là một sự thực không thể chối cãi. Một người Nhật và một người TQ ngày nay sẽ giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh thay vì bằng chữ Hán. Ngày nay con người ở khắp nơi trên thế giới học tiếng Tây, xem phim Tây, sử dụng công nghệ Tây, hệ khái niệm Tây, mặc quần áo Tây.

Xoay quanh vấn đề này, giới học thuật Tây phương chủ yếu chia làm hai phe chính. Một phe cho rằng vị thế chủ đạo của Tây phương đã được tiền định từ lâu, do sự ưu việt của văn hóa Hy Lạp, hay do ưu thế địa lý. Phe kia cho rằng chiến thắng của Tây phương chỉ là do may mắn, chỉ bắt đầu lớn mạnh hơn các nền văn minh khác trong vài trăm năm trở lại đây.

Tác giả bất đồng với cả hai phe, cho rằng Tây phương chiếm thế chủ đạo là có nguyên nhân dài hạn, nhưng không tất yếu, mà chỉ có xác suất cao. Tây phương bứt phá, theo tác giả, không phải là do gene hay văn hóa, mà là do địa lý. Dựa trên khoa sinh học, tác giả phủ nhận quan điểm chủng tộc chủ nghĩa cho rằng người da trắng thượng đẳng hơn các giống dân khác. Tác giả nhắc lại quan điểm chính thống của sinh học Tây phương hiện nay, rằng về sinh học thì mọi giống dân về cơ bản là như nhau, khác biệt chỉ là ngoài da. Từ quan điểm xã hội học, tác giả cũng cho rằng cá nhân tuy đa dạng nhưng ở số lượng lớn thì con người ở đâu cũng hành động như nhau. Đều bị thôi thúc bởi nỗi sợ, lòng tham, và sự chây lười --- luôn tìm cách làm việc dễ hơn, an toàn hơn, lợi lộc hơn. Tác giả gọi đây là định luật Morris. Quan điểm này khá tương tự với một ông Morris khác là Desmond Morris trong cuốn Vườn thú người.

Vậy cái làm nên sự khác biệt giữa các xã hội, các nền văn minh, theo tác giả chính là địa lý. Quan điểm này cùng một mạch với Jared Diamond trong cuốn Súng, Vi Trùng và Thép. Và theo tôi thì tác giả đã đưa học thuyết của Jared Diamond (và duy vật sử quan) lên một tầm cao mới.

Để so sánh tương quan sức mạnh giữa các nền văn minh, tác giả lập ra chỉ số phát triển xã hội (social development index), thuần túy đo lường năng lực biện sự (hoàn thành công việc) chứ không đụng gì đến văn hóa, đạo đức, giá trị quan thẩm mỹ quan, v.v... Chỉ số này gồm bốn tiêu chí. Một là mức độ thủ dụng năng lượng (energy capture). Hai là trình độ tổ chức, thể hiện qua trình độ đô thị hóa (quy mô thành thị). Ba là trình độ xử lý thông tin. Bốn là sức mạnh quân sự. Yếu tố thứ nhất là cơ bản nhất, có chỗ tương đồng với bảng đo Kardashev. (Kardashev đo lường trình độ tiến bộ công nghệ của một nền văn minh dựa vào lượng năng lượng mà nền văn minh đó có thể sử dụng. Văn minh type I có thể sử dụng tất cả năng lượng trên hành tinh, văn minh type II có thể sử dụng năng lượng ở quy mô hệ mặt trời, văn minh type III có thể sử dụng năng lượng của cả một thiên hà.)

Theo Ian Morris, địa lý định hình sự phát triển xã hội. Nhưng phát triển xã hội sẽ thay đổi ý nghĩa của địa lý. Ở một giai đoạn phát triển xã hội nhất định, thì một loại hình địa lý nhất định sẽ là ưu thế. Nhưng khi phát triển sang trình độ tổ chức xã hội cao hơn, thì loại hình địa lý đó có thể trở thành bất lợi. Đó là lý do tại sao các nền văn minh xa xưa (và thời đại trục của Karl Jasper) đều được hình thành trên một vành đai cận nhiệt đới, nhưng về sau thì các nước xứ ôn đới lạnh lại chiếm ưu thế. Một số vùng ở ngoài rìa nhờ tận dụng được ưu thế của sự lạc hậu (advantage of backwardness) mà vươn lên trở thành những trung tâm mới (như La Mã, nước Tần, Tây Âu, v.v...). Xem thêm:

1. https://www.facebook.com/liberty.sea.391/posts/588580854948248 ;

2. https://www.facebook.com/photo.php?fbid=748404708965861&set=a.170872653385739&type=3

Tác giả định nghĩa khái niệm "Tây phương" hoàn toàn dựa vào địa lý chứ không dựa trên văn hóa. Nông nghiệp được phát minh độc lập ở sáu nơi: vành đất nhiều đồi (Hilly Flank) ở Tây Á, Đông Phi, lưu vực sông Ấn, và lưu vực Dương Tử-Hoàng Hà ở cựu thế giới, cùng với nam Mexico và Peru ở tân thế giới. Ở cựu thế giới thì Hilly Flank là cực Tây, Dương Tử-Hoàng Hà là cực đông. Theo đó thì mọi nền văn minh bắt nguồn từ cái nôi nông nghiệp ở cực Tây đều là Tây phương, mọi nền văn minh bắt nguồn cái nôi nông nghiệp Dương Tử Hoàng Hà đều là Đông phương. Theo định nghĩa đó, thì Lưỡng Hà, Ai Cập, Ba Tư, Nga, và văn minh Hồi giáo đều là Tây phương chứ không riêng gì Tây Bắc Âu. Văn minh Tây Bắc Âu, cho đến La Mã, Hy Lạp, suy cho cùng, cũng chỉ là con cháu đẻ ra từ cái nôi văn minh Lưỡng Hà.

Nông nghiệp được phát minh độc lập ở nhiều nơi, cho thấy lịch sử có những chiều hướng nhất định, chứ không hoàn toàn ngẫu nhiên. Từ săn bắt hái lượm chuyển sang nông nghiệp ở những vùng địa lý thích hợp là một quá trình ít nhiều tất yếu. Vùng Hilly Flanks ở Tây Á là nơi đầu tiên phát minh ra nông nghiệp, cách đây 1400 năm. Do ở đó có nhiều động thực vật khả dĩ thuần hóa, đất đai tươi tốt khí hậu thuận lợi, chứ không phải vì người ở đó thông minh hơn. Nhưng sau đó trung tâm nông nghiệp lại di dời về vùng lưỡng hà. Vì nơi đây có khí hậu thổ nhưỡng khô, người ta buộc phải phát triển thủy lợi tận dụng nguồn nước của hai con sông Euphrates và Tigris. Quá trình hoạt động thủy lợi đòi hỏi sự cải tiến về tổ chức xã hội, phân công lao động, xúc tiến sự hình thành giai cấp, thành thị, nhà nước và kéo theo đó là chữ viết. Và chính vì thế mà Lưỡng Hà đã thay thế Hilly Flanks để trở thành trung tâm mới, trở thành cái nôi văn minh đầu tiên trên thế giới. Cái nôi của văn minh Đông phương là TQ phát triển nông nghiệp muộn hơn nhiều, khoảng 9-10000 năm. Điều này cũng dễ hiểu vì Homo Sapiens đến TQ định cư muộn hơn, điều kiện tự nhiên ít thuận lợi hơn, và cũng cô lập hơn. Văn minh TQ vì thế cũng hình thành muộn hơn, nhưng cũng đi theo những quỹ đạo tương tự. Văn minh Tây phương có ưu thế dẫn trước mấy ngàn năm.

Trung tâm của văn minh Tây phương không ngừng thay đổi, từ Hilly Flank đến Lưỡng Hà, rồi đến Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, v.v... Cũng đã có vài lần tụt dốc do những sự kết hợp của nạn đói, dịch bệnh, di dân, nhà nước sụp đổ và biến đổi khí hậu (mà tác giả gọi là 5 kỵ sĩ tận thế). Chính sự phát triển xã hội tạo ra điều kiện cho sự sụp đổ: phát triển đến một mức nào đó thì sức ép đặt lên nguồn lực sẽ vượt mức chịu đựng (chạm nóc). Quan điểm này là một sự mở rộng và cải tiến từ học thuyết Malthus. Cái khác biệt là xã hội tuy sụp đổ nhưng các thành tựu đạt được từ trước không hoàn toàn mất đi, nên xã hội tiếp tục quay trở lại quỹ đạo phát triển từ một xuất phát điểm cao hơn, rồi phá vỡ giới hạn trước kia để đạt tới trình độ xã hội cao hơn (tương tự như lý luận về sự phát triển biện chứng theo đường xoắn ốc của Hegel, Engels). Vĩ nhân, ngu nhân, minh quân, hôn quân chỉ có thể gia tốc hay làm chậm lại tiến trình phát triển chứ không thể thay đổi quỹ đạo phát triển. (Khá tương đồng với sử quan của Marx, Engels). Cơ chế tương tự cũng diễn ra ở phương Đông.

Mặc dù có lúc thụt lùi, về cơ bản "Tây phương" đã duy trì ưu thế dẫn trước đối với phương Đông suốt hơn mười ngàn năm. Một phần quan trọng là do địa lý thích hợp cho phát triển hải thương: Địa Trung Hải kết nối các trung tâm của Tây phương, và bản thân châu Âu là bán đảo của các bán đảo. Cho đến đế chế La Mã thì Tây phương đã đạt đến một tầm cao mới mà TQ mãi đến nhà Tống mới bắt kịp.

Các nhà nước cao đoan (có mức độ trung ương hóa cao, trực tiếp đánh thuế và huy động nhân lực vật lực, quan lại do trung ương bổ nhiệm và trả lương thay vì thông qua thủ lĩnh tông tộc địa phương cát cát cứ) đang trên đà hưng khởi ở cả Tây lẫn Đông. Và theo tác giả thì làn sóng tư tưởng Trục đời F1 mà Jasper nói đến (triết học Hy Lạp, Zarathustra, Phật giáo, Khổng Tử, bách gia) là sự phản ứng lại đối với xu hướng đó. Khổng Tử hoạt động trong một thời đại mà quyền uy của giới quý tộc cũ đang bị lung lay, phú thương bình dân nổi lên, nước Tấn lập hình đỉnh để trị nước thay vì dựa vào quý tộc, v.v... Bách gia tranh minh ra đời trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà nước quân quốc cao đoan đang hưng khởi, từng bước đẩy lùi quý tộc chế cố cựu. Tư tưởng Trục hướng đến sự siêu việt và định hướng lại mối quan hệ giữa cá nhân với nhà nước cao đoan.

Cho đến khi đế chế La Mã sụp đổ thì Tây phương mới bắt đầu tụt hậu so với Đông phương. Chính sự giao lưu giữa Đông Tây (Old World exchange) đã thúc đẩy sự sụp đổ của cả La Mã lẫn nhà Hán (nền móng của La Mã bị lung lay vào thế kỷ thứ 3, xấp xỉ thời điểm nhà Hán tan vỡ). Giao lưu đông tây đem lại các loại vi trùng gây dịch bệnh, di dân du mục, kết hợp với biến đổi khí hậu. La Mã đã chống chịu lâu hơn nhà Hán, nhưng rốt cuộc Trung Quốc sụp sớm và cũng hồi phục sớm hơn. Tác giả cho rằng chính sự sụp đổ của nhà nước cao đoan trong giai đoạn hỗn loạn này đã cho ra đời làn sóng tư tưởng Trục đời F2 (Công giáo, Hồi giáo, Phật giáo Đại thừa). Làn sóng tư tưởng này hướng đến đại chúng hơn, cung cấp các thiết chế cứu giúp người dân, tổ chức xã hội trong điều kiện loạn lạc. Các ngôi chùa Phật giáo Trung Quốc thời Nam Bắc triều có vai trò tương tự như các nhà thờ Công giáo địa phương ở Tây Âu khi tây bộ La Mã sụp đổ.

Phương Đông hồi phục và bứt phá vượt mặt phương Tây nhờ vào một chuỗi sự kiện: nhà Tấn nam độ phát triển miền Nam đặc biệt là Giang Đông (Giang Nam), và nhà Tùy thống nhất TQ xây dựng đại vận hà kết nối miền bắc với vựa lúa Giang Nam, mở ra một mặt trận kinh tế mới. Đại Vận Hà đóng vai trò như một địa trung hải nhân tạo trong lòng Trung Quốc - thành quả của trí óc và ý chí cải tạo tự nhiên của con người. Trong thế giới tiền hiện đại có nền văn minh nào khác đã cải tạo tự nhiên đến mức đó? Chính vì có sự bứt phá đó, nên tác giả cho rằng chiến thắng của Tây phương không phải là tất yếu.

Ở châu Âu có phong trào phục hưng thì TQ cũng vậy, đều là sản phẩm của phản ứng xã hội đối với sự trở lại của nhà nước cao đoan, tái thiết lập trật tự và nâng cao kinh tế sau một giai đoạn loạn lạc suy đồi, tuân theo những cơ chế vận động xã hội tương tự nhau. Quan điểm của tác giả chính là thời thế tạo anh hùng -- Mỗi thời đại đều nhận được thứ tư tưởng mà nó cần.

Đến thời Tống thì Trung Quốc đã phát triển lên một đỉnh cao mới, sánh tầm La Mã, đạt được thành tựu lớn về tư tưởng, kinh tế, khoa học kỹ thuật (nhất là về thuốc súng, la bàn, máy in, tiền giấy, cổ phiếu, tín dụng), có tiềm năng công nghiệp hóa. Tuy nhiên, tiềm năng đó đã không được hiện thực hóa. Ở TQ chỉ có hết đợt phục hưng này đến đợt phục hưng khác chứ không sản sinh ra cách mạng khoa học, công nghiệp.

Nguyên nhân phụ là vì TQ đã để mất các vùng đất thích hợp cho nuôi ngựa tốt về tay du mục, nhà Tống không đủ khéo léo trong chính sách ngoại giao và quân sự; cộng thêm thế lực du mục có địa bàn TQ đã hấp thụ được thành tựu công nghệ của TQ, trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết, vượt xa các thế lực du mục trong quá khứ. Bắc Tống liên Kim diệt Liêu để rồi bị Kim diệt, Nam Tống liên Mông diệt Kim để rồi bị Mông diệt, đều là tự chuốc họa vào thân. Mông Cổ giật lùi TQ như thế nào đã nói ở tút trước. (https://www.facebook.com/photo.php?fbid=741342629672069&set=a.170872653385739&type=3 )

Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là TQ khó có thể trở thành một đế chế hàng hải. Cái này không phải là do văn hóa, chính trị mà là do địa lý, dẫn đến cục thế lợi ích khác nhau.

Ở tút trước tôi đã nói vai trò của trào lưu Đại Hàng Hải đối với cách mạng khoa học ở châu Âu. ( https://www.facebook.com/photo.php?fbid=746497392489926&set=a.110768886062783&type=3 ). Địa lý châu Âu thích hợp cho phát triển hải thương, hàng hải. Các vùng biển nước nông ở Tây Âu thích hợp cho đánh cá xa bờ, phát triển các loại thuyền đánh cá đi xa năng động. Hoạt động đi biển trước giờ vốn sôi nổi, đế chế Ottoman chặn đường chỉ cường hóa tiềm năng vốn có của nó. Khoảng cách giữa bờ Tây châu Âu và châu Mỹ ngắn hơn nhiều so với khoảng cách giữa bờ đông TQ và châu Mỹ. Columbus không phải là người châu Âu đầu tiên khám phá ra châu Mỹ. Dân Viking đã đến châu Mỹ định cư từ lâu (Vinland, L’Anse aux Meadows). Châu Âu với thế cục phân mảnh, phụ thuộc nặng nề vào giao thương, và thường ở trong thế cạnh tranh gắt gao với nhau, rất cần những con đường giao thương mới.

Còn Trung Quốc vốn rộng lớn trù phú, được bao bọc bởi dãy Hi Mã Lạp Sơn và rặng Thiên Sơn, trước giờ chỉ giao lưu nhỏ giọt với Tây phương, và lợi ích kinh tế do giao thương mang lại không quá lớn. Những chuyến hải trình đồ sộ của Trịnh Hòa bị hủy không phải vì đầu óc TQ bảo thủ hơn Tây phương. Mà vì nó quá tốn kém, thu không bằng chi, không đáng mạo hiểm, cho nên tiếng nói bảo thủ mới có điều kiện chiến thắng. Hơn nữa Trung Quốc muốn trao đổi gì với Tây phương thì cứ giong thuyền nhỏ qua eo biển Malacca đi qua Đông Nam Á rồi tây tiến. Dù triều đình nhà Minh ra lệnh cấm thì thương nhân vẫn cứ làm và đã làm, buôn lậu diễn ra rầm rộ hơn bao giờ và chính phủ cũng bất lực làm ngơ. Cho nên người TQ càng không có lý do để giong buồm về Đông Hải xuyên qua Thái Bình Dương bạt ngàn vô tận như Tây phương băng qua Đại Tây Dương. Khả năng TQ tìm đến châu Mỹ trước Tây phương ngay từ đầu đã là hết sức nhỏ.

Và vì thế TQ đã không tìm đến châu Mỹ. Không phải vì thiếu văn hóa xâm lược chinh phạt, mà là do địa lý đã định hướng như vậy. TQ đã bành trướng đến giới hạn tự nhiên của mình trong điều kiện nông nghiệp, muốn bành trướng hơn nữa cũng lực bất tòng tâm. Nhà Đường đã lập ra An Nam, An Bắc, An Đông, An Tây Đô Hộ Phủ để làm bàn đạp bành trướng. Nhà Tống hai lần xâm lược VN. Nhà Minh ngay thời Trịnh Hòa đi biển đã nhân thế mạnh thôn tính VN, ngược đãi dân chúng có thua gì ai. Nhà Thanh bành trướng tới cực hạn và diệt chủng cả người Mông Cổ ở Dzungar, không thôn tính VN là vì không thể chứ không phải vì không muốn. Chẳng có lý do gì để tin rằng người TQ hiền hơn người châu Âu. Giai cấp thống trị và thương nhân ở đâu cũng truy cầu lợi ích tối đa. Chẳng qua do cục thế lợi ích khác nhau mà dẫn đến quyết định và kết quả khác nhau.

Ở Trung Quốc cũng có những phong trào có tiềm năng phát triển thành khoa học, như trào lưu Khảo Chứng Học do Cố Viêm Võ dẫn đầu, đòi hỏi phát ngôn phải có chứng cứ xác thực. Nhưng do không có một nền kinh tế xuyên lục địa làm cơ sở xã hội nên không thể đơm hoa kết trái, hình thành thế giới quan khoa học đúng nghĩa. Hơn nữa TQ không có những chuyến hải trình làm lung lay thẩm quyền xưa cũ như ở phương Tây. Tư liệu do những người đi biển mang về ngày càng chồng chất khiến cho địa lý học, bản đồ học của Ptolemy sụp đổ, đặt nghi vấn đối với phần còn lại của thẩm quyền cũ.

Chỉ sau khi hệ thống thiên văn nhật tâm của Copernicus áp dụng vào tính kinh độ vĩ độ ngày càng chứng tỏ độ hiệu quả siêu việt và cần thiết cho những chuyến hải hành xa, thì nó mới thay thế thiên văn học Ptolemy ở diện rộng. Kết quả đó xuất phát từ cục thế thực tiễn định hướng bởi địa lý, chứ không phải là do văn hóa TQ cứng nhắc bảo thủ độc tài hơn văn hóa phương Tây. Bruno đã bị thiêu sống và Galileo bị ép phải nói trái đất không quay - không kém gì văn tự ngục ở TQ. Tuy nhiên hoạt động thực tiễn (thương mại, nghiên cứu khoa học) gắn liền với nền kinh tế xuyên đại tây dương vẫn cứ tiếp diễn mạnh mẽ, buộc thẩm quyền tri thức cố cựu phải nhường đường, kích thích tinh thần phê phán.

Mạng lưới giao thương xuyên Đại Tây Dương đã mở ra một mặt trận kinh tế mới ở quy mô chưa từng có trong lịch sử cho Tây phương, sản sinh ra những nhu cầu mới và từng bước thay đổi hoàn toàn diện mạo của Tây phương. Nó đưa ra những bằng chứng thực địa khiến thẩm quyền xưa cũ bị lung lay, đồng thời đặt ra nhu cầu chuẩn hóa và chính xác số lượng cao độ, tạo tiền đề cho cách mạng khoa học (định lượng, thực nghiệm). Bên cạnh nguồn tư bản do vàng bạc, tài nguyên và nhân lực nô lệ, phu đồn điền thuộc địa cung cấp --- mạng lưới thương mại mới thúc đẩy quá trình đô thị hóa, sự hình thành các phương thức sản xuất mới (công ty cổ phần, tín dụng, phương thức sản xuất tư bản tách lao động ra khỏi sở hữu tư liệu sản xuất), tích lũy tư bản nguyên thủy, và một nền văn hóa tiêu thụ sơ khai. Rào cản do bất đồng ngôn ngữ, pháp lý, thuế khóa giữa các lãnh địa nhỏ dần được dẹp bỏ, tạo tiền đề cho sự hình thành nhà nước dân tộc.

Do địa lý đảo quốc thích hợp cho phát triển hải quân và hải thương, nước Anh dần nổi lên thành một cường quốc, đánh bại hải quân Tây Ban Nha, chấm dứt tham vọng thống nhất Âu lục của nhà Habsburg. Nếu châu Âu được đặt dưới sự cai trị thống nhất của một hoàng triều tuyệt đối chủ nghĩa như TQ thì sức năng động của nó sẽ suy giảm đáng kể. Trong khi các cường quốc Âu lục đang theo đuổi chủ nghĩa tuyệt đối, thì ở Anh quyền lực của vua ngày càng bị giới hạn, nhưng luật pháp quốc gia được nâng cao vị thế, giúp nền kinh tế năng động hơn.

Dưới sự thôi thúc của phát triển thương mại trong bối cảnh kinh tế xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt là công nghiệp may mặc, giới quý tộc đã tư sản hóa của Anh đẩy nông dân ra khỏi ruộng đất để tập trung nuôi cừu (cừu ăn thịt người), tạo ra một lực lượng lao động vô sản lớn tiến vào thành thị kiếm việc làm công nghiệp. Đây là một tiền đề quan trọng cho cách mạng công nghiệp ở Anh (cùng với nguồn than lớn). Song song với sự ra đời của giai cấp vô sản, giai cấp tư sản cũng được hình thành và ngày càng lớn mạnh, đòi hỏi quyền lợi chính trị.

Đồng thời, cách mạng khoa học làm lung lay thẩm quyền tôn giáo cố cựu, và những thành tựu của con người trước tự nhiên cũng đặt con người vào vị thế trung tâm. Các học thuyết chính trị nhân bản thời Khai sáng ra đời, cùng với cách mạng công nghiệp và sự trỗi dậy của giai cấp tư sản, đã tạo tiền đề cho cuộc cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp, nã pháo vào thành trì phong kiến, sản sinh ra nhà nước dân tộc hiện đại dựa trên hiến pháp, đưa khả năng huy động nhân lực binh lực lên một tầm cao mới. Theo bước chân chinh phạt của Napoleon, hệ thống luật dân sự mới lan ra khắp Âu lục. Tham vọng nhất thống Âu lục hình thành một đế chế lục địa ở châu Âu của Napoleon, cũng như nhà Habsburg, đã bị đảo quốc Anh (và Nga) phá vỡ.

Sự nổi lên của các đế chế thuốc súng đã đặt dấu chấm hết cho các đế chế du mục. Nòng pháo của đế quốc Nga sa hoàng và Đại Thanh đóng lại con đường thảo nguyên Á-Âu, chấm dứt mối họa di dân du mục, tạo điều kiện cho cả Đông lẫn Tây bứt phá các giới hạn phát triển cũ. Nhà Thanh mở mang bờ cõi, khai khẩn đất hoang, tiếp thu các giống cây trồng mới từ châu Mỹ, đưa dân số và quy mô kinh tế TQ lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, mặt trận kinh tế mà nhà Thanh mở ra vẫn là quá nhỏ so với nền kinh tế xuyên Đại Tây Dương của Tây phương.

Do điều kiện địa lý, khả năng TQ công nghiệp hóa trước Tây phương là vô cùng thấp. Tuy nhiên TQ vẫn có thể đi theo con đường của Nhật. Tại sao Nhật có thể nhanh chóng hiện đại hóa còn nhà Thanh thì không. Ở đây không khỏi có vai trò của phẩm chất cá nhân của lãnh đạo, nhưng càng quan trọng hơn là vai trò của thể chế. Chính phủ Nhật Bản ban đầu cũng học theo nhà Thanh, cũng bế quan tỏa cảng, thanh trừng Kitô giáo, không chịu học hỏi phương Tây. Tuy nhiên, do cơ chế phân quyền, các phiên vương / Đại Danh do nhu cầu cạnh tranh đã chủ động tiếp thụ công nghệ Tây phương, từ đó buộc Thiên Hoàng phải cải cách. Phong trào Tây học chủ yếu là một phong trào từ hạ hướng thượng, do các trí thức tư nhân dẫn đầu. Còn Trung Quốc do thể chế tập quyền, nên thiếu linh động hơn trong việc cải cách và tiếp thu cái mới (nhất là khi tầng lớp thống trị Mãn Châu e ngại rằng cải cách đổi mới sẽ làm rung chuyển sự thống trị của người Mãn). Ở phương Tây, Columbus xin người này không được thì đi xin người khác, các vị quân vương đang cạnh tranh gắt gao nên cũng muốn thử nghiệm. Ở thời chiến quốc, mỗi khi một nhà nước có cải cách gì hiệu quả là các nhà nước khác đều ít nhiều học theo.

Khi các giáo sĩ dòng tên sang TQ truyền đạo và đem theo khoa học Tây phương (đã phần nào lạc hậu), Khang Hy vui vẻ học hỏi phần khoa học, nhưng ngại phải tiếp nhận phần tôn giáo. Các giáo sĩ muốn sử dụng kiến thức khoa học để truyền giáo và gắn hai thứ đó với nhau. Cuối cùng Khang Hy vì muốn khước từ Kitô giáo đã phải khước từ cả hai. Khang Hy cũng cho lập học viện nghiên cứu khoa học nhưng chất lượng / kết quả kém xa và nặng nề cựu học.

Kết cục như thế nào thì chúng ta đã biết. Văn minh phương Tây bá chủ hoàn cầu, hình thành các đế chế thực dân hải dương. Trung Quốc từ một trung tâm độc lập trở thành một vệ tinh ngoại vi của văn minh Tây phương, chịu đựng trăm năm quốc sỉ, nhưng chưa tuyệt mệnh. Sự cạnh tranh giữa các đế chế hải dương Tây phương dẫn đến hai cuộc Thế chiến. Tham vọng thống nhất Âu lục hình thành một đế chế lục địa của Đức một lần nữa thất bại, cũng do đảo quốc Anh (cùng hậu duệ của nó là Mỹ) và Nga. Thời đại của các đế chế hải dương đã qua, nhường chỗ cho các đế chế (tiểu) lục địa là Mỹ và Liên Xô.

Liên Xô sụp đổ. Dù trầy trật nhưng cuối cùng TQ cũng quay trở lại quỹ đạo phát triển, lấy lại vị thế đế chế lục địa để cạnh tranh với Mỹ. Ngay cả một đại nhân vật với sức phá hủy khủng khiếp như Mao Trạch Đông cũng chỉ có làm trì hoãn sự phát triển của TQ 20 năm, chứ không thể dập tắt nó. Quan điểm lịch sử do vĩ nhân quyết định từ lâu không còn được giới sử học chấp nhận. Tác giả dự đoán rằng sau năm 2100 Trung Quốc sẽ vượt trội Tây phương về mọi mặt, nhưng sự khác biệt giữa đông tây cũng sẽ dần mất đi ý nghĩa. Một số kết luận phỏng đoán khác của tác giả tôi không đồng tình lắm và cũng không tiện trình bày ở đây.

Đây là một cuốn sách lớn, đặt ra một đại học thuyết, đại tự sự. Cuốn sách có một số sai sót, do tác giả không nắm vững các tiểu tiết của lịch sử TQ. Có một số luận điểm tôi cũng chưa đồng tình. Nhưng về đại thể, tôi thấy đây là một cuốn sách đáng đọc. Góc nhìn của nó cần được bổ sung bởi các tác phẩm của Peter Turchin và Walter Scheidel (sẽ review khi có dịp).

#IanMorrisLs

✅ Nguyễn Đỗ Thuyên:

Chưa từng đọc bài review nào dài như thế này. May mà bác tóm tắt lại hết sức mạch lạc, nên cũng không lo không nắm được hết điểm chính.

Thuyết địa lý có vẻ chiếm ưu thế trong cuộc đua lý giải cho sự phát triển, em nghĩ một phần vì các thuyết khác dễ vướng vào vấn đề biến nội sinh (biến giải thích có nguy cơ trở thành kết quả chứ ko phải là nguyên nhân của sự phát triển. Chẳng hạn: thuyết "Chủng tộc => Phát triển" có thể bị phản bác vì ở nhiều trường hợp, là vì phát triển nên dinh dưỡng được cải thiện, gen tốt dần lên chứ ko phải vì gen tốt thúc đẩy phát triển). Biến Địa lý ko mắc phải nguy cơ đó (dù có phát triển thì cũng rất khó thay đổi địa lý quy mô lớn, cùng lắm chỉ là phá núi xây đường, hoặc đào Đại Vận Hà như Tùy Dạng đế; chứ ko thể là bê cả quốc gia ra gần biển).

Thuyết Địa lý cũng từng bị tác giả của "Why nations fail" phản bác thông qua ví dụ của Nam Triều Tiên (vị trí như Hàn Quốc nhưng kém phát triển hơn) hoặc Mexico (so với Mỹ). Nhưng khi khảo sát với đối tượng nghiên cứu ở cấp độ lớn hơn quốc gia - ở đây là phương Đông và phương Tây, thì gần như những phản ví dụ đó cũng mất đi tác dụng.

Đề nghị bác LS Thiết dịch cuốn này. Xong rồi bác kêu gọi đô nết như Nhu To tiểu thơ, em xin tiên phong mua hẳn 2 cuốn :v

✅ Thiết LS:

Jared Diamond phê bình cuốn Why Nations Fail ở điểm là nó không giải thích được tại sao nước này hay nước kia lại có thể chế này hay thể chế kia, ngoài việc trình bày những quyết định ngẫu nhiên, những diễn biến lịch sử có vẻ ngẫu nhiên. Diamond cho rằng, ở xứ có điều kiện địa lý thuận lợi cho phát triển thì sẽ phát triển văn minh cao, hình thành truyền thống văn minh lâu đời với kỹ năng xây dựng thể chế cao. Và khi dân xứ đó đến một vùng đất mới mang theo bộ kỹ năng đó sẽ có thể dựng lên thể chế tốt. Dân ở xứ có điều kiện địa lý xấu, trước giờ văn minh thấp, không có truyền thống xây dựng thể chế tốt, thì sẽ khó lòng đùng một cái xây dựng thể chế tốt. Chung quy vẫn do địa lý.

Câu hỏi của cuốn này của Ian Morris không bỏ qua hay phủ định thể chế. Phương Tây thống trị vì phương Tây có thể chế chính trị mở, có thể chế kinh tế là công nghiệp. Nhưng vấn đề là tại sao Tây phương lại tự phát triển được thể chế như vậy còn các xứ khác thì không. Không phải do ý chí chủ quan, lựa chọn ngẫu nhiên. Câu trả lời rốt cuộc vẫn quay về địa lý. Đúng như bác nói, biến thể chế nó cũng là kết quả của biến địa lý chứ không phải nguyên nhân tối hậu.

Thể chế ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh xã hội. Thể chế có thể được lựa chọn bằng ý chí chủ quan của cá nhân. Tuy nhiên lựa chọn thể chế nào không phù hợp với điều kiện địa lý đương địa, không phát huy tối ưu điều kiện địa lý và nền tảng tri thức chung đương thời, thì sẽ bị thể chế tối ưu hơn đánh bại, thôn tính, hoặc bị ép phải thay đổi thể chế.

Vd: Xã hội nông nghiệp chiến thắng xã hội săn bắt hái lượm, buộc bọn hái lượm phải chuyển sang nông nghiệp. Rồi công nghiệp đánh bại xã hội nông nghiệp, buộc xh nông nghiệp phải chuyển sang công nghiệp.

Đó là cơ chế "chọn lọc tự nhiên" với đối tượng chọn lọc là thể chế. Thể chế cũng như gene tiến hóa để thích nghi với môi trường. Cho nên về lâu về dài thì mỗi vùng đất sẽ hình thành nên loại thể chế phù hợp nhất với nó ở trình độ phát triển đương thời. Châu Âu phân quyền mà TQ tập quyền, Nga cực quyền là vì vậy.

Trường hợp của Triều Tiên không thể dùng làm bằng chứng phủ định thuyết địa lý. Triều Tiên được duy trì bằng ngoại lực, được bảo vệ khỏi sức ép chọn lọc tự nhiên một cách "nhân tạo". Nếu không có TQ chống lưng thì Triều Tiên đã sụp từ lâu theo cơ chế "chọn lọc tự nhiên". Triều Tiên cũng giống như một một ngôi làng săn bắt hái lượm được một đế chế nông nghiệp bảo vệ để khỏi bị các nước nông nghiệp khác đánh vậy.

#WhyTheWestRules #IanMorris

share from Facebook Thiết LS,
Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc